Táo bón

TheoJonathan Gotfried, MD, Lewis Katz School of Medicine at Temple University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 01 2022

Táo bón là khó khăn hoặc giảm tần suất đại tiện, phân cứng, hoặc cảm giác tống phân không hết. (Xem thêm Táo bón ở trẻ em.)

Không có chức năng cơ thể nào có nhiều biến đổi và chịu ảnh hưởng từ bên ngoài hơn đại tiện. Thói quen đại tiện của mỗi người là rất khác nhau và bị ảnh hưởng bởi độ tuổi, sinh lý, chế độ ăn uống, xã hội và văn hoá. Một số người có mối bận tâm không cần thiết với thói quen đại tiện. Trong xã hội phương Tây, tần suất đại tiện bình thường trong khoảng từ 2-3 lần/ngày đến 2-3 lần/tuần.

Nhiều người không tin rằng việc đại tiện hàng ngày là cần thiết và chỉ phàn nàn về táo bón nếu đại tiện ít thường xuyên hơn. Các thông tin khác về hình dạng bên ngoài (kích cỡ, hình dạng, màu sắc) hoặc khuôn phân cần được quan tâm. Đôi khi vấn đề chính là bệnh nhân không hài lòng với quá trình đại tiện hoặc cảm giác không hết bãi sau khi đại tiện. Táo bón gây nhiều cảm giác khó chịu (đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn) là các triệu chứng thực sự của một vấn đề tiềm ẩn (ví dụ: hội chứng ruột kích thích [IBS], trầm cảm). Bệnh nhân không nên mong đợi tất cả các triệu chứng sẽ giảm bằng cách đại tiện hàng ngày và các biện pháp hỗ trợ thói quen đại tiện nên được sử dụng một cách thận trọng.

Bệnh nhân ám ảnh cưỡng chế thường cảm thấy cần phải loại bỏ chất thải "bẩn" ra khỏi cơ thể hàng ngày. Những bệnh nhân này thường dành quá nhiều thời gian trong nhà vệ sinh hoặc trở thành người dùng thuốc xổ lâu dài.

Căn nguyên của táo bón

Táo bón cấp tính cho thấy một nguyên nhân thực thể, trong khi táo bón mạn tính có thể là thực thể hoặc cơ năng ( xem Bảng: Nguyên nhân gây táo bón).

Ở nhiều bệnh nhân, táo bón có liên quan đến quá trình di chuyển chậm của phân qua đại tràng. Sự chậm trễ này có thể là do thuốc, các tình trạng bất thường thực thể, hoặc rối loạn chức năng đại tiện (ví dụ: rối loạn chức năng của sàn chậu) hoặc rối loạn do chế độ ăn ( xem Bảng: Thực phẩm thường ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa). Bệnh nhân bị đại tiện bất thường không tạo ra lực đẩy mạnh thích hợp ra khỏi trực tràng, không làm giãn cơ mu-trực tràng và cơ thắt hậu môn ngoài khi đại tiện, hoặc cả hai. Trong hội chứng ruột kích thích, bệnh nhân có các triệu chứng (ví dụ: cảm giác khó chịu ở bụng và thay đổi thói quen đại tiện) nhưng nhìn chung thức ăn di chuyển qua đại tràng và chức năng của hậu môn trực tràng bình thường. Tuy nhiên, đại tiện theo rối loạn của hội chứng ruột kích thích có thể cùng tồn tại.

Rặn quá mức, có thể thứ phát do rối loạn chức năng sàn chậu, có thể góp phần gây bệnh lý hậu môn trực tràng bệnh trĩ, nứt kẽ hậu mônsa trực tràng) và thậm chí có thể ngất. Nút phân, có thể gây ra hoặc tiến triển từ táo bón, cũng phổ biến ở những bệnh nhân cao tuổi, đặc biệt là khi nằm trên giường kéo dài hoặc giảm hoạt động thể chất. Triệu chứng này cũng phổ biến sau khi uống hoặc thụt barit.

Bảng
Bảng

Đánh giá táo bón

Lịch sử

Tiền sử của bệnh hiện tại cần phải xác định tiền sử lâu dài về tần suất đại tiện của bệnh nhân, độ đặc, cần phải rặn hoặc sử dụng nghiệm pháp đáy chậu (ví dụ: dồn sức vào đáy chậu, vùng mông, hoặc vách âm đạo - trực tràng) trong khi đi đại tiện và có cảm giác nhẹ nhõm sau khi đi vệ sinh, bao gồm tần suất và thời gian sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thụt. Một số bệnh nhân không cho rằng đã bị táo bón trước đó, nhưng khi được hỏi một cách cụ thể, họ thừa nhận đã dành từ 15 đến 20 phút mỗi lần đại tiện. Sự hiện diện, số lượng và khoảng thời gian có máu trong phân cũng cần được khai thác.

Xem xét các hệ thống cần phải tìm các triệu chứng do các rối loạn gây ra, bao gồm thay đổi kích cỡ phân hoặc máu trong phân (gợi ý ung thư). Các triệu chứng toàn thân cho thấy các bệnh mạn tính (ví dụ: sụt cân) cũng cần phải được tìm kiếm.

Bệnh sử trong quá khứ cần phải hỏi về các nguyên nhân đã biết, bao gồm phẫu thuật bụng trước đây và các triệu chứng của các bệnh chuyển hóa (ví dụ: suy giáp, đái tháo đường) và bệnh thần kinh (ví dụ: Parkinson, xơ cứng bì, chấn thương tủy sống). Cần phải đánh giá cẩn thận việc sử dụng thuốc có đơn và không đơn với câu hỏi cụ thể về các loại thuốc kháng cholinergic và thuốc phiện.

Khám thực thể

Khám tổng quát được thực hiện để tìm các dấu hiệu của bệnh hệ thống, bao gồm sốt và suy mòn. Các khối vùng bụng cần phải được tìm kiếm bằng cách sờ nắn bụng. Khám trực tràng không chỉ nên thực hiện để tìm nứt kẽ, chít hẹp, máu, hoặc các khối (bao gồm cả nút phân) mà còn để đánh giá trương lực khi nghỉ của hậu môn ("nâng" cơ mu-trực tràng khi bệnh nhân co cơ thắt hậu môn), sa đáy chậu trong quá trình bài xuất phân bị kích thích và cảm giác của trực tràng. Bệnh nhân có rối loạn về đại tiện có thể có tăng trương lực khi nghỉ của hậu môn (hoặc co thắt cơ mu-trực tràng), giảm (tức là, < 2 cm) hoặc tăng (tức là, > 4 cm) sa đáy chậu và/hoặc co nghịch thường của cơ mu-trực tràng trong khi tống phân do kích thích.

Các dấu hiệu cảnh báo

Một số dấu hiệu nhất định tăng nghi ngờ về nguyên nhân nghiêm trọng hơn của táo bón mạn tính:

  • Bụng trướng, gõ vang như trống

  • Nôn

  • Máu trong phân

  • Sụt cân

  • Táo bón mức độ nặng khi mới khởi phát/trầm trọng hơn trên bệnh nhân cao tuổi

Giải thích các dấu hiệu

Các triệu chứng nhất định (ví dụ: cảm giác tắc hậu môn trực tràng, đại tiện kéo dài hoặc khó khăn, cần loại bỏ nút phân bằng ngón tay), đặc biệt là khi có liên quan đến vận động đáy chậu bất thường (tức là tăng hoặc giảm) trong quá trình tống phân bị kích thích, gợi ý rối loạn đại tiện. Bụng chướng căng, giãn, chướng, đặc biệt là khi có buồn nôn và nôn, gợi ý tắc nghẽn cơ học.

Táo bón mạn tính với cảm giác khó chịu nhẹ ở bệnh nhân dùng thuốc nhuận tràng trong thời gian dài gợi ý táo bón nhu động chậm. Táo bón cấp tính đồng thời xảy ra khi bắt đầu dùng một loại thuốc gây táo bón trên bệnh nhân không có dấu hiệu cảnh báo gợi ý thuốc là nguyên nhân. Táo bón mới khởi phát kéo dài nhiều tuần hoặc xuất hiện gián đoạn với những đợt tăng tần suất hoặc mức độ nặng, nếu không có nguyên nhân đã biết, gợi ý khối u đại tràng hoặc các nguyên nhân khác gây tắc bán phần. Rặn quá mức hoặc đại tiện kéo dài hoặc không cảm thấy thoải mái sau khi đại tiện, có hoặc không có dùng ngón tay trong trực tràng, gợi ý rối loạn đại tiện. Bệnh nhân có tình trạng nút phân có thể đau thắt và đại tiện ra nước nhầy hoặc chất phân quanh khối phân nút, giống tiêu chảy (tiêu chảy tràn ra).

Bệnh nhân có hội chứng ruột kích thích thường có đau bụng kèm theo thói quen đại tiện bị rối loạn. Bệnh nhân có táo bón mạn tính không đạt tiêu chuẩn về hội chứng ruột kích thích có thể bị táo bón cơ năng (1).

Xét nghiệm

Xét nghiệm được định hướng qua các dấu hiệu lâm sàng và tiền sử về chế độ ăn uống của bệnh nhân.

Táo bón có nguyên nhân rõ ràng (thuốc, chấn thương, nằm lâu ngày) có thể được điều trị triệu chứng mà không cần nghiên cứu thêm. Bệnh nhân có triệu chứng tắc ruột cần chụp X-quang bụng phẳng và tư thế đứng, có thể thụt thuốc cản quang tan trong nước để đánh giá mức độ tắc đại tràng và có thể chụp CT hoặc chụp X-quang barit ruột non (xem thêm chẩn đoán tắc ruột non). Hầu hết các bệnh nhân không có nguyên nhân rõ ràng cần phải làm nội soi đại tràng và đánh giá xét nghiệm (công thức máu, hoóc-môn kích thích tuyến giáp, đường máu lúc đói, điện giải và canxi).

Các xét nghiệm bổ sung thường được tiến hành với những bệnh nhân có kết quả bất thường trên các xét nghiệm đề cập trước đó hoặc những người không đáp ứng với điều trị triệu chứng. Hiện nay, Tuyên bố quan điểm y khoa về táo bón của 2013 medical position statement on constipationHiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ đề xuất một thử nghiệm về chất xơ và/hoặc thuốc nhuận tràng không kê đơn. Nếu thử nghiệm này thất bại, thì cần phài tiến hành đo áp lực hậu môn trực tràng bằng cách trục xuất bóng để xác định các tình trạng rối loạn ở đáy chậu và rối loạn hậu môn-trực tràng chức năng (2). Nếu hình học là âm tính và khiếu nại chính là đại tiện không thường xuyên, thời gian thức ăn di chuyển qua đại tràng cần phải được đo bằng các chất đánh dấu phóng xạ (dấu hiệu Sitz), xạ hình hoặc viên nang chuyển động không dây. Ở những bệnh nhân bị táo bón mạn tính, điều quan trọng là phải phân biệt giữa táo bón do thức ăn di chuyển qua chậm (nghiên cứu chắn bức xạ đánh dấu Sitz bất thường) và rối loạn chức năng cơ đáy chậu (chất đánh dấu chỉ được giữ lại ở đại tràng đầu xa). (Xem thêm hướng dẫn lâm sàng của Trường Đại học Tiêu hóa Hoa Kỳ về kiểm soát rối loạn hậu môn trực tràng lành tính năm 2021.)

Tài liệu tham khảo đánh giá

  1. 1. Lacy BE, Mearin F, Chang L, et al: Bowel disorders. Gastroenterology 150(6):1393–1407, 2016. doi: 10.1053/j.gastro.2016.02.031

  2. 2. Rao SCS, Tanisa Patcharatrakul T: Diagnosis and treatment of dyssynergic defecation. J Neurogastroenterol Motil 22(3):423–435, 2016. doi: 10.5056/jnm16060

Điều trị táo bón

  • Có thể ngưng sử dụng các thuốc gây triệu chứng (một số có thể vẫn cần thiết)

  • Tăng chất xơ trong khẩu phần ăn

  • Có thể điều trị thử với liệu trình thuốc nhuận tràng thẩm thấu trong thời gian ngắn

Bất kỳ tình trạng nào đã xác định đều cần được điều trị.

Xem bảng Các thuốc được sử dụng để điều trị táo bón để biết bản tóm tắt. Thuốc nhuận tràng cần phải được sử dụng một cách thận trọng. Một số loại thuốc (ví dụ: phốt phát, cám, xenluloza) gắn kết và tác động vào quá trình hấp thụ. Phân di chuyển qua nhanh có thể thúc đẩy một số loại thuốc và chất dinh dưỡng vượt xa vị trí hấp thụ tối ưu của chúng. Chống chỉ định dùng thuốc nhuận tràng và thuốc xổ bao gồm đau bụng cấp không rõ nguyên nhân, tình trạng viêm ruột, tắc ruột, chảy máu đường tiêu hóa và nút phân.

Chế độ ăn uống và hành vi

Chế độ ăn nên có đủ chất xơ (thường từ 15 đến 20 g/ngày) để đảm bảo đủ lượng phân. Chất xơ thực vật, phần lớn không thể tiêu hóa và không thể hấp thụ được, làm tăng lượng phân. Một số thành phần của chất xơ cũng hấp thụ dịch, làm cho phân trở nên mềm hơn và tạo điều kiện cho sự di chuyển của phân. Hoa quả và rau củ là những nhóm thực phẩm được khuyến nghị, cũng như ngũ cốc nguyên vỏ. Bổ sung chất xơ đặc biệt hiệu quả trong điều trị chứng táo bón do thức ăn di chuyển qua bình thường nhưng không có hiệu quả lắm đối với táo bón do thức ăn di chuyển qua chậm hoặc các tình trạng bất thường về đại tiện.

Thay đổi hành vi có thể giúp cải thiện triệu chứng. Bệnh nhân cần phải cố gắng đại tiện vào cùng một thời điểm mỗi ngày, lý tưởng là sau ăn sáng từ 15 đến 45 phút, bởi vì ăn uống sẽ kích thích nhu động của đại tràng. Những nỗ lực ban đầu với nhu động ruột chậm thường xuyên có thể được hỗ trợ bằng viên đạn đặt hậu môn chứa glycerin.

Bệnh nhân bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế cần được điều trị rối loạn đó. Ngoài ra, các bác sĩ phải giải thích rằng đại tiện hàng ngày là không cần thiết, ruột phải có thời gian để hồi phục và thường xuyên sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thụt (> một lần, 3 ngày một lần) sẽ làm mất đi khả năng đại tiện đó.

Bảng

Các loại thuốc nhuận tràng

Thuốc làm tăng khối lượng phân (ví dụ: psyllium, canxi polycarbophil, methylcellulose) tác dụng chậm và nhẹ nhàng là những loại thuốc an toàn nhất để thúc đẩy việc bài xuất phân. Sử dụng hợp lý bao gồm việc tăng dần liều - lý tưởng là dùng 3 hoặc 4 lần/ngày với vừa đủ nước (ví dụ: bổ sung 500 mL nước/ngày) để ngăn ngừa nút phân - cho đến khi khối phân mềm hơn, to hơn. Chướng bụng có thể được giảm bằng cách chuẩn độ liều chất xơ trong khẩu phần ăn dần dần cho đến liều khuyến nghị, hoặc bằng cách chuyển sang chế phẩm xơ tổng hợp như là methylcellulose.

Các thuốc thẩm thấu có chứa đa ion hấp thu kém (ví dụ: magiê, photphat, sulfat), các polyme (ví dụ: polyethylene glycol), hoặc carbohydrate (ví dụ: lactulose, sorbitol) vẫn còn trong ruột, làm tăng áp suất thẩm thấu trong lòng ruột và kéo nước vào ruột. Tăng thể tích sẽ kích thích nhu động. Các thuốc này thường có tác dụng trong vòng 3 giờ.

Nói chung, thuốc nhuận tràng thẩm thấu khá an toàn ngay cả khi được sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, không nên dùng phốt phát natri để làm sạch ruột bởi vì thuốc có thể gây suy thận cấp hiếm gặp ngay cả sau khi dùng một lần duy nhất để chuẩn bị ruột. Những biến cố này xảy ra chủ yếu trên bệnh nhân cao tuổi, những người có bệnh thận trước đó và những người đang dùng thuốc có ảnh hưởng đến tưới máu hoặc chức năng thận (ví dụ: thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II). Ngoài ra, magiê và phốt phát cũng bị hấp thụ một phần và có thể gây bất lợi trong một số tình trạng bệnh lý (ví dụ: suy thận). Natri (trong một số chế phẩm) có thể làm suy tim trầm trọng thêm. Khi sử dụng với số lượng lớn hoặc thường xuyên, các thuốc này có thể gây mất cân bằng nước và điện giải. Một cách tiếp cận khác để làm sạch ruột chuẩn bị cho các kiểm tra chẩn đoán hoặc phẫu thuật hoặc đôi khi là để điều trị táo bón mạn tính sử dụng một lượng lớn thuốc thẩm thấu cân bằng (ví dụ: dung dịch polyethylene glycol-điện giải) cho uống hoặc bơm qua ống thông mũi-dạ dày.

Thuốc xổ bài tiết hoặc thuốc xổ kích thích (ví dụ: phenolphthalein, bisacodyl, anthraquinones, dầu thầu dầu, anthraquinones) có tác dụng bằng cách kích thích niêm mạc ruột hoặc kích thích trực tiếp đám rối thần kinh dưới niêm mạc và đám rối thần kinh cơ ruột. Mặc dù phenolphthalein đã bị loại khỏi thị trường Hoa Kỳ sau khi các nghiên cứu trên động vật cho thấy hợp chất này là gây ung thư, không có bằng chứng dịch tễ học về vấn đề này ở người. Bisacodyl là một loại thuốc cấp cứu hiệu quả cho táo bón mạn tính. Các thuốc antraquinones senna, cascara sagrada, lô hội và rhubarb là những thành phần phổ biến của thuốc nhuận tràng thảo dược và không kê đơn. Các thuốc này di chuyển không thay đổi cấu trúc cho đến đại tràng, nơi mà quá trình chuyển hóa của vi khuẩn sẽ chuyển thuốc thành các dạng hoạt tính.

Tác dụng bất lợi bao gồm phản ứng dị ứng, giảm điện giải, bệnh melanin ruột và đại tràng cathartic. Bệnh melanin ruột là nhiễm sắc tố màu nâu đen ở đại trực tràng không rõ thành phần. Đại tràng tẩy nhẹ gợi ý đến các thay đổi về giải phẫu đại tràng đã được quan sát thấy khi thụt bari trên bệnh nhân sử dụng thuốc nhuận tràng kích thích lâu năm. Đại tràng tẩy nhẹ có thể gây táo bón dẫn đến việc sử dụng thuốc nhuận tràng nhiều hơn và do đó táo bón nhiều hơn, tạo ra một vòng luẩn quẩn. Không rõ liệu đại tràng tẩy nhẹ, được cho là do nhóm anthraquinone phá hủy các nơ ron thần kinh trong đám thần kinh cơ ruột, có bị các thuốc hiện có thể dùng được hoặc các thuốc gây độc thần kinh khác (ví dụ: podophyllin), những chất này không còn tồn tại nữa, hay không. Có vẻ như không có tăng nguy cơ bị ung thư đại tràng khi sử dụng anthraquinone lâu dài.

Dung dịch thụt có thể được sử dụng, bao gồm nước máy và các dung dịch ưu trương đã pha chế có bán trên thị trường.

Thuốc làm mềm phân (ví dụ: docusate, dầu khoáng) có tác dụng chậm để làm mềm phân, khiến cho việc bài xuất phân dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các loại thuốc này không phải là thuốc kích thích đại tiện mạnh. Docusate là một loại thuốc có hoạt tính bề mặt, cho phép nước xâm nhập vào khối phân để làm mềm và tăng khối lượng phân.

Thuốc đối kháng thụ thể mu-opioid có tác dụng ngoại biên (PAMORAs; ví dụ: methylnaltrexone, naloxegol, naldemedine) có thể được sử dụng để điều trị táo bón do thuốc phiện gây ra không đỡ khi dùng các biện pháp khác. Alvimopan là một loại thuốc đối kháng mu-opioid có sẵn để sử dụng trong bệnh viện trong thời gian ngắn trên bệnh nhân phẫu thuật để điều trị hồi tràng sau phẫu thuật.

Ứ đọng phân

Nút phân được điều trị ban đầu bằng cách thụt bằng nước máy, sau đó là dung dịch thụt cỡ nhỏ (100 mL) các dung dịch ưu trương đã pha chế có bán trên thị trường. Nếu những loại thuốc này không hiệu quả, có thể cần phải tách nhỏ và gỡ nút cục của khối phân bằng tay. Thủ thuật này gây đau đớn, vì thế cần phải bôi thuốc tê tại chỗ quanh trực tràng và trong trực tràng (ví dụ: mỡ lidocaine 5% hoặc mỡ dibucaine 1%). Một số bệnh nhân cần an thần.

Các điểm thiết yếu ở người cao tuổi

Táo bón là vấn đề phổ biến ở người cao tuổi vì chế độ ăn ít chất xơ, không tập thể dục, các tình trạng bệnh lý đồng thời tồn tại và sử dụng các loại thuốc gây táo bón. Nhiều người cao tuổi có quan niệm sai lầm về thói quen đại tiện bình thường và sử dụng thuốc nhuận tràng thường xuyên. Những thay đổi khác khiến cho người cao tuổi bị táo bón bao gồm tăng độ giãn nở của trực tràng và giảm cảm giác ở trực tràng (do đó cần phải có khối lượng phân lớn hơn ở trực tràng mới có thể kích thích cảm giác muốn đại tiện).

Những điểm chính

  • Nguyên nhân do thuốc là phổ biến (ví dụ: sử dụng các thuốc kháng cholinergic hoặc thuốc phiện).

  • Hãy cảnh giác với tắc ruột khi táo bón cấp tính và nặng.

  • Nếu thử nghiệm về chất xơ và/hoặc thuốc nhuận tràng thất bại thì cần phải đo áp lực hậu môn trực tràng có tống bóng để loại trừ rối loạn chức năng đáy chậu.

Thông tin thêm

Sau đây là các tài nguyên tiếng Anh có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của các tài nguyên này.

  1. American Gastroenterological Association: Medical position statement on constipation (2013)

  2. American College of Gastroenterology: Clinical guidelines for the management of benign anorectal disorders (2021)

Khó đại tiện

Chứng khó đại tiện (cũng có thể được gọi là chứng loạn đồng vận, rối loạn bài tiết, rối loạn chức năng sàn chậu hoặc cơ vòng hậu môn, hoặc rối loạn chức năng đại tiện) là khó đại tiện. Bệnh nhân cảm thấy có phân và muốn đại tiện nhưng không thể. Đó là kết quả của sự thiếu phối hợp giữa cơ đáy chậu và cơ thắt hậu môn. Chẩn đoán cần phải kiểm tra hậu môn - trực tràng. Điều trị rất khó khăn, nhưng phản hồi sinh học có thể có lợi.

Căn nguyên của khó đại tiện

Thông thường, khi một người cố gắng đại tiện, áp lực trực tràng tăng lên phối hợp với giãn cơ thắt hậu môn ngoài. Quá trình này có thể bị ảnh hưởng bởi một hoặc nhiều rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân (ví dụ: giảm co thắt trực tràng, co thắt thành bụng quá mức, co thắt hậu môn nghịch thường, không giãn cơ thắt hậu môn). Các rối loạn cơ năng về đại tiện có thể biểu hiện ở bất cứ lứa tuổi nào. Ngược lại, bệnh Hirschsprung, do không có phản xạ ức chế trực tràng-hậu môn, luôn được chẩn đoán ở trẻ sơ sinh hoặc ở thời thơ ấu. Những người bị hội chứng ruột kích thích (IBS) có thể đại tiện bị rối loạn do hội chứng ruột kích thích, gây khó đại tiện.

Triệu chứng và dấu hiệu của khó đại tiện

Bệnh nhân có thể hoặc không thể cảm thấy có phân trong trực tràng. Mặc dù rặn kéo dài, nhưng tống phân rất khó khăn hoặc không thể thực hiện được, xảy ra thường xuyên ngay cả với phân mềm hoặc dùng dung dịch thụt. Bệnh nhân có thể phàn nàn về tắc hậu môn và có thể lấy phân ra khỏi trực tràng bằng tay hoặc hỗ trợ đáy chậu hoặc nẹp âm đạo bằng tay để móc phân. Tần suất đại tiện thực tế có thể giảm hoặc không.

Chẩn đoán khó đại tiện

  • Đo áp lực hậu môn trực tràng và tống bóng trực tràng

Khám trực tràng và vùng chậu có thể cho thấy tăng trương lực cơ đáy chậu và cơ thắt hậu môn. Khi rặn, bệnh nhân không thể làm giãn hậu môn và sa đáy chậu như mong đợi. Khi rặn quá mức, thành trước trực tràng sa vào âm đạo ở bệnh nhân không giãn được cơ thắt hậu môn; do đó sa trực tràng thường là thứ phát hơn là một rối loạn nguyên phát. Khó đại tiện lâu ngày kèm theo rặn lâu ngày có thể gây loét trực tràng đơn độc hoặc các mức độ sa trực tràng khác nhau hoặc sa đáy chậu quá mức hoặc thoát vị ruột non vào âm đạo.

Đo áp lực hậu môn trực tràng hoặc tống bóng trực tràng, đôi khi được bổ sung bằng cách đại tiện hoặc chụp cộng hưởng động học sàn chậu tống phân, là cần thiết để chẩn đoán tình trạng này. (Xem thêm hướng dẫn lâm sàng của Trường Đại học Tiêu hóa Hoa Kỳ về kiểm soát rối loạn hậu môn trực tràng lành tính năm 2021.)

Điều trị đại tiện khó

  • Phản hồi sinh học

Vì điều trị bằng thuốc nhuận tràng thường không đạt hiệu quả mong đợi, nên đánh giá chức năng hậu môn trực tràng ở bệnh nhân táo bón khó chữa có vai trò quan trọng. Liệu pháp phản hồi sinh học có thể cải thiện mức độ phối hợp giữa co cơ bụng và giãn cơ đáy chậu trong quá trình đại tiện, qua đó làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, việc huấn luyện lại sàn chậu để điều trị các rối loạn đại tiện là rất chuyên biệt và chỉ có ở một số trung tâm chọn lọc. Cần có phương pháp tiếp cận cộng tác giữa các chuyên khoa (bác sĩ vật lý trị liệu, chuyên gia về dinh dưỡng, chuyên gia trị liệu hành vi, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa).

Thông tin thêm

Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.

  1. American College of Gastroenterology: Clinical guidelines for the management of benign anorectal disorders (2021)