Bệnh thận do trào ngược là tình trạng sẹo thận có thể gây ra do trào ngược bàng quang niệu quản nước tiểu nhiễm khuẩn vào nhu mô thận. Nghĩ đến chẩn đoán ở trẻ em có nhiễm trùng đường tiểu hoặc có tiền sử gia đình bị bệnh thận do trào ngược, hoặc nếu siêu âm trước sinh có ứ nước thận. Chẩn đoán bằng chụp niệu đạo bàng quang khi tiểu hoặc chụp bàng quang xạ hình. Đối tượng trẻ em trào ngược mức độ vừa hoặc nặng được điều trị bằng kháng sinh dự phòng hoặc phẫu thuật.
(Xem thêm Tổng quan về bệnh lý ống kẽ thận và Trào ngược bàng quang niệu quản trong chương về bất thường bẩm sinh về thận và bộ phận sinh dục.)
Bệnh thận do trào ngược liên quan đến viêm thận kẽ-ống thận mạn tính cũng như tổn thương cầu thận. Bình thường, cơ chế gây sẹo thận được cho là do viêm thận bể thận mạn tính. Tuy nhiên, trào ngược có thể là yếu tố quan trọng nhất và các yếu tố không liên quan đến trào ngược hoặc viêm thận bể thận (ví dụ các yếu tố bẩm sinh) có thể góp phần gây ra.
Trào ngược bàng quang niệu quản (VUR) ảnh hưởng đến khoảng 1% số trẻ sơ sinh và 30% đến 45% số trẻ nhỏ bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) do sốt (1); bệnh này phổ biến ở trẻ em bị sẹo thận và không rõ lý do, ở trẻ da đen ít phổ biến hơn trẻ da trắng. Yếu tố gia đình khá phổ biến trong bệnh lý này. Trẻ bị trào ngược toàn thể (lên đến bể thận và giãn niệu quản) có nguy cơ tạo sẹo cao nhất và hậu quả là bệnh thận mạn tính.
Trào ngược do các van bàng quang niệu quản bị suy yếu hoặc tắc nghẽn cơ học tại đường tiểu dưới. Trẻ có đoạn niệu quản trong thành bàng quang ngắn dễ tổn thương nhất; tăng trưởng bình thường sẽ dẫn đến ngừng trào ngược bàng quang niệu quản và trong thận một cách tự nhiên ở tuổi lên 5. Những vết sẹo mới ở trẻ em > 5 tuổi là bất thường nhưng có thể xảy ra sau viêm thận bể thận cấp.
Tài liệu tham khảo
1. Tullus K: Vesicoureteric reflux in children. Lancet 385(9965):371-379, 2015 doi: 10.1016/S0140-6736(14)60383-4
Các triệu chứng và dấu hiệu của trào ngược bàng quang niệu quản và bệnh thận do trào ngược
Ở trẻ em, có một số triệu chứng cơ năng và thực thể khác ngoài nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em và chẩn đoán thường bị bỏ sót cho đến tuổi thanh niên, khi bệnh nhân có một số biểu hiện phối hợp sau:
Đa niệu
Tiểu đêm
Tăng huyết áp
Các triệu chứng và dấu hiệu của suy thận
Chẩn đoán trào ngược bàng quang niệu quản và bệnh thận do trào ngược
Sàng lọc ban đầu bằng siêu âm
Chụp bàng quang niệu quản khi tiểu hoặc chụp xạ hình bàng quang
Cân nhắc bệnh thận do trào ngược trong giai đoạn trước sinh hoặc sau sinh. Sàng lọc ban đầu được thực hiện bằng siêu âm
Chẩn đoán và phân giai đoạn bệnh thận do trào ngược (biểu hiện trước sinh hoặc sau sinh) được xác định cuối cùng với chụp bàng quang khi tiểu (VCUG), nó có thể cho biết được mức độ giãn niệu quản. Chụp xạ hình bàng quang (RNC) cũng có thể được chỉ định; nó cung cấp ít thông tin chi tiết về giải phẫu hơn so với chụp bàng quang khi tiểu nhưng ít gây phơi nhiễm với thuốc cản quang hơn. Sẹo thận được chẩn đoán bằng kỹ thuật chụp xạ hình axit dimercaptosucciniccó gắn technetium-99m (DMSA).
© Springer Science+Business Media
Chẩn đoán trước sinh
Chẩn đoán nghi ngờ trước khi sinh nếu siêu âm, được thực hiện vì tiền sử gia đình hoặc vì những lý do không liên quan, cho thấy thận ứ nước; 10% đến 40% số bệnh nhân này được chẩn đoán sau sinh bị trào ngược bàng quang niệu quản (VUR) (1, 2).
Chẩn đoán sau sinh
Trào ngược bàng quang niệu quản được nghĩ đến sau sinh ở những bệnh nhân có một trong các dấu hiệu sau:
Nhiễm trùng đường tiểu ở tuổi ≤ 3
Nhiễm trùng đường tiểu có sốt ở tuổi ≤ 5
Nhiễm trùng đường tiểu tái diễn ở trẻ em
Nhiễm trùng đường tiểu ở nam giới
Tiền sử gia đình bị bệnh, chẳng hạn như anh chị em ruột có trào ngược bàng quang niệu quản (còn đang tranh cãi)
Người lớn (hoặc trẻ em > 5 tuổi) có nhiễm trùng đường tiểu tái diễn với kết quả siêu âm biểu hiện có sẹo thận hoặc một bất thường giải phẫu đường tiểu
Các bất thường về xét nghiệm có thể bao gồm protein niệu, mất natri, tăng kali máu, toan chuyển hóa, suy thận hoặc kết hợp.
Xét nghiệm cho những bệnh nhân này với chụp xạ hình bàng quang hoặc chụp niệu đạo bàng quang khi tiểu. Bởi vì các xét nghiệm này liên quan đến việc đặt ống thông bàng quang (và nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu) cũng như tiếp xúc với phóng xạ, mức độ cần để chỉ định các xét nghiệm này có thể còn gây tranh cãi. Một số chuyên gia khuyến cáo chụp bàng quang niệu quản khi tiểu hoặc chụp xạ hình bàng quang nếu có tiền sử gia đình bị bệnh rõ ràng hoặc nếu siêu âm thận sau sinh rõ ràng hoặc có bất thường kéo dài; tuy nhiên, vẫn chưa rõ là liệu siêu âm thận có đủ nhạy để phát hiện trào ngược bàng quang niệu quản hay không. Chụp DMSA có thể được thực hiện ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ em có nhiễm trùng đường tiểu được liệt kê phía trên.
Ở trẻ lớn hơn mà trào ngược không còn hoạt động, chụp bàng quang niệu quản khi tiểu có thể không thấy trào ngược, mặc dù chụp DMSA cho thấy có sẹo thận; nội soi bàng quang có thể phát hiện bằng chứng trào ngược trước đó tại lỗ niệu quản có thể chứng minh được chứng trào ngược trước đây ở lỗ niệu quản. Do đó, chụp DMSA và nội soi bàng quang có thể được thực hiện nếu nghi ngờ có trào ngược trước đó nhưng không được chẩn đoán.
Sinh thiết thận ở giai đoạn muộn này cho thấy viêm thận kẽ-ống thận mạn tính và xơ hóa cầu thận ổ, gây ra protein niệu nhẹ (1 đến 1,5 g/ngày) đến protein niệu ngưỡng thận hư (3,5 g/ngày).
Tài liệu tham khảo chẩn đoán
1. van Eerde AM, Meutgeert MH, de Jong TPVM, et al: Vesico-ureteral reflux in children with prenatally detected hydronephrosis: A systematic review. Ultrasound Obstet Gynecol 29(4):463-469, 2007. doi: 10.1002/uog.3975
2. Valavi E, Nickavar A, Parsamanesh M: Reliability of sonography for the prediction of vesicoureteral reflux in children with mild hydronephrosis. J Diagnostic Medical Sonography 37(4):353-357, 2021 doi:10.1177/8756479321990642
Điều trị trào ngược bàng quang niệu quản và bệnh thận trào ngược
Thường sử dụng kháng sinh dự phòng
Điều trị bằng phẫu thuật nếu trào ngược bàng quang niệu quản (VUR) vừa hoặc nặng
Điều trị bệnh thận do trào ngược dựa trên giả định chưa được chứng minh rằng giảm trào ngược và nhiễm trùng đường tiểu ngăn ngừa được hình thành sẹo thận. Trẻ em có trào ngược mức độ nhẹ không cần điều trị nhưng nên được theo dõi chặt chẽ để phát hiện các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu.
Trẻ em có trào ngược mức độ vừa phải thường được sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, điều trị bằng thuốc có thể dẫn đến các đợt viêm thận bể thận cấp tính mới và không rõ liệu kháng sinh dự phòng có hiệu quả hơn theo dõi sát hay không.
Bệnh nhân trào ngược mức độ nặng có nguy cơ cao bị suy thận và thường được dự phòng kháng sinh hoặc được can thiệp phẫu thuật, bao gồm cắm lại niệu quản hoặc tiêm chất sau niệu quản qua nội soi để phòng ngừa trào ngược (co thắt bàng quang khi tiểu gây tăng áp lực lên đoạn niệu quản giữa bàng quang và chất được tiêm). Tỷ lệ bị sẹo thận mới ở những bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật và dùng thuốc tương tự nhau.
Trào ngược tự hồi phục ở khoảng 80% trẻ nhỏ trong vòng 5 năm.
Những điểm chính
Cần nghĩ đến bệnh thận do trào ngược ở trẻ < 5 tuổi có nhiễm trùng đường tiểu hoặc tiền sử gia đình bị bệnh, đặc biệt là ở trẻ em trai hoặc nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiểu có sốt hoặc nhiễm trùng đường tiểu tái diễn.
Nếu nghi ngờ bệnh thận do trào ngược, làm siêu âm; nếu bất thường, xem xét chụp bàng quang niệu quản khi đi tiểu hoặc chụp xạ hình bàng quang để giảm tối đa tiếp xúc với bức xạ.
Xem xét sử dụng kháng sinh dự phòng, và nếu trào ngược nặng cần chỉ định phẫu thuật.
Thiếu sự đồng thuận đối với một số khuyến cáo nhất định, chẳng hạn như khi nào và chụp như thế nào để chẩn đoán và khi kê đơn kháng sinh dự phòng.
Trào ngược tự hồi phục ở khoảng 80% trẻ nhỏ trong vòng 5 năm.