Tổng quan bệnh lý ống kẽ thận

TheoFrank O'Brien, MD, Washington University in St. Louis
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 03 2022

Bệnh lý ống kẽ thận là các bệnh lý lâm sàng đa dạng có các đặc điểm tương tự với tổn thương ống và kẽ thận. Trong các trường hợp nặng và kéo dài, toàn bộ thận có thể bị ảnh hưởng với rối loạn chức năng cầu thận và thậm chí là suy thận. Phân loại các bệnh ống kẽ thận chính bao gồm

Bệnh thận do thuốc cản quang là tình trạng hoại tử ống thận cấp gây ra bởi thuốc cản quang có chứa iod.

Bệnh thận do thuốc giảm đau là một loại bệnh viêm thận kẽ mạn tính và bệnh thận do trào ngượcbệnh thận đa u tủy xương có thể liên quan đến viêm thận kẽ-ống thận mạn tính.

Các bệnh lý ống kẽ thận có thể bắt nguồn từ các rối loạn chuyển hóa và tiếp xúc với độc chất.

Sinh lý bệnh

Hai thận phơi nhiễm với nồng độ độc chất cao bất thường. Thận là mô có nguồn cấp máu cao nhất trong số tất cả các mô (khoảng 1,25 L/phút hoặc 25% cung lượng tim) và các chất tan tự do được lọc khỏi tuần hoàn máu bởi cầu thận với lưu lượng 100 mL/phút; kết quả là các độc tố được đào thải với tốc độ cao gấp 50 lần so với các mô khác và với nồng độ cao hơn nhiều. Khi nước tiểu cô đặc, mặt trong các tế bào ống thận có thể tiếp xúc với các nồng độ phân tử cao gấp 300 đến 1000 lần so với ở huyết tương. Vùng diềm bàn chải mịn của các tế bào ống lượn gần có diện tích bề mặt lớn. Cơ chế dòng chảy ngược làm tăng nồng độ ion trong dịch kẽ tủy thận (và do đó làm tăng sự cô đặc nước tiểu) gấp 4 lần so với nồng độ trong huyết tương.

Ngoài ra, có các yếu tố có thể ảnh hưởng đến tính dễ tổn thương của tế bào sau khi tiếp xúc với độc chất:

  • Cơ chế vận chuyển của ống thận phân tách các thuốc khỏi protein liên kết của chúng mà bình thường các protein liên kết giúp bảo vệ các tế bào khỏi độc chất.

  • Vận chuyển qua tế bào bộc lộ các thành phần bên trong và các cơ quan của chúng với các hóa chất mới tiếp xúc.

  • Các vị trí liên kết của một số chất (ví dụ, các nhóm sulfhydryl) có thể tạo thuận cho sự xâm nhập nhưng làm chậm sự giải phóng ra ngoài (ví dụ các kim loại nặng).

  • Các phản ứng hóa học (ví dụ, kiềm hóa, toan hóa) có thể làm thay đổi sự vận chuyển theo cả hai hướng.

  • Phong tỏa các thụ thể vận chuyển có thể làm thay đổi sự tiếp xúc của mô (ví dụ, lợi tiểu từ việc phong tỏa thụ thể adenosine A1 như với aminophylline, có thể làm giảm sự tiếp xúc).

  • Thận có lượng tiêu thụ oxy và glucose trên mỗi gram mô cao nhất và do đó dễ bị tổn thương bởi các độc chất ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa năng lượng tế bào.