Viêm miệng áp tơ tái phát (RAS) là một tình trạng thông thường, trong đó các vết loét tròn hoặc oval gây đau và tái phát trên niêm mạc miệng. Nguyên nhân không rõ ràng. Chẩn đoán là lâm sàng. Điều trị là điều trị triệu chứng và thường bao gồm corticosteroid bôi tại chỗ.
(Xem thêm Viêm miệng và Đánh giá của bệnh nhân nha khoa.)
Viêm miệng áp tơ tái phát ảnh hưởng đến khoảng 20% số người lớn và tỷ lệ lớn hơn ở trẻ em tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời (1).
Tài liệu tham khảo
1. Akintoye SO, Greenberg MS: Recurrent aphthous stomatitis. Dent Clin North Am 58(2):281-297, 2014. doi: 10.1016/j.cden.2013.12.002
Nguyên nhân của bệnh viêm miệng áp-tơ tái phát
Nguyên nhân không rõ ràng, nhưng RAS có tính chất gia đình. Thương tổn chủ yếu là qua trung gian tế bào T. Các cytokine như IL-2, IL-10 và đặc biệt là TNF-alpha có vai trò liên quan.
Các yếu tố dự đoán bao gồm
Chấn thương miệng
Căng thẳng
Một số bệnh nhân bị dị ứng thực phẩm cũng có thể bị RAS và một số loại thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng (ví dụ: sô cô la, đậu phộng, trứng). Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào liên kết trực tiếp dị ứng thực phẩm là nguyên nhân gây ra RAS.
Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh viêm miệng áp-tơ tái phát
Các triệu chứng và dấu hiệu thường bắt đầu ở thời thơ ấu (hầu hết bệnh nhân < 30 tuổi) và giảm tần suất cũng như mức độ nặng khi già đi. Triệu chứng là một hoặc vài vết loét từ 2 đến 4 lần/năm hoặc gần như là liên tục, các vết loét mới hình thành ngay khi các vết cũ đã lành. Triệu chứng đau hoặc rát trong 1-2 ngày trước khi bị loét, nhưng không có mụn nước và bọng nước trước đó. Đau nặng, không tương ứng với kích thước thương tổn, có thể kéo dài từ 4 đến 7 ngày.
Các vết loét áp tơ có ranh giới rõ rệt, nông, hình oval, hoặc tròn và trung tâm hoại tử có giả mạc màu vàng xám, một quầng đỏ, ranh giới đỏ hơi gờ lên.
Các vết loét áp-tơ nhỏ (vết loét do nhiệt miệng) chiếm 85% số trường hợp (1). Chúng xuất hiện ở sàn miệng, phía bên và bụng lưỡi, niêm mạc miệng và họng; < 8 mm (thường từ 2 đến 3 mm); và lành trong 10 ngày mà không để lại sẹo.
Các vết loét áp tơ lớn (bệnh Sutton, viêm quanh hạch niêm mạc hoại tử tái phát) chiếm 10% số trường hợp. Xuất hiện sau tuổi dậy thì, tiền triệu nặng hơn và loét sâu hơn, lớn hơn (> 1 cm), kéo dài hơn (vài tuần đến vài tháng) so với các áp tơ thể nhỏ. Xuất hiện trên môi, vòm miệng mềm và cổ họng. Có thể có sốt, khó nuốt, mệt mỏi, và để lại sẹo.
Các vết loét áp tơ dạng Herpes (hình thái giống nhau nhưng không liên quan đến vi rút herpes) chiếm 5% số ca bệnh. Khởi phát bằng nhiều cụm nhỏ (lên đến 100) 1 đến 3 mm, tạo thành đám loét gây đau trên nền dát đỏ. Chúng hợp nhất để hình thành vết loét lớn hơn kéo dài 2 tuần. Có khuynh hướng xảy ra ở phụ nữ và khởi phát ở giai đoạn sớm hơn so với các dạng RAS khác.
Tài liệu tham khảo về các triệu chứng và dấu hiệu
1. Akintoye SO, Greenberg MS: Recurrent aphthous stomatitis. Dent Clin North Am 58(2):281-297, 2014. doi: 10.1016/j.cden.2013.12.002
Chẩn đoán viêm miệng áp-tơ tái phát
Đánh giá lâm sàng
Tiến hành đánh giá như đã mô tả ở bệnh viêm miệng. Chẩn đoán dựa trên triệu chứng và loại trừ vì không có các đặc điểm mô học hoặc xét nghiệm.
Herpes miệng nguyên phát có thể giống RAS nhưng thường xảy ra ở trẻ nhỏ, luôn liên quan đến lợi, có thể ảnh hưởng bất kể vùng niêm mạc sừng hóa nào (vòm miệng cứng, lợi dính, mặt lưng lưỡi) và có liên quan đến các triệu chứng toàn thân. Có thể thực hiện cấy virus để xác định herpes simplex. Các tổn thương herpes tái phái thường xảy ra ở một bên.
Các đợt tái phát tương tự, thường có nhiều vết loét, có thể xảy ra với bệnh Behçet, bệnh viêm ruột, bệnh celiac, nhiễm HIV, hội chứng PFAPA (sốt định kỳ với viêm miệng áp-tơ, viêm họng và viêm hạch) và thiếu hụt dinh dưỡng; những tình trạng này thường có các triệu chứng và dấu hiệu toàn thân. Loét miệng tái phát đơn độc có thể xảy ra do nhiễm herpes, HIV và hiếm gặp do thiếu dinh dưỡng (ví dụ: kẽm, sắt, các loại vitamin B khác nhau). Xét nghiệm vi rút và xét nghiệm huyết thanh có thể xác định những tình trạng này.
Mối liên quan với thuốc có thể giống như RAS nhưng thường liên quan đến ăn uống. Tuy nhiên, khó xác định mối liên quan đến thực phẩm hoặc sản phẩm nha khoa; có thể cần phải loại bỏ tuần tự.
Điều trị viêm miệng áp-tơ tái phát
Chlorhexidine và corticosteroid tại chỗ
Điều trị viêm miệng thông thường có tác dụng với bệnh nhân RAS.
Nước súc miệng chlorhexidine gluconat và các loại corticosteroid tại chỗ là những thuốc chính trong điều trị, nên sử dụng trong giai đoạn tiền triệu chứng nếu có thể. Corticosteroid có thể là dexamethasone liều 0,5 mg/5 mL 3 lần/ngày được sử dụng như nước súc miệng rồi nhổ ra hoặc dùng mỡ bôi clobetasol 0,05% hoặc fluocinonide 0,05% trong paste bảo vệ niêm mạc carboxymethylcellulose (1:1) 3 lần/ngày. Theo dõi nhiễm nấm Candida trên những bệnh nhân dùng corticosteroid. Nếu corticosteroid tại chỗ không có hiệu quả, có thể cần dùng prednisone (ví dụ, 40 mg đường uống 1 lần/ngày) trong ≤ 5 ngày.
Điều trị triệu chứng bằng thuốc gây tê tại chỗ (ví dụ: benzocaine với hướng dẫn để tránh độc tính) và/hoặc chất bảo vệ bề mặt (ví dụ: sucralfate) có hiệu quả trong việc làm giảm cảm giác khó chịu, nhưng những loại thuốc này chỉ đơn giản là giúp giảm đau và/hoặc tạo lớp phủ bảo vệ cho mô và không có tác dụng chữa bệnh.
RAS xuất hiện liên tục hoặc đặc biệt nghiêm trọng tốt nhất nên được điều trị bởi chuyên gia. Điều trị có thể đòi hỏi sử dụng corticosteroid toàn thân kéo dài, azathioprine, các thuốc ức chế miễn dịch khác, pentoxifylline, hoặc thalidomide. Có thể dùng betamethasone, dexamethasone, hoặc triamcinolone để tiêm vào tổn thương. Bổ sung B1, B2, B6, B12, folate hoặc sắt làm giảm RAS ở một số bệnh nhân.