Tổng quan về bệnh viêm ruột

TheoAaron E. Walfish, MD, Mount Sinai Medical Center;Rafael Antonio Ching Companioni, MD, HCA Florida Gulf Coast Hospital
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 11 2023

Bệnh viêm ruột (IBD), bao gồm Bệnh Crohnviêm đại tràng thể loét, là một tình trạng tái phát và thuyên giảm, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính tại các vị trí khác nhau trong đường tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy và đau bụng.

Viêm là kết quả của đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào ở niêm mạc đường tiêu hóa. Chưa biết nguyên nhân chính xác của bệnh viêm ruột, nhưng bằng chứng cho thấy hệ vi khuẩn đường ruột bình thường không thích hợp kích hoạt phản ứng miễn dịch ở những bệnh nhân có khuynh hướng di truyền đa yếu tố (có thể liên quan đến hàng rào biểu mô bất thường và khả năng phòng vệ miễn dịch ở niêm mạc). Không có nguyên nhân đặc hiệu về môi trường, chế độ ăn uống hoặc truyền nhiễm. Phản ứng miễn dịch liên quan đến việc giải phóng các chất trung gian gây viêm, bao gồm cytokine, interleukin và yếu tố hoại tử khối u.

Mặc dù bệnh Crohn và viêm đại tràng thể loét tương tự nhau nhưng các bệnh này có thể được phân biệt trong hầu hết các trường hợp (xem bảng Phân biệt bệnh Crohn và viêm đại tràng thể loét). Khoảng 10% số trường hợp viêm đại tràng ban đầu không phân biệt được và được coi là không phân loại; nếu mẫu bệnh phẩm mô học lấy bằng phẫu thuật cũng không phân loại được bệnh thì gọi là viêm đại tràng không xác định. Thuật ngữ viêm đại tràng chỉ áp dụng cho bệnh viêm ở đại tràng (ví dụ: loét, u hạt, thiếu máu cục bộ, do phóng xạ, nhiễm trùng). Viêm đại tràng co thắt (niêm mạc) là thuật ngữ sai, đôi khi được sử dụng cho một rối loạn chức năng như hội chứng ruột kích thích.

Bảng

Dịch tễ học

Bệnh viêm ruột (Inflammatory bowel disease, IBD) ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi nhưng thường bắt đầu trước 30 tuổi, với tỷ lệ mắc cao nhất là từ 14 tuổi đến 24 tuổi (1). IBD có thể có thêm một đỉnh điểm mắc bệnh thứ hai nhỏ hơn vào khoảng giữa tuổi 50 và 70; tuy nhiên, đỉnh này có thể bao gồm một số trường hợp viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ.

IBD phổ biến nhất ở những người gốc Bắc Âu và Anglo-Saxon. Bệnh phổ biến gấp 2 lần đến 4 lần ở những người có nguồn gốc Do Thái Ashkenazi (những người đến từ Trung hoặc Đông Âu) so với những người Da trắng không phải Do Thái ở cùng một vị trí địa lý (2). Tỷ lệ mắc bệnh ở Trung và Nam Âu thấp hơn và ở các nước Nam Mỹ, Châu Á và Châu Phi còn thấp hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng ở những người Da đen và Mỹ Latinh sống ở Bắc Mỹ. Cả hai giới đều bị ảnh hưởng ngang nhau. Họ hàng thế hệ 1 của bệnh nhân IBD có tăng nguy cơ bị bệnh từ 4 đến 20 lần; nguy cơ tuyệt đối có thể lên đến 7%. Khuynh hướng gia đình thường xảy ra ở bệnh Crohn hơn so với viêm đại tràng thể loét. Một số đột biến gen đã được xác định làm tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn (và một số đột biến có thể liên quan đến viêm đại tràng thể loét).

Hút thuốc lá có vẻ như góp phần vào sự tiển triển hoặc làm trầm trọng thêm bệnh Crohn nhưng làm giảm nguy cơ của viêm đại tràng thể loét. Phẫu thuật cắt ruột thừa trong viêm ruột thừa cũng làm giảm nguy cơ viêm đại tràng thể loét. Các thuốc chống viêm không có steroid (NSAID) có thể làm trầm trọng thêm bệnh IBD. Thuốc ngừa thai đường uống có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh Crohn. Một số dữ liệu cho thấy bệnh chu sinh và sử dụng kháng sinh ở trẻ em có thể có liên quan đến tăng nguy cơ mắc IBD.

Vì những lý do không rõ ràng, những người có tình trạng kinh tế xã hội cao hơn có thể có tăng nguy cơ bị bệnh Crohn.

Tài liệu tham khảo chung

  1. 1. Bernstein CN, Rawsthorne P, Cheang M, et al: A population-based case control study of potential risk factors for IBD. Am J Gastroenterol 101(5):993-1002, 2006 doi: 10.1111/j.1572-0241.2006.00381.x

  2. 2. Schiff ER, Frampton M, Semplici F, et al: A new look at familial risk of inflammatory bowel disease in the Ashkenazi Jewish population. Dig Dis Sci 63(11):3049-3057, 2018 doi: 10.1007/s10620-018-5219-9

Biểu hiện ngoài ruột của bệnh viêm ruột

Bệnh Crohn và viêm đại tràng thể loét đều ảnh hưởng đến các cơ quan khác ngoài ruột. Hầu hết các biểu hiện ngoài ruột xảy ra phổ biến ở viêm đại tràng thể loét và Crohn đại tràng hơn so với bệnh Crohn giới hạn ở ruột non. Các biểu hiện ngoài ruột của bệnh viêm ruột được phân loại theo 3 cách:

1. Rối loạn thường song song (tức là, xuất hiện rồi thuyên giảm với) với các đợt bùng phát của IBD: Những rối loạn này bao gồm viêm khớp ngoại biên, viêm thượng củng mạc, viêm miệng áp tơhồng ban nút. Viêm khớp có xu hướng liên quan đến khớp lớn, mang tính di chuyển và thoáng qua.

2. Các rối loạn có liên quan rõ ràng đến IBD nhưng xuất hiện độc lập với hoạt động IBD: Những rối loạn này bao gồm viêm cột sống dính khớp, viêm khớp cùng chậu, viêm màng bồ đào, viêm da mủ hoại thưviêm xơ chai đường mật nguyên phát. Viêm cột sống dính khớp xảy ra phổ biến hơn ở bệnh nhân IBD có kháng nguyên bạch cầu người B27 (HLA-B27). Hầu hết các bệnh nhân có tổn thương tủy sống hoặc khớp cùng chậu đều có dấu hiệu viêm màng bồ đào và ngược lại. Viêm xơ chai đường mật tiên phát, là một yếu tố nguy cơ gây ung thư đường mật, có liên quan mật thiết đến viêm đại tràng thể loét hoặc viêm đại tràng Crohn. Viêm đường mật có thể xuất hiện trước hoặc cùng lúc với bệnh lý ruột hoặc thậm chí 20 năm sau phẫu thuật cắt đại tràng. Bệnh gan (ví dụ: bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan tự miễn, viêm quanh ống mật, xơ gan) xảy ra ở 3 đến 5% bệnh nhân, mặc dù những bất thường nhỏ trong xét nghiệm gan phổ biến hơn. Một vài tình trạng trong số này (ví dụ: viêm xơ chai đường mật tiên phát) có thể xảy ra trước IBD nhiều năm và khi được chẩn đoán thì nên hướng tới đánh giá IBD.

3. Rối loạn là hậu quả của rối loạn sinh lý ruột: Những rối loạn này xảy ra chủ yếu ở bệnh Crohn ruột non mức độ nặng. Kém hấp thu có thể là hậu quả của việc cắt bỏ đoạn dài hồi tràng và gây thiếu hụt các vitamin tan trong dầu, vitamin B12, hoặc khoáng chất, dẫn đến thiếu máu, hạ can xi máu, hạ magie máu, rối loạn đông máu và mất chất khoáng trong xương. Ở trẻ em, kém hấp thu làm chậm tăng trưởng và phát triển. Các rối loạn khác bao gồm sỏi thận do hấp thụ quá nhiều oxalat trong chế độ ăn uống, niệu quản ứ nước và thận ứ nước do chèn ép niệu quản bởi quá trình viêm ruột, sỏi mật do suy giảm tái hấp thu muối mật ở hồi tràng và bệnh thoái hóa dạng tinh bột thứ phát sau bệnh viêm kéo dài và bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn kéo dài.

Bệnh thuyên tắc huyết khối có thể xảy ra với cả 3 loại là kết quả của nhiều yếu tố.

Điều trị bệnh viêm ruột

Một số loại thuốc có hiệu quả trong điều trị IBD. Chi tiết về việc lựa chọn và sử dụng chúng sẽ được thảo luận trong từng rối loạn và trong Thuốc điều trị bệnh viêm ruột.

Chăm sóc hỗ trợ

Hầu hết bệnh nhân và gia đình đều quan tâm đến chế độ ăn kiêng và kiểm soát căng thẳng. Mặc dù có những báo cáo đơn lẻ về cải thiện lâm sàng đối với một số chế độ ăn, bao gồm cả chế độ hạn chế carbohydrate nghiêm ngặt, các thử nghiệm có đối chứng không cho thấy lợi ích nhất quán. Kiểm soát căng thẳng có thể có hữu ích.

Duy trì sức khỏe trong bệnh viêm ruột

Tiêm chủng

Bệnh nhân IBD nên tiêm vắc xin phòng cúmtiêm vắc xin phòng phế cầu hàng năm. Những người ≥ 19 tuổi nên tiêm vắc xin herpes zoster tái tổ hợp (1). Vắc xin này nên được tiêm trước khi bắt đầu liệu pháp ức chế miễn dịch khi có thể.

Các lần tiêm vắc xin thường quy như là uốn ván bạch hầu, viêm gan A, viêm gan Bvi rút u nhú ở người nên được tiêm theo hướng dẫn của Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP).

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Hiệp hội Tiêu hóa Canada khuyến cáo bệnh nhân bị IBD, bao gồm cả những người đang điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch, nên tiêm Vắc xin phòng COVID-19 mRNA.

Xét nghiệm sàng lọc

Những bệnh nhân nữ không được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch cần phải được sàng lọc ung thư cổ tử cung 3 năm một lần. Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch cần phải được sàng lọc ung thư cổ tử cung hàng năm.

Tất cả các bệnh nhân đang dùng hoặc dự định dùng thuốc điều hoà miễn dịch hoặc thuốc sinh học cần được đánh giá về ung thư da hàng năm.

Bệnh nhân có nguy cơ loãng xương nên chụp theo phương pháp đo hấp thụ tia X năng lượng kép (DXA).

Tài liệu tham khảo về duy trì sức khỏe

  1. 1. Neil Murthy, A. Patricia Wodi, Sybil Cineas, et al: Recommended adult immunization schedule, United States, 2023. Ann Intern Med 176:367-380, 2023.  doi:10.7326/M23-0041

Thông tin thêm

Sau đây là các tài nguyên tiếng Anh có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của các tài nguyên này.

  1. Advisory Committee on Immunization Practices (ACIP): Information about routine vaccination recommendations and guidelines and vaccine-specific updates

  2. Canadian Association of Gastroenterology: Clinical practice guideline for immunizations in patients with inflammatory bowel disease—Part 2: Inactivated vaccines (2021)