Thoái hóa khớp (OA)

(Bệnh thoái hóa khớp, thoái hóa khớp phì đại)

TheoApostolos Kontzias, MD, Stony Brook University School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 11 2022

Thoái hóa khớp là bệnh khớp mạn tính có đặc điểm là nứt vỡ và mất sụn khớp cùng với những thay đổi khác của khớp, bao gồm phì đại xương (hình thành gai xương). Triệu chứng bao gồm đau xuất hiện dần dần, tăng hoặc khởi phát sau vận động, cứng khớp kéo dài 30 phút sau khi thức dậy và sau khi không hoạt động, và thỉnh thoảng có sưng khớp. Chẩn đoán dựa vào X-quang. Điều trị bao gồm các biện pháp vật lý, phục hồi chức năng, giáo dục bệnh nhân và thuốc giảm đau.

Thoái hóa khớp, tình trạng rối loạn khớp phổ biến nhất, thường có triệu chứng ở độ tuổi 40 và 50 và gần như phổ biến (mặc dù không phải lúc nào cũng có triệu chứng) khi ở tuổi 80. Chỉ một nửa số bệnh nhân có biến đổi bệnh lý của thoái hóa khớp có triệu chứng. Dưới 40 tuổi, hầu hết thoái hóa khớp lớn xảy ra ở nam giới và thường do chấn thương hoặc do thay đổi giải phẫu (ví dụ: loạn sản xương hông). Từ 40 đến 70 tuổi, thoái hóa khớp hay gặp ở phụ nữ, còn trên 70 tuổi, tỷ lệ thoái hóa khớp ở nam và nữ là như nhau.

Phân loại thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp được phân loại là nguyên phát (vô căn) hoặc thứ phát do một số nguyên nhân đã biết.

Thoái hóa khớp nguyên phát có thể khu trú ở một số khớp (ví dụ: nhuyễn sụn xương bánh chè là một dạng thoái hóa khớp nhẹ xảy ra ở những người trẻ tuổi). Thoái hóa khớp nguyên phát thường được chia thành nhỏ theo vị trí khớp bị thương tổn (ví dụ: bàn tay, bàn chân, đầu gối, hông). Nếu thoái hóa khớp nguyên phát làm thương tổn đến nhiều khớp, nó được phân loại là thoái hóa khớp toàn thân nguyên phát.

Thoái hóa khớp thứ phát là kết quả của các tình trạng bệnh lý làm thay đổi môi trường vi mô của cấu trúc sụn hoặc của khớp. Những tình trạng này bao gồm chấn thương nghiêm trọng, bất thường khớp bẩm sinh, khiếm khuyết chuyển hóa (ví dụ: bệnh nhiễm sắc tố sắt mô, bệnh Wilson), nhiễm trùng (gây viêm khớp sau nhiễm trùng), bệnh nội tiết và bệnh do bệnh thần kinh và các rối loạn làm thay đổi cấu trúc và chức năng bình thường của sụn trong (ví dụ: viêm khớp dạng thấp, gút, bệnh lắng đọng tinh thể canxi).

Sinh lý bệnh thoái hóa khớp

Các khớp bình thường có ít tiếng lục khục khi cử động và không bị mòn khi vận động thông thường, vận động quá mức hoặc hầu hết các chấn thương. Sụn hyalin là cấu trúc vô mạch, không có thần kinh chi phối, và không có mạch bạch huyết. Các thành phần của sụn khớp bao gồm 95% là nước và chất ngoại bào và tế bào sụn khớp chỉ chiếm 5%. Tế bào sụn có chu kỳ tế bào dài nhất trong cơ thể (tương tự như tế bào thần kinh trung ương và tế bào cơ). Sức khỏe và chức năng của sụn phụ thuộc vào lực ép và giải phóng của trọng lượng và việc sử dụng (ví dụ lực nén dịch từ sụn vào ổ khớp và vào các mao mạch và tĩnh mạch nhỏ, trong khi việc giải phóng lực cho phép sụn tái phát triển, tăng lượng nước và hấp thụ các chất điện giải và chất dinh dưỡng cần thiết).

Thường không rõ yếu tố gây khởi phát thoái hóa khớp, nhưng thoái hóa khớp đôi khi bắt đầu bằng tổn thương mô do chấn thương cơ học (ví dụ: rách sụn chêm), truyền các chất trung gian gây viêm từ màng hoạt dịch vào sụn hoặc khiếm khuyết về chuyển hóa sụn. Béo phì gây ra một số khiếm khuyết về quá trình chuyển hóa sụn, dẫn đến tổn thương chất nền của sụn và tái tổ chức xương dưới sụn qua trung gian adipokine, chẳng hạn như leptin và adipsin và kết hợp bởi các yếu tố cơ học do thừa cân. Sự hủy hoại mô kích thích tế bào sụn cố gắng sửa chữa, làm tăng sản xuất proteoglycans và collagen. Tuy nhiên, quá trình sửa chữa cũng sẽ kích thích các enzym làm giáng hóa sụn cũng như các cytokine viêm. Các chất trung gian gây viêm sẽ kích hoạt một chu trình viêm, kích thích thêm các tế bào sụn và tế bào màng hoạt dịch lót, cuối cùng phá vỡ sụn. Tế bào sụn trải qua quá trình chết tế bào (apoptosis). Khi sụn bị phá hủy, dẫn đến lộ xương dưới sụn và xương sẽ bị xơ và cứng.

Tất cả các mô khớp và một số mô quanh khớp có thể liên quan đến thoái hóa khớp. Xương dưới sụn bị cứng, sau đó bị nhồi máu, và phát triển nang dưới sụn. Các quá trình sửa chữa xương gây ra xơ xương dưới sụn và hình thành gai xương ở rìa khớp. Các gai xương phát triển dường như để ổn định khớp. Hoạt dịch bị viêm nhẹ và dày lên và tạo ra hoạt dịch có độ nhớt ít hơn và thể tích lớn hơn. Các gân cạnh khớp và dây chằng bị chèn ép, dẫn đến viêm gân và co rút. Khi khớp trở nên ít di động hơn, các cơ xung quanh sẽ yếu đi và ít hỗ trợ hơn. Các sụn chêm ở đầu gối, phân bố các dây thần kinh một phần, nứt ra và có thể bị vỡ ra và góp phần gây đau.

Thoái hóa cột sống có thể, ở cấp độ đĩa đệm, gây dày lên và tăng sinh rõ rệt các dây chằng dọc sau, các dây chằng này nằm sau thân đốt sống nhưng phía trước tủy sống. Nó có thể trở thành các thanh ngang xâm lấn vào phần trước tủy sống. Phì đại và tăng sản của dây chằng vàng, nằm phía sau tủy sống, thường chèn ép phía sau ống sống, gây ra hẹp ống sống thắt lưng. Ngược lại, rễ thần kinh trước và sau, hạch, và dây thần kinh tủy sống được bảo vệ tương đối tốt trong lỗ liên hợp, chỉ chiếm 25% không gian có sẵn và có khả năng đệm tốt.

Triệu chứng và dấu hiệu của thoái hóa khớp

Thoái hoá khớp thường bắt đầu từ từ, thường bắt đầu với một hoặc vài khớp.

Đau là triệu chứng sớm nhất của thoái hóa khớp, đôi khi được mô tả là nhức nhối sâu bên trong. Đau thường tăng lên ở những tư thế chịu trọng lực và giảm khi nghỉ ngơi nhưng cuối cùng có thể đau liên tục.

Cứng khớp sau khi ngủ dậy hoặc không hoạt động nhưng kéo dài < 30 phút và giảm đi khi vận động. Khi thoái hóa khớp tiến triển, cử động của khớp bị hạn chế, ấn đau và cảm giác lạo xạo hoặc cảm giác tiếng kèn kẹt phát sinh.

Phì đại sụn giai đoạn đầu, sau đó là phản ứng xương, dây chằng, gân, bao khớp và hoạt dịch đáng kể, cùng với lượng tràn dịch khớp không viêm thay đổi, cuối cùng dẫn đến đặc điểm phì đại khớp của thoái hóa khớp.

Có thể bị co rút ở tư thế gấp. Viêm màng hoạt dịch cấp tính hoặc nặng rất hiếm gặp.

Đau khi sờ và đau khi vận động thụ động là những dấu hiệu tương đối muộn. Co cứng cơ và co rút làm đau tăng. Chèn ép cơ học bởi dị vật nội khớp hoặc mảnh sụn chêm bất thường vị trí có thể gây kẹt khớp. Sự biến dạng và các lỏng lẻo cũng có thể xuất hiện.

Thoái hóa khớp thường tiến triển không thường xuyên nhưng đôi khi dừng lại mà không dự đoán được.

Các khớp thường bị ảnh hưởng nhất trong thoái hóa khớp toàn thân bao gồm:

  • khớp liên đốt xa (DIP) và khớp liên đốt gần (PIP) (gây ra các hạt Heberden và Bouchard)

  • Khớp cổ tay-ngón tay của ngón tay cái (khớp bàn tay thường bị đau nhất)

  • Đĩa đệm và khớp liên mấu trong thoái hóa cột sống cổ và thắt lưng

  • Khớp bàn ngón chân cái

  • Khớp háng

  • Khớp gối

Thoái hóa cột sống cổ và cột sống thắt lưng có thể dẫn đến bệnh tủy sống hoặc bệnh rễ thần kinh. Tuy nhiên, các dấu hiệu lâm sàng của tổn thương tủy sống thường nhẹ. Hẹp ống sống thắt lưng có thể gây đau lưng hoặc đau chân tăng lên khi đi bộ (đau cách hồi thần kinh, đôi khi được gọi là giả đau cách hồi) hoặc khi ưỡn lưng. Bệnh lý rễ thần kinh có thể nổi trội hơn nhưng ít phổ biến hơn vì rễ thần kinh và hạch được bảo vệ tốt. Thỉnh thoảng có thể xảy ra thiếu máu động mạch đốt sống, nhồi máu tủy sống và khó nuốt do chèn ép thức quản bởi gai xương cột sống cổ. Các triệu chứng và dấu hiệu do thoái hóa khớp nói chung cũng có thể xuất phát từ xương dưới sụn, cấu trúc dây chằng, màng hoạt dịch, bao hoạt dịch quanh khớp, bao khớp, cơ, gân, đĩa đệm và màng xương, tất cả đều nhạy cảm với đau. Áp lực tĩnh mạch có thể tăng trong tủy xương dưới sụn và gây đau (đôi khi được gọi là đau xương do thiếu máu).

Thoái hóa khớp háng gây mất dần phạm vi vận động và thường có triệu chứng nhất trong khi thực hiện các hoạt động chịu sức nặng. Có thể đau ở vùng bẹn hoặc mấu chuyển lớn hoặc lan tới đùi và đầu gối.

Thoái hóa khớp gối gây mất sụn (mất sụn chêm giữa ở 70% số trường hợp). Các dây chằng lỏng lẻo và khớp trở nên mất vững, với đau do tổn thương dây chằng và gân.

Thoái hóa khớp do mòn gây ra viêm màng hoạt dịch và kén hoạt dịch ở bàn tay. Chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp ngón gần hoặc xa. Khớp bàn-ngón của ngón tay cái bị thương tổn ở 20% trường hợp thoái hóa khớp bàn tay, nhưng khớp bàn-ngón tay và cổ tay thường không bị. Hiện nay, không chắc chắn liệu thoái hóa do mòn giữa các đốt có phải là một biến thể của thoái hóa khớp bàn tay hoặc liệu tình trạng này có đại diện cho một thực thể riêng biệt, chẳng hạn như bệnh vi tinh thể (ví dụ: viêm khớp canxi pyrophosphate) hay không.

Chẩn đoán thoái hóa khớp

  • X-quang

Thoái hóa khớp cần phải được nghi ngờ ở những bệnh nhân có các triệu chứng và dấu hiệu khởi phát từ từ, đặc biệt ở người cao tuổi. Nếu nghi ngờ thoái hóa khớp, nên chụp X-quang thường các khớp có nhiều triệu chứng nhất. Các phim X-quang thường cho thấy gai xương, hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, hình thành nang dưới sụn, tái tạo xương, và tràn dịch khớp. Chế độ chụp chịu trọng lượng Merchant (xem tiếp tuyến với khớp gối gấp 30°) X-quang đầu gối nhạy hơn khi phát hiện khoảng trống khớp. Thường có khác biệt giữa mức độ nặng của các triệu chứng và mức độ nặng của những thay đổi trong chẩn đoán hình ảnh.

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm là bình thường đối với thoái hóa khớp nhưng đôi khi có thể được cần phải có để loại trừ các rối loạn khác hoặc để chẩn đoán một bệnh nền gây thoái hóa khớp thứ phát. Nếu thoái hóa khớp gây tràn dịch khớp, phân tích dịch khớp có thể giúp phân biệt với viêm khớp; trong thoái hóa khớp, dịch khớp thường trong, nhớt và có 2000 bạch cầu/mcL.

Tổn thương thoái hóa khớp ngoài khớp thông thường gợi ý thoái hóa khớp thứ phát; có thể cần đánh giá thêm để xác định rối loạn nguyên phát tiềm ẩn (ví dụ: rối loạn nội tiết, chuyển hóa, ung thư hoặc sinh-cơ học).

Điều trị thoái hóa khớp

  • Liệu pháp không dùng thuốc (ví dụ: giáo dục, giảm cân thích hợp, các biện pháp phục hồi chức năng và hỗ trợ)

  • Liệu pháp điều trị bằng thuốc

Mục tiêu điều trị thoái hóa khớp là giảm đau, duy trì mức linh hoạt của khớp, tối ưu hóa khớp và chức năng tổng thể. Các phương pháp điều trị cơ bản bao gồm các biện pháp vật lý bao gồm phục hồi chức năng; thiết bị hỗ trợ; tập thể dục tăng sức mạnh, linh hoạt, và độ bền; giáo dục bệnh nhân; và thay đổi trong các hoạt động của cuộc sống hàng ngày. Liệu pháp bổ trợ bao gồm điều trị bằng thuốc và phẫu thuật bằng. (Xem thêm 2019 American College of Rheumatology/Arthritis Foundation Guideline for the Management of Osteoarthritis of the Hand, Hip, and Knee để biết về xử trí thoái hóa khớp háng và thoái hóa khớp gối không dùng thuốc.)

Các biện pháp vật lý

Giảm cân ở mức độ vừa phải trên bệnh nhân thừa cân thường làm giảm đau và thậm chí có thể làm giảm sự tiến triển của thoái hóa khớp gối. Các kỹ thuật phục hồi chức năng được bắt đầu tốt nhất trước khi xuất hiện hạn chế vận dộng.

Các bài tập (phạm vi vận động, đẳng áp, đẳng trương, đẳng động, tư thế, tăng cường sức bền – xem Vật lý trị liệu) duy trì phạm vi vận động và tăng khả năng hấp thụ lực căng của gân và cơ trong quá trình vận động khớp. Tập thể dục đôi khi có thể ngăn chặn hoặc thậm chí phục hồi thoái hóa khớp hông và khớp gối. Tập thể dục thể thao được khuyến khích vì chúng tránh được stress lên khớp. Tập thể dục kéo giãn nên được thực hiện hàng ngày.

Bất động trong bất kỳ thời gian kéo dài nào cũng có thể thúc đẩy sự co cứng và làm trầm trọng thêm giai đoạn lâm sàng. Tuy nhiên, một vài phút nghỉ ngơi (mỗi 4 đến 6 giờ vào ban ngày) có thể giúp nếu cân bằng với tập thể dục và sử dụng khớp.

Việc sửa đổi các sinh hoạt hàng ngày có thể có tác dụng. Ví dụ, một bệnh nhân bị thoái hóa khớp ở cột sống thắt lưng, hông hoặc khớp gối cần phải tránh các loại ghế mềm sâu và ghế tựa có tư thế xấu và khó đứng dậy. Việc sử dụng thường xuyên gối dưới khoeo trong khi ngồi làm tăng co gấp và nên tránh. Tuy nhiên, gối nằm giữa hai khớp gối thường có thể làm giảm đau lưng. Bệnh nhân nên ngồi trên ghế lưng thẳng, không bị gập, ngủ trên giường cứng (có lẽ với giát dường), dùng ghế ô tô dựng về phía trước và được thiết kế cho thoải mái, tập bài thể dục tư thế, đi giày thể thao và giày chuyên dụng, và tiếp tục việc làm và hoạt động thể chất.

Trong thoái hóa khớp ở cột sống, khớp gối hoặc khớp cổ tay-ngón tay của ngón tay cái, các hỗ trợ khác nhau có thể làm giảm đau và tăng chức năng, nhưng để duy trì khả năng linh hoạt, các hỗ trợ cần phải đi kèm với các chương trình tập thể dục cụ thể. Đối với thoái hóa khớp gối trong, chỉnh hình được thiết kế để giảm tải khớp gối được ưu tiên hơn so với lót ngoài nêm, mang lại kết quả không rõ ràng (1).

Trong thoái hóa khớp do mòn, các bài tập theo phạm vi vận động được thực hiện trong nước ấm có thể giúp ngăn ngừa co rút.

Liệu pháp điều trị bằng thuốc

Liệu pháp dùng thuốc là một phần bổ sung cho chương trình thể chất. Acetaminophen với liều lượng lên đến 1 g, uống 4 lần/ngày có thể làm giảm đau và thường an toàn khi không có bệnh gan hoặc không có uống nhiều rượu. Có thể cần dùng thuốc giảm đau mạnh hơn, chẳng hạn như tramadol hoặc hiếm khi là opioid; tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây lú lẫn ở bệnh nhân cao tuổi và thường tránh dùng. Duloxetine, một thuốc ức chế tái hấp thu serotonin norepinephrine, có thể có tác dụng giảm đau nhẹ do thoái hóa khớp. Capsaicin tại chỗ có tác dụng giảm đau ở các khớp nông bằng cách làm gián đoạn sự truyền đau.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), bao gồm thuốc ức chế chọn lọc cyclooxygenase-2 (COX-2) hoặc coxib, có thể được cân nhắc dùng nếu bệnh nhân bị đau dai dẳng hoặc có dấu hiệu viêm (ví dụ: đỏ, nóng). NSAID có thể được sử dụng đồng thời với các thuốc giảm đau khác (ví dụ: tramadol, hiếm khi là opioid) để làm giảm triệu chứng hiệu quả hơn. Thuốc NSAID tại chỗ có thể có giá trị cho các khớp nông, như bàn tay và đầu gối. NSAID tại chỗ có thể có giá trị đặc biệt ở bệnh nhân cao tuổi, vì tiếp xúc NSAID toàn thân giảm, giảm thiểu nguy cơ bị tác dụng bất lợi của thuốc. Bảo vệ dạ dày nên được xem xét khi sử dụng NSAID thường xuyên ở bệnh nhân lớn tuổi.

Thuốc giãn cơ chẳng hạn như cyclobenzaprine, metaxalone và methocarbamol (thường ở mức liều thấp) đôi khi làm giảm đau do cơ bị căng do cố gắng hỗ trợ các khớp bị thoái hóa khớp, tuy nhiên vẫn còn thiếu bằng chứng rõ ràng trừ khi đồng thời có nhạy cảm ở trung tâm. Tuy nhiên, ở những bệnh nhân cao tuổi, các thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng bất lợi hơn là tác dụng giảm nhẹ.

Corticosteroid uống không nên dùng kéo dài. Corticosteroid nội khớp có thể giúp giảm đau trong thời gian ngắn và tăng tính linh hoạt khớp ở một số bệnh nhân; tuy nhiên, hiệu quả giả dược mạnh đã được thể hiện trong các thử nghiệm lâm sàng. Thường xuyên tiêm corticosteroid vào khớp làm tăng nguy cơ mất sụn (2).

Các dạng axit hyaluronic có thể được tiêm nội khớp gối và giảm đau phần nào ở một số bệnh nhân trong thời gian kéo dài. Không nên được sử dụng thường xuyên hơn mỗi 6 tháng. Điều trị là một liệu trình từ 1 đến 5 lần tiêm hàng tuần. Tuy nhiên, hiệu quả của các phác đồ này ở bệnh nhân có bằng chứng X-quang về thoái hóa khớp gối rất hạn chế, và do đó chúng không được khuyến cáo trừ khi tất cả các lựa chọn khác không mang lại lợi ích. Phác đồ axit hyaluronic không được khuyến cáo trong thoái hóa khớp háng hoặc khớp vai (3). Ở một số bệnh nhân, tiêm tại chỗ có thể gây viêm bao hoạt dịch nghiêm trọng. Các nghiên cứu lâm sàng về các loại thuốc này đã cho thấy tác dụng giả dược mạnh mẽ của việc tiêm trong khớp. Những mũi tiêm này đã được chứng minh là không có tác dụng điều chỉnh bệnh.

Glucosamine sulfate 1500 mg 1 lần/ngày đường uống đã được đề xuất để giảm đau và giảm sự thoái hoá khớp; chondroitin sulfate 1200 mg một lần/ngày cũng đã được đề xuất để giảm đau. Các nghiên cứu cho đến nay đã cho thấy hiệu quả giảm đau hỗn hợp, với thời gian bắt đầu giảm đau thường bị trì hoãn và không có tác dụng mạnh trong việc bảo tồn sụn.

Các liệu pháp bổ trợ và thử nghiệm khác

Các biện pháp bổ sung khác có thể làm giảm đau, bao gồm xoa bóp, chườm nóng, giảm cân, châm cứukích thích dây thần kinh qua da bằng điện (TENS). Phẫu thuật cắt cung sau cột sống và thay toàn bộ khớp cần phải được xem xét nếu các phương pháp không phẫu thuật thất bại.

Các liệu pháp thực nghiệm có thể bảo tồn sụn hoặc cho phép ghép tế bào sụn đang được nghiên cứu. Không rõ liệu sử dụng miếng dán lidocaine 5% làm giảm đau. Flavocoxid, một hợp chất có nguồn gốc thực vật, có thể được dùng. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu đã được chứng minh là tốt hơn so với axit hyaluronic để giảm đau trong các nghiên cứu 12 tháng nhưng không làm thay đổi tiến triển của bệnh (4). Liệu pháp tế bào gốc trung mô để phục hồi sụn được cho là mang lại kết quả tích cực, đặc biệt là trong viêm xương khớp gối (5), nhưng phương pháp này vẫn được coi là thử nghiệm, với rất ít bằng chứng ủng hộ việc sử dụng trên lâm sàng hiện nay (6). Các kháng thể đơn dòng chống lại yếu tố tăng trưởng thần kinh đang được thử nghiệm để điều trị chứng đau mạn tính do thoái hóa khớp. Tuy nhiên, các nghiên cứu thí điểm dẫn đến thoái hóa khớp và hoại tử xương tăng tốc, đòi hỏi phải có các nghiên cứu lớn hơn với các tiêu chuẩn loại trừ và thu nhận bệnh nhân nghiêm ngặt.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Parkes MJ, Maricar N, Lunt M, et al: Lateral wedge insoles as a conservative treatment for pain in patients with medial knee osteoarthritis: a meta-analysis. JAMA 310(7):722–730, 2013 doi:10.1001/jama.2013.243229

  2. 2. McAlindon TE, LaValley MP, Harvey WF, et al: Effect of intra-articular triamcinolone vs saline on knee cartilage volume and pain in patients with knee osteoarthritis: randomized clinical trial. JAMA 317(19):1967–1975, 2017 doi:10.1001/jama.2017.5283

  3. 3. Kolasinski SL, Neogi T, Hochberg MC, et al: 2019 American College of Rheumatology/Arthritis Foundation Guideline for the Management of Osteoarthritis of the Hand, Hip, and Knee. Arthritis Care Res (Hoboken) 72(2):149–162, 2020 doi:10.1002/acr.24131

  4. 4. Hohmann E, Tetsworth K, Glatt V: Is platelet-rich plasma effective for the treatment of knee osteoarthritis? TA systematic review and meta-analysis of level 1 and 2 randomized controlled trials. Eur J Orthop Surg Traumatol, 2020 doi 10.1007/s00590-020-02623-4. doi:10.1007/s00590-020-02623-4

  5. 5. Yubo M, Yanyan L, Li L, et al: Clinical efficacy and safety of mesenchymal stem cell transplantation for osteoarthritis treatment: A meta-analysis. PLoS ONE 12(4):e0175449, 2017 doi: 10.1371/journal.pone.0175449. eCollection 2017

  6. 6. Pas HI, Winters M, Haisma HJ, et al: Stem cell injections in knee osteoarthritis: a systematic review of the literature. Br J Sports Med 51(15):1125–1133, 2017 doi:10.1136/bjsports-2016-096793

Những điểm chính

  • Thoái hóa khớp, rối loạn khớp phổ biến nhất, trở nên đặc biệt phổ biến theo tuổi tác.

  • Các đặc điểm sinh bệnh học chủ chốt bao gồm sự nứt và mất sụn khớp, phì đại xương.

  • Thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến các khớp cụ thể (đôi khi là thứ phát sau chấn thương hoặc một vấn đề khác ở khớp) hoặc toàn thể (thường là rối loạn nguyên phát).

  • Triệu chứng bao gồm đau tăng dần nặng hơn do stress, chịu trọng lực và giảm bớt khi nghỉ ngơi, và cứng khớp giảm đi khi hoạt động.

  • Chẩn đoán xác định bằng dấu hiệu X-quang như gai xương rìa khớp, hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn, tái tạo xương, và đôi khi tạo thành nang dưới sụn và tràn dịch.

  • Sự khác biệt giữa mức độ nặng của các triệu chứng và mức độ nặng của những thay đổi trên chẩn đoán hình ảnh là phổ biến.

  • Điều trị ban đầu với các biện pháp vật lý bao gồm đến phục hồi chức năng; thiết bị hỗ trợ; bài tập sức mạnh, linh hoạt, và độ bền; giáo dục bệnh nhân; và sửa đổi trong các hoạt động của cuộc sống hàng ngày.

  • Điều trị bổ trợ bằng thuốc (ví dụ, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ) và phẫu thuật.

Thông tin thêm

Sau đây là các tài nguyên tiếng Anh có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của các tài nguyên này.

  1. Hướng dẫn của Tổ chức Thấp khớp / Viêm khớp Hoa Kỳ năm 2019 về Quản lý bệnh thoái hóa khớp bàn tay, hông và đầu gối 

  2. Liên đoàn châu Âu chống bệnh thấp khớp: Các khuyến nghị của EULAR về Quản lý bệnh viêm khớp dạng thấp bằng thuốc điều chỉnh bệnh sinh học và tổng hợp: 2019 Cập nhật năm