Áp xe não

TheoJohn E. Greenlee, MD, University of Utah Health
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 03 2022

Áp xe não là sự tích tụ mủ trong nhu mô não. Các triệu chứng có thể bao gồm đau đầu, mệt mỏi, sốt và dấu hiệu thần kinh khu trú. Chẩn đoán bằng MRI hoặc CT có tiêm thuốc cản quang. Điều trị là bằng kháng sinh và thường hút mủ dưới hướng dẫn của CT hoặc phẫu thuật dẫn lưu.

(Xem thêm Giới thiệu về Nhiễm trùng não.)

Ổ áp xe hình thành khi một khu vực viêm trong não hoại tử được bao bọc bởi các tế bào thần kinh đệm và nguyên bào sợi. Phù nề quanh ổ áp xe có thể làm tăng áp lực nội sọ.

Căn nguyên của áp xe não

Áp xe não có thể do

Các vi khuẩn có liên quan thường là kỵ khí và đôi khi hỗn hợp, thường bao gồm các vi khuẩn kỵ khí như Bacteroidesstreptococci. Tụ cầu thường liên quan đến chấn thương sọ, phẫu thuật thần kinh, hoặc viêm nội tâm mạc. Enterobacteriaceae có thể được phân lập trong viêm tai mạn tính. Sau khi bị viêm tai giữa mưng mủ mạn tính, vi khuẩn kỵ khí, liên cầu và vi khuẩn gram âm là những nguyên nhân phổ biến.

Nấm (ví dụ, Aspergillus) và động vật đơn bào (ví dụ, Toxoplasma gondii, đặc biệt ở những bệnh nhân nhiễm HIV) có thể gây áp xe.

Các triệu chứng và dấu hiệu của áp xe não

Các triệu chứng do tăng áp lực nội sọ, hiệu ứng khối và đôi khi chấn thương sọ não. Bệnh cảnh kinh điển bao gồm đau đầu, buồn nôn, nôn vọt, mệt mỏi, co giật, thay đổi tính cách, phù gai và thiếu sót thần kinh khu trú tiến triển qua nhiều ngày đến vài tuần lễ; tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, các biểu hiện này rất kín đáo hoặc không có cho đến cuối đợt tiến triển lâm sàng.

Sốt, ớn lạnh và tăng bạch cầu có thể phát triển trước khi nhiễm trùng được tạo bao, nhưng các dấu hiệu này có thể không xuất hiện khi có biểu hiện, giảm dần theo thời gian hoặc không phát triển.

Chẩn đoán áp xe não

  • MRI có thuốc đối quang hoặc, nếu không có, chụp CT có thuốc cản quang

Khi các triệu chứng gợi ý áp xe, chụp MRI có thuốc đối quang từ với chuỗi xung khuếch tán hoặc, nếu không có, thì chụp CT có thuốc cản quang. Khối này có thể khó phân biệt được với u não hoặc ổ nhồi máu não; có thể chọc hút dưới hướng dẫn của CT, nuôi cấy, phẫu thuật cắt bỏ, hoặc phối hợp các phương pháp.

Nuôi cấy mủ được hút từ ổ áp xe có thể giúp lựa chọn kháng sinh phù hợp để điều trị áp xe. Tuy nhiên, không nên trì hoãn điều trị kháng sinh để chờ đợi kết quả nuôi cấy.

Không nên chọc dịch tủy sống vì nó có thể làm thoát vị qua lều vì kết quả dịch não tủy (CSF) không đặc hiệu (xem bảng Bất thường dịch não tủy trong các rối loạn).

Điều trị áp xe não

  • Kháng sinh (ban đầu dùng cefotaxime hoặc ceftriaxone, cùng với metronidazole đối với loài Bacteroides hoặc cộng với vancomycin đối với Staphylococcus aureus dựa theo nghi ngờ lâm sàng, sau đó theo hướng dẫn của nuôi cấy và các xét nghiệm nhạy cảm)

  • Thường là hút mủ dưới hướng dẫn của CT hoặc phẫu thuật dẫn lưu

  • Đôi khi dùng corticosteroid, thuốc chống co giật, hoặc cả hai

Tất cả các bệnh nhân được điều trị kháng sinh trong ít nhất 4 đến 8 tuần. Kháng sinh theo kinh nghiệm ban đầu bao gồm một trong những loại sau:

  • Cefotaxime 2 g đường tĩnh mạch, 4 giờ một lần

  • Ceftriaxone 2 g đường tĩnh mạch, 12 giờ một lần

Cả hai đều có hiệu quả chống lại streptococci, Enterobacteriaceae, và hầu hết các vi khuẩn kỵ khí nhưng không chống lại Bacteroides fragilis. Nếu bác sĩ lâm sàng nghi ngờ các loài Bacteroides (như trong viêm xoang hoặc viêm tai giữa mạn tính), metronidazole 15 mg/kg (liều tấn công), sau đó 7,5 mg/kg đường tĩnh mạch, 6 giờ một lần cũng cần phải sử dụng. Nếu nghi ngờ S. aureus (ví dụ, sau chấn thương sọ não hoặc phẫu thuật thần kinh hoặc trong viêm nội tâm mạc), vancomycin 1 g, 12 giờ một lần được sử dụng (cùng với cefotaxime hoặc ceftriaxone) cho đến khi xác định được nhạy cảm với nafcillin (2 g, 4 giờ một lần). Đáp ứng với thuốc kháng sinh được theo dõi tốt nhất bằng chụp MRI hoặc CT nhiều lần.

Dẫn lưu (phẫu thuật định vị dưới hướng dẫn của CT hoặc phẫu thuật mở) là liệu pháp điều trị tối ưu và cần thiết cho hầu hết cácloại áp xe đơn độc và có thể phẫu thuật, đặc biệt là các ổ áp xe có đường kính > 2 cm. Nếu ổ áp xe có đường kính < 2 cm, có thể thử dùng kháng sinh đơn trị liệu, nhưng sau đó phải theo dõi ổ áp xe bằng MRI hoặc CT theo tuần tự thường xuyên (ban đầu thường là 2 đến 3 ngày một lần); nếu ổ áp xe to ra sau khi điều trị bằng kháng sinh, phẫu thuật dẫn lưu sẽ được chỉ định.

Bệnh nhân bị tăng áp lực nội sọ (được đánh giá bằng các dấu hiệu và phát hiện trên chẩn đoán hình ảnh thần kinh) có thể được hưởng lợi từ một đợt điều trị ngắn hạn bằng corticosteroid liều cao (dexamethasone 10 mg đường tĩnh mạch một lần, sau đó 4 mg đường tĩnh mạch, 6 giờ một lần trong 3 hoặc 4 ngày).

Thuốc chống co giật thường được sử dụng để ngăn ngừa co giật.

Tỷ lệ hồi phục phụ thuộc vào mức độ thành công của điều trị ổ áp xe và tình trạng miễn dịch của bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch (ví dụ, bệnh nhân nhiễm HIV không kiểm soát được) bị áp xe do Toxoplasma gondii hoặc nấm, họ có thể phải dùng thuốc kháng sinh suốt đời.

Những điểm chính

  • Áp xe não có thể do sự lan tỏa ổ viêm trực tiếp (ví dụ như viêm xương chũm, viêm tủy xương, viêm xoang, viêm mủ dưới màng cứng), vết thương xuyên thấu (bao gồm cả phẫu thuật thần kinh), hoặc lan tỏa theo đường máu.

  • Đau đầu, buồn nôn, nôn vọt, hôn mê, co giật, thay đổi nhân cách, phù gai thị và thiếu sót thần kinh khu trú tiến triển qua nhiều ngày đến nhiều tuần; có thể không sốt trong thời gian bị bệnh.

  • Chụp MRI có tiêm thuốc đối quang từ hoặc, nếu không có, chụp CT có thuốc cản quang.

  • Điều trị tất cả các áp xe não bằng thuốc kháng sinh (thường là ceftriaxone hoặc cefotaxime kết hợp với metronidazole nếu thầy thuốc lâm sàng nghi ngờ các loài Bacteroides hoặc cộng với vancomycin nếu họ nghi ngờ S. aureus), nối tiếp chọc hút mủ định vị dưới hướng dẫn của CT hoặc phẫu thuật dẫn lưu.

  • Nếu ổ áp xe có đường kính < 2 cm có thể điều trị bằng kháng sinh đơn thuần nhưng sau đó phải theo dõi sát bằng MRI hoặc CT; Nếu ổ áp xe to ra sau khi điều trị bằng kháng sinh, phẫu thuật dẫn lưu sẽ được chỉ định.