Hồi sinh tim phổi (CPR) ở người lớn

TheoShira A. Schlesinger, MD, MPH, Harbor-UCLA Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 04 2023

Hồi sức tim phổi (CPR) là một đáp ứng tuần tự có tổ chức, đáp ứng với tình trạng ngừng tim, bao gồm

  • Nhận biết tình trạng không có nhịp thở và tuần hoàn

  • Hỗ trợ sống cơ bản với ép tim ngoài lồng ngực và hỗ trợ hô hấp

  • Hồi sinh tim phổi nâng cao (ACLS) với kiểm soát đường thở và kiểm soát nhịp

  • Chăm sóc sau khi hồi sức

(Xem thêm Hồi sinh sơ sinhHồi sinh tim phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.)

Tiến hành ép tim kịp thời và khử rung tim sớm (khi có chỉ định) là chìa khóa thành công.

Áp dụng CPR nhanh, hiệu quả, thích hợp với ít gián đoạn nhất có thể, quyết định thành công; tình trạng hiếm gặp là giảm nhiệt sâu sau ngâm lâu trong nước lạnh, hồi sức thành công ngay cả sau khi bị ngừng tim kéo dài (lên đến 60 phút).

Tổng quan về CPR

(Xem thêm American Heart Association [AHA] 2020 guidelines for CPR and emergency cardiovascular care and 2022 AHA Interim Guidance to Health Care Providers for Basic and Advanced Cardiac Life Support in Adults, Children, and Neonates With Suspected or Confirmed COVID-19.)

Hướng dẫn cho các nhân viên y tế của AHA như sau (xem hình Cấp cứu tim mạch người lớn). Nếu một người được cho là ngừng tim, người cứu hộ trước tiên sẽ xác nhận tình trạng không đáp ứng và xác nhận không có nhịp thở hoặc chỉ thở ngáp. Sau đó, người cứu hộ kêu gọi giúp đỡ. Bất cứ ai trả lời đều được hướng dẫn để kích hoạt hệ thống ứng phó khẩn cấp (hoặc nhân viên hồi sức tại bệnh viện thích hợp) và, nếu có thể, có được một máy khử rung tim. Hồi sinh cơ bản nên được bắt đầu ngay lập tức.

Nếu không có ai trả lời lời kêu cứu, trước tiên người cứu hộ sẽ kích hoạt hệ thống ứng phó khẩn cấp và sau đó bắt đầu hồi sinh cơ bản bằng cách thực hiện 30 lần ép ngực với tốc độ 100 lần/phút đến 120 lần/phút và độ sâu từ 5 cm đến 6 cm, cho phép lồng ngực tường trở lại chiều cao tối đa giữa các lần ép tim, sau đó mở đường thở (nâng cằm và ngửa trán ra sau) và thổi ngạt 2 lần. Chu kỳ ép tim và thổi ngạt được tiếp tục (xem bảng Kỹ thuật CPR cho nhân viên y tế) mà không bị gián đoạn; tốt nhất là mỗi người cứu hộ sẽ được nghỉ sau mỗi 2 phút. Điều quan trọng là ngay cả những người ngoài cuộc chưa được đào tạo phải bắt đầu và duy trì ép tim liên tục cho đến khi có sự trợ giúp lành nghề. Do đó, nhiều chuyên gia cấp cứu hiện đưa ra các hướng dẫn trước khi đến cho người gọi điện, bao gồm cả hướng dẫn qua điện thoại theo phương pháp CPR chỉ ép tim.

Khi có máy khử rung (bằng tay hoặc tự động), bệnh nhân rung thất (VF) hoặc nhịp nhanh thất vô mạch (VT) được chỉ định sốc không đồng bộ (xem thêm Khử rung tim). Nếu ngừng tim không chứng kiến và có máy khử rung tim tại hiện trường, bệnh nhân có rung thất hoặc nhịp nhanh thất cần được khử rung tim ngay lập tức, với việc ép tim ngay lập tức sau khi sốc điện; khử rung sớm có thể nhanh chóng chuyển đổi rung thất hoặc nhịp nhanh thất vô mạch sang nhịp xoang. Nếu nhịp ban đầu là hoạt động điện vô nhịp hoặc vô tâm thu, nên dùng liều ban đầu epinephrine 1 mg đường tĩnh mạch/IO (tiêm tĩnh mạch/trong xương) càng sớm càng tốt sau khi ghi nhận có ngừng tim.

Cấp cứu tim mạch khẩn cấp dành cho người lớn

* Nếu có đủ số nhân viên được đào tạo, việc đánh giá bệnh nhân, CPR, và kích hoạt hệ thống ứng phó khẩn cấp nên xảy ra đồng thời.

Based on the 2020 American Heart Association Guidelines for Cardiopulmonary Resuscitation and Emergency Cardiovascular Care.

Các kỹ thuật được sử dụng trong hồi sức tim phổi cơ bản 1 và 2 được liệt kê trong bảng Kỹ thuật CPR cho nhân viên y tế. Sự thuần thục thông qua thực hành như ở Hoa Kỳ dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (1-800-AHA-USA1) hoặc các tổ chức tương ứng ở các nước khác.

Bảng

Đường thở và hô hấp

Khai thông đường thở là ưu tiên thứ hai (xem Khai thông và mở đường thở trên) sau khi bắt đầu ép ngực. Đối với chứng ngừng tim ngoài bệnh viện với nhịp có thể sốc ban đầu, có thể chấp nhận cung cấp oxy thụ động trong 6 phút đầu tiên, trong khuôn khổ của gói dịch vụ y tế khẩn cấp nhằm giảm thiểu thời gian tạm dừng trong quá trình thực hiện hồi sức tim phổi và khử rung tim ban đầu. Đối với các biện pháp cơ học về hồi sức ở trẻ em, xem bảng Hướng dẫn Hồi sức Nhi khoa - Các biện pháp Cơ học.

Khi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe làm hồi sức tim phổi, nên bắt đầu thông khí bằng bóng bóp-van-mặt nạ càng sớm càng tốt, nhưng thông khí bằng bóng bóp-van-mặt nạ không được trì hoãn việc bắt đầu ép tim hoặc khử rung tim. Nhân viên cứu hộ không chuyên có thể thực hiện hồi sức tim phổi theo kiểu chỉ ép tim hoặc, nếu được đào tạo để làm như vậy, có thể hô hấp nhân tạo qua đường miệng-miệng (đối với người lớn, thanh thiếu niên và trẻ em) hoặc kết hợp vừa miệng-miệng và miệng-mũi (đối với trẻ sơ sinh) . Nếu có sẵn, có thể đặt đường thở hầu họng để duy trì sự thông thoáng của đường thở trong quá trình thông khí bằng bóng bóp-mặt nạ. Áp suất cực đại không được khuyến khích.

Nếu thấy bụng chướng, kiểm tra lại đường thở và giảm lượng khí thổi ngạt. Trì hoãn đặt ống thông dạ dày đường mũi để giải phóng hơi dạ dày cho đến khi có dụng cụ hút, do có thể gây tình trạng trào ngược và viêm phổi hít trong quá trình đặt ống thông. Nếu dạ dày chướng căng gây cản trở sự thông khí trước khi có khả năng hút và không thể điều chỉnh bằng các phương pháp trên, bệnh nhân được đặt nghiêng, ép phần thượng vị, và làm sạch đường thở.

Khi những người cứu hộ đủ trình độ chuyên môn có mặt, đặt một đường thở nâng cao (ống nội khí quản hoặc đường thở trên thanh quản) mà không làm gián đoạn quá trình ép tim sau khi cố gắng hồi sức tim phổi và khử rung tim ban đầu, theo mô tả trong Thiết lập và kiểm soát đường thở. Thực hiện thổi ngạt 6 giây một lần (10 nhịp thở/phút) mà không làm gián đoạn quá trình ép tim ở người lớn; trẻ sơ sinh và trẻ em được thổi ngạt 2 đến 3 giây một lần (20 đến 30 lần thổi ngạt/phút). Tuy nhiên, ép tim và khử rung được ưu tiên hơn là việc đặt nội khí quản. Trừ có mặt các nhân viên cứu hộ có nhiều kinh nghiệm, có thể bị trì hoãn đặt nội khí quản để thông khí bằng bóng-van-mặt nạ, mặt nạ thanh quản, hoặc thiết bị tương tự.

Đối với những bệnh nhân nghi ngờ mắc COVID-19, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã đưa ra hướng dẫn tạm thời về hồi sinh cơ bản và hồi sinh nâng cao (1, 2), trong đó đưa ra những lời khuyên sau:

  • Sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) thích hợp cho các quy trình tạo khí dung (bảo vệ đường hô hấp chống lại các hạt nhỏ và giọt bắn trong không khí, kính bảo hộ mắt, găng tay) cho tất cả những người có mặt trong khu vực điều trị trong quá trình hồi sức tim phổi hoặc các thủ thuật nâng cao khác (ví dụ: đặt nội khí quản, giải áp lồng ngực)

  • Ưu tiên đặt nội khí quản hoặc đặt đường thở trên thanh môn hơn là thông khí bằng bóng bóp-van-mặt nạ nếu điều này có thể được thực hiện mà không làm gián đoạn quá trình ép tim

  • Sử dụng bộ lọc vi rút HEPA (không khí hạt hiệu suất cao [bộ lọc]) trên các bộ bóng bóp-van hoặc đường ống thở ra của máy thở

  • Sử dụng thiết bị ép ngực cơ học nếu có

Hướng dẫn này nhằm mục đích giảm nguy cơ cho các nhân viên y tế chăm sóc trong thời gian ngừng tim.

Tài liệu tham khảo về đường thở và hô hấp

  1. 1. Edelson DP, Sasson C, Chan PS, et al; American Heart Association ECC Interim COVID Guidance Authors: Interim Guidance for Basic and Advanced Life Support in Adults, Children, and Neonates With Suspected or Confirmed COVID-19: From the Emergency Cardiovascular Care Committee and Get With The Guidelines-Resuscitation Adult and Pediatric Task Forces of the American Heart Association. Circulation 141(25):e933–e943, 2020 doi: 10.1161/CIRCULATIONAHA.120.047463

  2. 2. Goodloe JM, Topjian A, Hsu A, et al: Interim Guidance for Emergency Medical Services Management of Out-of-Hospital Cardiac Arrest During the COVID-19 Pandemic. Circ Cardiovasc Qual Outcomes 14(7):e007666, 2021 doi:10.1161/CIRCOUTCOMES.120.007666

Circulation

Ép tim

Ép tim nên được bắt đầu ngay lập tức khi nhận thấy tim ngừng đập và thực hiện với mức gián đoạn tối thiểu cho đến khi khử được rung tim. Ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn không chứng kiến, nhân viên cứu hộ đã được đào tạo nên ngay lập tức tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (ngực kín), tiếp theo là thổi ngạt. Ép ngực không được gián đoạn > 10 giây bất cứ lúc nào (ví dụ: để đặt nội khí quản, khử rung tim, phân tích nhịp, đặt ống thông đường tĩnh mạch trung tâm hoặc vận chuyển). Một chu kỳ ép tim phải bao gồm 50% ép tim và 50% để lồng ngực nở ra; trong giai đoạn giải ép, điều quan trọng là để cho lồng ngực nở hoàn toàn. Phân tích nhịp và khử rung (nếu phù hợp) được thực hiện ngay khi có máy khử rung tim.

Độ sâu khi ép tim được khuyến cáo là khoảng 5 đến 6 cm. Lý tưởng là, ép tim ngoài lồng ngực gây ra mạch đập ở mỗi nhịp ép tim, mặc dù cung lượng tim chỉ khoảng 20 - 30% so với bình thường. Tuy nhiên, việc bắt mạch trong quá trình ép ngực là khó khăn, ngay cả đối với các bác sĩ lâm sàng có kinh nghiệm và thường không đáng tin cậy. Theo dõi định lượng carbon dioxit cuối thì thở ra có thể cung cấp ước tính tốt hơn về cung lượng tim trong quá trình ép ngực; bệnh nhân được tưới máu không đầy đủ có ít máu tĩnh mạch quay trở lại phổi và do đó có nồng độ carbon dioxit cuối thì thở ra thấp (cũng như những người bị tăng thông khí). Mặc dù có ít bằng chứng hỗ trợ các con số cụ thể trong việc theo dõi về sinh lý, nhưng người ta thường chấp nhận rằng mức carbon dioxide cuối thì thở ra từ 10 đến 20 mm Hg có liên quan đến CPR thích hợp. Nồng carbon dioxit cuối thì thở ra đột ngột tăng đáng kể, thường là giá trị > 30 mm Hg hoặc có thể sờ thấy mạch đập trong khi tạm dừng ép tim, cho thấy phục hồi tuần hoàn tự phát.

Thiết bị ép tim cơ học có sẵn; các thiết bị này hiệu quả như ép bằng tay nhưng có thể giảm thiểu tác động của ép lỗi và người ép bị mệt. Chúng có thể đặc biệt hữu ích trong một số trường hợp, chẳng hạn như trong quá trình vận chuyển bệnh nhân hoặc trong phòng thí nghiệm thông tim. Những thiết bị này cũng đã được khuyến nghị sử dụng cho những bệnh nhân có nghi ngờ hoặc được xác nhận nhiễm COVID-19 (1).

Ép tim hở ngực thông qua mở thông lồng ngực có thể hiệu quả nhưng chỉ được sử dụng ở những bệnh nhân bị vết thương thấu ngực, ngay sau khi phẫu thuật tim (nghĩa là trong vòng 48 giờ), trong trường hợp chèn ép tim và đặc biệt nhất là sau khi ngừng tim trong phòng mổ khi ngực của bệnh nhân đã mở. Tuy nhiên, phẫu thuật ngực đòi hỏi sự đào tạo và kinh nghiệm và chỉ được thực hiện tốt nhất trong những chỉ định hạn chế này.

Các biến chứng của ép tim

Một biến chứng thường xảy ra là trào ngược các chất dịch trong dạ dày, gây viêm phổi hít nguy hiểm đến tính mạng ở bệnh nhân cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Thường không thể tránh được tình trạng tách rời sụn sườn và gãy xương sườn vì điều quan trọng là phải ép ngực đủ để tạo ra đủ lưu lượng máu. Gãy xương là khá hiếm ở trẻ em vì tính linh hoạt của thành ngực. Huyết khối từ tủy xương đến phổi hiếm khi được báo cáo sau khi ép tim ngoài lồng ngực, nhưng không có bằng chứng rõ ràng rằng chúng góp phần vào tử vong. Chấn thương phổi rất hiếm, nhưng tràn khí màng phổi sau khi gãy xương sườn xâm nhập có thể xảy ra. Tràn khí màng phổi áp lực cần phải được xem xét ở bệnh nhân đã hồi phục tuần hoàn tự nhiên sau hồi sức tim phổi kéo dài, và sau đó trở nên khó thông khí, hoặc bệnh nhân bị thiếu oxy trong máu và đột ngột tái ngừng tim. Rất khó xảy ra chấn thương cơ tim nghiêm trọng do ép tim, ngoại trừ chấn thương phình tâm thất có từ trước. Việc quan tâm đến những thương tích này không làm ngăn cản cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Rách gan là một biến chứng hiếm nhưng có thể nghiêm trọng (đôi khi gây tử vong) và thường gây ra do ép ở vị trí dưới xương ức. Vỡ dạ dày (đặc biệt nếu dạ dày bị căng phồng do không khí) cũng là một biến chứng hiếm hoi. Vỡ lách muộn thường rất hiếm gặp.

Tài liệu tham khảo về hệ tuần hoàn

  1. 1. Atkins DL, Sasson C, Hsu A, et al: 2022 Interim Guidance to Health Care Providers for Basic and Advanced Cardiac Life Support in Adults, Children, and Neonates With Suspected or Confirmed COVID-19: From the Emergency Cardiovascular Care Committee and Get With The Guidelines-Resuscitation Adult and Pediatric Task Forces of the American Heart Association in Collaboration With the American Academy of Pediatrics, American Association for Respiratory Care, the Society of Critical Care Anesthesiologists, and American Society of Anesthesiologists. Circ Cardiovasc Qual Outcomes 2022;15(4):e008900. doi:10.1161/CIRCOUTCOMES.122.008900

Khử rung

Rối loạn nhịp phổ biến nhất trong trường hợp người trưởng thành ngừng tim có chứng kiến là rung thất (VF); sự chuyển nhanh chóng thành nhịp tưới máu rất cần thiết. Nhịp nhanh thất vô mạch (VT) được xử lý giống như VF.

Khử rung tim kịp thời là biện pháp can thiệp duy nhất cho ngừng tim, ngoài CPR chất lượng cao, đã được chứng minh là cải thiện khả năng sống sót; tuy nhiên, sự thành công của việc khử rung tim phụ thuộc vào thời gian, với khoảng 10% giảm thành công sau mỗi phút của VF (hoặc VT vô mạch). Máy khử rung động tự động (AED), tự động cho phép các nhân viên cứu hộ được huấn luyện ít nhất để xử trí VT hoặc VF. Máy được sử dụng bởi những người cấp cứu đầu tiên (cảnh sát và các cơ quan cứu hỏa) và sự sẵn có của máy này tại các địa điểm công cộng làm tăng khả năng hồi sức.

Đặt một bản điện cực sốc điện và một miếng đệm khử rung tim ở thành ngực trước bên phải bên dưới xương đòn ở đường giữa xương đòn và các miếng còn lại ở khoang liên sườn thứ 5 hoặc khoang liên sườn thứ 6 bên trái ở đỉnh tim theo đường nách trước. Ngoài ra, có thể để 2 miếng lót như sau: một miếng lót ở nửa lồng ngực phía trước bên trái và miếng lót còn lại ở nửa lồng ngực phía sau bên trái. Các bản điện cực sốc điện của máy khử rung tim thông thường hiếm khi có trên các máy khử rung tim hiện đại. Nếu có, bản điện cực sốc điện thông thường được sử dụng với chất dẫn điện; miếng dán có thành phần gel dẫn điện. Nên thực hiện một lần sốc điện ban đầu ngay khi phát hiện ra loại nhịp có thể sốc điện, sau đó ngay lập tức bắt đầu ép tim. Mức năng lượng cho máy khử rung hai pha là từ 150 đến 200 joules (2 joules/kg ở trẻ em) cho cú sốc ban đầu; máy khử rung một pha được cài đặt ở mức 360 joules cho cú sốc ban đầu. Nhịp sau sốc điện được kiểm tra sau 2 phút ép tim. Các cú sốc tiếp theo được phân phối ở mức năng lượng tương đương hoặc cao hơn (tối đa 360 joules ở người lớn, hoặc 10 joules/kg ở trẻ em). Bệnh nhân còn trong tình trạng VF hoặc VT nhận thêm các lần sốc điện 2 phút một lần, cùng với việc tiếp tục ép ngực và thông khí và điều trị bằng thuốc tùy chọn.

Theo dõi và đường truyền tĩnh mạch

Theo dõi điện tâm đồ (ECG) được thiết lập để xác định nhịp tim cơ bản. Một đường truyền tĩnh mạch được thiếp lập; thiết lập hai đường truyền làm giảm thiểu nguy cơ mất khả năng tiếp cận đường truyền trong thời gian cấp cứu ngừng tuần hoàn. Ưu tiên các đường truyền ngoại biên lớn như tĩnh mạch trước cẳng tay. Ở người lớn và trẻ em, nếu không thể nhanh chóng thiết lập một đường truyền ngoại biên, thì có thể đặt một đường truyền trung tâm dưới đòn hoặc ở đùi (xem Thủ thuật) với điều kiện là có thể thực hiện mà không cần ngừng ép ngực (thường khó). Các đường truyền trong xương (xem Truyền trong xương) là những lựa chọn thay thế, đặc biệt là ở trẻ em, vì có thể đặt các đường truyền này một cách nhanh chóng để tránh chậm trễ trong việc sử dụng liều epinephrine đầu tiên. Catheter tĩnh mạch đùi (xem Thủ thuật), là một lựa chọn vì cấp cứu ngừng tuần hoàn không cần phải dừng lại và có ít nguy cơ biến chứng nguy hiểm; tuy nhiên, chúng có thể có tỷ lệ thành công thấp hơn do không có nhịp đập của động mạch để hướng dẫn đặt.

Loại thuốc và số lượng dịch dùng cho bệnh nhân phụ thuộc vào hoàn cảnh lâm sàng. Thông thường, dung dịch muối 0,9% được truyền tĩnh mạch chậm (chỉ đủ để giữ đường truyền liên tục); thay thế thể tích lớn (dịch tinh thể và dung dịch keo, máu) chỉ được yêu cầu khi ngừng tuần hoàn do nguyên nhân giảm thể tích (Xem bảng Hồi sức dịch tĩnh mạch), hoặc là một phần của việc xử trí sốc tim sau khi tuần hoàn tự phát trở lại

Trường hợp đặc biệt

Trong trường hợp điện giật, nhân viên cứu hộ phải chắc chắn rằng bệnh nhân không còn tiếp xúc với nguồn điện nữa để tránh bị điện giật. Việc người cứu hộ sử dụng các vật liệu không phải kim loại hoặc gậy và nối đất cho phép loại bỏ nguồn điện khỏi bệnh nhân một cách an toàn trước khi bắt đầu cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Trong đuối nước, thổi ngạt có thể được bắt đầu ngay từ lúc nằm trong vùng nước nông, mặc dù ép tim có thể không được thực hiện hiệu quả cho đến khi bệnh nhân được đặt nằm ngang trên bề mặt chắc chắn.

Nếu ngừng tim sau chấn thương, các thao tác khai thông đường thở và thổi ngạt bên ngoài sau khi làm sạch đường thở được ưu tiên cao nhất vì tắc nghẽn đường thở là nguyên nhân có thể chữa được nhất khi ngừng tuần hoàn. Nếu nghi ngờ chấn thương cột sống cổ, nên dùng lực đẩy hàm, nhưng không nên ngửa đầu và nâng cằm. Các nguyên nhân có thể sống sót khác của ngừng tim do chấn thương bao gồm chèn ép timtràn khí màng phổi áp lực, là những tình huống mà việc giải áp sẽ giúp cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh nhân bị ngừng tim do chấn thương đều bị giảm thể tích nghiêm trọng do mất máu (do đó việc ép tim có thể không hiệu quả) hoặc chấn thương não không thể phục hôi được.

Thuốc theo ACLS

Mặc dù sử dụng rộng rãi và lâu dài, không dùng thuốc hay dùng thuốc kết hợp đã được xác định để tăng khả năng sống còn nguyên vẹn về mặt thần kinh cho đến khi xuất viện ở bệnh nhân ngừng tim. Một số loại thuốc dường như cải thiện khả năng phục hồi tuần hoàn tự nhiên (ROSC) và do đó có thể được sử dụng một cách hợp lý (về liều lượng, bao gồm cả trẻ em, xem bảng Thuốc hồi sức). Liệu pháp điều trị bằng thuốc đối với sốc và ngưng tim vẫn tiếp tục được nghiên cứu.

Bảng

Ở bệnh nhân có đường truyền tĩnh mạch ngoại vi, thuốc đưa vào theo sau đó là bolus dịch (truyền tĩnh mạch "mở rộng" ở người lớn, từ 3 đến 5 mL ở trẻ nhỏ) để thuốc vào trong đến tuần hoàn trung tâm. Ở bệnh nhân không có đường truyền tĩnh mạch hoặc đường truyền trong xương (IO), naloxone, atropine và epinephrine, khi được chỉ định, có thể được cung cấp thông qua ống nội khí quản từ 2 đến 2,5 lần liều TM. Trong khi thuốc được cho qua ống nội khí quản, ép tim nên được dừng lại trong một thời gian ngắn.

Thuốc dòng thứ nhất

Thuốc chính đầu tiên được sử dụng trong ngừng tim là

  • Epinephrine

Epinephrine 1 mg đường tĩnh mạch/trong xương nên được tiêm càng sớm càng tốt cho những bệnh nhân có nhịp ban đầu không thể dò được và có thể lặp lại, 3 đến 5 phút một lần. Nên tiêm sớm ở những nhịp không thể đánh dấu được, vì bằng chứng gần đây cho thấy khả năng sống sót tăng lên khi được tiêm trong 5 phút đầu hồi sức, hoặc đối với nhịp nhanh thất (VT) hoặc rung thất (VF) chịu được hai lần sốc điện. Nó đã kết hợp các hiệu quả của alpha-adrenergic và beta-adrenergic. Tác dụng alpha-adrenergic có thể làm tăng áp lực mạch vành thì tâm trương, do đó làm tăng tưới máu cơ tim trong quá trình ép tim. Epinephrine cũng làm tăng khả năng khử rung thành công. Tuy nhiên, tác dụng của beta - adrenergic có thể gây bất lợi vì nó làm tăng nhu cầu oxy (đặc biệt là ở tim) và gây giãn mạch. Không nên tiêm epinephrine thẳng vào trong tim, vì ngoài việc làm gián đoạn ép tim, các tình trạng tràn khí màng phổi, rách động mạch vành và chèn ép tim có thể xảy ra.

Amiodarone 300 mg có thể dùng một lần nếu lần thử khử rung thứ ba thất bại sau khi dùng epinephrine, tiếp theo là 1 liều 150 mg. Nó cũng có giá trị tiềm năng nếu nhịp nhanh thất hoặc rung thất tái phát sau khi khử rung thành công; một liều thấp hơn được cho trong 10 phút bằng cách truyền liên tục. Không có bằng chứng thuyết phục rằng nó làm tăng khả năng sống sót đến khi xuất viện. Lidocain là thuốc chống loạn nhịp thay thế cho amiodaron, với liều khởi đầu từ 1 đến 1,5 mg/kg, sau đó là liều thứ hai từ 0,5 đến 0,75 mg/kg.

Vasopressin không hiệu quả hơn epinephrine và do đó không còn được khuyến cáo là thuốc bước đầu trong hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (1). Tuy nhiên, trong trường hợp không có epinephrine trong suốt quá trình cấp cứu ngừng tuần hoàn, vasopressin có thể được thay thế.

Các loại thuốc khác

Một loạt các loại thuốc bổ sung có thể hữu ích trong các thiết lập cụ thể.

Atropine sulfat là thuốc làm tăng nhịp tim và tăng dẫn truyền qua nút nhĩ thất. Nó được dùng cho nhịp tim chậm có triệu chứng và block nhĩ thất độ cao. Nó không còn được dùng trong vô tâm thu hoặc hoạt động điện vô mạch.

Canxi clorua được khuyên dùng cho bệnh nhân tăng kali máu, tăng magie máu, hạ canxi máu, hoặc ngộ độc chẹn kênh canxi. Ở những bệnh nhân khác, vì canxi nội bào đã cao hơn bình thường, nên bổ sung canxi có thể gây bất lợi. Vì ngừng tim ở bệnh nhân lọc máu thường là kết quả của hoặc tăng kali máu, nên những bệnh nhân này có thể được hưởng lợi từ thử nghiệm canxi nếu không xác định được nồng độ kali tại giường. Cần thận trọng vì canxi làm trầm trọng thêm độc tính của digitalis và có thể gây ngừng tim.

Lidocain được khuyến nghị thay thế cho amiodarone đối với VF hoặc VT không đáp ứng với khử rung tim và điều trị thuốc vận mạch ban đầu bằng epinephrine. Nó cũng có thể được xem xét sau khi tuần hoàn tự nhiên trở lại sau ngừng tim do VF hoặc VT (ở người lớn) để ngăn ngừa VF hoặc VT tái phát.

Magnesium sulfate không cho thấy cải thiện kết quả trong các nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên. Tuy nhiên, nó có thể hữu ích ở những bệnh nhân bị xoắn đỉnh hoặc đã biết hoặc nghi ngờ thiếu magiê (tức là bệnh nhân rối loạn sử dụng rượu hoặc tiêu chảy kéo dài).

Procainamit là thuốc điều trị bước hai để điều trị VF hoặc VT kháng trị. Tuy nhiên, procainamide không được khuyến cáo cho trường hợp ngừng tim vô mạch ở trẻ em và không còn được khuyến cáo theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ để điều trị rối loạn nhịp thất sau ngừng tim. Tuy nhiên, Hội đồng hồi sức châu Âu đưa nó vào như một lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân ổn định huyết động với nhịp tim nhanh QRS phức tạp rộng theo hướng dẫn năm 2021, vì một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan với ít tác dụng bất lợi nghiêm trọng hơn so với amiodarone (2).

Phenytoin hiếm khi được sử dụng để điều trị nhịp nhanh thất, nhưng chỉ khi nhịp nhanh thất là do nhiễm độc digitalis và kháng trị với các thuốc khác. Liều 50 đến 100 mg/phút mỗi 5 phút được cho đến khi nhịp được cải thiện hoặc tổng liều lên đến 20 mg/kg.

Natri bicarbonate không còn được khuyến cáo trừ khi ngừng tim là do tăng kali máu, tăng magie máu, nhiễm toan chuyển hóa nghiêm trọng, hoặc quá liều thuốc chống trầm cảm ba vòng. Natri bicarbonate có thể được xem xét khi ngừng tim kéo dài (> 10 phút); nó chỉ được dùng nếu thông khí tốt. Khi dùng sodium bicarbonate, nồng độ bicarbonate huyết thanh hoặc thiếu hụt bazơ nên kiểm tra pH động mạch trước khi truyền và sau mỗi liều 50 mEq (1-2 mEq/kg ở trẻ em).

Tài liệu tham khảo về thuốc dùng trong ACLS

  1. 1. Merchant RM, Topjian AA, Panchal AR, et al: Part 1: Executive Summary: 2020 American Heart Association Guidelines for Cardiopulmonary Resuscitation and Emergency Cardiovascular Care. Circulation 142(16_suppl_2):S337-S357, 2020 doi:10.1161/CIR.0000000000000918

  2. 2. Soar J, Böttiger BW, Carli P, et al: European Resuscitation Council Guidelines 2021: Adult advanced life support [published correction appears in Resuscitation 2021 Oct;167:105-106]. Resuscitation 161:115-151, 2021 doi:10.1016/j.resuscitation.2021.02.010

Điều trị rối loạn nhịp tim

Rung thất hoặc nhịp nhanh thất vô mạch được điều trị bằng một sốc điện trực tiếp, tốt nhất với dạng sóng hai pha, càng sớm càng tốt sau khi xác định nhịp. Mặc dù một số bằng chứng trong phòng thí nghiệm cho thấy ngược lại, nhưng không nên trì hoãn việc khử rung để thực hiện một chu kỳ ép tim. Ép tim nên bị làm gián đoạn không quá 10 giây tại một thời điểm để khử rung. Các mức năng lượng khuyến nghị cho khử rung tim khác nhau:

  • 120 joules đến 200 joules đối với máy khử rung tim hai pha

  • 360 joules cho máy khử rung tim một pha

Nếu điều trị không thành công sau 2 lần thử, dùng epinephrine 1 mg đường tĩnh mạch và lặp lại 3 đến 5 phút một lần. Khử rung cùng mức năng lượng hoặc cao hơn được thực hiện sau 1 đến 2 phút sau mỗi lần dùng thuốc.

Nếu vẫn tồn tại rung thất, dùng amiodarone 300 mg IV. Sau đó, nếu rung thất/nhịp nhanh thấp vẫn còn, 150 mg truyền tĩnh mạch với tốc độ 1 mg/phút trong 6 giờ, sau đó 0,5 mg/phút.

Phiên bản hiện tại của máy khử rung tim tự động bên ngoài (AED) cho nhi khoa làm giảm mức năng lượng khi dùng cho trẻ em. (Đối với mức năng lượng cho trẻ em, xem Khử rung tim; cho liều thuốc, xem bảng Thuốc hồi sức)

Vô tâm thu có thể là kết quả giả do bị lỏng kết nối hoặc mất kết nối; do đó, giám sát kết nối nên được kiểm tra và nhịp nên được xem thêm ở một chuyển đạo khác. Nếu khẳng định vô tâm thu, bệnh nhân được dùng epinephrine 1 mg IV lặp lại mỗi 3 đến 5 phút. Không khuyến khích khử rung cho tình trạng vô tâm thu (bởi vì nó "có thể gây rung thất") vì các chấn động điện có thể gây tổn thương cơ tim không phục hồi.

Hoạt động điện vô mạch là sự sụp đổ của tuần hoàn xảy ra mặc dù các hoạt động điện trong điện tâm đồ (ECG) vẫn còn. Bệnh nhân có hoạt động điện vô mạch được tiêm epinephrine 1,0 mg đường tĩnh mạch lặp lại 3 đến 5 phút một lần, sau đó truyền 500 đến 1000 mL (20 mL/kg đối với trẻ em) truyền nước muối sinh lý 0,9% nếu nghi ngờ giảm thể tích tuần hoàn. Chèn ép tim có thể gây ra hoạt động điện không hoạt động, nhưng rối loạn này thường xảy ra ở bệnh nhân sau mở ngực và ở bệnh nhân tràn dịch màng ngoài tim hoặc chấn thương ngực lớn. Trong các thiết lập như vậy,chọc dịch màng tim hoặc mở ngực được thực hiện (xem hình Chọc dịch màng ngoài tim). Chèn ép hiếm khi là nguyên nhân gây ngừng tim, nhưng nếu nghi ngờ có thể được xác nhận bằng siêu âm hoặc, nếu siêu âm không có sẵn, thì chọc dịch màng tim.

Chấm dứt hồi sức

Cấp cứu ngừng tuần hoàn nên được tiếp tục cho đến khi hệ thống tim phổi được ổn định, bệnh nhân được tuyên bố là đã chết, hoặc một người cứu hộ đơn lẻ với thể chất không thể tiếp tục cấp cứu được nữa. Nếu ngừng tim được cho là do hạ thân nhiệt, nên tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn cho đến khi cơ thể được làm ấm đến 34°C.

Quyết định chấm dứt cấp cứu ngừng tuần hoàn là một quyết định trên lâm sàng, các bác sĩ lâm sàng xem xét thời gian ngừng tim, tuổi của bệnh nhân và tiên lượng của các bệnh lý kèm theo. Quyết định này thường được thực hiện khi không tái lập tuần hoàn tự nhiên sau khi các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn và các biện pháp hồi sức tim phổi nâng cao đã được thực hiện. Ở những bệnh nhân được đặt nội khí quản, mức carbon dioxide cuối thì thở ra (ETCO2) < 10 mm Hg sau 20 phút hồi sức tim phổi là một dấu hiệu tiên lượng xấu. Các nghiên cứu về kết quả của ngừng tim đã phát hiện ra rằng khả năng sống sót thuận lợi về mặt thần kinh là < 1% ở những bệnh nhân > 81 tuổi (có thể ≥ 73 tuổi – 1, 2) bị ngừng tim mà không có người làm chứng và nhịp ban đầu không thể sốc được.

Tài liệu tham khảo về chấm dứt hồi sức

  1. 1. Goto Y, Funada A, Maeda T, Okada H, Goto Y: Field termination-of-resuscitation rule for refractory out-of-hospital cardiac arrests in Japan. J Cardiol 73(3):240–246, 2019 doi:10.1016/j.jjcc.2018.12.002

  2. 2. Grunau B, Scheuermeyer F, Kawano T, et al: North American validation of the Bokutoh criteria for withholding professional resuscitation in non-traumatic out-of-hospital cardiac arrest. Resuscitation 135:51–56, 2019 doi:10.1016/j.resuscitation.2019.01.008

Chăm sóc sau khi hồi sức

Tái lập tuần hoàn tự nhiên (ROSC) chỉ là một mục tiêu trung gian trong hồi sức. Mục tiêu cuối cùng là sống sót đến khi xuất viện với chức năng thần kinh tốt, chỉ ở một số ít bệnh nhân sau khi ROSC. Để tối đa hóa khả năng đạt kết cục tốt, bác sĩ lâm sàng phải cung cấp chăm sóc hỗ trợ tốt (ví dụ, kiểm soát huyết áp, nhiệt độ và nhịp tim) và điều trị các tình trạng cơ bản, đặc biệt là các hội chứng vành cấp.

Chăm sóc sau hồi sức bao gồm giảm thiểu chấn thương tái tưới máu xảy ra sau giai đoạn thiếu máu cục bộ. Việc chăm sóc sau hồi sức nên bắt đầu ngay sau khi xác định được tuần hoàn tự phát. Việc cung cấp oxy nên được điều chỉnh xuống SpO2 94% để giảm thiểu tổn thương phổi do tăng oxy. Tốc độ và thể tích thông khí phải được chuẩn độ đến số đọc carbon dioxide cuối thì thở ra là 35 đến 40 mm Hg. Nên dùng liều truyền dịch tấn công nếu dung nạp được, cũng như truyền thuốc vận mạch.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm sau hồi sức bao gồm khí máu động mạch (ABG), công thức máu (CBC) và các chất hóa học trong máu, bao gồm chất điện giải, glucose, BUN (nitơ urê máu), creatinine và các chất chỉ điểm tim mạch. (Creatine kinase thường tăng lên do tổn thương cơ xương do cấp cứu ngừng tuần hoàn, troponins không bị ảnh hưởng bởi cấp cứu ngừng tuần hoàn hoặc khử rung tim.) Pao2 nên được giữ gần các giá trị bình thường (80 đến 100 mm Hg). Hematocrit nên được duy trì 30% (nếu nghi ngờ nguyên nhân tim), và glucose ở 140-180 mg/dL (7,7 đến 9,9 mmol/L); điện giải, đặc biệt là kali, nên nằm trong phạm vi bình thường.

Chụp động mạch vành

Quyết định làm thông tim sau khi hồi sức tim ngừng tim nên được cá nhân hoá dựa trên ECG, dấu hiệu lâm sàng, đánh giá của bác sĩ can thiệp tim mạch và tiên lượng của bệnh nhân. Các hướng dẫn hiện tại đề nghị chụp động mạch cấp cứu (trong vòng 2 giờ đến 6 giờ) cho bệnh nhân trưởng thành nghi ngờ nguyên nhân tim mạch và những người có đoạn ST chênh lên (STEMI) trên ECG.

Không rõ liệu thông tim cấp cứu (trong vòng 2 giờ) hay chậm hơn (trung bình khoảng 120 giờ sau khi ngừng tim) ở bệnh nhân không có STEMI trên ECG mang lại bất kỳ lợi ích lâm sàng nào hay không (1). Một số nhà nghiên cứu ủng hộ việc sử dụng ống thông tim sau khi thực hiện ROSC, thực hiện thủ thuật trên hầu hết các bệnh nhân trừ khi nguyên nhân rõ ràng là không có khả năng bị bệnh tim (ví dụ như đuối nước).

Hỗ trợ thần kinh

Chỉ có khoảng 10% trong số tất cả những người sống sót sau ngừng tim có chức năng hệ thống thần kinh trung ương tốt (thang điểm đánh giá chức năng não [CPC] 1 hoặc 2 – xem bảng Thang điểm đánh giá hoạt động của não) tại thời điểm ra viện. Điểm A CPC là 1 cho thấy hiệu quả hoạt động của não (bệnh nhân tỉnh táo, tỉnh táo, có khả năng làm việc nhưng có thể bị thiếu hụt thần kinh hoặc tâm thần nhẹ). Điểm A CPC là 2 cho thấy hiệu suất hoạt động não vừa phải (bệnh nhân có ý thức, có thể làm các hoạt động sinh hoạt hàng ngày [ADL] và làm việc trong một môi trường đơn giản. Tổn thương não do thiếu oxy là hậu quả của tổn thương do thiếu máu cục bộ và phù não (xem phần Sinh lý bệnh của ngừng tim). Cả quá trình tổn thương và hồi phục có thể tiến triển trong vòng 48 đến 72 giờ sau khi hồi sức.

Bảng

Duy trì oxy hóa và áp lực tưới máu não (tránh tăng thông khí, tăng oxy, giảm oxy máu và hạ huyết áp) có thể làm giảm các biến chứng trong não. Hạ đường huyết và tăng đường huyết đều có thể làm tổn thương não sau thiếu máu và cần được điều trị.

Ở người lớn, kiểm soát nhiệt độ mục tiêu được khuyến nghị cho những bệnh nhân vẫn không đáp ứng sau khi tuần hoàn tự nhiên đã trở lại (2, 3). Các khuyến nghị hiện tại là nhắm mục tiêu giữ nhiệt độ bình thường (< 37,5ºC), mặc dù nhiều nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng vẫn tiếp tục ủng hộ việc hạ thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể từ 32°C đến 36°C). Bất kể nhiệt độ mục tiêu đã chọn là gì, việc kiểm soát nhiệt độ chủ động được bắt đầu ngay khi tuần hoàn tự phát quay trở lại. Các kỹ thuật để hạ và duy trì thân nhiệt thấp có thể là bên ngoài hoặc xâm lấn. Các phương pháp làm lạnh bên ngoài rất dễ áp dụng và nằm trong khoảng từ việc sử dụng các gói nước đá bên ngoài đến một số thiết bị thương mại làm mát bên ngoài có khả năng lưu thông lượng nước lạnh trên da. Để làm mát bên trong, các dung dịch tĩnh mạch được làm lạnh (4°C) có thể được truyền nhanh đến khi nhiệt độ cơ thể thấp hơn, nhưng phương pháp này có thể gây khó khăn cho bệnh nhân không dung nạp được nhiều dịch bổ sung. Ngoài ra, còn có các thiết bị trao đổi nhiệt bên ngoài tuần hoàn bằng nước lạnh đến ống dẫn trao đổi nhiệt trong lòng tĩnh mạch có sử dụng thiết kế vòng kín, trong đó nước lạnh luân chuyển qua ống thông và trở lại thiết bị chứ không phải vào bệnh nhân. Một phương pháp xâm lấn khác sử dụng một thiết bị ngoài cơ thể lưu thông và làm lạnh máu ở bên ngoài sau đó truyền lại vào tuần hoàn trung tâm. Bất kể phương pháp được chọn là gì, mục tiêu là làm mát bệnh nhân nhanh chóng và duy trì nhiệt độ trung tâm ở mức mục tiêu (< 37,5ºC đối với thân nhiệt bình thường hoặc từ 32°C đến 36°C đối với hạ thân nhiệt) trong 24 giờ sau khi phục hồi tuần hoàn tự phát. Hiện tại, không có bằng chứng cho thấy bất kỳ nhiệt độ cụ thể nào trong phạm vi này là vượt trội, nhưng điều bắt buộc là phải tránh tăng thân nhiệt (4, 5).

Nhiều phương pháp điều trị bằng thuốc, bao gồm cả thuốc làm sạch gốc tự do, chất chống oxy hóa, thuốc ức chế glutamate và thuốc chẹn kênh canxi, đều có lợi về mặt lý thuyết. Nhiều loại thuốc đã thành công trong các mô hình động vật, nhưng không có loại nào chứng minh được hiệu quả trong các thử nghiệm trên người.

Hỗ trợ huyết áp

Các khuyến nghị hiện tại là duy trì huyết áp động mạch trung bình (MAP) > 65 mm Hg và huyết áp tâm thu > 90 mm Hg. Ở những bệnh nhân bị cao huyết áp, một mục tiêu hợp lý là huyết áp tâm thu thấp hơn 30 mmHg so với trước khi tim nghỉ. Huyết áp động mạch (MAP) được đo tốt nhất bằng catheter động mạch. Dùng ống thông động mạch phổi trực tiếp để theo dõi huyết động học đã bị loại bỏ.

Hỗ trợ huyết áp bao gồm

  • Truyền crystalloid đường tĩnh mạch (nước muối sinh lý thông thường hoặc Ringer lactated)

  • Thuốc co mạch hoặc thuốc vận mạch với mục tiêu duy trì huyết áp tâm thu ít nhất 90 mm Hg và MAP ít nhất 65 mm Hg

  • Hiếm khi phải dùng bóng đối xung động mạch chủ

Bệnh nhân có MAP thấp và áp lực tĩnh mạch trung tâm thấp nên được truyền tĩnh mạch dung dịch muối 0,9% với lượng dịch 250 ml.

Mặc dù việc sử dụng thuốc tăng co bóp và thuốc vận mạch không chứng minh được khả năng tăng cường thời gian sống lâu dài, nhưng người cao tuổi có MAP thấp vừa phải (70 mm Hg đến 80 mm Hg) và áp lực tĩnh mạch trung tâm bình thường hoặc cao hoặc IVC mở rộng được đánh giá bằng siêu âm tại giường có thể được truyền một loại thuốc tăng co bóp (ví dụ: dobutamine bắt đầu từ 2 đến 5 mcg/kg/phút). Amrinone hoặc milrinone là những lựa chọn thay thế hiếm khi được sử dụng (xem bảng Thuốc hồi sức).

Nếu biện pháp này không có hiệu quả, có thể xem xét sử dụng thuốc tăng co bóp cơ tim và co mặt như dopamine. Các thuốc thay thế là epinephrine và các thuốc co mạch ngoại vi norepinephrine và phenylephrine (Xem bảng Thuốc dùng trong hồi sức). Tuy nhiên, thuốc vận mạch tĩnh mạch nên được sử dụng ở liều tối thiểu cần thiết để đạt được MAP bình thường thấp vì chúng có thể làm tăng sức cản mạch máu và làm giảm tưới máu cơ quan, đặc biệt là ở mạc treo. Nó cũng làm tăng lượng công việc của tim tại thời điểm khi chức năng giảm do rối loạn chức năng cơ tim sau khi hồi phục.

Nếu MAP vẫn < 70 mmHg ở bệnh nhân có thể có nguy cơ nhồi máu cơ tim (MI), đặt bóng đối xung động mạch chủ nên được xem xét. Bệnh nhân có MAP bình thường và áp lực tĩnh mạch trung tâm cao hoặc IVC mở rộng có thể cải thiện bằng liệu pháp tăng co bóp hoặc giảm hậu gánh bằng nitroprusside hoặc nitroglycerin.

Bơm bóng đối xung động mạch chủ có thể hỗ trợ tuần hoàn trong tình trang cung lượng tim thấp do thất trái suy không đáp ứng với thuốc. Một ống thông có bóng được đưa vào thông qua động mạch đùi, qua da hoặc bằng phẫu thuật cắt động mạch, đi ngược vào động mạch chủ ngực gần với động mạch phế quản trái. Bóng được thổi phồng trong thời gian tâm trương, làm tăng tưới máu động mạch vành, và ẹp xuống trong thời gian tâm thu, làm giảm hậu gánh. Giá trị chính của nó là trì hoãn thời gian khi nguyên nhân gây sốc có thể được sửa chữa bằng phẫu thuật hoặc can thiệp qua da (ví dụ như nhồi máu cơ tim cấp do tắc nghẽn nhánh động mạch vành quan trọng, suy van hai lá cấp, thông liên thất).

Sau điều trị rối loạn nhịp tim do tuần hoàn tự phát trở lại

Mặc dù rung thất (VF) hoặc nhịp nhanh thất (VT) có thể tái phát sau khi hồi sức, các thuốc chống loạn nhịp dự phòng không làm cải thiện khả năng sống sót và không còn được sử dụng thường xuyên nữa. Tuy nhiên, bệnh nhân với biểu hiện những nhịp như vậy có thể được điều trị với procainamide, lidocaine (xem Các loại thuốc khác) hoặc amiodarone (xem Thuốc bước đầu).

Nhịp nhanh trên thất sau hồi sức tim phổi thường hay xảy ra do nồng độ cao các beta-adrenergic catecholamine (cả nội sinh và ngoại sinh) trong thời gian ngừng tim và hồi sức. Những nhịp này nên được điều trị nếu nguy hiểm, kéo dài, hoặc liên quan với hạ huyết áp hoặc các dấu hiệu thiếu máu mạch vành. Truyền tĩnh mạch esmolol được dùng với liều bắt đầu từ 50 mcg/kg/phút.

Những bệnh nhân bị ngừng tim do VF hoặc VT không liên quan đến nhồi máu cơ tim cấp tính là những ứng cử viên đối với máy khử rung tim cấy ghép vào cơ thể (ICD). ICD được cấy ghép tương tự như máy điều hòa nhịp tim và có dây dẫn trong tim và đôi khi có các điện cực dưới da. Chúng có thể cảm nhận nhịp tim và cung cấp nhịp tim hoặc sốc nhịp theo chỉ định.

Các tài liệu tham khảo chăm sóc sau khi hồi sức tim phổi

  1. 1. Spoormans EM, Lemkes JS, Janssens GN, et al: Ischaemic electrocardiogram patterns and its association with survival in out-of-hospital cardiac arrest patients without ST-segment elevation myocardial infarction: a COACT trials' post-hoc subgroup analysis. Eur Heart J Acute Cardiovasc Care 11(7):535-543, 2022 doi:10.1093/ehjacc/zuac060

  2. 2. Bernard SA, Gray TW, Buist MD, et al: Treatment of comatose survivors of out-of-hospital cardiac arrest with induced hypothermia. N Engl J Med 346:557–563, 2002. doi: 10.1056/NEJMoa003289

  3. 3. Nielsen N, Wetterslev J, Cronberg T, et al: Targeted temperature management at 33°C versus 36°C after cardiac arrest. N Engl J Med 369:2197–2206, 2013. doi: 10.1056/NEJMoa1310519

  4. 4. Granfeldt A, Holmberg MJ, Nolan JP, Soar J, Andersen LW; International Liaison Committee on Resuscitation (ILCOR) Advanced Life Support Task Force: Targeted temperature management in adult cardiac arrest: Systematic review and meta-analysis. Resuscitation 167:160–172, 2021 doi:10.1016/j.resuscitation.2021.08.040

  5. 5. Wyckoff MH, Greif R, Morley PT, et al: 2022 International Consensus on Cardiopulmonary Resuscitation and Emergency Cardiovascular Care Science With Treatment Recommendations: Summary From the Basic Life Support; Advanced Life Support; Pediatric Life Support; Neonatal Life Support; Education, Implementation, and Teams; and First Aid Task Forces. Circulation 146(25):e483–e557, 2022 doi:10.1161/CIR.0000000000001095

Thông tin thêm

Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.

  1. American Heart Association 2020 CPR and ECC Guidelines: These guidelines for cardiopulmonary resuscitation (CPR) and emergency cardiovascular care (ECC) are based on the most recent review of resuscitation science, protocols, and education.