Ngoại tâm thu thất (VPB)

(Ngoại tâm thu thất; PVC)

TheoL. Brent Mitchell, MD, Libin Cardiovascular Institute of Alberta, University of Calgary
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 01 2023

Ngoại tâm thu thất (VPB) là những nhịp thất đơn lẻ gây ra do vòng vào lại trong tâm thất hoặc do bất thường tính tự động của các tế bào thất. Ngoại tâm thu thất rất phổ biến ở cả người khỏe mạnh và bệnh nhân có bệnh tim thực tổn. Ngoại tâm thu thất có thể không có triệu chứng nhưng cũng có thể gây ra cảm giác đánh trống ngực. Chẩn đoán bằng ECG. Thường không cần phải điều trị.

(Xem thêm Tổng quan về loạn nhịp tim.)

Ngoại tâm thu thất là nhát bóp tâm thất đến sớm hơn bình thường, và tần suất có thể dự đoán được (ví dụ, cứ mỗi ba hoặc hai nhịp tim lại xuất hiện 1 ngoại tâm thu thất (ngoại tâm thu thất nhịp ba hoặc nhịp đôi). Ngoại tâm thu thất có thể tăng lên khi dùng các chất kích thích (ví dụ: lo lắng, căng thẳng, rượu, caffein, thuốc cường giao cảm), thiếu oxy máu hoặc bất thường về điện giải.

Ngoại tâm thu có thể gây cảm giác bị bỏ nhịp, hụt nhịp tim; bản thân bệnh nhân thường không cảm giác được nhát ngoại tâm thu đến sớm mà chỉ cảm nhận được khoảng nghỉ bù dài sau nhát ngoại tâm thu đó. Khi ngoại tâm thu xuất hiện thường xuyên, đặc biệt trong trường hợp ngoại tâm thu thất nhịp đôi, có thể tác động nhẹ lên huyết động vì tỷ lệ nhịp xoang đã giảm đi một nửa. Tiếng thổi tống máu có thể mạnh lên do tăng đổ đầy tâm thất và tăng co bóp sau một khoảng nghỉ bù.

Chẩn đoán nhịp ngoại tâm thu thất

  • ECG

Chẩn đoán ngoại tâm thu thất bằng ECG, biểu hiện phức bộ QRS giãn rộng mà không có sóng P đi trước, điển hình thường có khoảng nghỉ bù hoàn toàn.

Tiên lượng về nhịp ngoại tâm thu thất

Ngoại tâm thu thất thường không gây ảnh hưởng ở những bệnh nhân không có bệnh tim thực tổn, những trường hợp này thường chỉ cần tránh các tác nhân kích thích mà không cần điều trị gì đặc hiệu. Thuốc chẹn beta hoặc triệt đốt bằng RF chỉ được chỉ định nếu các triệu chứng không thể dung nạp được hoặc nếu ngoại tâm thu thất số lượng rất nhiều và gây tình trạng mất đồng bộ trong thất, gây suy tim. Các thuốc chống loạn nhịp khác làm giảm ngoại tâm thu thất nhưng làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn nhịp tim nghiêm trọng hơn.

Điều trị nhịp ngoại tâm thu thất

  • Chẹn beta cho bệnh nhân suy tim có triệu chứng và sau nhồi máu cơ tim

  • Trong vài trường hợp, cắt bỏ

Ở những bệnh nhân có bệnh tim cấu trúc (ví dụ hẹp van động mạch chủ), điều trị vẫn gây nhiều tranh cãi mặc dù ngoại tâm thu thất số lương nhiều (> 10 nhịp/phút) tương quan với tăng tỷ lệ tử vong, do chưa có nghiên cứu nào cho thấy rằng các thuốc chống rối loạn nhịp làm giảm tỉ lệ tử vong.

Ở những bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim, tỷ lệ tử vong cao hơn ở nhóm sử dụng thuốc chống loạn nhịp nhóm I so với giả dược. Tác động này có thể phản ánh tác dụng phụ của thuốc chống loạn nhịp. Tuy nhiên, chẹn beta (thuốc chống loạn nhịp loại II) có lợi đối với những bệnh nhân suy tim có triệu chứng và sau nhồi máu cơ tim. Nếu ngoại tâm thu thất tăng lên khi gắng sức ở bệnh nhân bệnh động mạch vành, cần cân nhắc can thiệp động mạch vành qua da hoặc phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành.

Cắt bỏ chỉ được đưa ra nếu các triệu chứng không thể dung nạp được hoặc nếu VPB rất thường xuyên và, bằng cách gây ra rối loạn đồng bộ giữa các thất, gây ra suy tim.