Viêm xương vừng

TheoKendrick Alan Whitney, DPM, Temple University School of Podiatric Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 11 2023

Viêm xương vừng là tình trạng đau ở các xương vừng bên dưới đầu xương bàn chân thứ nhất, có hoặc không có viêm hoặc gãy xương. Chẩn đoán thường dựa vào lâm sàng. Điều trị thường gồm chỉnh sửa giầy dép và chỉnh hình.

Viêm xương vừng là nguyên nhân phổ biến gâyđau xương bàn chân. 2 xương vừng hình bán nguyệt nằm trong gân cơ gấp ngón cái và giúp bàn chân vận động. Xương ở trong là xương vừng bên chày và xương bên ngoài là xương vừng bên mác. Chấn thương trực tiếp hoặc lệch vị trí xương vừng do sự thay đổi cấu trúc bàn chân (ví dụ, một xương vừng dịch ra ngoài do ngón chân cái lệch ngoài) có thể gây đau các xương vừng. Bệnh viêm xương vừng đặc biệt hay gặp ở các vũ công, những người chạy bộ, và những người có vòm chân cao hoặc đi giày cao gót. Nhiều người viêm khớp bàn ngón chân cái bị viêm xương vừng bên chày. Điều này đôi khi có thể bị nhầm lẫn về mặt lâm sàng với bệnh gút.

(Xem thêm Tổng quan các bệnh lý bàn chân và cổ chân.)

Các xương của bàn chân

Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh viêm xương vừng

Đau do viêm xương vừng ở dưới đầu xương bàn chân thứ nhất; đau thường trở nên trầm trọng hơn khi đi lại và có thể xấu đi khi đi giày đế mỏng mềm dẻo hoặc giày cao gót. Thỉnh thoảng, tình trạng viêm xảy ra, gây nóng nhẹ và sưng tấy hoặc đôi khi đỏ có thể lan vào phía trong và dường như có thương tổn ở khớp bàn ngón chân thứ nhất. Gãy xương vừng có thể gây đau, sưng vừa phải, và có thể viêm.

Chẩn đoán viêm xương vừng

  • Đánh giá lâm sàng

  • Chọc dịch khớp nếu sưng toàn khớp

  • Chụp phim nếu nghi ngờ bị gãy, thoái hóa, hoặc di lệch

Với bàn chân và ngón chân cái (ngón cái) gập mặt mu chân, người khám sẽ kiểm tra đầu xương bàn chân và sờ nắn từng xương vừng. Đau tại chỗ một xương vừng, thường là xương vừng bên chày. Dày mô sừng có thể gợi ý có mụn cóc hoặc chai chân gây đau.

Nếu tình trạng viêm gây sưng tấy quanh khớp bàn ngón chân thứ nhất, chọc dò dịch khớp thường được chỉ định để loại trừ bệnh gútviêm khớp nhiễm trùng.

X-quang được chụp nếu nghi ngờ bị gãy xương, thoái hóa, lệch vị trí. Sesamoids được phân tách bằng sụn hoặc mô sợi (xương vừng hai mảnh) có thể bị gãy trên các phim chụp X quang. Nếu các phim chụp X quang không rõ ràng, MRI được chỉ định để chẩn đoán.

Điều trị viêm xương vừng

  • Thay giày mới, chỉnh hình, hoặc cả hai

Ở những bệnh nhân bị viêm xương vừng, chỉ cần không đi giày gây đau là có thể đủ. Nếu vẫn có các triệu chứng của bệnh viêm xương vừng, các miếng đệm giảm tải cũng như giày có đế dày và dụng cụ chỉnh hình sẽ được chỉ định và giúp làm giảm áp lực ở xương vừng. Nếu gãy xương không di lệch, liệu pháp bảo tồn có thể là đủ và cũng có thể cần cố định khớp với việc sử dụng giày dép phẳng, cứng, và phẫu thuật.

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và tiêm dung dịch corticosteroid/gây tê cục bộ có thể hiệu quả (xem Cân nhắc khi sử dụng corticosteroid dạng tiêm). Mặc dù phẫu thuật cắt bỏ các xương vừng có thể giúp trong các trường hợp kém đáp ứng, nó còn gây tranh cãi bởi vì nguy cơ làm thay đổi cơ sinh học và vận động của bàn chân. Nếu có xuất hiện viêm, điều trị bao gồm các biện pháp bảo tồn phối hợp với sự tiêm hỗn dịch corticosteroid/thuốc gây tê để giảm các triệu chứng.

Những điểm chính

  • Các vũ công, người chạy bộ và những người có bàn chân lõm cao, đi giày cao gót hoặc bị vẹo ngón chân cái có thể bị đau ở các xương vừng bên dưới đầu của xương bàn chân thứ nhất.

  • Đau nặng hơn khi chịu trọng lượng, đặc biệt khi mang giày chật.

  • Chẩn đoán dựa trên kết quả lâm sàng; loại trừ nhiễm trùng và bệnh gút bằng phân tích dịch khớp khi có sưng và loại trừ nghi ngờ gãy xương bằng các phim chụp X quang và đôi khi là chụp MRI.

  • Kê đơn giày mới, đế dày, miếng đệm giảm tải và dụng cụ chỉnh hình để giảm áp lực lên các xương vừng hoặc cả hai.