Cách thực hiện chọc hút dịch khớp cổ tay

TheoAlexandra Villa-Forte, MD, MPH, Cleveland Clinic
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 6 2023

Chọc hút dịch khớp cổ tay là thủ thuật đưa kim vào trong khớp quay cổ tay để hút hoạt dịch.

(Xem thêm Đánh giá bệnh nhân có triệu chứng khớpĐánh giá Khớp cổ tay.)

Chỉ định chọc dò khớp cổ tay

  • Chẩn đoán nguyên nhân của tràn dịch khớp (ví dụ, nhiễm trùng, viêm khớp do tinh thể)

  • Loại bỏ tràn dịch bao hoạt dịch và/hoặc tiêm thuốc trong khuôn khổ điều trị và để giảm đau

Chống chỉ định chọc dò khớp cổ tay

Chống chỉ định tuyệt đối

  • Nhiễm trùng da hoặc các mô sâu hơn tại vị trí dự kiến đâm kim

Nếu có thể, nên sử dụng một vị trí chọc kim thay thế, không bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, các khớp bị viêm cấp tính thường ấm, ấn đau và đỏ da, do đó giống như nhiễm trùng ngoài khớp và khó tìm thấy vị trí chọc khớp mà không bị dính dáng. Siêu âm có thể hữu ích; hiển thị hình ảnh tràn dịch khớp bằng siêu âm có thể củng cố quyết định chọc dịch khớp mặc dù có ban đỏ xung quanh. Chú ý: Nếu nghi ngờ nhiều về viêm khớp nhiễm trùng, nên chọc hút dịch khớp bất kể ban đỏ hay kết quả siêu âm âm tính vì không được bỏ sót nhiễm trùng khớp.

Chống chỉ định tương đối

  • Tạng chảy máu nặng, có thể cần được điều chỉnh sửa trước khi chọc hút dịch khớp; thuốc chống đông điều trị thông thường không phải là chống chỉ định, đặc biệt nếu nghi ngờ nhiễm trùng

Các biến chứng của chọc dò khớp cổ tay

Các biến chứng không phổ biến nhưng bao gồm hở hai lá, tắc mạch, và chèn ép tim

  • Nhiễm trùng

  • Tổn thương gân, dây thần kinh hoặc mạch máu (chấn thương do chạm vào)

Thiết bị trong chọc dò khớp cổ tay

  • Dung dịch sát trùng (ví dụ: chlorhexidine, povidone iodine, isopropyl alcohol), gạc vô trùng và găng tay

  • Tấm lót sạch

  • Thuốc gây tê tại chỗ (ví dụ, lidocaine 1%, kim 25 đến 30 gauge, và ống tiêm 3 đến 5 mL)

  • Đối với chọc hút dịch khớp, một kim 22 đến 20 gauge 25 mm (1 inch) và một ống tiêm 10 mL

  • Đồ chứa thích hợp để thu thập chất dịch cho các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm (ví dụ, số lượng tế bào, tinh thể, mẫu cấy)

  • Đối với tiêm điều trị trong khớp, một ống tiêm có chứa corticosteroid (ví dụ: triamcinolone acetonide 40 mg hoặc methylprednisolone acetate 40 mg) và/hoặc thuốc gây tê tác dụng kéo dài (ví dụ: bupivacaine 0,25%), kim cỡ 22 gauge và một kẹp cầm máu để giúp chuyển ống tiêm, nếu cần

Cân nhắc bổ sung trong chọc dò khớp cổ tay

  • Kỹ thuật vô trùng là cần thiết để ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn cho cả khe khớp và dịch khớp được chọc hút.

Giải phẫu liên quan trong chọc dò khớp cổ tay

  • Chọc kim ngay đầu xa của củ Lister (lồi củ sau xương quay) và xương trụ của gân cơ duỗi dài ngón tay cái.

  • Tổn thương mạch máu thần kinh có thể xảy ra nếu kim đâm vào mặt quay của gân cơ duỗi dài ngón tay cái (tức là trong hộp hít giải phẫu).

Hút dịch khớp cổ tay

Dịch khớp được hút ra từ khớp cổ tay quay. Để xác định gân duỗi dài ngón cái, yêu cầu bệnh nhân duỗi cổ tay và ngón cái. Khi đưa kim vào ổ khớp, yêu cầu bệnh nhân gấp và nghiêng cổ tay về bên trụ khoảng từ 20 đến 30°. Có thể kéo bàn tay ra phía xa. Đâm kim ở vị trí từ đầu xa tới lồi của Lister của xương quay và từ xương trụ tới gân duỗi dài ngón cái. 

Xác định tư thế trong chọc dò khớp cổ tay

Đặt bệnh nhân ngồi hoặc nằm ngửa, cổ tay trên bàn cạnh giường.

Mô tả từng bước chọc dò khớp cổ tay

  • Sờ mặt lưng của cổ tay để xác định phần lồi củ Lister, phần nổi rõ của xương có thể sờ thấy trên đầu xa xương quay mặt lưng. Cô lập và xác định gân cơ duỗi dài ngón tay cái bằng cách hướng dẫn bệnh nhân duỗi ngón tay cái. Chỗ chọc kim ở đầu xa của lồi của và mặt trụ của gân này. Nếu muốn, đánh dấu vị trí chọc kim bằng bút đánh dấu trên da hoặc tốt nhất là ở vết lõm (trước khi làm sạch da).

  • Để cẳng tay và bàn tay trên một tấm lót dưới. Chuẩn bị khu vực bằng chất làm sạch da, chẳng hạn như chlorhexidine hoặc povidone iodine, sau đó dùng cồn để lau sạch chất này.

  • Gây tê tại chỗ vị trí chọc hút dịch sử dụng kim tiêm 25 đến 30 gauge. Sau đó, tiêm gây tê thêm dọc theo đường đi dự đoán của kim chọc hút dịch khớp (khoảng 0,5 đến 1 cm), nhưng không nên tiêm thuốc gây tê ở trong ổ khớp.

  • Chọc hút dịch khớp bằng kim 22 hoặc 20 gauge với ống tiêm 10 mL.

  • Nhờ trợ lý kéo dọc trục, gấp nhẹ (20 đến 30°) và lệch về trục của bàn tay để tạo điều kiện cho kim đi vào ổ khớp.

  • Chọc kim vuông góc với da, ngay đầu xa của củ Lister và trên mặt trụ của gân cơ duỗi dài ngón tay cái Hướng mũi kim ra phía lòng bàn tay về phía ổ khớp và nhẹ nhàng kéo pít-tông ngược trở lại sau khi ấn kim tiến về phía trước. Dịch khớp sẽ được hút vào trong bơm khi kim vào trong ổ khớp.

  • Nếu kim đâm vào xương, rút lại kim gần như chạm vào bề mặt da và sau đó chuyển hướng theo một góc khác.

  • Hút tất cả dịch khớp ra.

  • Nếu phải tiêm thuốc trong khớp (ví dụ: thuốc gây tê, corticosteroid), hãy sử dụng kẹp cầm máu để giữ cho đốc kim bất động trong khi rút ống tiêm chứa dịch khớp và lắp ống tiêm chứa thuốc vào. Nếu kim vẫn nằm yên trong khe khớp, sẽ không có lực cản khi tiêm thuốc. Tiêm vào khớp cổ tay quay không được vượt quá 1 mL.

  • Sau khi tiêm corticosteroid, hãy di chuyển khớp hết phạm vi vận động để thuốc phân phối lên khắp khớp.

  • Chuyển chất hoạt dịch sang các ống và các phương tiện vận chuyển khác để phân tích chất hoạt dịch. Kiểm tra dịch khớp xem có máu và mỡ không.

  • Dán băng dính hoặc băng vô trùng.

Chăm sóc sau chọc dò khớp cổ tay

  • Chườm lạnh, nâng cao chi và thuốc uống chống viêm không steroid (NSAID) có thể giúp giảm đau.

  • Nếu đã được tiêm thuốc gây tê nội khớp, nên chỉ định hạn chế hoạt động khớp trong 4 đến 8 giờ.

  • Nếu đã tiêm corticosteroid nội khớp, cần phải để khớp nghỉ trong khoảng 24 đến 48 tiếng.

  • Nếu bệnh nhân bị đỏ da tăng lên, đau và/hoặc sưng > 12 tiếng sau khi làm thủ thuật, thì cần phải kiểm tra khớp để xem có khả năng bị nhiễm trùng hay không.

Cảnh báo và các sai sót thường gặp khi chọc dò khớp cổ tay

  • Cẩn thận đảm bảo vị trí tối ưu trước khi chọc khớp.

  • Dành đủ thời gian để gây tê cục bộ phát huy tác dụng trước khi tiến hành.

  • Để tránh làm tổn thương màng hoạt dịch và sụn khớp, không cố gắng đâm kim khi có lực cản và không di chuyển kim khi kim đã bắt đầu hút dịch khớp.

  • Nếu phải di chuyển đầu kim, trước tiên rút kim ra đến gần bề mặt da và sau đó chuyển hướng; không cố gắng thay đổi góc đâm khi kim đã nhúng vào trong mô.

Mẹo và thủ thuật cho chọc dò khớp cổ tay

Cân nhắc làm siêu âm nếu không thấy rõ tràn dịch khớp nhiều.

Cũng lưu ý rằng cảm giác nóng, ấn đau và đỏ da có thể phủ lên khớp viêm khớp cấp tính, giống như nhiễm trùng ngoài khớp.

Khi cố gắng phân biệt viêm khớp nhiễm trùng với nhiễm trùng các cấu trúc nằm trên (chống chỉ định với chọc hút dịch khớp), viêm khớp do nhiễm trùng có nhiều khả năng xảy ra với những biểu hiện sau:

  • Tràn dịch khớp

  • Đau khớp theo chu vi và ấn đau bao khớp

  • Đau cả khi vận động nhẹ nhàng, thụ động và khi vận động khớp chủ động

Khi kiểm tra dịch, hãy xem xét những điều sau:

  • Chảy máu ổ khớp do chấn thương vì chạm vào có xu hướng chảy máu không đồng đều và có xu hướng đông lại.

Có thể không nhìn thấy dịch hút ra từ các khớp nhỏ. Tuy nhiên, vẫn cần phải sử dụng ống tiêm để hút kể cả một giọt dịch nhỏ qua kim lên một lam kính để đánh giá bằng kính hiển vi. Việc này có thể đủ để chứng minh viêm khớp do tinh thể hoặc làm tăng nghi ngờ nhiễm trùng.