Thu gom máu

TheoRavindra Sarode, MD, The University of Texas Southwestern Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 3 2024

Tổng lượng truyền máu đang giảm dần do các chương trình quản lý máu bệnh nhân. Tổng số thành phần được truyền vào năm 2019 (dữ liệu tiếp theo sẽ bị lệch do COVID-19) là khoảng 15 triệu (1), giảm từ khoảng 16 triệu đơn vị thành phần máu được truyền vào năm 2017 tại Hoa Kỳ (2). Mặc dù hiện nay truyền máu có thể an toàn hơn, nhưng vì nguy cơ và nhận thức của người dân về nguy cơ) nên cần có sự chấp thuận trong thực hành truyền máu.

Tại Hoa Kỳ, việc thu thập, bảo quản và vận chuyển máu cũng như các thành phần của máu được tiêu chuẩn hóa và quản lý bởi FDA, AABB (trước đây gọi là Hiệp hội Ngân hàng Máu Hoa Kỳ) và đôi khi bởi các cơ quan y tế tiểu bang hoặc địa phương. Sàng lọc người cho máu bao gồm bảng câu hỏi và phỏng vấn sức khoẻ; đo nhiệt độ, nhịp tim, và huyết áp; và xác định hemoglobin (Hb). Một số người hiến máu tiềm năng được hoãn lại tạm thời hoặc vĩnh viễn (xem bảng Một số lý do trì hoãn hoặc từ chối hiến máu). Tiêu chuẩn trì hoãn bảo vệ những người hiến tặng tiềm năng trước những ảnh hưởng xấu có thể có của việc hiến tặng và bảo vệ người nhận khỏi bệnh tật.

Hiến máu toàn phần bị giới hạn một lần trong mỗi 56 ngày, trong khi hiến tế bào hồng cầu (RBC) bằng phương pháp tách thành phần máu (hiến gấp đôi lượng RBC thông thường trong một lần, sau đó trả lại huyết tương đã tách cho người hiến) bị giới hạn một lần trong mỗi 112 ngày. Hiến tặng tiểu cầu bằng phương pháp tách thành phần máu được giới hạn trong 72 giờ một lần với tối đa là 24 lần/năm. Loại trừ trường hợp ngoại lệ, người hiến máu không được trả tiền. (Xem thêm American Red Cross để biết thông tin về lựa chọn người cho.)

Trong một lần hiến máu tiêu chuẩn, khoảng 450 mL máu toàn phần được thu thập trong túi nhựa chứa chất bảo quản chống đông máu. Máu toàn phần hoặc hồng cầu đóng gói được bảo quản bằng citrate-phosphate-dextrose-adenine có thể được bảo quản trong 35 ngày. Khối hồng cầu có thể được lưu trữ trong 42 ngày nếu thêm dung dịch adenine-dextrose-nước muối sinh lý.

Truyền máu tự thân, là sử dụng máu của bệnh nhân, ít được ưa chuộng. Trước khi giải phẫu, 3 hoặc 4 đơn vị máu toàn phần hoặc khối hồng cầu được thu gom trong vòng 2 đến 3 tuần trước phẫu thuật. Bệnh nhân sau đó được bổ sung chất sắt. Có thể xem xét truyền máu tự thân khi gặp khó khăn về chon máu phù hợp vì bệnh nhân đã tạo kháng thể chống lại các kháng nguyên hồng cầu hoặc có nhóm máu hiếm. Cũng có thể lấy lại máu chảy ra trong phẫu thuật để truyền lại theo quy trình đặc biệt.

Bảng
Bảng

Tài liệu tham khảo chung

  1. 1. Jones JM, Sapiano MRP, Mowla S, et al: Has the trend of declining blood transfusions in the United States ended? Findings of the 2019 National Blood Collection and Utilization Survey. Transfusion 61(Suppl 2):S1–S10, 2021. doi: 10.1111/trf.16449

  2. 2. Jones JM, Sapiano MPR, Savinkina AA, et al: Slowing decline in blood collection and transfusion in the United States - 2017. Transfusion 60(Suppl 2):S1–S9, 2020. doi: 10.1111/trf.15604

Xét nghiệm trước khi truyền

Các xét nghiệm máu người cho bao gồm

Xét nghiệm hòa hợp

  • Xét nghiệm hồng cầu của người nhận để tìm kháng nguyên A, B và Rho(D)

  • Sàng lọc huyết tương của người nhận để tìm kháng thể chống lại kháng nguyên hồng cầu

  • Cần xét nghiệm đọ chéo để đảm bảo rằng huyết tương của người nhận tương thích với kháng nguyên trên hồng cầu của người cho

Xét nghiệm hòa hợp được thực hiện trước khi truyền máu; tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, xét nghiệm được thực hiện sau khi lấy máu từ ngân hàng máu. Nó cũng có thể giúp chẩn đoán phản ứng truyền máu.

Xét nghiệm phản ứng chéo nhóm ABO/Rh và sàng lọc kháng thể làm tăng khả năng phát hiện không hòa hợp chỉ 0,01%. Do đó, nhiều bệnh viện thực hiện chéo điện tử trên máy tính chứ mà không thực những phản ứng chéo trong một ống nghiệm ở những bệnh nhân có sàng lọc kháng thể âm tính. Nếu người nhận có kháng thể chống hồng cầu có ý nghĩa lâm sàng, chỉ sử dụng máu của người cho âm tính đối với kháng nguyên tương ứng; làm thêm xét nghiệm hòa hợp bằng kết hợp huyết tương người nhận, các hồng cầu của người cho, và globulin chống người. Ở những bệnh nhân không có kháng thể chống hồng cầu đáng kể về mặt lâm sàng, sẽ không có ngưng kết, khẳng định khả năng hòa hợp của ABO.

Truyền máu khẩn cấp được thực hiện khi không có đủ thời gian (thường < 60 phút) để xét nghiệm khả năng tương thích kỹ lưỡng vì bệnh nhân đang bị sốc mất máu. Khi thời gian cho phép (cần khoảng 10 phút), có thể truyền máu đặc hiệu nhóm ABO/Rh. Trong trường hợp khẩn cấp hơn, có thể truyền máu nhóm O nếu không chắc về nhóm máu ABO của người nhận, và máu nhóm Rh âm nếu không chắc về nhóm máu Rh của người nhận đối với phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, đối tường khác có thể sử dụng máu nhóm O Rh âm hoặc Rh dương.

Có thể yêu cần “nhóm máu và sàng lọc” trong những trường hợp không có khả năng cần truyền máu, như trong phẫu thuật có nguy cơ chảy máu thấp. Máu bệnh nhân cần xác định nhóm ABO/Rh và sàng lọc các kháng thể. Nếu không có các kháng thể và bệnh nhân cần máu, hồng cầu đặc hiệu loại ABO/Rh hoặc tương thích có thể được giải phóng mà không cần giai đoạn kháng globulin của phản ứng chéo. Nếu có kháng thể không mong muốn, cần phải xét nghiệm đầy đủ. “Nhóm máu và bắt chéo” được yêu cầu cho các thủ thuật có nguy cơ chảy máu cao (ví dụ: phẫu thuật bắc cầu tim) và số lượng đơn vị để bắt chéo được chỉ định.

Nhóm máu ABO và Rh0

Việc phân nhóm ABO của máu người cho và người nhận được thực hiện để tránh truyền hồng cầu không tương thích (xem hình Các nhóm hồng cầu tương thích). Theo quy định, máu truyền phải có cùng kiểu ABO như máu của người nhận. Trong những tình huống khẩn cấp hoặc nghi ngờ nhóm ABO, truyền khối hồng cầu nhóm O Rh âm (không truyền máu toàn phần, xem Phản ứng truyền máu tan máu cấp tính), không chứa cả kháng nguyên A và B, có thể được sử dụng cho các bệnh nhân thuộc bất kỳ loại ABO nào.

Các nhóm hồng cầu tương thích

Xác định nhóm Rh: có yếu tố Rho(D) (Rh dương tính) hoặc không có (Rh âm tính) trên hồng cầu. Các bệnh nhân âm tính Rh nên luôn nhận máu Rh âm tính trừ trường hợp khẩn cấp đe dọa đến mạng sống và không có máu Rh âm tính. Các bệnh nhân Rh dương tính có thể nhận máu Rh dương tính hoặc Rh âm tính. Đôi khi, các hồng cầu của một số người Rh dương phản ứng yếu (D yếu hoặc Du, dương tính), nhưng những người này vẫn được coi là Rh dương tính.

Kiểm tra kháng thể

Xét nghiệm phát hiện các kháng thể chống hồng cầu bất thường thường được thực ở những người có khả năng phải truyền máu và phụ nữ đã từng sinh nở. Các kháng thể chống hồng cầu bất thường chống lại các kháng nguyên nhóm máu hồng cầu khác A và B [ví dụ: Rho(D), Kell (K), Duffy (Fy)]. Việc phát hiện sớm rất quan trọng vì các kháng thể như vậy có thể gây ra phản ứng tan máu nghiêm trọng hoặc bệnh tan máu cho thai nhi và trẻ sơ sinh, đồng thời các phản ứng đó có thể làm phức tạp đáng kể việc xét nghiệm khả năng tương thích và trì hoãn việc thu được máu tương thích.

Xét nghiệm antiglobulin gián tiếp (xét nghiệm Coombs gián tiếp) được sử dụng để sàng lọc các kháng thể kháng hồng cầu không mong muốn (xem hình Xét nghiệm antiglobulin gián tiếp (Coombs gián tiếp)). Xét nghiệm này có thể dương tính do có kháng thể nhóm máu bất thường hoặc do kháng thể tự do (không gắn trên hồng cầu) trong trường hợp thiếu máu tan máu tự miễn. Trộn hồng cầu mẫu với huyết tương hoặc huyết thanh của người nhận, sau đó ủ, rồi rửa và làm phăn ứng với globulin chống người, quan sát sự ngưng kết. Khi phát hiện ra một kháng thể, cần xác đinh tính đặc hiệu của nó (định danh kháng thể). Biết được tính đặc hiệu của kháng thể sẽ hữu ích cho việc đánh giá ý nghĩa lâm sàng của nó, lựa chọn máu tương thích và kiểm soát bệnh tan máu của thai nhi và trẻ sơ sinh.

Nghiệm pháp kháng globulin gián tiếp (Coombs gián tiếp).

Xét nghiệm antiglobulin gián tiếp (Coombs gián tiếp) được sử dụng để phát hiện kháng thể IgG chống lại các tế bào hồng cầu (RBC) trong huyết tương của bệnh nhân. Huyết tương của bệnh nhân được ủ với thuốc thử RBC; sau đó huyết thanh Coombs (kháng thể với IgG của người, hoặc kháng IgG của người) được thêm vào. Nếu ngưng kết xảy ra nghĩa là có các kháng thể IgG (tự kháng thể tự hoặc kháng thể đồng loại) chống hồng cầu. Nghiệm pháp này cũng được sử dụng để xác định tính đặc hiệu của một kháng thể đồng loại.

Xét nghiệm kháng globulin trực tiếp (xét nghiệm Coombs trực tiếp) phát hiện các kháng thể đã bao phủ hồng cầu của bệnh nhân in vivo (xem hình Xét nghiệm Antiglobulin trực tiếp (Coombs trực tiếp)). Chỉ định xét nghiệm này khi nghi ngờ bị tan máu do trung gian miễn dịch. Hồng cầu của bệnh nhân được thử trực tiếp với kháng globulin người và quan sự ngưng kết. Nếu kết quả dương tính, phù hơp với dấu hiêu lâm sàng và các bằng chứng tan máu trên xét nghiệm, cho thấy thiếu máu tán máu tự miễn, tan máu do thuốc, phản ứng truyền máu, hoặc bệnh tan máu sơ sinh.

Nghiệm pháp kháng globulin trực tiếp (Coombs trực tiếp).

Xét nghiệm kháng globulin trực tiếp (Coombs trực tiếp) được sử dụng để xác định xem có kháng thể (IgG) hoăc hoặc bổ thể (C3) có mặt trên màng hồng cầu. Hồng cầu của bệnh nhân được ủ với các kháng thể chống IgG và C3 ở người. Nếu IgG hoặc C3 gắn với màng hồng cầu, sự ngưng kết xảy ra – kết quả dương tính. Một kết quả dương tính cho thấy sự hiện diện của tự kháng thể đối với hồng cầu. Kết quả xét nghiệm dương tính không phải lúc nào cũng tương đương với tan máu. Do đó, kết quả phải luôn tương quan với các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng.

Việc chuẩn độ kháng thể được thực hiện khi xác định được một kháng thể kháng hồng cầu ngoài dự kiến, có ý nghĩa lâm sàng trong huyết tương của bệnh nhân đang mang thai hoặc ở bệnh nhân mắc bệnh ngưng kết hồng cầu do lạnh. Hiệu giá kháng thể của mẹ tương quan khá tốt với mức độ nặng của bệnh tan máu ở thai nhi với kháng nguyên tương ứng và thường được sử dụng để hướng dẫn điều trị bệnh tan máu của thai nhi và trẻ sơ sinh cùng với siêu âm và nghiên cứu nước ối.

Xét nghiệm bệnh nhiễm trùng

Các sản phẩm máu hiến tặng được kiểm tra sự hiện diện của một số tác nhân lây nhiễm (xem bảng Xét nghiệm lây truyền bệnh truyền nhiễm).

Bảng
Bảng

Thông tin thêm

Sau đây là các tài nguyên tiếng Anh có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của các tài nguyên này.

  1. CDC: Blood Safety Basics

  2. Tài liệu hướng dẫn 2023 của FDA: Khuyến nghị về việc đánh giá khả năng đủ điều kiện của người hiến tặng bằng cách sử dụng các câu hỏi dựa trên nguy cơ của từng cá nhân để giảm nguy cơ lây truyền vi-rút gây suy giảm miễn dịch ở người qua máu và các sản phẩm máu.