Phù

TheoAndrea D. Thompson, MD, PhD, University of Michigan;
Michael J. Shea, MD, Michigan Medicine at the University of Michigan
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 8 2024

Phù là tình trạng sưng nề các mô mềm do thoát dịch vào khoảng kẽ. Dịch chủ yếu là nước, nhưng cũng có thể có sự tích tụ protein và chất lỏng giàu chất protein nếu có nhiễm trùng hoặc tắc nghẽn bạch huyết.

Phù có thể xuất hiện ở toàn thân hoặc cục bộ (giới hạn ở một chi hoặc một phần chi). Đôi khi tình trạng này xuất hiện đột ngột; bệnh nhân nói rằng một chi nào đó đột nhiên sưng lên. Nhưng thông thường, triệu chứng phù xuất hiện kín đáo và từ từ tăng dần, khởi phát bằng các biểu hiện tăng cân, nặng mí mắt khi thức dậy vào buổi sáng, hay đi giầy thấy chật vào cuối ngày. Phù tuy tiến triển chậm, nhưng thường đã ở mức độ nặng trước khi bệnh nhân đi khám.

Triệu chứng phù thường ít gây khó chịu ngoài việc mặc quần áo chật; các triệu chứng đi kèm khác thường do bệnh lý nền gây ra. Bệnh nhân phù do suy tim (nguyên nhân thường gặp) thường có khó thở gắng sức, khó thở khi nằm và khó thở kịch phát về đêm. Bệnh nhân bị phù do huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) thường có đau chân.

Phù do tăng thể tích dịch ngoại bào thường thay đổi theo tư thế. Do đó, ở bệnh nhân đi lại được, phù khu trú ở cẳng chân và bàn chân; ở bệnh nhân nằm nhiều, phù xuất hiện ở mông, bộ phận sinh dục, và mặt sau đùi. Phụ nữ chỉ nằm nghiêng một bên có thể bị phù nề ở vú phụ. Tắc mạch bạch huyết gây phù ở phần ngoại vi của vùng tắc nghẽn.

Sinh lý bệnh của phù

Phù xuất hiện do sự gia tăng dịch từ lòng mạch vào khoảng kẽ, hoặc giảm dịch từ khoảng kẽ vào mao mạch và mạch bạch huyết. Cơ chế này bao gồm một hoặc nhiều cơ chế sau đây:

  • Tăng áp lực thủy tĩnh mao mạch

  • Giảm áp lực keo huyết tương

  • Tăng thẩm thấu mao mạch

  • Tắc nghẽn hệ bạch huyết

Khối lượng tuần hoàn trong lòng mạch suy giảm do có sự di chuyển dịch từ lòng mạch vào khoảng kẽ. Sự suy giảm thể tích nội mạch kích hoạt hệ thống renin-angiotensin-aldosterone-vasopressin (ADH), dẫn đến hiện tượng tái hấp thu natri tại thận. Do có sự gia tăng áp lực thẩm thấu, việc tái hấp thu natri sẽ kéo theo tái hấp thu nước, và giúp duy trì thể tích huyết tương. Hiện tượng tăng tái hấp thu natri tại thận cũng có thể là nguyên nhân chính gây ra tình trạng quá tải dịch, từ đó gây phù. Hấp thu quá nhiều muối từ khẩu phần ăn bên ngoài cũng có thể góp phần gây phù.

Ít gặp hơn, phù nề là kết quả của việc giảm lưu thông dịch ra khỏi khoảng kẽ vào mao mạch do thiếu áp lực keo huyết tương thích hợp, như trong hội chứng thận hư, bệnh ruột mất protein, suy gan hoặc chết đói.

Tăng thẩm thấu mao mạch trong các bệnh lý nhiễm trùng, hoặc do hậu quả của độc tố, hoặc viêm gây tổn thương thành mao mạch. Trong phù mạch, các chất trung gian, bao gồm chất trung gian có nguồn gốc từ tế bào mast (ví dụ, histamine, leukotrienes, prostaglandin) và bradykinin và các chất trung gian có nguồn gốc từ bổ thể, gây ra phù khu trú.

Hệ thống bạch huyết có chức năng loại bỏ protein và tế bào bạch cầu (cùng với một ít nước) khỏi mô kẽ. Tắc mạch bạch huyết tạo điều kiện cho các chất này tích tụ trong khoảng kẽ.

Căn nguyên của phù

Phù toàn thân thường do

Phù khu trú thường do

Suy tĩnh mạch mạn tính có thể gây phù ở một hoặc cả hai chân.

Các nguyên nhân phổ biến được liệt kê theo cơ chế chính (xem bảng Một số nguyên nhân gây phù).

Bảng
Bảng

Đánh giá phù

Lịch sử

Tiền sử các bệnh đang mắc nên có sự mô tả vị trí và thời gian phù, các triệu chứng đau và khó chịu đi kèm, cùng mức độ của chúng. Bệnh nhân nữ nên được hỏi về tình trạng thai sản và sự liên quan của triệu chứng phù đến chu kỳ kinh nguyệt. Các bệnh nhân phù mạn tính nên ghi chép về sự thay đổi cân nặng của mình.

Khám tổng quát các triệu chứng do bệnh lý nguyên nhân gây ra, bao gồm khó thở gắng sức, khó thở khi nằm và khó thở về đêm (suy tim); sử dụng rượu hoặc các chất gây độc gan, vàng da và dễ bị bầm tím (các bệnh lý gan); mệt mỏi, chán ăn (ung thư hoặc các bệnh lý gan hoặc thận); bất động kéo dài, chấn thương tại các chi, hoặc tiền sử phẫu thuật gần đây (huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới).

Bệnh sử cần bao gồm bất kỳ rối loạn nào được biết là gây ra phù nề, bao gồm rối loạn ở tim, gan, thận và ung thư (bao gồm bất cứ phẫu thuật hoặc xạ trị nào có liên quan). Bệnh sử cũng cần phải bao gồm các tình trạng dễ mắc do các nguyên nhân này, bao gồm nhiễm liên cầu khuẩn, nhiễm vi rút gần đây (ví dụ viêm gan), rối loạn sử dụng rượu và rối loạn tăng đông máu. Tiền sử dùng thuốc nên bao gồm các câu hỏi cụ thể về các loại thuốc được biết là gây phù nề (xem bảng Một số nguyên nhân gây phù). Cần hỏi về lượng muối bệnh nhân sử dụng trong bữa ăn.

Khám thực thể

Khám vùng phù để xác định giới hạn, mức độ sưng nóng đỏ đau; đồng thời lưu ý tính chất đối xứng của triệu chứng. Đánh giá mức độ ấn lõm (người khám sử dụng ngón tay ấn lên vùng phù để tạo ra các vùng lõm nhìn và sờ thấy rõ).

Khám toàn thân để phát hiện các triệu chứng vàng da, bầm tím và sao mạch (gợi ý có bệnh lý tại gan).

Khám phổi để phát hiện các triệu chứng gõ đục, rì rào phế nang giảm hoặc tăng, các tiếng rale nổ hoặc rale ẩm và tiếng cọ màng phổi.

Khám tĩnh mạch cổ để đánh giá các triệu chứng tĩnh mạch cổ nổi và phản hồi gan tĩnh mạch cổ.

Khám tim để phát hiện các dấu hiệu ổ đập bất thường không đồng bộ và ổ đập cạnh mũi ức. Thực hiện nghe tim để tìm phần tiếng van động mạch phổi lớn của tiếng tim thứ hai (P2), tiếng tim thứ ba (S3) hoặc thứ tư (S4), tiếng thổi và tiếng cọ màng ngoài tim; tất cả đều gợi ý có nguồn gốc ở tim.

Khám bụng để phát hiện các triệu chứng cổ chướng, gan to, lách to. Đây là các triệu chứng gợi ý bệnh lý tại gan hoặc suy tim. Khám phát hiện dấu hiệu thận to, gõ tìm diện đục bàng quang. Sờ các khối bất thường trong ổ bụng nếu có.

Các dấu hiệu cảnh báo

Cần nghĩ đến những nguyên nhân nguy hiểm nếu khám thấy những biểu hiện sau:

  • Khởi phát đột ngột

  • Đau đáng kể

  • Hụt hơi thở

  • Sốt

  • Tiền sử bị bệnh tim hoặc khám tim thấy bất thường

  • Ho máu, khó thở, hoặc có tiếng cọ màng phổi

  • Gan to, lách to, vàng da, cổ trướng hoặc nôn máu

  • Phù không cân xứng hai bên, đi kèm ấn đau

Giải thích các dấu hiệu

Cần xác định các nguyên nhân gây phù có khả năng gây đe dọa tính mạng, chúng thường xuất hiện đột ngột và gây phù cục bộ. Biểu hiện như vậy gợi ý tình trạng DVT cấp tính, nhiễm trùng mô mềm hoặc phù mạch. Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có thể gây tắc mạch phổi từ đó dẫn tới tử vong. Nhiễm trùng mô mềm có thể nhẹ hoặc nguy hiểm đến tính mạng, tùy thuộc vào các yếu tố bao gồm tác nhân gây nhiễm trùng và sức khỏe của bệnh nhân. Phù dị ứng cấp có thể tiến triển với các triệu chứng tại đường thở và gây hậu quả nghiêm trọng.

Khó thở có thể xảy ra khi bị phù do suy tim, huyết khối tĩnh mạch sâu nếu đã từng bị PE, hội chứng suy hô hấp cấp tính hoặc phù mạch liên quan đến đường thở.

Phù toàn thân tiến triển chậm gợi ý bệnh lý tim mạch, gan hoặc thận mạn tính. Mặc dù các bệnh lý này cũng có thể gây đe dọa tính mạng, nhưng các biến chứng của bệnh có xu hướng xuất hiện chậm hơn.

Những yếu tố này và các đặc điểm lâm sàng khác giúp gợi ý nguyên nhân (xem bảng Một số nguyên nhân gây phù nề).

Xét nghiệm

Đối với hầu hết bệnh nhân bị phù nề toàn thân, xét nghiệm nên bao gồm công thức máu (CBC), điện giải huyết thanh, nitơ urê máu (BUN), creatinin, xét nghiệm về gan, protein huyết thanh và phân tích nước tiểu (đặc biệt lưu ý sự hiện diện của protein và đái máu vi thể). Các xét nghiệm khác nên được thực hiện dựa trên nguyên nhân nghi ngờ (xem bảng Một số nguyên nhân gây phù) - ví dụ: peptide natri lợi niệu não (BNP) để nghi ngờ suy tim hoặc D-dimer cho nghi ngờ thuyên tắc phổi.

Siêu âm tại giường (POCUS) đôi khi có thể hữu ích để đánh giá những tình trạng sau:

  • Tình trạng dịch và thể tích (đánh giá áp lực tĩnh mạch cảnh, tĩnh mạch chủ dưới, đường B, tràn dịch màng phổi)

  • Phân suất tống máu thất trái

  • Bất thường của thất phải (ví dụ: tăng áp lực, kích thước hoặc suy giảm chức năng thất phải) thứ phát do các bệnh lý như à thuyên tắc động mạch phổi hoặc suy thất phải

Bệnh nhân bị phù đơn lẻ ở chi dưới thường được loại trừ tắc tĩnh mạch bằng siêu âm.

Điều trị phù nề

Các nguyên nhân cụ thể được điều trị.

Bệnh nhân có biểu hiện tăng tái hấp thu muối nước thường được hưởng lợi từ chế độ ăn hạn chế muối. Bệnh nhân suy tim nên loại bỏ muối trong khẩu phần ăn, đồng thời tránh các thực phẩm chế biến sẵn có muối.

Bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn tiến triển hoặc hội chứng thận hư thường cần hạn chế natri nghiêm ngặt hơn ( 1 g/day). Muối kali thường được thay thế cho muối natri để có thể hạn chế natri; tuy nhiên, cần phải thận trọng, đặc biệt là ở những bệnh nhân đang dùng thuốc lợi tiểu giữ kali, thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) và ở những người bị bệnh thận vì có thể dẫn đến tình trạng tăng kali máu có khả năng gây tử vong.

Bệnh nhân có biểu hiện tăng tái hấp thu muối nước cũng được hưởng lợi từ việc sử dụng lợi thiểu quai hoặc lợi tiểu thiazide. Tuy nhiên, không nên dùng thuốc lợi tiểu chỉ nhằm mục đích giảm phù. Thuốc lợi tiểu có thể gây tích lũy kali và gây nguy hiểm tới một số đối tượng bệnh nhân. Những loại thuốc lợi tiểu giữ kali (amiloride, triamterene, spironolactone, eplerenone) ức chế sự tái hấp thu natri trong ống lượn xa và hệ thống ống góp. Khi sử dụng đơn độc, chúng chỉ gây tăng nhẹ mức bài tiết natri. Sử dụng kết hợp triamterene và amiloride với thiazide để ngăn thải kali qua thận. Sự kết hợp giữa nhóm ức chế men chuyển và thiazide cũng làm giảm thải trừ kali.

Thuốc ức chế đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2) (ví dụ: canagliflozin, dapagliflozin, empagliflozin) làm giảm glucose huyết thanh ở những bệnh nhân bị tiểu đường nhưng cũng gây lợi tiểu bằng cách tăng natri niệu và glucose niệu mà không ảnh hưởng đáng kể đến chất điện giải trong huyết thanh (1, 2, 3, 4). Các thuốc này có thể được sử dụng ở những bệnh nhân bị suy tim hoặc hội chứng thận hư có hoặc không có bệnh tiểu đường.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Anker SD, Butler J, Filippatos G, et al: Empagliflozin in heart failure with a preserved ejection fraction. N Engl J Med 385(16):1451–1461, 2021. doi: 10.1056/NEJMoa2107038

  2. 2. Cowie MR, Fisher M: SGLT2 inhibitors: mechanisms of cardiovascular benefit beyond glycaemic control. Nat Rev Cardiol 17(12):761–772, 2020. doi: 10.1038/s41569-020-0406-8

  3. 3. Heerspink HJL, Stefánsson BV, Correa-Rotter R, et al: Dapagliflozin in patients with chronic kidney disease. N Engl J Med 383(15):1436–1446, 2020. doi: 10.1056/NEJMoa2024816

  4. 4. Packer M, Anker SD, Butler J, et al: Cardiovascular and renal outcomes with empagliflozin in heart failure. N Engl J Med 383(15):1413–1424, 2020. doi: 10.1056/NEJMoa2022190

Các điểm thiết yếu ở người cao tuổi: Phù

Ở người cao tuổi, việc sử dụng thuốc điều trị nguyên nhân gây phù nề (đặc biệt là suy tim) cần đặc biệt thận trọng, chẳng hạn như sau:

  • Liều khởi đầu thấp, đánh giá toàn diện bệnh nhân khi thay đổi liều

  • Theo dõi hạ huyết áp tư thế đứng nếu sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II hoặc thuốc chẹn beta

  • Thường xuyên kiểm tra xem có hạ kali máu hoặc tăng kali máu không

  • Không cần dừng thuốc chẹn kênh canxi nếu có phù chân, vì đây là tình trạng lành tính

Việc ghi lại cân nặng hàng ngày giúp ích rất nhiều trong việc theo dõi sự cải thiện hoặc xấu đi về mặt lâm sàng.

Những điểm chính

  • Phù có thể là kết quả của một quá trình toàn thân hoặc cục bộ và có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong cơ thể.

  • Bệnh lý tim, gan, thận là các nguyên nhân chính gây phù.

  • Không phải tất cả phù nề đều nghiêm trọng; hậu quả phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân.

  • Cần khẩn trương đánh giá nếu phù xảy ra đột ngột.