Chấn thương khí áp là tổn thương mô do sự thay đổi thể tích khí trong khoang cơ thể liên quan đến sự thay đổi áp suất trong khu vực có không khí. Trong quá trình đi lên, tình trạng giãn nở của khí có thể ảnh hưởng đến phổi và đường tiêu hóa (GI); trong quá trình đi xuống, khí nén có thể ảnh hưởng đến tai, xoang, khoảng trống trong miếng trám răng và khoảng trống chứa trong mặt nạ lặn. Các biểu hiện lâm sàng phụ thuộc vào khu vực bị ảnh hưởng. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng nhưng đôi khi cần các xét nghiệm hình ảnh. Điều trị thường là hỗ trợ nhưng có thể bao gồm oxy và dẫn lưu màng phổi trong tràn khí màng phổi.
(Xem thêm Tổng quan về Chấn thương Lặn.)
Nguy cơ chấn thương khí áp (thường được thợ lặn gọi là "ép") là lớn nhất từ bề mặt đến độ sâu 10 m (33 ft). Nguy cơ tăng lên trong những bệnh lý gây ảnh hưởng đến sự cân bằng áp suất (ví dụ tắc nghẽn xoang, tắc nghẽn vòi nhĩ, bất thường cấu trúc, nhiễm trùng) ở các khoang chứa không khí của cơ thể.
Chấn thương khí áp tai chiếm khoảng hai phần ba các trường hợp tổn thương do lặn.
Ở những người thợ lặn chỉ hít vào sâu 1 lần không khí hoặc loại khí khác và không để khí thoát tự do khi ngoi lên mặt nước, hoặc khi ngoi lên cạn nhanh, khí đang giãn nở có thể làm căng phồng phổi, gây ra chấn thương khí áp phổi. Phổi căng phồng quá mức xảy ra chủ yếu ở thợ lặn hít khí nén nhưng có thể xảy ra ngay cả trong bể bơi khi khí nén được hít vào ở độ sâu 1 m (3 đến 4 ft) bên dưới bề mặt (ví dụ: khi sử dụng thiết bị lặn ở đó).
Chấn thương khí áp cũng có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa (chấn thương khí áp dạ dày ruột), răng (chấn thương khí áp nha khoa), mắt (chấn thương khí áp mắt) tai và xoang (chấn thương khí áp tai và xoang), và mặt (chấn thương khí áp mặt nạ).
Các triệu chứng và dấu hiệu của chấn thương khí áp
Các hiện tượng phụ thuộc vào khu vực bị ảnh hưởng; tất cả xảy ra gần như ngay lập tức khi áp suất thay đổi. Các triệu chứng có thể bao gồm đau tai, chóng mặt, mất thính lực, đau xoang, chảy máu cam, và đau bụng. Khó thở và thay đổi hoặc mất ý thức có thể đe dọa tính mạng và có thể do vỡ phế nang và tràn khí màng phổi.
Một số bệnh lý nếu gây ra các triệu chứng khi ở độ sâu, thì có thể gây mất khả năng vận động hoặc mất phương hướng và do đó dẫn đến đuối nước (xem bảng Các chống chỉ định y tế cụ thể đối với lặn). Nhiễm trùng thứ phát đôi khi là một biến chứng muộn.
Chẩn đoán chấn thương khí áp
Đánh giá lâm sàng
Phương pháp chẩn đoán hình ảnh
Chẩn đoán chủ yếu là lâm sàng; chẩn đoán hình ảnh đôi khi có thể khẳng định có chấn thương khí áp. Đôi khi bệnh nhân được đánh giá các vấn đề khác hoặc suy chức nặng tạng.
Điều trị chấn thương khí áp
Điều trị triệu chứng
Các biện pháp điều trị khác tùy thuộc vào tổn thương cụ thể
Hầu hết các tổn thương do chấn thương khí áp chỉ cần điều trị triệu chứng và theo dõi ngoại trú; tuy nhiên, một số loại tổn thương gây đe dọa tính mạng. Các trường hợp chấn thương khí áp khẩn cấp có nguy cơ đe dọa tính mạng bao gồm tràn khí màng phổi hoặc vỡ đường tiêu hóa, đặc biệt ở những bệnh nhân có bất cứ biểu hiện nào sau đây:
Các triệu chứng hoặc dấu hiệu thần kinh, bao gồm cả ý thức bị thay đổi
Khó thở
Dấu hiệu phúc mạc
Dấu hiệu sinh tồn bất thường
Điều trị ổn định ban đầu bao gồm oxy liều cao 100%, và nếu sắp có suy hô hấp cần đặt nội khí quản. Thông khí áp lực dương có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tràn khí màng phổi.
Bệnh nhân nghi ngờ tràn khí màng phổi có huyết động không ổn định hoặc có dấu hiệu tràn khí màng phổi áp lực cần phải giảm áp suất lồng ngực ngay lập tức bằng cách chọc kim (ví dụ: kim 14) ở vào khoảng liên sườn thứ hai ở đường giữa đòn, kèm theo dẫn lưu khoang màng phổi. Bệnh nhân có triệu chứng thần kinh hoặc các biểu hiện của tắc động mạch do khí cần được vận chuyển đến buồng tăng áp để điều trị sớm nhất.
Khi tình trạng ổn định, bệnh nhân sẽ được điều trị đặc hiệu tương ứng với loại chấn thương khí áp mắc phải. Đối với bệnh nhân bị chấn thương khí áp vùng tai trong, phẫu thuật điều trị kịp thời vết rách cửa sổ mê cung có thể đảo ngược tình trạng mất thính lực.
Bệnh nhân điều trị các tổn thương nghiêm trọng hoặc tái phát liên quan đến lặn nên dừng lặn cho đến khi họ đươc tư vấn bởi bác sĩ chuyên về lặn.
(Xem thêm Các biện pháp phòng ngừa tai nạn khi lặn.)
Những điểm chính
Hầu hết các chấn thương khí áp là chấn thương khí áp tai.
Điều trị triệu chứng là đủ đối với chấn thương khí áp trừ khi bệnh nhân có biểu hiện đe dọa tính mạng tiềm ẩn (ví dụ: triệu chứng thần kinh, tràn khí màng phổi, dấu hiệu phúc mạc, các sinh hiệu bất thường) hoặc nghi ngờ bị chấn thương khí áp ở tai trong.
Điều trị với những bệnh nhân có nguy cơ đe dọa tính mạng với oxy 100% và các biện pháp ổn định khác nếu cần.
Khi tình trạng ổn định, bệnh nhân sẽ được điều trị đặc hiệu tương ứng với loại chấn thương khí áp mắc phải.
Thông tin thêm
Sau đây là các tài nguyên tiếng Anh có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của các tài nguyên này.
Divers Alert Network: 24-hour emergency hotline, 919-684-9111
Duke Dive Medicine: Physician-to-physician consultation, 919-684-8111