Chăm sóc sau sinh

TheoJulie S. Moldenhauer, MD, Children's Hospital of Philadelphia
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 01 2022

Các biểu hiện lâm sàng trong thời kỳ sau sinh (giai đoạn 6 tuần sau khi sinh) thường phản ánh sự phục hồi của các thay đổi sinh lý đã xảy ra trong thai kỳ (xem bảng Những thay đổi sau sinh). Những thay đổi này tạm thời và không nên nhầm lẫn với các tình trạng bệnh lý khác.

Các biến chứng nghiêm trọng sau sinh rất hiếm gặp. Các biến chứng thường gặp nhất là

Các thông số lâm sàng

Trong vòng 24 giờ đầu tiên, mạch của người phụ nữ bắt đầu giảm và nhiệt độ có thể tăng lên chút ít.

Sản dịch có màu đỏ trong 3 đến 4 ngày (lochia rubra), sau đó trở thành màu nâu nhạt (lochia serosa), và sau 10 đến 12 ngày tiếp theo, nó sẽ biến thành màu vàng trắng (lochia alba).

Khoảng 1 đến 2 tuần sau khi sinh, vảy ở vị trí nhau bám bong ra và thấy chảy chút máu. Tổng lượng máu mất khoảng 250 mL; băng vệ sinh ngoài có thể được sử dụng để hấp thụ lượng máu này. Nút vệ sinh chỉ có thể được sử dụng nếu bác sĩ của người phụ nữ đó chấp thuận việc sử dụng loại này. Không nên dùng nút vệ sinh vì loại này có thể ức chế quá trình liền các vết rách ở vùng đáy chậu và ở âm đạo. Phụ nữ cần phải được tư vấn về việc liên hệ với bác sĩ của họ nếu họ lo lắng về việc chảy máu nhiều. Chảy máu kéo dài (xuất huyết sau sinh) có thể là một dấu hiệu nhiễm trùng hoặc sót rau nên cần kiểm tra.

Tử cung co hồi không ngừng; sau 5 đến 7 ngày, nó chắc và không còn mềm, nằm ở giữa từ bờ mu cho tới rốn. Đến tuần 2, nó không còn sờ thấy ở bụng và thường từ 4 đến 6 tuần sẽ trở lại với kích cỡ như trước khi có thai. Giai đoạn co hồi tử cung sau sinh, nếu đau, có thể cần dùng thuốc giảm đau.

Các chỉ số xét nghiệm

Trong tuần đầu tiên, nước tiểu tạm thời tăng thể tích và trở nên loãng hơn khi lượng huyết tương bổ sung của thai kỳ được bài tiết ra ngoài. Cần phải cẩn thận khi giải thích kết quả phân tích nước tiểu vì sản dịch có thể làm ô nhiễm nước tiểu.

Bởi vì lượng máu được phân phối lại, hematocrit có thể dao động, mặc dù nó có xu hướng vẫn ở trong phạm vi như ở thời điểm trước khi có thai nếu sản phụ không bị mất máu. Do số lượng bạch cầu (WBC) tăng lên trong quá trình chuyển dạ, tăng bạch cầu rõ rệt (lên đến 20.000 đến 30.000/mcL) xảy ra trong 24 giờ đầu sau sinh; số lượng bạch cầu trở lại bình thường trong vòng 1 tuần. Fibrinogen huyết tương và tốc độ lắng hồng cầu (ESR) vẫn tăng trong tuần đầu sau sinh.

Bảng

Quản lý ban đầu

Nguy cơ bị nhiễm trùng, xuất huyết, và đau quá mức phải được giảm thiểu. Phụ nữ thường được theo dõi ít nhất 1 đến 2 giờ sau giai đoạn 3 của cuộc chuyển dạ và kéo dài thêm vài giờ nếu gây tê vùng hoặc gây mê toàn thân khi sinh (ví dụ do dùng forcep hoặc hút chân không hoặc mổ lấy thai) hoặc nếu quá trình sinh không suôn sẻ.

Xuất huyết

(Để biết thêm thông tin, hãy xem Băng huyết sau sinh.)

Giảm thiểu chảy máu là ưu tiên hàng đầu; các biện pháp bao gồm

  • Xoa bóp tử cung

  • Đôi khi có thể tiêm truyền oxytocin

Trong khoảng một giờ đầu sau giai đoạn 3 của chuyển dạ, tử cung được xoa bóp thường xuyên để chắc chắn rằng nó đang co bóp, ngăn ngừa mất máu quá nhiều.

Nếu tử cung không co thắt sau khi xoa bóp, oxytocin 10 đơn vị dùng đường tiêm bắp hoặc pha loãng để truyền đường tĩnh mạch (10 hoặc 20 [tối đa 80] đơn vị/1000mL dịch truyền đường tĩnh mạch) tốc độ 125 đến 200 mL/giờ ngay sau khi sổ rau. Thuốc được tiếp tục cho đến khi tử cung co chắc; sau đó nó được giảm hoặc dừng lại. Không nên dùng oxytocin như tiêm tĩnh mạch liều cao vì có thể gây ra hạ huyết áp trầm trọng.

Nếu chảy máu tăng lên, sử dụng 0,2 mg methergine tiêm bắp 2 đến 4 giờ hoặc misoprostol 600 đến 1000 mcg uống, đặt dưới lưỡi, đặt hậu môn để tăng trương lực tử cung. Methergine 0,2 mg sau mỗi 6 đến 8 giờ có thể được dùng liên tiếp 7 ngày nếu cần. Axit tranexamic 1 g IV có thể được bổ sung; phải được cho dùng trong vòng 3 giờ sau khi sinh để có hiệu quả.

Đối với tất cả phụ nữ, những điều sau đây cần chuẩn bị sẵn trong thời gian hồi phục

  • Oxy

  • Nhóm máu O Rh âm hay nhóm máu tương thích

  • Truyền dịch

Nếu mất máu quá nhiều (≥ 500 mL), cần xét nghiệm công thức máu (CBC) để xác minh rằng phụ nữ không bị thiếu máu trước khi xuất viện. Nếu không mất máu nhiều thì không cần xét nghiệm máu.

Chế độ ăn uống và sinh hoạt

Sau 24 giờ đầu, phục hồi nhanh. Một chế độ ăn uống thông thường nên được cung cấp ngay khi phụ nữ mong muốn được ăn. Khuyến khích ăn đủ chất càng sớm càng tốt.

Các hoạt động thể dục thì tuỳ từng trường hợp và phụ thuộc vào tình trạng của người mẹ có bệnh hay biến chứng gì không. Thông thường, các bài tập tăng cường cơ bụng có thể được bắt đầu sau khi cảm giác khó chịu khi sinh giảm bớt, thường trong vòng 1 ngày đối với những phụ nữ sinh thường và muộn hơn (thường là sau 6 tuần) đối với những phụ nữ sinh mổ. Cho dù các bài tập về khung chậu (ví dụ, Kegel) không chắc là hữu ích hay không, nhưng các bài tập này có thể bắt đầu ngay khi bệnh nhân đã sẵn sàng.

Chăm sóc vùng chậu

Nếu sinh thường không có biến chứng, tắm gội được cho phép nhưng cấm thụt rửa âm đạo. Vùng âm hộ nên được làm sạch từ trước ra sau.

Ngay sau khi sinh, chườm đá có thể giúp làm giảm các cơn đau đớn và phù nề tại chỗ bị cắt tầng sinh môn hoặc làm lành vết thương, đôi khi kem lidocaine hoặc thuốc xịt có thể được sử dụng để giảm đau.

Sau đó, tắm ngâm trong nước ấm có thể được sử dụng vài lần trong ngày.

Khó chịu và đau

Các thuốc giảm đau NSAID, như ibuprofen 400 mg mỗi 4 đến 6 giờ, có hiệu quả giúp giảm khó chịu vùng chậu và co rút tử cung. Acetaminophen 500 đến 1000 mg đường uống mỗi 4 đến 6 giờ cũng được sử dụng. Acetaminophen và ibuprofen có vẻ tương đối an toàn trong thời gian cho con bú. Nhiều loại thuốc giảm đau khác được tiết ra trong sữa mẹ.

Sau khi phẫu thuật hoặc sửa chữa vết rách đáng kể, acetaminophen 650 mg IV mỗi 4 giờ hoặc 1000 mg IV mỗi 6 đến 8 giờ (không quá 4 g/ngày) có thể được sử dụng. Truyền dịch trong khoảng ≥ 15 phút. Truyền tĩnh mạch acetaminophen làm giảm nhu cầu opioid (1). Một vài người cần phải sử dụng opioid để giảm đau nhưng cần sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả.

Nếu vẫn còn đau nhiều thì cần đánh giá về các biến chứng như tụ máu âm hộ.

Chức năng của bàng quang và ruột.

Nên tránh để ứ tiểu, căng bàng quang và đặt ống thông nếu có thể. Tăng bài niệu có thể nhanh chóng xảy ra đặc biệt khi dừng sử dụng oxytocin. Khuyến khích và theo dõi tập tự tiểu sớm để ngăn bàng quang căng quá mức. Một khối phồng ở đường giữa sờ thấy ở vùng trên mu hoặc đáy tử cung nằm cao hơn rốn gợi ý đến bàng quang có quá nhiều nước tiểu. Nếu để bàng quang quá căng, việc đặt sonde tiểu là cần thiết để giảm bớt sự khó chịu và ngăn ngừa rối loạn chức năng tiểu tiện sau này. Nếu bàng quang căng quá mức lại tái phát, lưu lại sonde hoặc đặt sonde ngắt quãng có thể cần thiết.

Phụ nữ được khuyến khích đi ngoài trước khi xuất viện mặc dù điều này thì không thực tế đối với những sản phụ xuất viện sớm. Nếu việc đi ngoài không diễn ra trong vòng 3 ngày, có thể dùng một loại thuốc thụt nhẹ (như psyllium, docusate, bisacodyl). Tránh táo bón để giúp ngăn ngừa hoặc làm nhẹ bệnh trĩ đang có, điều này cũng có thể được thực hiện bằng tắm bồn nước nóng. Những sản phụ có tổn thương vùng trực tràng rộng hay tổn thương cơ vòng hậu môn thì có thể cho thuốc làm mềm phân (ví dụ docusate).

Gây tê vùng (tủy sống hoặc tê ngoài màng cứng) hoặc gây mê toàn thân có thể làm chậm đại tiểu tiện tự nhiên, một phần là do đi lại bị hạn chế.

Tiêm chủng và giảm nhạy cảm Rh

(Xem thêm Các loại vắc xin trong thai kỳ, Hướng dẫn tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thaiCDC: Các loại vắc xin phòng COVID-19 khi mang thai hoặc cho con bú.)

Phụ nữ âm tính với rubella nên được tiêm vaccin chủng ngừa rubella vào ngày xuất viện.

Lý tưởng nhất là vắc xin uốn ván-bạch hầu-ho gà (Tdap) được cho giữa tuần 27 và 36 của mỗi thai kỳ; Vắc-xin Tdap giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch của mẹ và chuyển các kháng thể thụ động cho trẻ sơ sinh. Nếu phụ nữ chưa bao giờ được chủng ngừa vắc-xin Tdap (không phải trong thời kỳ hiện tại hoặc đang mang thai trước đó cũng như ở tuổi vị thành niên hoặc người lớn), họ nên được tiêm Tdap trước khi xuất viện hoặc trung tâm sinh nở, bất kể tình trạng cho con bú của họ. Nếu các thành viên trong gia đình dự đoán sẽ tiếp xúc với trẻ sơ sinh mà trước đó chưa được tiêm Tdap, họ nên được tiêm Tdap trước khi tiếp xúc với trẻ sơ sinh ít nhất 2 tuần để chủng ngừa cho họ chống lại bệnh ho gà. (2).

Phụ nữ mang thai chưa có bằng chứng về khả năng miễn dịch nên được tiêm liều đầu tiên của vắc xin thủy đậu sau khi sinh và liều thứ 2 sau liều đầu tiên từ 4 đến 8 tuần.

Vắc xin bổ sung có thể được khuyến nghị tùy thuộc vào tiền sử sức khoẻ và tiêm vắc xin của mẹ.

Nếu thai phụ có Rh âm mà sinh con có Rh dương nhưng không bị nhạy cảm thì nên dùng Rho(D) globulin miễn dịch 300 mcg tiêm bắp trong vòng 72 giờ sau khi sinh nhằm ngăn ngừa sự nhạy cảm.

Căng tức ngực

Tắc sữa sẽ làm ngực căng tức gây đau cho sản phụ khi tiết sữa sớm.

Đối với những phụ nữ muốn cho con bú, những điều sau đây được khuyến cáo cho đến khi lượng sữa tiết ra đủ cho nhu cầu của đứa trẻ.

  • Vắt sữa bằng tay khi tắm nước ấm hoặc hút sữa giữa các lần cho ăn để làm giảm căng tạm thời (tuy nhiên chỉ nên thực hiện khi cần thiết vì làm như vậy càng khuyến khích tiết sữa)

  • Cho con bú sữa mẹ đều đặn

  • Mặc áo ngực cho con bú thoải mái 24 giờ/ngày

Đối với những phụ nữ không cho con bú sữa mẹ, những điều sau đây được đề nghị:

  • Giúp vú ngăn tiết sữa vì trọng lực kích thích phản xạ chảy xuống và gây tiết sữa

  • Hạn chế kích thích núm vú và biểu hiện bằng tay, có thể làm tăng tiết sữa

  • Ép chặt ngực (ví dụ, dùng áo ngực khít sát), chườm lạnh, thuốc giảm đau nếu cần và theo dõi các triệu chứng tạm thời khi ngăn tiết sữa.

Khuyến cáo không nên dùng thuốc để ngăn tiết sữa.

Các rối loạn tâm thần

Các triệu chứng trầm cảm thoáng qua (hội chứng trầm cảm sau khi sinh) rất phổ biến trong những tuần đầu sau khi sinh. Các triệu chứng (ví dụ như sự thay đổi tâm trạng, khó chịu, lo lắng, khó tập trung, mất ngủ, hay khóc) thường nhẹ và thường giảm sau 7 đến 10 ngày.

Các bác sĩ nên hỏi phụ nữ về các triệu chứng trầm cảm trước và sau khi sinh và nhắc họ nhận ra các triệu chứng trầm cảm, là những ảnh hưởng bình thường của việc làm mẹ (ví dụ như mệt mỏi, khó tập trung). Các thầy thuốc cần khuyên thai phụ nên liên hệ sớm với họ nếu các triệu chứng trầm cảm tiếp tục > 2 tuần hoặc ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày hoặc nếu phụ nữ có ý nghĩ tự tử hay giết người. Trong trường hợp này, trầm cảm sau sinh hoặc rối loạn tâm thần khác có thể xảy ra. Trong chuyến thăm toàn diện sau khi sinh, tất cả phụ nữ nên được kiểm tra về rối loạn cảm xúc và lo âu sau sinh bằng cách sử dụng một công cụ xác nhận (3).

Tiền sử trầm cảm sau sinh hay tiền sử có rối loạn tâm thần có thể tái phát hoặc trở nên xấu đi trong suốt thời kỳ hậu sản, vì vậy phụ nữ bị ảnh hưởng nên được giám sát chặt chẽ.

Tài liệu tham khảo về quản lý bước đầu

  1. 1. Altenau B, Crisp CC, Devaiah CG, Lambers DS: Randomized controlled trial of intravenous acetaminophen for postcesarean delivery pain control. Am J Obstet Gynecol 217 (3):362.e1–362.e6, 2017. doi: 10.1016/j.ajog.2017.04.030 Epub 2017 Apr 25.

  2. 2. American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG) Committee on Obstetric Practice, Immunization and Emerging Infections Expert Work Group: Committee Opinion No. 718: Update on Immunization and Pregnancy: Tetanus, Diphtheria, and Pertussis Vaccination. Obstet Gynecol 130 (3):e153–e157, 2017. doi: 10.1097/AOG.0000000000002301

  3. 3. American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG) Committee on Obstetric Practice: Committee Opinion No. 757: Screening for Perinatal Depression. Obstet Gynecol 130 (3): 132 (5):e208–e212, 2018. doi: 10.1097/AOG.0000000000002927

Quản lý tại nhà

Thai phụ và trẻ sơ sinh có thể được xuất viện sau 24 đến 48 giờ sau sinh, một số khoa sản cho xuất viện sớm hơn, 6h sau sinh nếu như không gây mê hay không có biến chứng nào xảy ra.

Các vấn đề nghiêm trọng là rất hiếm, nhưng thăm tại nhà, khám tại văn phòng hoặc gọi điện thoại trong vòng 24 đến 48 giờ giúp sàng lọc các biến chứng. Thường khám lại vào 3 đến 8 tuần sau sinh đối với những thai phụ đẻ thường đường âm đạo không biến chứng. Nếu sinh mổ hay có biến chứng khi sinh thì nên lập kế hoạch khám lại sớm hơn.

Các hoạt động bình thường có thể được tiếp tục ngay khi người phụ nữ cảm thấy sẵn sàng.

Có thể quan hệ tình dục lại sau sinh ngay khi muốn và cảm thấy thoải mái tuy nhiên cần phải để cho các vết rách tầng sinh môn liền trước. Nếu phải mổ đẻ thì cần phải trì hoãn quan hệ tình dục cho đến khi vết thương sau phẫu thuật lành lại.

Kế hoạch hóa gia đình

Cần trì hoãn có thai trong vòng 1 tháng đối với những phụ nữ được tiêm vaccin ngừa rubella hoặc thuỷ đậu. Ngoài ra trì hoãn thụ thai ít nhất 6 tháng, tốt hơn là sau 18 tháng sau sinh.

Để giảm thiểu nguy cơ mang thai, phụ nữ nên bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai ngay sau khi xuất viện. Nếu phụ nữ không cho con bú sữa mẹ, rụng trứng thường xảy ra khoảng 4 đến 6 tuần sau khi sinh, 2 tuần trước khi có kinh nguyệt đầu tiên. Tuy nhiên, sự rụng trứng có thể xảy ra sớm hơn; phụ nữ có thể thụ thai sớm hơn 2 tuần sau sinh. Phụ nữ đang cho con bú có xu hướng rụng trứng và có kinh nguyệt muộn hơn, thường là khoảng 6 tháng sau sinh, mặc dù vài người rụng trứng và có kinh nguyệt (dẫn đến có thai) sớm như những người không cho con bú.

Phụ nữ nên chọn một phương pháp ngừa thai thích hợp dựa trên nguy cơ và lợi ích của mỗi phương pháp.

Tình trạng cho con bú có ảnh hưởng đến việc lựa chọn biện pháp tránh thai. Đối với phụ nữ cho con bú, các phương pháp không hormone thường được ưa chuộng; trong số các phương pháp dùng nội tiết tố, thuốc ngừa thai đường uống chỉ dùng progestin, thuốc tiêm dự trữ medroxyprogesterone acetate, và cấy ghép progestin được ưu tiên vì chúng không ảnh hưởng đến việc tiết sữa. Các thuốc ngừa thai Estrogen- progesterone có thể gây trở ngại cho việc tiết sữa và không nên bắt đầu trước khi có đủ sữa. Vòng âm đạo phối hợp estrogen- progestin có thể được sử dụng 4 tuần sau sinh nếu phụ nữ không cho con bú sữa mẹ.

Màng ngăn âm đạo chỉ nên dùng sau 6-8 tuần khi tử cung đã co hồi hoàn toàn, trong lúc đó có thể dùng foam, jel hay bao cao su để thay thế.

Dụng cụ tử cung có thể được đặt ngay sau khi sổ nhau, nhưng đặt sau 4 đến 6 tuần sau sinh sẽ giảm thiểu nguy cơ bị tống ra.

Những phụ nữ đã hoàn tất việc con cái của họ có thể chọn biện pháp tránh thai vĩnh viễn, là những thủ thuật ngoại khoa liên quan đến việc cắt bỏ hoặc thắt một phần của ống dẫn trứng. Các thủ thuật này có thể được thực hiện trong thời kỳ hậu sản, khi sinh mổ, hoặc sau thời kỳ hậu sản. Các thủ thuật này được coi là vĩnh viễn và không thể thay đổi.