Đau răng và nhiễm trùng

TheoBernard J. Hennessy, DDS, Texas A&M University, College of Dentistry
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 02 2022

Đau tại răng và xung quanh răng là một vấn đề phổ biến, đặc biệt trên những bệnh nhân vệ sinh răng miệng kém. Đau có thể liên tục, đau sau khi kích thích (ví dụ: nóng, lạnh, thức ăn, đồ uống ngọt, nhai, đánh răng), hoặc cả hai.

(Xem thêm Đánh giá bệnh nhân nha khoa.)

Nguyên nhân đau răng

Các nguyên nhân gây đau răng phổ biến nhất là (xem bảng Một số nguyên nhân gây đau răng)

  • Sâu răng

  • Viêm tủy

  • Áp-xe quanh chóp

  • Chấn thương

  • Mọc răng khôn (gây viêm quanh thân răng)

Đau răng thường do sâu răng và hậu quả của sâu răng.

Sâu răng (sâu răng) gây đau khi tổn thương kéo dài qua men răng vào ngà răng (dẫn đến sự mất khoáng của cấu trúc răng gây ra hiện tượng xâm thực ở bề mặt ngoài của men răng). Đau thường xảy ra sau khi kích thích lạnh, nóng, thức ăn hoặc thức uống ngọt, đánh răng; những kích thích này làm cho chất lỏng di chuyển trong các ống ngà để gây ra phản ứng trong tủy. Miễn là sự khó chịu không kéo dài sau khi kích thích được loại bỏ, tủy sẽ đủ khỏe mạnh để được bảo tồn. Đây được gọi là nhạy cảm ngà, đau tủy có hồi phục, hoặc viêm tủy có hồi phục.

Viêm tủy là sự viêm của tủy, thường là do sự tiến triển của sâu răng, tích tụ những tổn thương nhỏ của tủy do các phục hồi lớn trước đó, phục hồi bị hỏng hoặc chấn thương. Nó có thể hồi phục hoặc không hồi phục. Hoại tử tủy do áp lực thường là kết quả của viêm tủy. Đau có thể tự phát hoặc do đáp ứng sự kích thích, đặc biệt là nóng hoặc lạnh. Trong cả hai trường hợp, đau kéo dài một phút hoặc lâu hơn. Một khi tủy hoại tử, đau sẽ kết thúc (hàng giờ đến vài tuần). Kết quả là viêm quanh cuống (viêm quanh răng vùng cuống) hoặc áp xe sẽ phát triển.

Áp-xe quanh cuống có thể do sâu răng hoặc viêm tủy không được điều trị. Răng nhạy cảm một cách tinh vi với thử nghiệm gõ (ví dụ: gõ với thám trâm kim loại hoặc cây đè lưỡi) và nhai. Áp xe có thể phát triển trong miệng và vỡ tự nhiên hoặc có thể tiến triển thành viêm mô tế bào.

Chấn thương răng có thể gây tổn thương tủy. Tổn thương có thể xuất hiện ngay sau chấn thương hoặc kéo dài hàng thập kỷ sau đó.

Viêm quanh thân răng là viêm và nhiễm trùng tổ chức nằm giữa răng và vạt lợi bao quanh nó (lợi trùm). Nó thường xảy ra khi mọc răng khôn (gần như chỉ gặp ở răng khôn hàm dưới).

Các biến chứng

Ít khi, viêm xoang xảy ra do nhiễm trùng răng hàm trên không được điều trị. Thông thường hơn, đau do nhiễm trùng xoang được cho là có nguồn gốc từ các răng không bị tổn thương nằm cạnh xoang, dẫn đến chẩn đoán nhầm nguyên nhân là do răng.

Hiếm khi, Huyết khối tĩnh mạch xoang hang hoặc viêm họng Ludwig (nhiễm trùng vùng dưới hàm) phát triển; những tình trạng này đe doạ đến tính mạng và cần can thiệp ngay lập tức.

Bảng

Đánh giá đau răng

Lịch sử

Bệnh sử của các bệnh hiện nay nên xác định vị trí và thời gian của cơn đau và cho dù nó liên tục hay chỉ xuất hiện sau khi kích thích. Các yếu tố kích thích cần xem xét bao gồm nóng, lạnh, thức ăn và đồ uống ngọt, nhai và đánh răng. Cần lưu ý bất kỳ chấn thương hoặc can thiệp nha khoa nào trước đây.

Rà soát hệ thống nên tìm kiếm các triệu chứng của biến chứng, bao gồm đau mặt, sưng, hoặc cả hai (áp xe răng, viêm xoang); đau dưới lưỡi và khó nuốt (nhiễm trùng vùng dưới hàm); đau khi cúi xuống (viêm xoang); và nhức đầu sau hốc mắt, sốt, và các triệu chứng về thị giác (huyết khối xoang hang).

Tiền sử y khoa trước đây nên lưu ý các vấn đề nha khoa và các điều trị trước đây.

Khám thực thể

Các dấu hiệu quan trọng được xem xét về sốt.

Thăm khám tập trung vào mặt và miệng. Khám mặt để phát hiện sưng và sờ để xem cứng hay mềm.

Khám miệng bao gồm kiểm tra viêm lợi và sâu răng và bất cứ sưng tại chỗ nào ở chân răng đó có thể chỉ điểm cho một áp xe vùng chóp. Nếu không răng nào có liên quan rõ ràng, các răng trong vùng đau sẽ được làm thử nghiệm gõ với cây đè lưỡi. Ngoài ra, có thể áp một khối đá lạnh lên răng trong thời gian ngắn và lấy đi ngay bệnh nhân cảm thấy đau. Nếu răng khỏe mạnh, đau sẽ hết ngay. Đau kéo dài hơn một vài giây chỉ dấu răng đã có tổn thương tủy (ví dụ như viêm tủy không hồi phục). Sờ sàn miệng để kiểm tra xem cứng hay mềm, gợi ý nhiễm trùng vùng sâu.

Khám thần kinh, tập trung vào các dây thần kinh sọ, được thực hiện ở bệnh nhân sốt, nhức đầu, hoặc sưng mặt.

Các dấu hiệu cảnh báo

Các phát hiện quan tâm đặc biệt là

  • Đau đầu

  • Sốt

  • Sưng hoặc căng sàn miệng

  • Các bất thường thần kinh sọ

Giải thích các dấu hiệu

Tìm dấu hiệu nhức đầu gợi ý viêm xoang, đặc biệt nếu đau nhiều răng hàm lớn và răng hàm nhỏ (răng sau) hàm trên. Tuy nhiên, sự có mặt của các triệu chứng thị giác hoặc bất thường của đồng tử hoặc các chuyển động của mắt gợi ý huyết khối xoang hang.

Sốt là bất thường với nhiễm trùng nha khoa thông thường, trừ khi có sự lan rộng tại chỗ.

Đau hai bên và sưng sàn miệng gợi ý Viêm họng Ludwig. Hạn chế há miệng (khít hàm) có thể xảy ra với bất kỳ viêm nhiễm nào ở các răng hàm lớn hàm dưới nhưng thường thấy khi viêm quanh thân răng.

Tình trạng nha khoa đơn lẻ: Bệnh nhân không có dấu hiệu cờ đỏ hoặc sưng mặt trông như có tình trạng nha khoa đơn lẻ, mặc dù gây khó chịu nhưng không nguy hiểm. Các kết quả lâm sàng, đặc biệt là bản chất của cơn đau, giúp gợi ý nguyên nhân (xem bảng Một Số Nguyên Nhân Gây Đau RăngĐặc Điểm Của Đau Khi Đau Răng). Do sự phân bổ thần kinh, tủy chỉ có thể cảm nhận được các kích thích (như nhiệt, lạnh, ngọt) dưới dạng đau. Một sự khác biệt quan trọng là đau liên tục hay chỉ đau khi có kích thích và, nếu chỉ đau khi có kích thích thì đau có kéo dài sau khi hết kích thích không.

Sưng ở chân răng, trên má, hoặc cả hai đều gợi ý có nhiễm trùng, hoặc là viêm mô tế bào hoặc áp xe. Một vùng mềm và mõm ở chân răng gợi ý áp xe.

Bảng

Xét nghiệm

X-quang nha khoa là xét nghiệm chính nhưng cần được thực hiện bởi bác sĩ nha khoa.

Những trường hợp hiếm hoi khi nghi ngờ có viêm tắc tĩnh mạch xoang hang hoặc viêm họng Ludwig cần phải chẩn đoán hình ảnh, chủ yếu là CT hoặc MRI.

Điều trị đau răng

  • Thuốc giảm đau tại chỗ hoặc đường uống

  • Đôi khi sử dụng nước súc miệng hoặc kháng sinh toàn thân

Thuốc giảm đau (xem Điều trị đau) có thể sử dụng khi chưa có đánh giá nha khoa và điều trị cuối cùng. Đối với đau răng nghiêm trọng, gây tê tại chỗ bằng bupivacaine hydrochloride và epinephrine 1:200.000 có thể làm giảm đau trong nhiều giờ cho đến khi bệnh nhân được chăm sóc nha khoa. Những bệnh nhân hay phải cấp cứu nhưng chưa bao giờ được điều trị nha khoa mặc dù có điều kiện, có thể sử dụng opioid.

Cách phong bế dây thần kinh răng
Cách gây tê trên màng xương

Thủ thuật do bác sĩ nha khoa Scott Solow, Chuyên khoa Răng trẻ em và Nắn chỉnh răng thị phạm. Được quay tại Trung tâm Nghệ thuật Y học Răng trẻ em và Nắn chỉnh răng, Philadelphia, PA.

Làm thế nào để thực hiện phong bế thần kinh chân răng dưới

Thủ thuật do bác sĩ nha khoa Scott Solow, Chuyên khoa Răng trẻ em và Nắn chỉnh răng thị phạm. Được quay tại Trung tâm Nghệ thuật Y học Răng trẻ em và Nắn chỉnh răng, Philadelphia, PA.

Phong bế thần kinh vùng cằm

Thủ thuật do bác sĩ nha khoa Scott Solow, Chuyên khoa Răng trẻ em và Nắn chỉnh răng thị phạm. Được quay tại Trung tâm Nghệ thuật Y học Răng trẻ em và Nắn chỉnh răng, Philadelphia, PA.

(Xem thêm Cách nhổ răng khẩn cấp.)

Kháng sinh hướng đến hệ sinh vật trong miệng, được dùng để điều trị hầu hết các bệnh nặng hơn viêm tủy không hồi phục (ví dụ, tủy hoại tử, áp xe, viêm mô tế bào). Bệnh nhân bị viêm quanh thân răng có thể sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, có thể không cần sử dụng thuốc kháng sinh nếu bệnh nhân có thể đến gặp nha sĩ ngay trong ngày để điều trị nhiễm trùng bằng cách loại bỏ nguyên nhân (ví dụ, bằng cách nhổ răng, lấy tủy, hoặc nạo viêm). Khi sử dụng kháng sinh, penicillin hoặc amoxicillin được ưu tiên, còn clindamycin là lựa chọn thay thế.

Áp xe đã chuyển thành dạng mềm, mõm thường được rạch bằng lưỡi dao số 15 tại điểm phồng nhất để dẫn lưu mủ. Có thể đặt dẫn lưu cao su, được giữ bởi một mũi khâu. (Xem Làm thế nào để dẫn lưu ổ áp xe răng.)

Viêm quanh thân răng hoặc mọc răng hàm lớn thứ ba, được xử lý bằng dung dịch chlorhexidine 0,12% súc miệng hoặc ngậm nước muối ưu trương (1 muỗng canh muối trộn vào một cốc nước nóng – không nóng hơn cà phê hoặc chè mà bệnh nhân thường uống). Nước muối được giữ trong miệng ở bên bị tổn thương cho đến khi nó nguội đi, sau đó nhổ đi và ngay lập tức thay thế bằng một ngụm đầy khác. Ba hoặc bốn ly nước muối mỗi ngày có thể kiểm soát chứng viêm và đau trong khi chờ đánh giá nha khoa.

Đau răng ở trẻ nhỏ có thể điều trị với acetaminophen hoặc ibuprofen liều lượng tính theo cân nặng. Điều trị tại chỗ có thể bao gồm nhai bánh quy cứng (ví dụ như bánh quy) và nhai bất cứ thứ gì lạnh (ví dụ: vòng mọc răng có gel). Benzocain tại chỗ có thể gây ra methemoglobin huyết nếu sử dụng nhiều lần hoặc với lượng lớn và do đó thường không được khuyến cáo.

Hiếm gặp bệnh nhân có huyết khối xoang hang hoặc viêm họng Ludwig phải nhập viện cấp để nhổ răng gây bệnh và điều trị kháng sinh ngoài đường tiêu hóa dựa trên kháng sinh đồ.

Các điểm thiết yếu ở người cao tuổi

Người cao tuổi thường dễ bị sâu chân răng hơn, thường là do tụt lợi và tiêu chảy do thuốc gây ra. Viêm nha chu thường bắt đầu ở tuổi trưởng thành trẻ; nếu không được điều trị, đau răng và mất răng sẽ phổ biến ở tuổi già.

Những điểm chính

  • Hầu hết đau răng liên quan đến sâu răng hoặc các biến chứng của nó (ví dụ, viêm tủy, áp xe).

  • Điều trị triệu chứng và chuyển chuyên khoa Răng Hàm Mặt thường là đủ.

  • Thuốc kháng sinh được đưa ra nếu có dấu hiệu áp xe, tủy răng bị hoại tử hoặc các tình trạng nghiêm trọng hơn và nếu không có dịch vụ chăm sóc răng miệng trong ngày.

  • Những biến chứng rất hiếm gặp nhưng nghiêm trọng bao gồm nhiễm trùng lan rộng vào sàn miệng hoặc xoang hang.

  • Nhiễm trùng răng miệng hiếm khi gây viêm xoang, nhưng nhiễm trùng xoang có thể gây ra cảm giác đau như có nguồn gốc tại răng.