Chẩn đoán hình ảnh sinh dục tiết niệu

TheoPaul H. Chung, MD, Sidney Kimmel Medical College, Thomas Jefferson University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 03 2022

Chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng để đánh giá các bệnh nhân có bệnh lý thận và đường tiết niệu.

Chụp x-quang không chuẩn bị

X-quang bụng không chuẩn bị có thể được thực hiện để kiểm tra vị trí của ống thông niệu quản hoặc để kiểm tra vị trí và theo dõi sự phát triển của sỏi thận. Tuy nhiên, để có chẩn đoán ban đầu về bệnh sỏi tiết niệu, chụp X quang thường kém nhạy và ít đặc hiệu hơn chụp CT và thiếu chi tiết giải phẫu, vì vậy đây không phải là phương pháp được lựa chọn.

Chụp x-quang có tiêm thuốc cản quang

Sau khi tiêm thuốc cản quang loại tan trong nước, các hình ảnh được chụp hiện rõ hình ảnh của thận và hệ thống bài xuất nước tiểu. Các thuốc iso-osmolal không ion (ví dụ: iohexol, iopamidol) hiện đang được sử dụng rộng rãi; các thuốc này có ít tác dụng phụ hơn các thuốc hyperosmolal cũ hơn nhưng vẫn gây nguy cơ thương tổn thận cấp tính (bệnh thận do thuốc cản quang).

Khi chụp hệ tiết niệu, chụp X-quang được thực hiện sau khi thuốc cản quang được tiêm tĩnh mạch, bơm xuôi dòng hoặc ngược dòng qua da, hoặc ngược dòng qua soi bàng quang. Chống chỉ định đối với tất cả các bệnh nhân là dị ứng với iốt và có các yếu tố nguy cơ với bệnh thận do thuốc cản quang.

Chụp đường niệu (IVU)

IVU đã được thay thế phần lớn bằng CT và MRI có hoặc không có chất cản quang. Khi chụp IVU, vùng bụng được nén lại để cải thiện hình ảnh bể thận và niệu quản đoạn gần (với vật ép) và niệu quản đoạn xa (sau khi thoát thuốc). Sau khi dùng thuốc 12 và 24 giờ có thể chỉ định chụp x-quang để phát hiện tắc nghẽn sau thận hoặc ứ nước thận.

Chụp đường niệu xuôi dòng qua da

Đối với chụp đường niệu xuôi dòng qua da, chất cản quang được đưa vào qua ống dẫn lưu bể thận có sẵn hoặc cách ít phổ biến hơn là chọc kim vào bể thận qua da dưới hướng dẫn của màn huỳnh quang. Đôi khi có thể sử dụng phương pháp mở thông niệu quản hoặc tạo hình hồi tràng. Chỉ định chụp đường niệu xuôi dòng gồm:

  • Khi chụp đường niệu ngược dòng không thành công (ví dụ, do tắc nghẽn bởi khối u ở bàng quang)

  • Đánh giá đường niệu trong quá trình phẫu thuật lấy sỏi thận kích thước lớn qua da

  • Khi nghi ngờ ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp của hệ thống đường bài xuất

  • Khi bệnh nhân không gây tê được hoặc không đáp ứng với thuốc giảm đau dùng khi chụp hệ tiết niệu ngược dòng

Các biến chứng liên quan đến chọc kim và đặt ống thông trong đường niệu bao gồm chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương phổi hoặc đại tràng, đái máu, đau và chảy máu đường niệu kéo dài.

Chụp đường niệu ngược dòng

Chụp đường niệu ngược dòng sử dụng soi bàng quang và ống thông niệu quản để bơm chất cản quang trực tiếp vào niệu quản và hệ thống ống góp của thận. Cần phải giảm đau hoặc gây tê. Chỉ định chụp đường niệu ngược dòng khi có chống chỉ định hoặc không có khả năng chụp CT và MRI sử dụng các chất cản quang đường tĩnh mạch (ví dụ, trong bệnh thận mạn tính) hoặc khi kết quả chụp không cho hình ảnh tổn thương rõ ràng (ví dụ suy thận).

Kỹ thuật này giúp xem xét chi tiết đài bể thận và niệu quản để chẩn đoán chấn thương, hẹp tắc, hoặc thông rò. Sự tăng áp lực thuốc trong đường niệu quá mức khiến dòng chảy ngược từ thận vào hệ thống tĩnh mạch có thể bóp méo các đài thận và làm mờ các chi tiết. Nguy cơ nhiễm trùng cao hơn so với các phương pháp chụp hệ tiết niệu khác. Hiếm gặp biến chứng phù nề cấp và tắc nghẽn niệu quản thứ phát.

Chụp niệu đạo bàng quang

Đối với chụp niệu đạo bàng quang, chất cản quang được đưa trực tiếp vào trong niệu đạo và bàng quang. Kỹ thuật này cung cấp thông tin chi tiết hơn các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác trong việc đánh giá những vấn đề sau đây:

Để chẩn đoán hẹp niệu đạo sau (ví dụ do hẹp hoặc van niệu đạo) chụp bàng quang niệu đạo khi rặn tiểu. Không cần chuẩn bị bệnh nhân trước. Biến chứng bao gồm nhiễm trùng đường niệu và nhiễm trùng huyết.

Chụp mạch

Chụp mạch với catheter thông thường đã được thay thế bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh mạch máu không xâm lấn (ví dụ chụp cộng hưởng từ, chụp CT mạch máu, siêu âm, xạ hình mạch). Các chỉ định bao gồm hẹp tắc tĩnh mạch thận, hẹp động mạch thận, tạo hình mạch và đặt stent mạch thận. Chụp động mạch được sử dụng để đánh giá và điều trị chảy máu từ thận và trước khi phẫu thuật cắt bỏ thận, tuy nhiên phương pháp này ít sử dụng. Khi có thể chụp CT tốc độ cao đa chiều hoặc CT xoắn ốc thì kỹ thuật chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) không còn được sử dụng.

Siêu âm

Siêu âm có thể cung cấp hình ảnh hữu ích về các cấu trúc của cơ quan sinh dục - tiết niệu mà không làm bệnh nhân phơi nhiễm bức xạ ion hoá. Hình ảnh được diễn giải khi chúng được tái hiện, do đó, kỹ thuật viên có thể tập trung vào các khu vực có liên quan và có được thông tin bổ sung nếu cần. Nhược điểm chính của nó là phụ thuộc vào kỹ năng của người làm siêu âm và yêu cầu nhiều thời gian. Để quan sát tốt hơn hình ảnh của các cấu trúc niệu dục thì bàng quang cần căng nước tiểu, không cần có sự chuẩn bị trước nào khác.

Chỉ định của siêu âm để quan sát hình ảnh của các tạng sau:

  • Thận: Thận: trong trường hợp thận ứ nước, sỏi và khối u

  • Bàng quang: Bàng quang: trong trường hợp cần đánh giá thể tích bàng quang (ví dụ, thể tích nước tiểu còn lại sau khi đi tiểu; đánh giá tức thì ngay sau khi đi tiểu, nghi ngờ bí tiểu do tắc nghẽn ở cổ bàng quang), túi thừa, và sỏi bàng quang

  • bìu Bìu: trong trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn, nang mào tinh, khối u tinh hoàn, giãn tĩnh mạch tinh và xoắn tinh hoàn (với phương pháp đánh giá lưu lượng dòng máu bằng doppler)

  • Tuyến tiền liệt Tuyến tiền liệt: trong trường hợp cần đo thể tích tuyến tiền liệt (ví dụ, để giúp đánh giá tăng sản lành tính tuyến tiền liệt hoặc giải thích kết quả định lượng kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) và dẫn đường cho kim sinh thiết

  • dương vật Dương vật: giúp đánh giá bệnh xơ hóa vật hang; với Doppler, để đánh giá lưu lượng máu đến dương vật (trong trường hợp có rối loạn cương dương)

  • Niệu đạo: Để đo chiều dài và đường kính của đoạn niệu đạo bị hẹp

Chụp cắt lớp vi tính

Chụp cắt lớp vi tính cung cấp một cái nhìn rộng về đường niệu và các cấu trúc xung quanh. Chụp cắt lớp thường hoặc chụp xoắn ốc có thể có hoặc không có thuốc cản quang tiêm tĩnh mạch. Sử dụng thuốc cản quang tương tự như chụp niệu đồ tĩnh mạch nhưng cho hình ảnh có độ nét cao bổ sung thêm nhiều thông tin chi tiết. Trước đây, ở những bệnh nhân chấn thương, có một mối lo ngại rằng việc sử dụng thuốc cản quang sẽ làm khó phân biệt giữa chảy máu trong ổ bụng với vỡ đường niệu, nhưng với kỹ thuật tạo hình ảnh hiện đại và các quy trình từng bước, vấn đề này có thể được giải quyết. Chụp CT xoắn ốc không tiêm thuốc cản quang được lựa chọn cho việc nghiên cứu hình ảnh của sỏi; các máy chụp năng lượng kép có thể cung cấp thêm thông tin giúp xác định thành phần của sỏi.

Nhược điểm chính của CT là nó làm cho bệnh nhân bị phơi nhiễm với bức xạ ion hoá tương đối lớn. Chụp CT tạo hình mạch là một phương pháp ít xâm lấn có thể thay thế cho chụp mạch thông thường.

Chụp cộng hưởng từ

So với CT, MRI an toàn hơn cho những bệnh nhân có nguy cơ bị bệnh thận do thuốc cản quang, bệnh nhân không bị phơi nhiễm với bức xạ ion hoá, và cung cấp hình ảnh chi tiết của mô mềm tốt hơn (nhưng hình ảnh xương và sỏi kém hơn). Chụp cộng hưởng từ chống chỉ định cho những bệnh nhân mang vật dụng cấy ghép làm bằng kim loại có từ tính (ví dụ: sắt) và các thiết bị điều khiển điện tử hay máy điện từ (ví dụ máy tạo nhịp tim). Xem thêm Trang web an toàn MRI.

Ngoài ra, do nguy cơ xơ hóa hệ thống do thận (NSF), chụp MRI với thuốc cản quang gadolinium là chống chỉ định ở những bệnh nhân có mức lọc cầu thận (GFR) < 30 mL/phút.

Chụp MRI hệ tiết niệu chỉ định để đánh giá nang thận và khối u thận nhỏ. MRI cũng hữu ích trong việc tạo ảnh mạch máu (ví dụ như hẹp động mạch thậnhuyết khối tĩnh mạch thận), và tính ứng dụng của nó ngày càng tăng lên khi MRI ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Chụp MRI đa tham số (Multiparametric MRI) hiện nay là phương tiện nghiên cứu hình ảnh được lựa chọn để đánh giá giai đoạn và theo dõi tiến triển bệnh của ung thư tuyến tiền liệt bằng loạt hình ảnh nối tiếp. Một xét nghiệm MRI đa tham số bao gồm độ tương phản thuận và bao gồm 3 kỹ thuật hình ảnh (tham số) riêng biệt: hình ảnh T2W, hình ảnh khuếch tán, và hình ảnh tăng cường tương phản. Một kỹ thuật gọi là sinh thiết ghép MRI đôi khi được sử dụng trong sinh thiết tuyến tiền liệt. Chụp MRI tuyến tiền liệt được thực hiện trước khi sinh thiết tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn siêu âm, trong đó hình ảnh MRI được kết hợp kỹ thuật số với hình ảnh siêu âm để xác định rõ hơn các tổn thương cần được sinh thiết.

Chụp xạ hình

Các chất xạ hình vỏ thận gắn với các tế bào ống lượn gần (ví dụ, axit dimercaptosuccinic technetium-99m [99mTc DMSA]) được sử dụng để hiện hình ảnh nhu mô thận. Để đánh giá mức lọc cầu thận (GFR) và tưới máu thận tổng thể có thể sử dụng các chất xạ hình bài tiết được lọc nhanh và được bài tiết vào trong nước tiểu (ví dụ, iốt-125 iothalmate, axit 99mTc diethylenetriamine pentaacetic [DTPA], 99mTc mercaptoacetyltriglycine-3 [MAG3]). Chụp hạt nhân phóng xạ có thể được sử dụng để đánh giá chức năng thận. Nó cũng có lợi điểm là không cần thuốc cản quang đường tĩnh mạch và có thể được sử dụng an toàn cho những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh thận do thuốc cản quang. Xạ hình cũng cung cấp nhiều thông tin hơn so với chụp niệu đồ tĩnh mạch hoặc chụp cắt lớp dựng hình ở những điểm sau đây:

99mTc pertechnetat có thể được sử dụng để ghi hình dòng máu đến tinh hoàn và từ đó có thể phân biệt xoắn tinh hoàn với viêm mào tinh hoàn ở bệnh nhân bị đau tinh hoàn cấp, mặc dù vậy siêu âm Doppler vẫn được sử dụng phổ biến hơn bởi vì nó nhanh hơn. Không cần chuẩn bị bệnh nhân cho xạ hình, nhưng bệnh nhân nên được hỏi về tiền sử dị ứng đã biết với chất xạ hình.

Các chất ghi hình bằng bức xạ positron hạt nhân mới có thể phát hiện ung thư tiền liệt tuyến di căn. Chụp FDG PET thường quy không hữu ích cho hầu hết các trường hợp bị ung thư tuyến tiền liệt nhưng có thể hữu ích cho các trường họp có khối u sinh dục khác như là ung thư thận hoặc ung thư tinh hoàn. Chẩn đoán hình ảnh PET mới bao gồm nhắm mục tiêu PSMA (kháng nguyên màng đặc hiệu tuyến tiền liệt) trên bề mặt của tế bào ung thư tuyến tiền liệt.