xoắn phần phụ

(xoắn buồng trứng; xoắn ống dẫn trứng)

TheoKilpatrick, MD, MEd, Baylor College of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 02 2023

Xoắn phần phụ là trường hợp buồng trứng xoắn và đôi khi xoắn cả ống dẫn trứng gây gián đoạn sự cung cấp máu và gây thiếu máu cục bộ. Các triệu chứng bao gồm đau vùng chậu dữ dội, thường kèm theo buồn nôn và nôn. Chẩn đoán dựa trên lâm sàng và siêu âm qua âm đạo. Điều trị thường là phẫu thuật nội soi.

Xoắn phần phụ là một trong những cấp cứu phụ khoa phổ biến nhất, xảy ra thường xuyên nhất trong độ tuổi sinh sản. Tình trạng này thường xảy ra khi buồng trứng phì đại do có khối u hoặc các vấn đề khác. Thiếu máu cục bộ kéo dài có thể gây suy giảm chức năng buồng trứng hoặc gây tổn thương ống dẫn trứng.

Các yếu tố nguy cơ gây xoắn phần phụ bao gồm:

  • Buồng trứng to hơn > 4 cm (đặc biệt là khối u lành tính)

  • Mang thai (nếu có nang hoàng thể lớn)

  • Kích thích sự rụng trứng

  • Tiền sử trước đây bị xoắn phần phụ

Các khối u lành tính có nhiều khả năng gây xoắn hơn các khối u ác tính. Xoắn phần phụ bình thường, hiếm gặp, phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên hơn người lớn (1).

Thường xoắn buồng trứng nhưng đôi khi xoắn cả ống vòi trứng. Xoắn phần phụ có thể gây viêm phúc mạc.

Tài liệu tham khảo chung

  1. 1. American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG): Adnexal torsion in adolescents: ACOG Committee Opinion No, 783. Obstet Gynecol. 134 (2):e56–e63, 2019 doi:10.1097/AOG.0000000000003373

Các triệu chứng và dấu hiệu của xoắn phần phụ

Xoắn phần phụ gây đau vùng chậu đột ngột, dữ dội và thường buồn nôn và nôn. Trong nhiều ngày hoặc đôi khi trong vài tuần trước khi xuất hiện cơn đau đột ngột, một số phụ nữ bị đau bụng quặn từng cơn, có lẽ là do xoắn từng cơn và tự khỏi. Cơn đau có thể khu trú ở bên bị xoắn hoặc có thể lan tỏa.

Có thể có nhịp tim nhanh, sốt, đau bụng và các dấu hiệu phúc mạc. Khi khám vùng chậu, thường có ấn đau khi cử động cổ tử cung và khối phần phụ mềm một bên. Đau có thể không tương xứng với kết quả khám. Dấu hiệu phúc mạc, nếu có, thường phát sinh muộn hơn trong quá trình diễn biến.

Chẩn đoán xoắn phần phụ

  • Bệnh sử và khám vùng chậu

  • Siêu âm qua âm đạo

  • Phẫu thuật thăm dò chẩn đoán

Nghi ngờ xoắn phần phụ dựa trên các triệu chứng điển hình (tức là đau vùng chậu dữ dội, ngắt quãng, thường kèm theo buồn nôn và nôn) và các dấu hiệu phúc mạc không rõ nguyên nhân cộng với ấn đau dữ dội khi cử động cổ tử cung hoặc một khối phần phụ. Các nguyên nhân phổ biến khác của đau vùng chậu (ví dụ: viêm ruột thừa, thai ngoài tử cung, bệnh viêm vùng chậu, áp xe buồng trứng) nên được loại trừ.

Chẩn đoán lâm sàng của xoắn phần phụ được hỗ trợ bằng hình ảnh với siêu âm qua âm đạo cho thấy một buồng trứng to hoặc một khối u buồng trứng. Siêu âm Doppler màu cho thấy giảm hoặc không lưu lượng máu trong buồng trứng giúp hỗ trợ chẩn đoán.

Nếu nghi ngờ xoắn phần phụ, phẫu thuật thăm dò được thực hiện ngay lập tức. Sự xoắn hai buồng trứng khẳng định chẩn đoán.

Điều trị xoắn phần phụ

  • Phẫu thuật để bảo tồn buồng trứng

Nếu nghi ngờ xoắn phần phụ, nội soi ổ bụng (hoặc hiếm khi phẫu thuật nội soi) được thực hiện ngay lập tức để xác định chẩn đoán và cố gắng cứu buồng trứng và ống dẫn trứng bằng cách tháo (tháo xoắn) chúng, đặc biệt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và phục hồi tưới máu. Phẫu thuật cắt phần phụ được áp dụng cho các tổ chức đã chết và hoại tử.

Nếu có nang buồng trứng hay có khối u và buồng trứng có thể bảo tồn được thì phẫu thuật bóc u, cắt u được thực hiện. Nếu không được thì phải tiến hành cắt phần phụ.

Những điểm chính

  • Xoắn phần phụ của buồng trứng và/hoặc ống dẫn trứng là một cấp cứu phụ khoa phổ biến; nó thường xảy ra khi buồng trứng to ra do có khối u hoặc vấn đề khác.

  • Xoắn phần phụ gây đau đột ngột, đau nhiều vùng châu, kèm theo nôn, buồn nôn, có thể có dấu hiệu đau trước đó vài ngày hay vài tuần, không liên tuc, đau bụng có lẽ là kết quả của xoắn không liên tục.

  • Nghi ngờ xoắn phần phụ dựa trên các triệu chứng, ấn đau vùng chậu khi khám và siêu âm Doppler qua âm đạo với lưu lượng máu giảm hoặc không có; theo dõi ngay lập tức bằng phẫu thuật thăm dò để xác định chẩn đoán và điều trị.

  • Nếu chẩn đoán xoắn phần phụ, cần sớm bảo tồn vòi trứng và buồng trứng bằng cách tháo xoắn thông qua phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở bụng, nếu như các mô đã hoại tử hoặc có nang hay u buồng trứng thì các phẫu thuật cắt nang, cắt phần phụ được thực hiện.