Bệnh thận do thuốc cản quang

TheoFrank O'Brien, MD, Washington University in St. Louis
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 03 2022

Bệnh thận do thuốc cản quang là tình trạng suy giảm chức năng thận sau sử dụng thuốc cản quang đường tĩnh mạch và thường là tạm thời. Chẩn đoán dựa vào sự gia tăng tiến triển của creatinine huyết thanh trong 24 đến 48 giờ sau sử dụng thuốc cản quang. Điều trị là hỗ trợ. Truyền dịch muối đẳng trương trước và sau dùng thuốc cản quang có thể giúp ngăn ngừa bệnh.

(Xem thêm Tổng quan bệnh lý ống kẽ thận.)

Bệnh thận do thuốc cản quang là tình trạng hoại tử ống thận cấp gây ra bởi thuốc cản quang có chứa iod, tất cả đều gây độc thận. Tuy nhiên, nguy cơ thấp hơn với các thuốc cản quang thế hệ mới hơn, nó là các thuốc không ion hóa và có áp lực thẩm thấu thấp hơn các thuốc thế hệ cũ với áp lực thẩm thấu khoảng 1400 đến 1800 mOsm/kg. Ví dụ, các thuốc thế hệ 2 có áp lực thẩm thấu thấp (ví dụ, iohexol, iopamidol, ioxaglate) có áp lực thẩm thấu khoảng 500 đến 850 mOsm/kg, vẫn còn cao hơn áp lực thẩm thấu của máu. Iodixanol, thuốc cản quang thế hệ mới đầu tiên có áp lực thẩm thấu khoảng 290 mOsm/kg tương đương với áp suất lực thẩm thấu máu.

Cơ chế gây độc chính xác của các thuốc cản quang hiện chưa được biết rõ nhưng được cho là có sự kết hợp giữa tác động gây co mạch thận và tác động gây độc tế bào trực tiếp, có thể thông qua sự hình thành các dạng oxy phản ứng, gây hoại tử ống thận cấp.

Hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng. Chức năng thận thường trở lại bình thường sau đó.

Các yếu tố nguy cơ của bệnh thận do thuốc cản quang

Các yếu tố nguy cơ ngộ độc thận bao gồm:

  • Tuổi cao

  • Bệnh thận mạn tính có sẵn

  • Đái tháo đường

  • Suy tim

  • Đa u tủy xương

  • Liều cao (ví dụ: > 100 mL) thuốc cản quang có áp lực thẩm thấu cao (ví dụ, trong can thiệp mạch vành qua da)

  • Các yếu tố làm giảm tưới máu thận, chẳng hạn như suy giảm thể tích hoặc sử dụng đồng thời thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc lợi tiểu hoặc thuốc ức chế men chuyển (ACE)

  • Sử dụng đồng thời các thuốc độc với thận (ví dụ, aminoglycosides)

  • Suy gan

Chẩn đoán bệnh thận do thuốc cản quang

  • Định lượng creatinine huyết thanh

Chẩn đoán dựa vào sự tăng creatinin huyết thanh trong 24 đến 48 giờ sau sử dụng thuốc cản quang.

Sau khi đặt catheter động mạch đùi, bệnh thận do thuốc cản quang có thể khó phân biệt với tắc nghẽn động mạch thận. Các yếu tố có thể gợi ý tắc nghẽn động mạch thận bao gồm:

  • Khởi phát tăng creatinin chậm thường > 48 giờ sau khi làm thủ thuật

  • Xuất hiện các dấu hiệu của tắc nghẽn động mạch thận (ví dụ, tổn thương mạch mạng ở các chi dưới hoặc sự đổi màu xanh của các ngón chân)

  • Chức năng thận suy giảm kéo dài và ngày càng xấu thêm theo dạng bậc thang.

  • Tăng bạch cầu ái toan máu hoặc niệu và nồng độ bổ thể C3 thấp (được đo nếu nghi ngờ có tắc nghẽn động mạch thận)

Điều trị bệnh thận do thuốc cản quang

  • Chăm sóc hỗ trợ

Điều trị là hỗ trợ.

Phòng ngừa bệnh thận do thuốc cản quang

Phòng ngừa bệnh thận do thuốc cản quang bao gồm tránh sử dụng thuốc cản quang khi có thể (ví dụ không chụp CT để chẩn đoán viêm ruột thừa) và khi thuốc cản quang cần thiết với các bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ cần sử dụng các thuốc không ion hóa với áp lực thẩm thấu thấp nhất ở liều thấp.

Khi sử dụng thuốc cản quang, nên bù một lượng nhỏ dịch muối đẳng trương (154 mEq/L hoặc mmol/L); 1 mL/kg/h bắt đầu từ 6 đến 12 giờ trước khi sử dụng thuốc cản quang và tiếp tục trong 6 đến 12 giờ sau thủ thuật. Đối với các thủ thuật điều trị ngoại trú, có thể cho dùng 3 mL/kg nước muối sinh lý đẳng trương trước khi làm thủ thuật một giờ và 1 mL/kg nước muối sinh lý đẳng trương sau khi làm thủ thuật 4 đến 6 giờ. Dung dịch natri bicarbonate (NaHCO3) cũng có thể được sử dụng nhưng không có ưu thế nào đã được chứng minh so với dung dịch muối thông thường. Bù dịch có thể có ích nhất ở các bệnh nhân có bệnh thận mức độ nhẹ và sử dụng thuốc cản quang ở liều thấp. Bù dịch nên tránh ở bệnh nhân cósuy tim. Các thuốc độc với thận cần tránh sử dụng trước và sau thủ thuật.

Acetylcystein, một chất chống oxy hoá, đôi khi được dùng cho những bệnh nhân có nguy cơ cao nhưng chưa chứng minh được lợi ích rõ ràng.

Lọc máu liên tục cận thủ thuật chưa chứng minh được lợi ích rõ ràng so với các điều trị ít xâm lấn hơn trong phòng ngừa tổn thương thận cấp ở những bệnh nhân có bệnh thận mạn và những bệnh nhân cần liều cao thuốc cản quang, và thực tế, người ta cũng ít sử dụng phương pháp này. Vì vậy, thủ thuật này không được khuyến cáo. Các bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối lọc máu chu kỳ nếu cần sử dụng thuốc cản quang không cần lọc máu bổ sung, dự phòng sau thủ thuật.

Những điểm chính

  • Tất cả các thuốc cản quang iod đều độc với thận, mặc dù hầu hết các bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau sử dụng các loại thuốc này.

  • Cần nghĩ đến bệnh thận do thuốc cản quang nếu creatinin huyết thanh tăng trong 24 đến 48 giờ sau chụp có thuốc cản quang.

  • Giảm nguy cơ mắc bệnh thận do thuốc cản quang, đặc biệt ở những bệnh nhân có nguy cơ, bằng cách giảm tối đa việc sử dụng, giảm liều và bù dịch khi có thể.