Viêm Khớp Thái dương Hàm (TMJ)

TheoGary D. Klasser, DMD, Louisiana State University School of Dentistry
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 09 2023

    Viêm khớp nhiễm trùng, viêm khớp chấn thương, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và viêm khớp thoái hóa thứ phát có thể ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm.

    (Xem thêm Tổng quan về rối loạn khớp thái dương hàm.)

    Viêm khớp nhiễm trùng

    Nhiễm trùng khớp thái dương hàm (TMJ) có thể do nhiễm trùng liền kề lan rộng hoặc nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn lan theo đường máu (xem Viêm khớp truyền nhiễm cấp tính). Vùng khớp bị viêm sẽ gây đau và hạn chế cử động hàm. Các dấu hiệu nhiễm trùng tại chỗ liên quan đến bệnh hệ thống hoặc một nhiễm trùng liền kề sẽ gợi ý chẩn đoán. Kết quả X-quang âm tính ở giai đoạn đầu nhưng có thể thấy sự phá hủy xương sau đó. Nếu nghi ngờ viêm khớp mưng mủ thì hút dịch khớp để xác nhận chẩn đoán và xác định vi khuẩn gây bệnh. Chẩn đoán phải được thực hiện nhanh chóng để ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn.

    Điều trị bao gồm kháng sinh, uống đủ nước, kiểm soát đau, và hạn chế vận động. Penicillin G tiêm truyền là loại kháng sinh được lựa chọn cho đến khi có thể thực hiện chẩn đoán vi khuẩn cụ thể trên cơ sở nuôi cấy và xét nghiệm độ nhạy. Đối với nhiễm trùng Staphylococcus aureus MRSA của các cấu trúc trong miệng, vancomycin tiêm tĩnh mạch là thuốc kháng sinh được lựa chọn. Các ổ nhiễm trùng được chọc hút hoặc rạch và dẫn lưu. Một khi nhiễm trùng được kiểm soát, các bài tập há miệng thụ động giúp phòng ngừa tạo sẹo và hạn chế cử động hàm.

    Viêm khớp do chấn thương

    Hiếm khi, tổn thương cấp tính (ví dụ, do nhổ răng khó hoặc đặt ống nội khí quản) có thể dẫn đến viêm khớp TMJ. Xuất hiện đau, nhạy cảm và hạn chế chuyển động hàm dưới. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào bệnh sử. Kết quả X-quang là âm tính ngoại trừ bệnh nhân có phù trong khớp hoặc xuất huyết lan rộng trong vùng khớp. Điều trị bao gồm corticosteroid đường uống, NSAID, chườm ấm, chế độ ăn mềm, và hạn chế cử động hàm.

    Thoái hóa khớp

    TMJ có thể bị ảnh hưởng bởi viêm xương khớp (bệnh thoái hóa khớp), thường xảy ra ở những người > 50 tuổi. Thỉnh thoảng, bệnh nhân phàn nàn bị cứng khớp, có tiếng kêu kèn kẹt ở hàm hoặc đau nhẹ. Tiếng răng rắc có thể là do thoái hóa hoặc thủng đĩa đệm, khiến xương bị xây xát trên xương. Thường xảy ra ở cả hai bên khớp. Chụp X-quang hoặc chụp phim CT chùm hình nón có thể cho thấy tình trạng dẹt (ví dụ: u nang dưới sụn, ăn mòn và liềm bao hàm, gợi ý sự thay đổi chức năng, rất có thể là do khớp chịu tải quá mức). Điều trị triệu chứng. Máng (máng nhai) đeo trong khi ngủ (và có thể cả khi thức) sẽ giúp giảm đau và giảm âm thanh nghiến răng.

    Viêm khớp thoái hoá thứ phát

    Bệnh viêm khớp này thường phát triển ở những người (thường là phụ nữ) từ 20 đến 40 tuổi có tiền sử chấn thương hoặc tiền sử có hội chứng đau cân cơ thái dương hàm dai dẳng. Bệnh đặc trưng bởi hạn chế há miệng, đau một bên khi cử động hàm, căng khớp, và có tiếng lạo xạo. Khi tình trạng này đi kèm với hội chứng đau cân cơ thái dương hàm, các triệu chứng sẽ giảm dần.

    Triệu chứng xuất hiện ở một bên, giúp phân biệt viêm khớp thoái hoá thứ phát với viêm xương khớp. Chẩn đoán dựa vào phim X-quang, như trong bệnh viêm xương khớp, thường cho thấy lồi cầu bẹt, lõm, có chồi xương, hoặc bị xoi mòn.

    Điều trị là bảo tồn, giống như đối với hội chứng đau cân cơ thái dương hàm, mặc dù có thể cần phải phẫu thuật nội soi khớp hoặc cắt lồi cầu cao. Máng nhai (nẹp nhai [miếng bảo vệ miệng]) thường làm giảm các triệu chứng. Máng nhai được đeo liên tục, ngoại trừ trong bữa ăn, khi vệ sinh răng miệng, và khi làm sạch máng. Khi các triệu chứng được giải quyết, khoảng thời gian đeo máng mỗi ngày sẽ giảm dần. Tiêm nội khớp bằng corticosteroid có thể làm giảm các triệu chứng nhưng có thể gây hại cho khớp nếu thường xuyên sử dụng.

    Viêm khớp dạng thấp

    Khớp thái dương hàm bị ảnh hưởng ở > 17% số người lớn và trẻ em bị viêm khớp dạng thấp, nhưng thường xảy ra ở những khớp cuối cùng. Triệu chứng phổ biến nhất là sưng, đau và hạn chế cử động. Ở trẻ em, sự phá hủy cấu trúc lồi cầu dẫn đến rối loạn phát triển xương hàm dưới và biến dạng mặt. Có thể kéo theo dính khớp. Chụp phim X-quang thường cho kết quả âm tính trong giai đoạn đầu, nhưng sau đó cho thấy sự phá hủy xương ở giai đoạn muộn, có thể dẫn đến sai khớp cắn hở ở những răng trước. Chẩn đoán được gợi ý bởi viêm TMJ liên quan đến chứng viêm đa khớp và được xác định bởi các triệu chứng điển hình khác của bệnh.

    Điều trị cũng tương tự như viêm khớp dạng thấp ở các khớp khác. Trong giai đoạn cấp tính, NSAID có thể được sử dụng và hàm không được hoạt động chức năng. Máng đeo trong khi ngủ thường hữu ích. Khi các triệu chứng giảm dần, các bài tập hàm nhẹ nhàng giúp ngăn ngừa mất cử động hàm dưới quá mức. Phẫu thuật là cần thiết nếu dính khớp tiến triển, nhưng không nên thực hiện khi tình trạng chưa nhẹ bớt.