Cục bã dị vật là một khối tích tụ được bao chặt bằng chất liệu tiêu hóa một phần hoặc không tiêu hóa được, thường xuất hiện trong dạ dày. Cục bã dị vật dạ dày có thể gặp ở tất cả các nhóm tuổi và thường gặp ở những bệnh nhân có rối loạn hành vi hoặc quá trình làm rỗng dạ dày bất thường, giải phẫu dạ dày bị thay đổi. Nhiều cục bã dị vật không gây triệu chứng, nhưng một số lại gây triệu chứng. Một số cục bã dị vật có thể được hòa tan bằng hóa học, một số khác cần phải loại bỏ qua nội soi và một số thậm chí cần phẫu thuật.
(Xem thêm Tổng quan về các dị vật ở đường tiêu hoá.)
Các cục bã dị vật được phân loại theo thành phần của chúng:
Cục bã dị vật thực vật (phổ biến nhất) bao gồm các loại trái cây và thực vật khó tiêu như chất xơ, vỏ và hạt.
Cục bã dị vật lông tóc (được hình thành từ tóc).
Cục bã thuốc là dạng cô đặc của thuốc uống (đặc biệt phổ biến với sucralfate và gel nhôm hydroxit).
Cục bã dị vật thực vật khó tiêu, một nhóm của dị vật nguồn gốc thực vật do ăn quá nhiều hồng; gặp ở vùng trồng trái cây.
Cục bã dị vật sữa kết tụ bao gồm protein sữa.
Loại cục bã dị vật khác gồm nhiều chất khác nhau, bao gồm giấy lụa và các sản phẩm xopps polystyren như là cốc.
Căn nguyên của cục bã dị vật
Cục bã dị vật thực vật thường xuất hiện ở bệnh nhân cao tuổi là biến chứng sau phẫu thuật nối tắt dạ dày hoặc cắt dạ dày bán phần, đặc biệt là khi cắt dạ dày bán phần kèm theo cắt thần kinh phế vị.
Cục bã dị vật lông tóc thường gặp nhất ở nữ trẻ tuổi có rối loạn tâm thần, những người này thường nhai và nuốt tóc của chính mình.
Cục bã dị vật sữa kết tụ có thể xảy ra ở trẻ bú sữa.
Chậm làm rỗng dạ dày do đái tháo đường, bệnh mô liên kết hỗn hợp, bệnh toàn thân khác hoặc thuốc làm tăng nguy cơ hình thành cục bã ở dạ dày.
Các yếu tố thúc đẩy khác bao gồm giảm axit cloric, giảm nhu động hang vị, nhai không kĩ; các yếu tố này thường gặp ở những người cao tuổi, do vậy họ có nguy cơ cao hình thành cục bã dị vật.
Triệu chứng và dấu hiệu của cục bã dị vật
Cục bã dị vật dạ dày thường không có triệu chứng. Khi có triệu chứng, phổ biến nhất là đầy bụng sau bữa ăn, đau bụng, buồn nôn, nôn, mệt mỏi và sụt cân.
Các biến chứng
Hiếm gặp cục bã dị vật gây ra các biến chứng nghiêm trọng gồm có
Tắc đường ra của dạ dày
Chảy máu đường tiêu hóa thứ phát do loét
Thủng và viêm phúc mạc.
Chẩn đoán cục bã dị vật
Endoscopy
Cục bã dị vật có thể phát hiện được là tổn thương dạng khối trên các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (ví dụ: X-quang, siêu âm, cắt lớp vi tính) thường được chỉ định để đánh giá các triệu chứng đường tiêu hóa trên không đặc hiệu của bệnh nhân. Các dấu hiệu có thể bị nhầm với khối u.
Nội soi đường tiêu hóa trên thường được làm để xác định chẩn đoán. Trong nội soi, các cục bã dị vật có bề mặt không đều rõ ràng và màu có thể từ vàng xanh đến xám đen. Hình ảnh sinh thiết thấy tóc hoặc bã thức ăn cho phép chẩn đoán.
Điều trị cục bã dị vật
Hoà tan bằng hóa học
Cắt bỏ bằng nội soi
Đôi khi phẫu thuật
Các can thiệp tối ưu còn nhiều tranh cãi vì chưa có các thử nghiệm lâm sàng chọn ngẫu nhiên có đối chứng để so sánh các phương án khác nhau. Đôi khi, liệu pháp phối hợp là cần thiết.
Hòa tan bằng hóa học bằng các tác nhân như cola và cellulase có thể áp dụng với những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ (1). Liều lượng cellulase từ 3 đến 5 g hoà tan trong 300 đến 500 mL nước; dùng trong một ngày trong 2 đến 5 ngày. Metoclopramide 10 mg đường uống thường được dùng là một chất làm tăng nhu động dạ dày. Tiêu hóa nhờ enzym bằng papain không còn được khuyến cáo nữa.
Nội soi lấy dị vật được chỉ định cho những bệnh nhân có cục bã dị vật không phân hủy, triệu chứng vừa đến nặng do cục bã dị vật lớn, hoặc cả hai điều trên. Nếu chẩn đoán ban đầu bằng nội soi thì có thể thử lấy bỏ tại thời điểm đó luôn. Cắt dị vật bằng forceps, lưới điện, tán, điện đông argon, thậm chí bằng laser (2) có thể phá vỡ dị vật, làm cho chúng có thể đi qua hoặc được bài xuất ra ngoài.
Phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp mà phân hủy bằng hóa chất và nội soi không làm được hoặc thất bại hoặc có biến chứng, hoặc dùng cho bệnh nhân có cục bã dị vật đường ruột.
Cục bã dị vật từ quả hồng thường chắc và khó điều trị do quả hồng chứa tannin shiboul trùng hợp trong dạ dày. Cục bã này không đáp ứng tốt với quá trình hòa tan bằng hóa học và thường đòi hỏi phải cắt bỏ bằng nội soi hoặc phẫu thuật.
Tài liệu tham khảo về điều trị
1. Iwamuro M, Okada H, Matsueda K, et al: Review of the diagnosis and management of gastrointestinal bezoars. World J Gastrointest Endosc 7(4):336–345, 2015. doi: 10.4253/wjge.v7.i4.336
2. Mao Y, Qiu H, Liu Q, et al: Endoscopic lithotripsy for gastric bezoars by Nd:YAG laser-ignited mini-explosive technique. Lasers Med Sci 29:1237–1240, 2014. doi: 10.1007/s10103-013-1512-1