Tổng quan về viêm gan vi rút cấp tính

TheoSonal Kumar, MD, MPH, Weill Cornell Medical College
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 7 2024

Viêm gan vi rút cấp tính là tình trạng viêm gan lan tỏa do một số vi rút hướng gan có nhiều phương thức lây truyền và đặc điểm dịch tễ khác nhau gây ra. Mặc dù viêm gan vi rút cấp tính có thể không có triệu chứng, nhưng triệu chứng tiền triệu không đặc hiệu của bệnh sau đó thường là chán ăn, buồn nôn và thường sốt hoặc đau ở vùng một phần tư bụng trên bên phải. Có thể có vàng da, thường là khi các triệu chứng khác bắt đầu thuyên giảm. Hầu hết các trường hợp đều tự khỏi, nhưng một số có thể tiến triển thành viêm gan mạn tính. Đôi khi, viêm gan vi rút cấp tính tiến triển thành suy gan cấp tính (chứng tỏ viêm gan tối cấp). Chẩn đoán bằng các xét nghiệm về gan và xét nghiệm huyết thanh để xác định vi rút. Vệ sinh tốt và các biện pháp phòng ngừa phổ cập có thể giúp ngăn ngừa viêm gan vi rút cấp tính. Tùy thuộc vào loại vi rút cụ thể, các biện pháp dự phòng trước và sau phơi nhiễm có thể được sử dụng bao gồm tiêm vaccine và globulin huyết thanh. Điều trị thường là hỗ trợ.

(Xem thêm Nguyên nhân gây viêm ganNhiễm vi rút viêm gan B sơ sinh.)

Viêm gan vi rút cấp tính là bệnh thường gặp, trên toàn thế giới với nhiều nguyên nhân khác nhau; mỗi loại đều có các đặc điểm lâm sàng, hóa sinh và hình thái chung. Thuật ngữ viêm gan vi rút cấp tính thường đề cập đến nhiễm trùng gan do một trong những loại vi rút viêm gan gây ra. Các vi rút khác (ví dụ: Epstein-Barr, vi rút sốt vàng, cytomegalovirus) cũng có thể gây ra viêm gan vi rút cấp tính nhưng ít gặp hơn.

Nguyên nhân gây viêm gan vi rút cấp tính

Có ít nhất 5 loại vi rút điển hình được cho là chịu trách nhiệm (xem bảng Đặc điểm của vi rút viêm gan) trong việc gây ra viêm gan vi rút cấp tính:

Các vi rút không xác định khác cũng có thể gây viêm gan vi rút cấp tính.

Bảng
Bảng

Triệu chứng và dấu hiệu của viêm gan vi rút cấp tính

Một số biểu hiện của viêm gan cấp tính là đặc hiệu với từng loại vi rút (xem phần thảo luận về từng loại vi rút viêm gan) và một số bệnh nhân không có triệu chứng, nhưng nhìn chung, nhiễm trùng cấp tính có xu hướng phát triển theo các giai đoạn có thể dự đoán được:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Vi rút nhân lên và lan rộng mà không gây ra triệu chứng (xem bảng Các đặc điểm của vi rút viêm gan).

  • Giai đoạn tiền triệu: Các triệu chứng không đặc hiệu xảy ra; chúng bao gồm rất chán ăn, khó chịu, buồn nôn và nôn mửa, xuất hiện sợ vị thuốc lá (ở người hút thuốc), và thường sốt hoặc đau bụng ở góc phần tư phía trên bên phải. Đôi khi cũng xảy ra chứng mày đay và đau khớp, đặc biệt ở bệnh nhân nhiễm HBV.

  • Giai đoạn vàng da: Sau 3 đến 10 ngày, nước tiểu trở nên sẫm màu, sau đó là bệnh vàng da. Các triệu chứng toàn thân thường thoái lui, và bệnh nhân cảm thấy ổn hơn mặc dù bệnh vàng da nặng hơn. Gan thường to và nhạy cảm đau, nhưng bờ gan vẫn mềm và tù. Lách to nhẹ xảy ra ở 15 đến 20% bệnh nhân. Bệnh vàng da thường đạt đỉnh trong vòng 1-2 tuần.

  • Giai đoạn phục hồi: Trong gia đoạn 2-4 tuần, bệnh vàng da giảm dần.

Cảm giác ngon miệng thường trở lại sau một tuần kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Viêm gan vi rút cấp tính thường tự khỏi sau 4 đến 8 tuần kể từ khi khởi phát triệu chứng.

Viêm gan không vàng da (viêm gan mà không có bệnh vàng da) thường gặp hơn viêm gan có vàng da ở những bệnh nhân nhiễm HCV và ở trẻ nhiễm HAV. Nó thường có biểu hiện là bệnh giống cúm nhẹ.

Viêm gan tái phát xảy ra ở một số bệnh nhân và có đặc trưng là những biểu hiện tái phát trong giai đoạn phục hồi.

Biểu hiện của ứ mật có thể xuất hiện trong giai đoạn vàng da (gọi là viêm gan ứ mật) nhưng thường tự khỏi. Khi ở trạng thái dai dẳng, chúng sẽ gây bệnh vàng da kéo dài, tăng phosphataza kiềm và bệnh ngứa, mặc dù tình trạng viêm thuyên giảm.

Chẩn đoán viêm gan vi rút cấp tính

  • Xét nghiệm gan (aspartate aminotransferase [AST] và alanine aminotransferase [ALT] tăng so với phosphataza kiềm, thường có tăng bilirubin máu)

  • Xét nghiệm huyết thanh vi rút

  • Đo prothrombin/tỷ lệ chuẩn hóa quốc tế (PT/INR)

Chẩn đoán ban đầu bị viêm gan cấp tính

Viêm gan cấp tính trước hết phải được phân biệt với các rối loạn khác gây ra những triệu chứng tương tự. Trong giai đoạn tiền triệu, viêm gan có biểu hiện giống các bệnh do vi rút không đặc hiệu khác nhau và khó chẩn đoán. Những bệnh nhân không vàng da nghi ngờ bị viêm gan dựa trên các yếu tố nguy cơ được kiểm tra trước hết bằng các xét nghiệm gan, bao gồm aminotransferase, bilirubin và phosphataza kiềm. Viêm gan cấp tính thường biểu hiện ở giai đoạn vàng da và do đó cần phải phân biệt với các rối loạn khác gây vàng da (xem hình Cách tiếp cận chẩn đoán đơn giản đối với bệnh viêm gan vi rút cấp tính có thể xảy ra).

Viêm gan cấp tính thường có thể được phân biệt với các nguyên nhân khác gây bệnh vàng da bằng

  • mức tăng đáng kể AST và ALT: Thường là 400 IU/L (6,68 microkat/L)

Trường hợp điển hình, ALT tăng cao hơn AST, nhưng mức tuyệt đối tương quan kém với độ nặng lâm sàng. Các giá trị này tăng sớm trong giai đoạn tiền triệu, đạt đỉnh trước thời điểm bệnh vàng da nặng nhất, và giảm dần trong giai đoạn phục hồi. Bilirubin niệu thường xảy ra trước bệnh vàng da. Tăng bilirubin máu trong trường hợp viêm gan cấp tính thay đổi theo độ nặng, và phân đoạn không có giá trị lâm sàng. Phosphataza kiềm thường chỉ tăng vừa phải; tăng đáng kể thường cho thấy có ứ mật ngoài gan và cần tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (ví dụ: siêu âm).

Sinh thiết gan thường không cần thiết trừ khi chẩn đoán không chắc chắn.

Nếu kết quả xét nghiệm gợi ý về viêm gan cấp tính, đặc biệt khi ALT và AST > 1000 IU/L (16,7 microkat/L), đo PT/INR để đánh giá chức năng gan.

Các biểu hiện của bệnh não cửa chủ phối hợp với chảy máu tạng, hoặc INR kéo dài gợi ý suy gan cấp tính, đây là dấu hiệu của viêm gan tối cấp.

Nếu nghi ngờ viêm gan cấp tính, nỗ lực tiếp theo là nhận diện nguyên nhân. Tiền sử phơi nhiễm có thể cung cấp duy nhất đầu mối là viêm gan do thuốc hoặc do nhiễm độc. Tiền sử cũng cần gợi ra các yếu tố nguy cơ gây viêm gan vi rút.

Nếu có tiền triệu là đau họng và bệnh hạch lan tỏa cần nghĩ đến tăng bạch cầu đơn nhân lây nhiễm chứ không phải viêm gan vi rút.

Phương pháp chẩn đoán đơn giản hóa đối với bệnh viêm gan vi rút cấp tính có thể xảy ra

* Bổ sung xét nghiệm trong phòng thí nghiệm với viêm gan A (xem bảng Huyết thanh học viêm gan A), viêm gan B (xem bảng Huyết thanh học viêm gan B), và viêm gan C (xem bảng Huyết thanh học viêm gan C).

ALT = alanine aminotransferase; anti-HCV = kháng thể kháng vi rút viêm gan C; AST = aspartate aminotransferase; HBsAg = kháng nguyên bề mặt viêm gan B; IgM anti-HAV = kháng thể IgM kháng vi rút viêm gan A.

Huyết thanh học

Ở những bệnh nhân có kết quả gợi ý bị viêm gan vi rút cấp tính, các xét nghiệm sau đây cần được thực hiện để sàng lọc vi rút viêm gan A, B và C:

  • Kháng thể IgM kháng HAV (IgM anti-HAV)

  • Kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg)

  • Kháng thể IgM kháng vi rút viêm gan B (IgM anti-HBc)

  • Kháng thể kháng HCV (anti-HCV)

  • Phản ứng chuỗi nhẹ polymerase RNA viêm gan C (HCV-RNA)

Nếu có bất kỳ xét nghiệm nào dương tính thì cần làm thêm xét nghiệm huyết thanh học để phân biệt viêm gan cấp tính với viêm gan cũ hoặc viêm gan mạn tính (xem bảng Huyết thanh học Viêm gan A, Huyết thanh học viêm gan B, và Huyết thanh học viêm gan C).

Nếu xét nghiệm huyết thanh khẳng định nhiễm HBV nặng, cần đo anti-HDV.

Nếu bệnh nhân gần đây đến một khu vực có bệnh lưu hành hoặc bị suy giảm miễn dịch, cần đo kháng thể IgM kháng HEV (IgM anti-HEV) nếu có sẵn xét nghiệm này.

Sinh thiết

Sinh thiết thường không cần thiết nhưng, nếu được thực hiện, thường cho thấy mô bệnh học tương tự bất kể là loại vi rút cụ thể nào:

  • Sụt giảm tế bào mảng

  • Hoại tử tế bào gan ưa axit

  • Viêm thâm nhiễm tế bào đơn nhân

  • Dấu hiệu tân sinh trên mô học

  • Bảo tồn khung reticulin

Nhiễm HBV đôi khi có thể được chẩn đoán dựa trên sự xuất hiện của tế bào gan dạng kính mờ (gây ra do chất tế bào chứa HBsAg) và sử dụng các phương pháp nhuộm miễn dịch đặc biệt để phát hiện các thành phần của vi rút. Tuy nhiên, những phát hiện này ít gặp trong nhiễm HBV cấp tính mà hay gặp trong nhiễm HBV mạn tính.

Điều trị viêm gan vi rút cấp tính

  • Chăm sóc hỗ trợ

  • Điều trị viêm gan C cấp tính, một phần để ngăn ngừa lây truyền cho người khác

Không có phương pháp điều trị làm giảm viêm gan vi rút cấp tính. Nên tránh uống rượu vì có thể làm tăng tổn thường gan. Các hạn chế hoạt động hoặc kiêng khem, bao gồm chỉ định thường gặp là nghỉ ngơi tại giường, đều không có cơ sở khoa học.

Bệnh nhân bị nhiễm HCV cấp tính nên được điều trị bằng liệu pháp kháng vi rút khi chẩn đoán ban đầu mà không cần chờ tự khỏi để ngăn ngừa lây truyền cho người khác. Do tính hiệu quả và an toàn cao, các phác đồ tương tự được khuyến cáo cho nhiễm HCV mạn tính cũng được khuyến cáo cho nhiễm trùng cấp tính (1).

Đối với viêm gan ứ mật, cholestyramine 8 g đường uống một lần/ngày hoặc 2 lần/ngày có thể giảm ngứa.

Viêm gan vi rút nên được báo cáo cho sở y tế địa phương hoặc tiểu bang.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. American Association for the Study of Liver Diseases (AASLD) and Infection Diseases Society of America (IDSA): HCV Guidance: Recommendations for Testing, Managing, and Treating Hepatitis C. Management of Acute HCV Infection. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2024.

Phòng ngừa viêm gan vi rút cấp tính

Do các phương pháp điều trị có hiệu quả hạn chế nên việc phòng ngừa viêm gan vi rút là rất quan trọng.

Các biện pháp chung

Vệ sinh cá nhân tốt giúp ngăn ngừa sự lây truyền, đặc biệt là lây truyền qua đường phân-miệng như xảy ra với HAV và HEV.

Máu và các dịch cơ thể khác (ví dụ: nước bọt, tinh dịch) của bệnh nhân nhiễm HBV và HCV cấp tính và phân của bệnh nhân nhiễm HAV được coi là có khả năng lây nhiễm. Khuyến nghị sử dụng biện pháp bảo vệ rào cản, nhưng cách ly bệnh nhân không có nhiều ý nghĩa trong ngăn ngừa lây lan HAV và không có giá trị trong trường hợp nhiễm HBV hoặc HCV.

Nhiễm trùng sau truyền máu được giảm thiểu bằng cách tránh truyền máu không cần thiết và sàng lọc tất cả người hiến máu để phát hiện viêm gan B và viêm gan C. Việc sàng lọc đã làm giảm tỷ lệ mắc viêm gan B và viêm gan C sau truyền máu, hiện nay cực kỳ hiếm gặp ở Hoa Kỳ.

Miễn dịch dự phòng

Miễn dịch dự phòng có thể bao gồm miễn dịch chủ động bằng vắc-xin và miễn dịch thụ động.

Vắc xin phòng ngừa viêm gan A và viêm gan B hiện có tại Hoa Kỳ.

Việc tiêm vắc xin phòng viêm gan A và viêm gan B thường quy được khuyến nghị tại Hoa Kỳ cho tất cả trẻ em và người lớn có nguy cơ cao (xem Lịch tiêm chủng cho người lớn).

Vắc xin phòng viêm gan E không có ở Hoa Kỳ nhưng lại có ở Trung Quốc.

Globulin miễn dịch tiêu chuẩn giúp phòng ngừa hoặc làm giảm độ nặng của nhiễm HAV và nên được sử dụng cho các thành viên không có miễn dịch trong gia đình và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân. Globulin miễn dịch cho viêm gan B (HBIG) có thể không ngăn ngừa lây nhiễm nhưng giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm bệnh lâm sàng.

Chưa có sản phẩm miễn dịch dự phòng cho HCV hay HDV. Tuy nhiên, dự phòng nhiễm HBV giúp ngăn ngừa nhiễm HDV. Xu hướng HCV tự thay đổi bộ gen của mình làm việc phát triển vắc-xin gặp khó khăn.

Những điểm chính

  • Lây truyền qua đường phân-miệng đối với viêm gan A và viêm gan E là qua đường tiêm truyền hoặc qua đường máu đối với viêm gan B và viêm gan C.

  • Viêm gan B và viêm gan C, không giống như viêm gan A, có thể dẫn đến viêm gan mạn tính và ung thư gan (nếu mạn tính).

  • Bệnh nhân bị viêm gan vi rút cấp tính có thể không vàng da hoặc thậm chí không có triệu chứng.

  • Làm xét nghiệm huyết thanh học để tìm vi rút (IgM anti-HAV, HBsAg, anti-HCV) nếu kết quả thăm khám lâm sàng phù hợp với viêm gan vi rút cấp tính và AST cũng như ALT tăng cao hơn so với phosphataza kiềm.

  • Điều trị hỗ trợ bệnh nhân. Điều trị viêm gan C cấp tính để ngăn ngừa lây truyền.

  • Việc tiêm vắc xin phòng viêm gan A và viêm gan B thường quy được khuyến nghị ở Hoa Kỳ cho tất cả trẻ em và người lớn có nguy cơ cao.