Tổng quan về nhiễm Enterovirus

TheoBrenda L. Tesini, MD, University of Rochester School of Medicine and Dentistry
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 06 2023

Nhóm Enterovirus, cùng với nhóm rhinovirus (xem Cảm lạnh thông thường) và parechovirus ở người, là một chi của picornavirus (pico, hoặc vi rút RNA nhỏ). Tất cả các enterovirus đều có tính kháng nguyên không đồng nhất và phân bố dịch tễ rộng.

Nhóm enterovirus bao gồm

  • Các coxsackievirus A1 đến A21, A24 và B1 đến 6

  • Echovirus (vi rút trong đường ruột không gây bệnh cho người) 1 đến 7, 9, 11 đến 21, 24 đến 27, và 29 đến 33

  • Nhóm enterovirus 68 đến 71, 73 đến 91 và 100 đến 101

  • Vi rút bại liệt típ từ 1 đến 3

Nhóm enterovirus được giải phóng qua dịch bài tiết đường hô hấp và đôi khi có trong máu và dịch não tủy của người bị nhiễm. Nhiễm trùng thường được truyền qua tiếp xúc trực tiếp với chất bài tiết hay chất bài tiết qua đường hô hấp nhưng có thể lây truyền qua các nguồn môi trường bị ô nhiễm (ví dụ nước).

Các bệnh hoặc dịch bệnh do vi rút đường ruột ở Hoa Kỳ phổ biến hơn vào mùa hè và mùa thu.

Nhiễm bệnh trong khi mang thai có thể dẫn đến lây truyền bệnh trong giai đoạn chu sinh và gây nhiễm trùng sơ sinh nặng và lan tỏa, có thể bao gồm viêm gan hoặc hoại tử gan, viêm màng-não, viêm cơ tim hoặc kết hợp các bệnh này và có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết hoặc tử vong.

Cần phải có miễn dịch dịch thể hoàn toàn và chức năng tế bào B để kiểm soát bệnh do enterovirus. Nhiễm vi rút đường ruột nặng (thường có biểu hiện là viêm màng não-não tiến triển chậm, viêm da cơ và/hoặc viêm gan) xảy ra ở những bệnh nhân có khiếm khuyết về chức năng tế bào lympho B, chẳng hạn như bệnh không có gammaglobulin huyết liên kết với nhiễm sắc thể X, nhưng thường không xảy ra ở những người bị thiếu hụt miễn dịch khác.

Parechoviruses

Nhóm Parechovirus ở người loại 1 và 2 là picornavirus trước đây được đặt tên là echovirus 22 và 23. Tuy nhiên, các parechovirus đã được phân loại lại thành một chi riêng biệt (1). Parechovirus A có thể lây nhiễm sang người và có ít nhất 19 loại; hầu hết gây bệnh đường tiêu hóa và bệnh đường hô hấp nhẹ tương tự như enterovirus, nhưng một số loại là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng huyết do vi rút và/hoặc viêm màng não do vi rút ở trẻ sơ sinh. Các parechovirus ở người không được xác định bằng hầu hết các xét nghiệm RT-PCR enterovirus tiêu chuẩn; xét nghiệm RT-PCR parechovirus cụ thể là bắt buộc (2).

Bệnh gây ra bởi nhóm enterovirus

Enterovirus gây ra nhiều hội chứng khác nhau (xem bảng Một số hội chứng gây ra bởi nhóm enterovirus).

Hầu hết gây ra bởi enterovirus:

Bảng

Viêm màng não vô trùng

Viêm màng não vô trùng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nguyên nhân thường là một trong những nguyên nhân sau:

  • Nhóm A hoặc B coxsackievirus

  • Một echovirus

  • Một parechovirus người

Ở trẻ lớn hơn và người lớn, các enterovirus khác cũng như các virus khác có thể gây viêm màng não vô trùng.

Bệnh thường lành tính. Phát ban có thể kèm theo viêm màng não vô khuẩn do enterovirus. Hiếm khi, viêm não (có thể nặng) cũng xảy ra.

Viêm tủy liệt mềm cấp tính (AFM)

Enterovirus D68 (EV-D68) gây ra bệnh hô hấp, chủ yếu ở trẻ em; các triệu chứng thường giống với những triệu chứng của cảm lạnh (ví dụ, chảy nước mũi, ho, khó chịu sốt ở một số trẻ). Một số trẻ em, đặc biệt là những người bị hen suyễn, có các triệu chứng nghiêm trọng hơn liên quan đến đường hô hấp dưới (ví dụ như thở khò khè, suy hô hấp).

Người lớn khỏe mạnh có thể bị nhiễm bệnh, nhưng có xu hướng ít hoặc không có triệu chứng. Người bị suy giảm miễn dịch có thể bị bệnh đường hô hấp nghiêm trọng.

Hàng năm, bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do EV-D68 gây ra được xác định ở một số trẻ em, và các đợt bùng phát nhỏ có xu hướng xảy ra cách năm. Tuy nhiên, các đợt bùng phát lớn hơn với tỷ lệ mắc bệnh nặng và một số trường hợp tử vong đã xảy ra. Vào cuối mùa hè và mùa thu năm 2014, hơn 1000 trường hợp đã được xác nhận trong một đợt bùng phát lớn trên khắp Hoa Kỳ và các đợt bùng phát khác đã được báo cáo trên toàn thế giới. Suy hô hấp nghiêm trọng phát triển ở một số lượng đáng kể trẻ em, và một số trẻ em đã tử vong. Đồng thời, các cụm trường hợp trẻ em bị yếu hoặc liệt khu trú các chi kèm theo các tổn thương tủy sống (quan sát thấy trên phim chụp MRI) phù hợp với AFM sau khi mắc bệnh hô hấp cũng được báo cáo; EV-D68 được xác định trong các mẫu bệnh phẩm đường hô hấp ở 2/3 số trường hợp ở hai cụm bùng phát riêng biệt và trong máu của một trẻ trong quá trình tiến triển của bệnh liệt. Các vi rút được giải trình tự gần như giống hệt nhau và chia sẻ điểm tương đồng với vi rút bại liệt và enterovirus D70, được biết là có liên quan đến viêm tủy liệt mềm cấp tính và hỗ trợ vai trò nguyên nhân tiềm tàng của EV-D68 trong bệnh liệt AFM (3). Hoạt động giám sát liên tục của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã phát hiện 120 trường hợp viêm tủy liệt mềm cấp tính vào mùa thu năm 2014, trùng với đợt bùng phát EV-D68. Các đợt bùng phát AFM xảy ra vào năm 2014, 2016 và 2018 với lần lượt 120 trường hợp, 153 trường hợp và 238 trường hợp được báo cáo cho CDC mỗi năm và chỉ có 22 trường hợp và 38 trường hợp được báo cáo trong những năm gần đây. Các đỉnh hai năm một lần này tương ứng với các giai đoạn gia tăng hoạt động của EV-D68 (xem CDC: AFM Cases and Outbreaks).

Nhìn chung, các liên kết dịch tễ học này cùng với dữ liệu mô hình động vật gợi ý mạnh mẽ về mối quan hệ nhân quả giữa nhiễm EV-D68 và AFM (4).

EV-D68 nên được coi là căn nguyên của nhiễm trùng đường hô hấp nặng không rõ nguyên nhân, đặc biệt là nếu có liên quan đến một nhóm ca bệnh vào cuối mùa hè đến mùa thu (5; xem thêm CDC: Clinical Guidance for the Acute Medical Treatment of AFM). Các thử nghiệm cụ thể trong các vụ dịch tiềm ẩn được khuyến cáo và có thể được sắp xếp thông qua các quan chức y tế công cộng.

Xử trí AFM cần phải liên quan đến các chuyên gia về thần kinh và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Có một số phương pháp điều trị được cân nhắc đến trong AFM; tuy nhiên, hiện tại không có phương pháp điều trị nhắm mục tiêu nào có đủ bằng chứng để xác nhận hoặc để không khuyến khích sử dụng để điều trị hoặc xử trí AFM (xem CDC: Clinical Guidance for the Acute Medical Treatment of AFM).

Viêm kết mạc xuất huyết

Hiếm khi, viêm kết mạc xuất huyết do enterovirus xảy ra thành dịch ở Hoa Kỳ. Vi rút thường từ châu Phi, châu Á, Mexico, và Caribbean có thể làm cho dịch bùng phát.

Mí mắt sưng lên nhanh chóng. Viêm kết mạc xuất huyết, không giống như viêm kết mạc không biến chứng, thường dẫn đến xuất huyết dưới kết mạc hoặc viêm giác mạc, gây đau, chảy nước mắt và sợ ánh sáng. Bệnh hệ thống không phổ biến. Tuy nhiên, khi viêm kết mạc xuất huyết do enterovirus 70, bệnh lý tuỷ sống vùng cùng cụt hay bệnh lý viêm tuỷ sống tương tự bại liệt (với tê liệt) có thể xảy ra nhưng hiếm gặp. Giai đoạn hồi phục thường hoàn thành trong vòng 1 đến 2 tuần sau khi bắt đầu.

Coxsackievirus A24 cũng gây ra viêm kết mạc xuất huyết, nhưng xuất huyết dưới kết mạc ít gặp hơn, và các biến chứng thần kinh chưa được mô tả. Hầu hết bệnh nhân hồi phục trong 1 đến 2 tuần.

Viêm cơ tim-màng ngoài tim

Nhiễm trùng tim do enterovirus có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hầu hết bệnh nhân từ 20 đến 39 tuổi. Bệnh nhân có thể có đau ngực, rối loạn nhịp tim, suy tim, hoặc tử vong đột ngột. Phục hồi thường không có di chứng, nhưng một số bệnh nhân tiến triển thành bệnh cơ tim giãn. Chẩn đoán viêm cơ tim- màng ngoài tim có thể (RT)-PCR của mô cơ tim.

Viêm cơ tim (nhiễm trùng tim lúc sinh) là do nhóm coxsackievirus, một số echovirus, và parechovirus của con người. Bệnh gây sốt, suy tim và có tỷ lệ tử vong cao.

Nhiễm trùng sơ sinh

Thông thường, vài ngày sau khi sinh, trẻ sơ sinh đột nhiên bị một hội chứng giống như nhiễm trùng huyết với nhiệt độ không ổn định, hôn mê, đông máu nội mạch lan tỏa, chảy máu và suy đa cơ quan (bao gồm cả tim). Tổn thương thần kinh trung ương, gan, cơ tim, tụy hoặc tuyến thượng thận có thể xảy ra đồng thời.

Sự hồi phục có thể xảy ra trong vòng vài tuần, nhưng tử vong có thể là do trụy tuần hoàn hoặc suy gan.

Phát ban

Một số coxsackievirus, một số echovirus và parechovirus người có thể gây phát ban, thường trong thời gian có dịch. Phát ban thường không ngứa, không tróc vảy và xuất hiện trên mặt, cổ, ngực và các chi. Đôi khi chúng có ban sẩn hoặc ban dạng sởi nhưng đôi khi có chấm nốt xuất huyết hoặc ban phỏng nước. Sốt là triệu chứng phổ biến. Viêm màng não vô trùng có thể tiến triển đồng thời.

Bệnh thường lành tính.

Nhiễm trùng đường hô hấp

Nhiễm trùng đường hô hấp có thể do enterovirus. Các triệu chứng bao gồm sốt, sổ mũi, viêm họng, và nôn mửa, tiêu chảy ở một số trẻ sơ sinh và trẻ em. Viêm phế quảnviêm phổi kẽ thỉnh thoảng xảy ra ở người lớn và trẻ em.

Diễn biến thường nhẹ nhưng có thể nghiêm trọng như dịch enterovirus D68 năm 2014.

Tài liệu tham khảo

  1. 1. Sridhar A, Karelehto E, Brouwer L, et al: Parechovirus A Pathogenesis and the Enigma of Genotype A-3. Viruses 11(11):1062, 2019 Xuất bản ngày 14 tháng 11 năm 2019. doi:10.3390/v11111062

  2. 2. de Crom SC, Rossen JW, van Furth AM, et al: Enterovirus and parechovirus infection in children: a brief overview. Eur J Pediatr 175(8):1023-9, 2016. Epub 2016 May 7. PMID: 27156106; PMCID: PMC4930465. doi: 10.1007/s00431-016-2725-7

  3. 3. Greninger AL, Naccache SN, Messacar K, et al: A novel outbreak enterovirus D68 strain associated with acute fl accid myelitis cases in the USA (2012–14): a retrospective cohort study: A retrospective cohort study. Lancet Infect Dis 15(6):671–682, 2015. doi: 10.1016/S1473-3099(15)70093-9

  4. 4. Messacar K, Asturias EJ, Hixon AM, et al: Enterovirus D68 and acute flaccid myelitis-evaluating the evidence for causality. Lancet Infect Dis 18(8):e239-e247, 2018. doi: 10.1016/S1473-3099(18)30094-X

  5. 5. Dinov D, Donowitz JR: Acute flaccid myelitis a review of the literature. Front Neurol 13:1034607, 2022 Xuất bản ngày 20 tháng 12 năm 2022. doi:10.3389/fneur.2022.1034607

Chẩn đoán nhiễm trùng do Enterovirus

  • Bệnh sử và khám lâm sàng

  • Đôi khi nuôi cấy hoặc phản ứng chuỗi polymerase-men sao chép ngược (RT-PCR)

Chẩn đoán enterovirus thường dựa vào lâm sàng.

Xét nghiệm thường không cần thiết nhưng có thể được thực hiện bằng

  • Nuôi cấy vi rút

  • Phát hiện RNA vi rút bằng RT-PCR

  • Ít phổ biến hơn, có hiện tượng đảo ngược huyết thanh

Enterovirus có thể được phát hiện bằng cách sử dụng xét nghiệm RT-PCR trên một mẫu từ vị trí tổn thương (ví dụ: họng hoặc mũi họng, máu, dịch não tủy) hoặc từ phân, trong đó sinh vật thường có mặt ngay cả khi vị trí lâm sàng liên quan ở nơi khác; xác định cơ quan gây bệnh là quan trọng chủ yếu trong các trường hợp viêm màng não vô khuẩn. Xét nghiệm PCR đa mồi sẵn có trên thị trường cho các mầm bệnh hô hấp thường không thể phân biệt giữa rhinovirus và enterovirus và có thể không xác định được tất cả các enterovirus. Việc phân loại bổ sung bằng cách giải trình tự phân tử là cần thiết để phân biệt các loài và tính đặc hiệu loài và tính đặc hiệu loại của rhovirus và enterovirus.

Điều trị nhiễm trùng do Enterovirus

  • Hỗ trợ

Điều trị chủ yếu là hỗ trợ.

Bệnh nhân bị thiếu hụt gamma globulin được điều trị bằng globulin miễn dịch tĩnh mạch (IVIG) có tỉ lệ thành công không chắc chắn.