Nhiễm trùng não do giun sán

TheoJohn E. Greenlee, MD, University of Utah Health
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 03 2022

    Giun sán ký sinh nhiễm vào hệ thần kinh trung ương (CNS) của hàng triệu người ở các nước đang phát triển. Những người bị nhiễm bệnh đến thăm hoặc di cư đến các khu vực không lưu hành bệnh, kể cả Hoa Kỳ, có thể biểu hiện bệnh tại đó. Giun có thể gây ra viêm màng não, viêm não, khối choán chỗ trong não, não úng thủy, đột quỵ, và bệnh lý tủy sống.

    (Xem thêm Giới thiệu về Nhiễm trùng não.)

    Kén sán hệ thần kinh

    (Xem thêm Bệnh sán.)

    Trong số khoảng 20 loài giun sán có thể gây ra các bệnh lý thần kinh, sán dây lợn Taenia solium gây bệnh cho hầu hết trường hợp ở Tây bán cầu. Bệnh lý do sán dây lơn gây ra là kén sán hệ thần kinh. Sau khi một người ăn thực phẩm bị ô nhiễm trứng sán, ấu trùng di chuyển đến các mô, bao gồm não, tủy sống, và đường lưu thông dịch não tủy (CSF) và hình thành nang sán. Đường kính của nang sán hiếm khi vượt quá 1 cm ở nhu mô thần kinh nhưng có thể vượt quá 5 cm trong khoang CSF. Các nang cũ thường bị vôi hóa.

    Các nang sán trong nhu mô não gây ra rất ít triệu chứng cho đến khi sán chết kích hoạt phản ứng viêm cục bộ, tăng sinh tế bào thần kinh đệm và phù nề, gây cơn co giật (thường gặp nhất), suy giảm nhận thức hoặc thiếu sót thần kinh khu trú, hoặc thay đổi nhân cách. Các nang lớn hơn trong đường lưu thông CSF có thể gây tràn dịch não do tắc nghẽn. Các nang sán có thể vỡ vào CSF, gây viêm màng não tăng bạch cầu ưa axit. Nếu không được điều trị, nhiễm ấu trùng sán lợn hệ thần kinh trung ương có thể gây tử vong; nguyên nhân tử vong bao gồm viêm não, viêm màng não, não úng thủy và co giật không được điều trị.

    Cần nghi ngờ nhiễm sán thần kinh ở những bệnh nhân sống tại hoặc đến từ các nước đang phát triển và những người bị viêm màng não tăng bạch cầu ưa axit hoặc bị co giật không giải thích được, suy giảm nhận thức hoặc thiếu sót thần kinh khu trú, hoặc thay đổi nhân cách. Bệnh này được gợi ý bởi nhiều tổn thương dạng kén bị vôi hóa trên phim CT hoặc MRI; tiêm thuốc cản quang có thể làm rõ các tổn thương. Chẩn đoán cần có xét nghiệm huyết thanh và CSF và đôi khi phải sinh thiết nang sán.

    Thuốc trị giun sán là liệu pháp bước đầu. Albendazole (7,5 mg/kg, đường uống, 12 giờ/lần trong 8 đến 30 ngày, liều tối đa hàng ngày, 800 mg) là thuốc lựa chọn chống giun sán. Ngoài ra, có thể dùng praziquantel 20 đến 33 mg/kg, uống 3 lần/một ngày, trong 30 ngày. Dexamethasone 8 mg đường tĩnh mạch hoặc uống 1 lần/ngày trong 2 đến 4 ngày đầu tiên có thể làm giảm phản ứng viêm cấp tính khi sán chết. Nếu liệu pháp trị giun sán dẫn đến diệt nhiều sinh vật, não có thể sưng lên đáng kể ở những bệnh nhân có nhiều u nang và liệu pháp tẩy giun sán có thể không có tác dụng cho những bệnh nhân có một u nang duy nhất. Điều trị phải được cá thể hóa kỹ lưỡng.

    Có thể cần phải điều trị chống co giật kéo dài hoặc ngắn hạn. Cũng có thể yêu cầu phẫu thuật cắt bỏ nang sán và dẫn lưu não thất.

    Nhiễm giun sán khác

    Trong bệnh sán máng, các u hạt bạch cầu ái toan bị hoại tử phát triển trong não, gây co giật, tăng áp lực nội sọ, và thiếu sót thần kinh lan tỏa hoặc khu trú.

    Các năng sán lớn, đơn độc có thể gây ra các thiếu sót thần kinh khu trú và đôi khi gây ra các cơn động kinh.

    Bệnh sán nhiều đầu, của ấu trùng sán dây (loài Taenia), thường tạo ra kén giống hình quả nho, có thể gây cản trở lưu thông của dịch não tủy trong não thất 4.

    Các triệu chứng của các kén này tiến triển trong nhiều năm, và nếu tổn thương não, sẽ bao gồm tăng áp lực nội sọ, động kinh, mất ý thức và thiếu sót thần kinh khu trú. Kiểm tra chẩn đoán hình ảnh thần kinh và xét nghiệm huyết thanh học được thực hiện để phân biệt giữa các kén này và phân biệt chúng với nhiễm ấu trùng sán lợn hệ thần kinh trung ương.

    Bệnh giun gnasthostoma, một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp do ấu trùng giun tròn của loài Gnathostoma, gây ra những vết hoại tử bao quanh bởi phản ứng viêm dọc theo rễ thần kinh, tủy sống và não hoặc trong xuất huyết dưới nhện, gây sốt nhẹ, cổ cứng, sợ ánh sáng, đau đầu, thiếu sót thần kinh (đôi khi ảnh hưởng đến dây thần kinh sọ thứ 6 hoặc thứ 7), và liệt. Bệnh giun gnasthostoma được nghi ngờ ở những người du lịch trở về và cư dân của các khu vực châu Á, Trung Đông, châu Âu, châu Phi và Trung hoặc Nam Mỹ, những người bị sưng da di trú hoặc viêm màng não tăng bạch cầu ái toan không rõ nguyên nhân. Chẩn đoán cần phải kiểm tra chẩn đoán hình ảnh thần kinh và xét nghiệm dịch não tủy.