Cuồng nhĩ

TheoL. Brent Mitchell, MD, Libin Cardiovascular Institute of Alberta, University of Calgary
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 01 2023

Cuồng nhĩ là một dạng rối loạn nhịp nhĩ nhanh có nguyên nhân do vòng vào lại lớn trong tâm nhĩ. Các triệu chứng bao gồm: đánh trống ngực, đôi khi mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, khó thở và thoáng ngất. Cuồng nhĩ có thể làm hình thành huyết khối trong buồng nhĩ và gây tắc mạch. Chẩn đoán bằng ECG. Điều trị bao gồm kiểm soát tần số bằng thuốc, phòng ngừa thuyên tắc huyết khối bằng thuốc chống đông và thường chuyển nhịp sang nhịp xoang bằng thuốc, sốc điện chuyển nhịp hoặc triệt đốt cơ chất gây cuồng nhĩ.

(Xem thêm Tổng quan về loạn nhịp tim.)

Cuồng nhĩ thường gặp ít hơn rung nhĩ, nhưng nguyên nhân và hậu quả ảnh hưởng huyết động cũng tương tự rung nhĩ. Nhiều bệnh nhân cuồng nhĩ cũng có những thời điểm rung nhĩ.

Cuồng nhĩ điển hình là dạng cuồng nhĩ do vòng vào lại lớn trong nhĩ phải. Khi đó, tâm nhĩ được khử cực với tốc độ từ 250 đến 350 chu kỳ/phút (thường là 300 chu kỳ/phút). Bởi vì nút nhĩ thất thường không thể dẫn truyền nhanh với tốc độ này, nên thông thường ta sẽ thấy một nửa số xung được truyền xuống thất (block 2:1), kết quả là tần số thất thường khoảng 150 lần/phút. Đôi khi mức block thay đổi từng thời điểm, gây ra tần số thất không đều. Thỉnh thoảng ta có thể gặp cuồng nhĩ với mức block 3:1, 4:1 hoặc 5:1.

Xác suất xảy ra biến cố huyết khối tắc mạch trong cuồng nhĩ thường bằng khoảng một nửa so với rung nhĩ (trừ khi rung nhĩ cũng xảy ra đồng thời ở bệnh nhân cuồng nhĩ).

Các triệu chứng và dấu hiệu của cuồng động nhĩ

Triệu chứng của cuồng nhĩ tùy thuộc chủ yếu vào tần số đáp ứng thất và bệnh tim nền dẫn đến cuồng nhĩ. Nếu tần số thất < 120 lần/phút và đều, bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc cảm thấy mơ hồ. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng liên quan đến giảm cung lượng tim (ví dụ như khó chịu ở ngực, khó thở, suy nhược, ngất). Khám tĩnh mạch cảnh cẩn thận có thể phát hiện sóng a của cuồng nhĩ trên tĩnh mạch cảnh đồ.

Chẩn đoán rung nhĩ

  • ECG

Chẩn đoán cuồng nhĩ bằng điện tâm đồ. Trong cuồng nhĩ điển hình, trên điện tâm đồ sẽ thấy sóng hoạt hóa nhĩ đều đặn, liên tục, dạng răng cưa, nhìn rõ nhất ở DII, DIII, và aVF.

Cuồng nhĩ

(Lưu ý: dẫn truyền bị block nhánh phải.)

Nghiệm pháp xoa xoang cảnh sẽ làm tăng mức block nhĩ thất và làm bộc lộ rõ sóng cuồng nhĩ. Nếu ta sử dụng thuốc ức chế dẫn truyền qua nút nhĩ thất để làm chậm tần số đáp ứng thất (ví dụ adenosine), ta có thể thấy lộ rõ sóng cuồng nhĩ như trên.

Điều trị rung nhĩ

  • Kiểm soát tần số bằng thuốc

  • Kiểm soát nhịp tim bằng sốc điện chuyển nhịp, dùng thuốc hoặc triệt đốt

  • Dự phòng huyết khối tắc mạch.

Chiến lược điều trị cuồng nhĩ bao gồm: kiểm soát tần số thất, chuyển nhịp và dự phòng huyết khối.

Kiểm soát tần số thất ở cuồng nhĩ khó khăn hơn trong rung nhĩ. Do đó, đối với hầu hết bệnh nhân mới bị cơn lần đầu và dẫn truyền nhĩ thất 1:1 dai dẳng, hoặc rối loạn huyết động, lựa chọn hàng đầu là chuyển nhịp bằng sốc điện đồng bộ hoặc tạo nhịp vượt tần số. Thông thường, chỉ cần sốc điện chuyển nhịp với mức năng lượng thấp (50J) là có hiệu quả. Trước khi chuyển nhịp, cần phải cho bệnh nhân thuốc chống đông máu, giống như trong rung nhĩ.

Nếu thuốc được sử dụng để phục hồi nhịp xoang, trước tiên phải kiểm soát tần số bằng thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi nondihydropyridine (ví dụ: verapamil, diltiazem). Lý do là vì nhiều thuốc chống loạn nhịp dùng để chuyển nhịp xoang (đặc biệt là Ia và Ic) có tác dụng làm chậm tần số khử cực nhĩ, rút ngắn thời kỳ trơ của nút nhĩ thất (do hiệu ứng cường phế vị) hoặc cả hai tác dụng trên, dẫn đến kết quả là biến một cuồng nhĩ có khử cực nhĩ rất nhanh với mức block nhĩ thất cao thành cuồng nhĩ có khử cực nhĩ chậm hơn một chút nhưng có mức block 1:1, vô tình làm tăng đáp ứng thất và rối loạn huyết động. Các loại thuốc này có thể được sử dụng để điều trị duy trì lâu dài theo yêu cầu nhằm ngăn ngừa tái phát.

Hệ thống tạo nhịp chống nhịp nhanh là một giải pháp thay thế cho việc sử dụng thuốc chống loạn nhịp lâu dài và là liệu pháp hiếm được sử dụng ở những bệnh nhân có chỉ định tạo nhịp độc lập không đủ điều kiện hoặc những người đã thất bại trong các phương pháp kiểm soát nhịp tim khác. Có thể áp dụng thủ thuật triệt đốt cuồng nhĩ để cắt đứt vị trí trọng yếu của vòng vào lại điện học của cuồng nhĩ, ngăn chặn tái phát cuồng nhĩ, nhất là cuồng nhĩ điển hình.

Để ngăn ngừa thuyên tắc huyết khối, bệnh nhân cuồng động nhĩ mạn tính hoặc tái phát cần phải dùng thuốc chống đông đường uống (warfarin được chuẩn độ thành INR từ 2 đến 3, thuốc ức chế thrombin trực tiếp hoặc thuốc ức chế yếu tố Xa). Sự lựa chọn giữa các liệu pháp dựa trên những cân nhắc tương tự như trong điều trị rung nhĩ.

Những điểm chính

  • Đôi khi có thể có đáp ứng thất không đều và chậm, tùy thuộc vào mức block dẫn truyền nhĩ thất trong cơn cuồng nhĩ.

  • Sau khi kiểm soát tần số ban đầu bằng các loại thuốc như thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi nondihydropyridine (ví dụ: verapamil, diltiazem), hầu hết bệnh nhân cần phải sốc điện chuyển nhịp đồng bộ.

  • Trước khi chuyển nhịp, cần cho thuốc chống đông.

  • Đối với cuồng nhĩ mạn tính hoặc tái phát nhiều lần, cần cho thuốc chống đông dài hạn để dự phòng đột quỵ.