Phá thai nhiễm khuẩn

Theo
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 10 2023

Sảy thai nhiễm khuẩn là trường hợp nhiễm trùng tử cung nghiêm trọng trong hoặc ngay trước hoặc sau khi sảy thai tự nhiên hoặc sảy thai do can thiệp. Phá thai nhiễm trùng là một cấp cứu phụ khoa.

Sảy thai tự nhiên thường là kết quả của việc sử dụng các kỹ thuật không vô trùng để hút thai sau khi gây sảy thai hoặc sẩy thai tự nhiên. Phá thai nhiễm trùng phổ biến hơn nhiều sau khi phá thai do các bác sĩ lâm sàng không được đào tạo (hoặc chính phụ nữ mang thai) thực hiện và không có thiết bị phẫu thuật đầy đủ và chuẩn bị vô trùng, thường là do có những rào cản pháp lý, tiếp cận chăm sóc sức khỏe hoặc rào cản cá nhân để được điều trị nội khoa chuyên nghiệp.

Phá thai nhiễm trùng cũng có thể là kết quả của sẩy thai không hoàn toàn và bị nhiễm trùng thứ phát do lỗ cổ tử cung mở.

Các sinh vật gây bệnh điển hình bao gồm Escherichia coli, Enterobacter aerogenes, Proteus vulgaris, Streptococci tán huyết, Staphylococci, và một số sinh vật kị khí (ví dụ, Clostridium perfringens). Có thể có một hoặc nhiều cơ quan bị ảnh hưởng.

Các triệu chứng và dấu hiệu của phá thai nhiễm trùng

Các triệu chứng và dấu hiệu phá thai nhiễm khuẩn thường xuất hiện trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi phá thai và tương tự như các triệu chứng bệnh viêm vùng chậu (ví dụ, ớn lạnh, sốt, tiết dịch âm đạo, thường viêm phúc mạc) và thường là những trường hợp phá thai bị thương tổn hoặc phá thai không hoàn toàn (ví dụ chảy máu âm đạo, xoá mở cổ tử cung, tụt ra các thành phần thai). Thủng tử cung trong quá trình phá thai thường gây đau vùng chậu hoặc đau bụng dữ dội.

Sốc nhiễm khuẩn có thể dẫn đến kết quả, gây hạ thân nhiệt, tụt huyết áp, thiểu niệu và suy hô hấp. Nhiễm khuẩn do C. perfringens có thể dẫn đến giảm tiểu cầu, các vết bần tím và các phát hiện của tan máu trong lòng mạch (ví dụ, vô niệu, thiếu máu, vàng da, hemoglobin niệu, hemosiderin niệu).

Chẩn đoán phá thai nhiễm trùng

  • Các sinh hiệu và khám vùng chậu và khám bụng

  • Nuôi cấy máu để hướng dẫn điều trị kháng sinh

  • Công thức máu và các xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng bệnh nhân

  • Siêu âm

Sảy thai nhiễm khuẩn thường rõ ràng trên lâm sàng, thường dựa trên việc phát hiện các triệu chứng và dấu hiệu nhiễm trùng nặng ở phụ nữ có thai hoặc gần đây có thai. Siêu âm nên được thực hiện để kiểm tra xem có còn các phần thai còn lại có thể là nguyên nhân. Nên nghi ngờ thủng tử cung khi phụ nữ bị đau bụng dữ dội không rõ nguyên nhân và viêm phúc mạc. Siêu âm khó thấy được thủng tử cung.

Khi nghi ngờ phá thai nhiễm khuẩn, cấy máu vi khuẩn ái khí và kỵ khí được thực hiện để giúp điều trị kháng sinh chính xác. Xét nghiệm trong phòng thí nghiệm phải bao gồm công thức máu với các xét nghiệm chức năng gan, lượng chất điện giải, glucose, BUN, và creatinine. Thời gian prothrombin (PT) và thời gian prothrombin riêng phần (PTT) được thực hiện nếu kết quả xét nghiệm về gan bất thường hoặc nếu phụ nữ bị chảy máu quá mức. Sản phẩm thụ thai cần phải được gửi đến khoa vi sinh nếu có thể. Ở bệnh nhân nhiễm trùng huyết, đánh giá để tìm group A StreptococcusClostridia.

Điều trị phá thai nhiễm trùng

  • Liệu pháp kháng sinh phổ rộng theo kinh nghiệm tiêm tĩnh mạch (ví dụ: clindamycin cộng với gentamicin có hoặc không có ampicillin)

  • Nạo tử cung

  • Đôi khi chẩn đoán hình ảnh vùng chậu hoặc vùng bụng

Điều trị sẩy thai nhiễm trùng bao gồm liệu pháp kháng sinh phổ rộng tiêm tĩnh mạch, liệu pháp này cần được bắt đầu ngay lập tức. Việc lựa chọn kháng sinh nên cân nhắc rằng nhiễm trùng là đa vi khuẩn và việc điều trị nên bao gồm vi khuẩn gram dương, gram âm và kỵ khí. Một phác đồ kháng sinh điển hình theo kinh nghiệm bao gồm clindamycin 900 mg IV mỗi 8 giờ cộng gentamicin 5 mg/kg IV một lần/ngày, có hoặc không có ampicillin 2 g đường tĩnh mạch mỗi 4 giờ. Ngoài ra, có thể sử dụng phối hợp ampicillin, gentamicin, và metronidazole 500 mg đường tĩnh mạch mỗi 8 giờ. Chế độ kháng sinh có thể được sửa đổi dựa trên kết quả nuôi cấy.

Ngoài ra, việc nạo tử cung nên được thực hiện khi bệnh nhân đã ổn định. Bệnh nhân bị chảy máu hoặc nghi ngờ thủng tử cung hoặc tổn thương cơ quan có thể cần thêm chẩn đoán hình ảnh (ví dụ: chụp MRI).

Những điểm chính

  • Sẩy thai nhiễm trùng thường là kết quả của việc sử dụng các kỹ thuật không vô trùng để hút tử cung sau khi sẩy thai chủ ý hoặc tự nhiên; tình trạng này phổ biến hơn nhiều sau khi các thủ thuật phá thai do các bác sĩ lâm sàng chưa được đào tạo bằng cách sử dụng các kỹ thuật không vô trùng thực hiện.

  • Phá thai nhiễm trùng cũng có thể phát sinh từ việc sẩy thai không hoàn toàn bị nhiễm trùng thứ phát do lỗ cổ tử cung mở.

  • Các triệu chứng và dấu hiệu (ví dụ, ớn lạnh, sốt, tiết dịch âm đạo, viêm phúc mạc, chảy máu âm đạo) thường xuất hiện trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi phá thai. Bệnh nhân cũng có thể bị đau bụng hoặc đau vùng chậu dữ dội không rõ nguyên nhân.

  • Nếu nghi ngờ sẩy thai nhiễm trùng, ngay lập tức bắt đầu điều trị bằng kháng sinh phổ rộng, sau đó nhanh chóng nạo tử cung; lấy máu nuôi cầy để hướng dẫn điều trị bằng kháng sinh.