Hội chứng Buồng trứng Đa nang (PCOS)

(Chứng tăng tiết androgen mạn tính không phóng noãn, Hội chứng Stein-Leventhal)

TheoJoAnn V. Pinkerton, MD, University of Virginia Health System
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 01 2023

Hội chứng buồng trứng đa nang là một hội chứng lâm sàng điển hình được đặc trưng bởi không rụng trứng hoặc ít rụng trứng, các dấu hiệu dư thừa adrogen (ví dụ: rậm lông, mụn trứng cá) và đa nang buồng trứng trong các buồng trứng. Thường có kháng insulin và béo phì. Chẩn đoán dựa trên các tiêu chuẩn lâm sàng, đo lường hormone và chẩn đoán hình ảnh để loại trừ khối u nam hóa. Điều trị triệu chứng.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) xảy ra ở 5% đến 10% số phụ nữ (1). Ở Mỹ, đó là nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh.

PCOS thường được định nghĩa như một hội chứng lâm sàng, không phải sự hiện diện của nang buồng trứng. Nhưng thông thường, buồng trứng chứa nhiều nang noãn từ 2- tới 6-mm và đôi khi có nang lớn hơn chứa các tế bào sẹo. Buồng trứng có thể bị to ra với vỏ trơn bóng, dày hoặc có thể kích thước bình thường.

Hội chứng này liên quan đến sự rối loạn chức năng phóng noãn hoặc không phóng noãn và thừa nội tiết tố nam với nguyên nhân không rõ ràng. Tuy nhiên, một số bằng chứng cho thấy bệnh nhân có bất thường chức năng của cytochrome P450c17 ảnh hưởng đến 17-hydroxylase (tỷ lệ - hạn chế enzyme trong sản xuất nội tiết tố nam); kết quả là tăng sản lượng nội tiết tố nam. Sinh bệnh học dường như liên quan đến các yếu tố môi trường và di truyền.

Tài liệu tham khảo chung

  1. 1. Dumesic DA, Oberfield SE, Stener-Victorin E, et al: Scientific statement on the diagnostic criteria, epidemiology, pathophysiology, and molecular genetics of polycystic ovary syndrome. Endocr Rev 36 (5):487–525, 2015. doi: 10.1210/er.2015-1018

Các biến chứng

Hội chứng buồng trứng đa nang có một số biến chứng tiềm ẩn đáng kể.

Vô sinh có liên quan đến rối loạn chức năng rụng trứng.

Nồng độ estrogen tăng cao, làm tăng nguy cơ tăng sản nội mạc tử cung và có thể là ung thư nội mạc tử cung.

Nồng độ androgen thường tăng cao làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, béo phì và gây rậm lông. Tăng nồng độ insullin trong máu do kháng insulin có thể có mặt và có thể góp phần làm tăng lượng androgen của buồng trứng. Theo thời gian, tăng nội tiết tố nam quá mức làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch, bao gồm tăng huyết áp và tăng lipide máu. Nguy cơ thừa androgen và các biến chứng của nó có thể cũng cao như nhau ở phụ nữ không thừa cân như ở những người thừa cân.

Vôi hóa động mạch vành và dày lớp nội mạc động mạch cảnh phổ biến hơn ở phụ nữ mắc PCOS, cho thấy xơ vữa động mạch cận lâm sàng có thể xảy ra.

Bệnh đái tháo đường týp 2 và rối loạn dung nạp glucose phổ biến hơn và nguy cơ ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn tăng lên.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng PCOS có liên quan đến tình trạng viêm mạn tính ở mức độ thấp và phụ nữ mắc PCOS có nguy cơ cao hơn bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (1).

Tài liệu tham khảo về biến chứng

  1. 1. Rocha AL, Oliveira FR, Azevedo RC, et al: Recent advances in the understanding and management of polycystic ovary syndrome. F1000Res 26;8, 2019. pii: F1000 Faculty Rev-565. doi: 10.12688/f1000research.15318.1 eCollection 2019.

Triệu chứng và dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang

Triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang điển hình thường bắt đầu trong giai đoạn dậy thì và trầm trọng hơn cùng với thời gian. Rối loạn chức năng phóng noãn thường xuất hiện ở tuổi dậy thì, hậu quả gây vô kinh nguyên phát; do đó, hội chứng buồng trứng đa nang sẽ không xảy ra ở những bệnh nhân kinh nguyệt đều xuất hiện một thời gian sau khi bắt đầu có kinh. Bắt đầu tăng năng tuyến thượng thận sớm là phổ biến, gây ra bởi dư thừa dehydroepiandrosterone sulfate (DHEAS) và thường được đặc trưng bởi sự phát triển sớm của lông nách, mùi cơ thể và mụn trứng cá nhỏ.

Các triệu chứng điển hình bao gồm kinh nguyệt không đều, thường là thiểu kinh, vô kinh, béo phì nhẹ và rậm lông nhẹ. Tuy nhiên, một nửa phụ nữ bị PCOS, trọng lượng bình thường và một số phụ nữ bị thiếu cân. Lông cơ thể có thể phát triển theo kiểu hình nam giới (ví dụ ở môi trên, cằm, lưng, ngón tay cái, và ngón chân, quanh núm vú và dọc theo đường viền bụng dưới). Một số phụ nữ bị mụn trứng cá, và một số có dấu hiệu nam hóa, chẳng hạn như tóc mỏng ở thái dương.

Các triệu chứng khác bao gồm tăng cân (đôi khi có vẻ khó kiểm soát), mệt mỏi, năng lượng thấp, các vấn đề liên quan đến giấc ngủ (bao gồm ngưng thở khi ngủ), tâm trạng thất vọng, trầm cảm, lo lắng và nhức đầu. Ở một số phụ nữ, khả năng sinh sản suy giảm. Các triệu chứng rất khác nhau giữa các phụ nữ.

Các vùng da dày, sậm màu (bệnh da gai đen) có thể xuất hiện vùng nách, trên vùng gáy của cổ, trong da, và trên khớp nối và/hoặc khuỷu tay; nguyên nhân là nồng độ insulin cao do kháng insulin.

Nếu phụ nữ mắc PCOS có thai và nếu có béo phì, nguy cơ biến chứng thai kỳ sẽ tăng lên. Những biến chứng này bao gồm tiểu đường thai kỳ, sinh non, và tiền sản giật.

Chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang

  • Tiêu chuẩn lâm sàng

  • Siêu âm vùng chậu

  • Các xét nghiệm để loại trừ các rối loạn nội tiết khác, chẳng hạn như đo nồng độ testosterone huyết thanh, hormone kích thích nang trứng (FSH), prolactin và nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH)

Nghi ngờ PCOS nếu phụ nữ có ít nhất hai triệu chứng điển hình (ví dụ: kinh nguyệt không đều, rậm lông).

Việc chẩn đoán cần ít nhất 2 trong 3 tiêu chí sau:

  • Rối loạn chức năng phóng noãn gây ra kinh nguyệt không đều

  • Bằng chứng lâm sàng hoặc sinh hóa về tăng sinh androgen

  • > 10 nang trứng mỗi buồng trứng (phát hiện bằng siêu âm vùng khung chậu), thường xuất hiện ở ngoại vi và giống như một chuỗi ngọc trai

Xét nghiệm bao gồm xét nghiệm thử thai và đo FSH, prolactin và TSH để loại trừ các nguyên nhân có thể khác của các triệu chứng.

Siêu âm qua âm đạo được thực hiện để phát hiện buồng trứng đa nang và loại trừ các nguyên nhân có thể gây ra các triệu chứng khác. Tuy nhiên, siêu âm qua đường âm đạo không được thực hiện ở trẻ em gái vị thành niên (xem bên dưới).

Chẩn đoán không dựa trên việc đo nội tiết tố androgen trong huyết thanh. Đối với những bệnh nhân đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán, nên loại trừ các nguyên nhân khác gây rậm lông hoặc nam hóa (ví dụ: khối u tiết androgen) bằng cách định lượng androgen huyết thanh bao gồm

Nồng độ testosterone tự do huyết thanh nhạy hơn testosterone toàn phần nhưng về mặt kỹ thuật thì khó đo hơn (Xem sơ đồ: Chẩn đoán suy sinh dục nguyên phát và thứ phát). Nồng độ bình thường đến tăng nhẹ testosterone và mức FSH bình thường hoặc giảm nhẹ gợi ý chẩn đoán PCOS.

Ngoài ra, cortisol huyết thanh được đo để loại trừ hội chứng Cushing.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • PCOS sẽ không xảy ra nếu bệnh nhân kinh nguyệt đều xuất hiện trong một thời gian sau khi mãn kinh.

  • Ở thanh thiếu niên có các triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang, đo nồng độ testosterone.

Chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang ở trẻ em gái vị thành niên

Chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang ở thanh thiếu niên rất phức tạp vì những thay đổi sinh lý trong tuổi dậy thì (ví dụ, tăng tiết androgen, kinh nguyệt không đều) tương tự như các đặc điểm của hội chứng buồng trứng đa nang. Do đó, các tiêu chí riêng biệt để chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang ở thanh thiếu niên (1) đã được đề xuất: tuy nhiên, chưa đạt được sự đồng thuận. Các tiêu chí này yêu cầu phải có cả hai điều kiện sau:

  • Kiểu chảy máu tử cung bất thường (bất thường theo tuổi hoặc tuổi phụ khoa hoặc các triệu chứng kéo dài trong 1 đến 2 năm)

  • Bằng chứng về tăng tiết androgen (dựa trên nồng độ testosterone liên tục tăng cao hơn nồng độ ở người lớn [bằng chứng tốt nhất], rậm lông từ trung bình đến nặng, hoặc mụn trứng cá viêm từ vừa đến nặng là một dấu hiệu để xét nghiệm xem có tăng androden trong máu không)

Thông thường, xét nghiệm 17-hydroxyprogesterone cũng được thực hiện để sàng lọc tăng sản thượng thận bẩm sinh không điển hình ở thanh thiếu niên.

Siêu âm vùng chậu thường chỉ được chỉ định nếu nồng độ androgen trong huyết thanh hoặc mức độ nam hóa gợi ý một khối u buồng trứng. Siêu âm qua đường âm đạo thường không được sử dụng để chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang ở trẻ em gái vị thành niên vì nó phát hiện hình thái đa nang ở < 40% số trẻ em gái và, được sử dụng đơn lẻ, không dự đoán sự hiện diện hoặc phát triển của hội chứng buồng trứng đa nang.

Tài liệu tham khảo chẩn đoán

  1. 1. Tehrani FR, Amiri M: Polycystic ovary syndrome in adolescents: Challenges in diagnosis and treatment. Int J Endocrinol Metab 17 (3): e91554, 2019. doi: 10.5812/ijem.91554

Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang

  • Thường là thuốc tránh thai estrogen/progestin hoặc progestin

  • Đôi khi metformin hoặc chất nhạy cảm insulin khác

  • Điều trị chứng rậm lông, và ở phụ nữ trưởng thành, các nguy cơ lâu dài của các bất thường hormone

  • Điều trị vô sinh ở phụ nữ mong muốn mang thai

Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang mục đích để

  • Xử trí các bất thường về nội tiết tố và chuyển hóa và do đó làm giảm nguy cơ dư thừa estrogen (ví dụ: tăng sản nội mạc tử cung) và dư thừa androgen (ví dụ: bệnh tiểu đường, rối loạn tim mạch)

  • Giảm các triệu chứng cấp tính

  • Điều trị vô sinh

Thuốc nội tiết tố được sử dụng để làm bong lớp nội mạc tử cung thường xuyên và giảm nguy cơ tăng sản nội mạc tử cung và ung thư. Phụ nữ thường được dùng progestin ngắt quãng (ví dụ: medroxyprogesterone 5 đến 10 mg đường uống x 1 lần/ngày trong 10 đến 14 ngày, 1 đến 2 tháng một lần) hoặc thuốc tránh thai kết hợp. Những phương pháp điều trị này cũng làm giảm androgens huyết thanh và thường giúp làm chu kỳ kinh nguyệt đều hơn. Các biện pháp tránh thai nội tiết là phương pháp điều trị hàng đầu điều trị các bất thường kinh nguyệt, rậm lông và mụn trứng cá ở những phụ nữ có PCOS và những người không mong muốn mang thai.

Thay đổi lối sống và phương pháp dùng thuốc được sử dụng để kiểm soát tình trạng không nhạy cảm với insulin.

Nếu bị béo phì, khuyến khích giảm cân và tập thể dục thường xuyên. Những biện pháp này có thể giúp kích thích rụng trứng, làm cho chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hơn, tăng độ nhạy insulin và giảm bệnh gai đen và chứng rậm lông. Giảm cân cũng có thể giúp cải thiện khả năng sinh sản. Phẫu thuật giảm béo có thể là một lựa chọn cho một số phụ nữ mắc PCOS (1). Tuy nhiên, giảm cân không có lợi cho những phụ nữ trọng lượng bình thường có PCOS.

Metformin 500 đến 1000 mg x 2 lần/ngày được sử dụng để giúp tăng độ nhạy insulin ở phụ nữ mắc PCOS, kinh nguyệt không đều và bệnh tiểu đường hoặc kháng insulin nếu việc điều chỉnh lối sống không hiệu quả hoặc nếu họ không thể dùng hoặc không dung nạp được các biện pháp tránh thai nội tiết tố. Metformin cũng có thể làm giảm nồng độ testosterone tự do. Khi dùng metformin, nên đo nồng độ glucose huyết thanh, và phải làm xét nghiệm chức năng thận và gan theo định kỳ. Vì metformin có thể gây phóng noãn nên tránh thai nếu không mong muốn có thai. Metformin giúp điều chỉnh các bất thường về chuyển hóa và đường huyết và làm cho chu kỳ kinh nguyệt đều hơn, nhưng nó có ít hoặc không có tác động nhiều lên chứng rậm lông, mụn trứng cá hoặc vô sinh.

Chất nhạy cảm với insulin (ví dụ: thuốc chủ vận thụ thể glucagon-like peptide-1 hoặc thiazolidinediones) phối hợp với metformin đang được nghiên cứu (2). Các nghiên cứu khác đang đánh giá vai trò của các phương pháp điều trị bằng hệ vi sinh vật đối với PCOS (3).

Nhiều bệnh nhân PCOS bị vô sinh và những người mong muốn mang thai nên được giới thiệu đến các chuyên gia vô sinh. Các phương pháp điều trị vô sinh (ví dụ: clomiphene) được sử dụng. Clomiphene hiện đang là liệu pháp điều trị đầu tiên cho vô sinh. Giảm cân cũng có thể hữu ích. Điều trị bằng hormone có thể có tác dụng tránh thai. Thuốc ức chế aromatase letrozole cũng có thể được sử dụng để kích thích rụng trứng. Các loại thuốc về sinh sản khác cũng có thể được thử. Các loại thuốc này bao gồm hormone kích thích nang trứng (FSH) để kích thích buồng trứng, thuốc chủ vận hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) để kích thích giải phóng FSH và gonadotropin màng đệm ở người (hCG) để kích hoạt rụng trứng.

Nếu clomiphene và các loại thuốc khác không thành công hoặc nếu có các chỉ định khác cho nội soi ổ bụng, có thể xem xét khoan buồng trứng nội soi; tuy nhiên, các biến chứng lâu dài có thể xảy ra của việc khoan buồng trứng (ví dụ: dính, suy buồng trứng) phải được xem xét đến. Phẫu thuật nội soi đốt điểm buồng trứng liên quan đến việc sử dụng đốt điện hoặc tia laser để khoan các lỗ ở các khu vực nhỏ của buồng trứng sản sinh nội tiết tố androgen. Không nên phẫu thuật cắt góc buồng trứng.

Vì phụ nữ mắc bệnh béo phì liên quan đến PCOS có nguy cơ biến chứng thai kỳ cao hơn (bao gồm tiểu đường thai kỳ, sinh non và tiền sản giật), nên đánh giá trước khi thụ thai về chỉ số khối cơ thể, huyết áp và dung nạp glucose đường uống.

Đối với chứng rậm lông, có thể sử dụng các biện pháp vật lý (ví dụ: tẩy, điện phân, nhổ, tẩy lông, tẩy lông) (4). Kem Eflornithine 13,9% bôi hai lần một ngày, có thể giúp loại bỏ lông không mong muốn ở mặt.

Ở phụ nữ trưởng thành không mong muốn mang thai, liệu pháp hormone làm giảm nồng độ nội tiết tố nam hoặc thuốc spironolactone có thể được thử. Spironolactone 50 đến 100 mg x 2 lần/ngày có hiệu quả, nhưng vì thuốc này có thể gây quái thai nên cần có biện pháp tránh thai hiệu quả. Cyproterone, một chất kháng androgen (không có ở Hoa Kỳ), làm giảm số lượng lông không mong muốn trên cơ thể ở 50 đến 75% số phụ nữ bị ảnh hưởng. Giảm cân làm giảm sản xuất androgen ở phụ nữ béo phì và do đó có thể làm chậm quá trình mọc tóc.

Thuốc chủ vận và thuốc đối kháng GnRH đang được nghiên cứu để điều trị lông không mong muốn trên cơ thể. Cả hai loại thuốc đều ức chế quá trình sản sinh hormone sinh dục của buồng trứng. Nhưng cả hai đều có thể gây mất xương và dẫn đến loãng xương.

Mụn trứng cá có thể được điều trị bằng các loại thuốc thông thường (ví dụ: benzoyl peroxide, kem tretinoin, thuốc kháng sinh dạng bôi và uống). Thuốc isotretinoin theo đường toàn thân chỉ được dùng cho những trường hợp nặng.

Quản lý bệnh tật

Vì nguy cơ trầm cảm và lo âu tăng lên trong PCOS nên phụ nữ và thanh thiếu niên bị PCOS nên được sàng lọc những vấn đề này dựa vào tiền sử và nếu vấn đề được xác định, họ nên được chuyển tới một bác sĩ chăm sóc sức khoẻ tâm thần và/hoặc điều trị nếu cần.

Thanh thiếu niên và phụ nữ mắc PCOS và thừa cân hoặc béo phì nên được sàng lọc các triệu chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn bằng kỹ thuật đa ký giấc ngủ và được điều trị khi cần thiết.

Vì PCOS có thể làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch, nên chuyển đến chuyên gia tim mạch để phòng ngừa rối loạn tim mạch là cần thiết nếu phụ nữ có PCOS có bất cứ điều nào sau đây:

  • Tiền sử gia đình có rối loạn tim mạch khởi phát sớm

  • Hút thuốc lá

  • Đái tháo đường

  • Tăng huyết áp

  • Rối loạn lipid máu

  • Chứng ngưng thở lúc ngủ

  • Béo bụng (ví dụ Hội chứng chuyển hóa)

Bác sĩ lâm sàng nên đánh giá nguy cơ tim mạch bằng cách xác định chỉ số khối cơ thể (BMI), đo nồng độ lipid và lipoprotein lúc đói, và xác định các yếu tố nguy cơ của hội chứng chuyển hóa.

Phụ nữ trưởng thành bị PCOS được đánh giá hội chứng chuyển hóa bằng cách đo huyết áp và làm xét nghiệm glucose và lipid huyết thanh (xét nghiệm lipid cơ bản).

Cần làm các xét nghiệm phát hiện vôi hóa động mạch vành và dày lớp trung mạc động mạch cảnh để kiểm tra xơ vữa động mạch cận lâm sàng.

Phụ nữ bị ra máu âm đạo bất thường cần phải được sàng lọc tăng sản nội mạc tử cung hoặc ung thư biểu mô nội mạc tử cung bằng sinh thiết nội mạc tử cung và/hoặc siêu âm qua âm đạo hoặc nội soi buồng tử cung tại phòng khám.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Yue W, Huang X, Zhang W, et al: Metabolic surgery on patients with polycystic ovary syndrome: A systematic review and meta-analysis. Front Endocrinol (Lausanne) 13:848947, 2022. doi: 10.3389/fendo.2022.848947

  2. 2. Xing C, Li C, He B: Insulin sensitizers for improving the endocrine and metabolic profile in overweight women with PCOS. J Clin Endocrinol Metab 10 5(9):2950–2963, 2020.

  3. 3. Batra M, Bhatnager R, Kumar A, et al: Interplay between PCOS and microbiome: The road less travelled. Am J Reprod Immunol 88 (2):e13580, 2022 doi: 10.1111/aji.13580 Xuất bản trực tuyến ngày 29 tháng 5 năm 2022.

  4. 4. Martin KA, Chang RJ, Ehrmann,DA, et al: Evaluation and treatment of hirsutism in premenopausal women: An Endocrine Society Clinical Practice Guideline. J Clin Endocrinol Metab 93 (4):1105–1120, 2008. doi: 10.1210/jc.2007-2437 Epub 2008 Feb 5.

Những điểm chính

  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một nguyên nhân phổ biến gây rối loạn chức năng phóng noãn.

  • PCOS nghi ngờ ở những phụ nữ có kinh nguyệt không đều, béo phì nhẹ và hơi rậm lông, nhưng có nhiều phụ nữ bị PCOS trọng lượng bình thường hoặc thấp.

  • Xét nghiệm để phát hiện các rối loạn nghiêm trọng (ví dụ hội chứng Cushing, khối u) có thể gây ra các triệu chứng tương tự và các biến chứng (ví dụ hội chứng chuyển hóa)

  • Nếu không muốn mang thai, hãy điều trị cho phụ nữ bằng các biện pháp tránh thai nội tiết tố và khuyến nghị điều chỉnh lối sống; nếu thay đổi lối sống không hiệu quả, thêm metformin hoặc các chất kích thích insulin khác.

  • Nếu phụ nữ bị PCOS bị vô sinh và mong muốn có thai, hãy giới thiệu họ đến các bác sĩ chuyên khoa vô sinh sinh sản.

  • Xét nghiệm sàng lọc các bệnh kết hợp, như ung thư niêm mạc tử cung, rối loạn tâm trạng và lo âu, ngưng thở tắc nghẽn, tiểu đường và các yếu tố nguy cơ tim mạch (bao gồm tăng huyết áp và tăng lipid máu).

Thông tin thêm

Sau đây là các tài nguyên tiếng Anh có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của các tài nguyên này.

  1. Legro RS, Arslanian SA, Ehrmann DA, et al: Diagnosis and treatment of polycystic ovary syndrome: An Endocrine Society clinical practice guideline. J Clin Endocrinol Metab 98(12):4565–4592, 2013. doi: 10.1210/jc.2013-2350: This evidence-based guideline uses the Grading of Recommendations, Assessment, Development, and Evaluation (GRADE) system to describe the strength of recommendations and the quality of evidence.

  2. Goodman NF, Cobin RH, Futterweit W, et al: American Association of Clinical Endocrinologists, American College of Endocrinology, and Androgen Excess and PCOS Society Disease State Clinical Review: Guide to the best practices in the evaluation and treatment of polycystic ovary syndrome–Part 1. Endocr Pract 21(11):1291–300, 2015. doi: 10.4158/EP15748.DSC: This article summarizes the best practices of 2015.

  3. Hoeger KM, Dokras A, Piltonen T: Update on PCOS: Consequences, challenges and guiding treatment. J Clin Endocrinol Metab 106 (3):e1071-e1083, 2021. doi: 10.1210/clinem/dgaa839: Đánh giá này tóm tắt các điểm chính để chẩn đoán và điều trị PCOS từ hướng dẫn dựa trên bằng chứng được công bố vào năm 2018 và cập nhật thông tin dựa trên những phát triển gần đây. Các tiêu chí chẩn đoán cho PCOS được xem xét và những tranh cãi và thách thức còn lại để đưa ra chẩn đoán rõ ràng sẽ được thảo luận.