Chứng mất trí nhớ

TheoJuebin Huang, MD, PhD, Department of Neurology, University of Mississippi Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 08 2023

Mất trí nhớ là mất khả năng nhớ lại một phần hoặc toàn bộ những trải nghiệm trong quá khứ hoặc không có khả năng lưu giữ những ký ức mới sau sự kiện gây ra những ký ức đó. Nó có thể là hậu quả của chấn thương sọ não, thoái hóa, bệnh lý chuyển hóa, động kinh hoặc rối loạn tâm lý. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng nhưng thường bao gồm trắc nghiệm thần kinh tâm lý và chẩn đoán hình ảnh thần kinh (ví dụ: CT, MRI). Điều trị theo nguyên nhân

Việc xử lý các ký ức bao gồm:

  • Ghi nhận (lấy thông tin mới)

  • Mã hóa (tạo các liên kết, định mốc thời gian và các quá trình khác cần thiết cho việc tìm kiếm)

  • Lấy lại thông tin

Thiếu sót trong bất kỳ bước nào đều có thể gây ra chứng quên. Theo định nghĩa, chứng mất trí nhớ là do sự suy giảm các chức năng bộ nhớ, không suy giảm các chức năng khác (ví dụ như chú ý, động lực, lý luận, ngôn ngữ), có thể gây ra các triệu chứng tương tự.

Chứng mất trí nhớ có thể được phân loại như sau:

  • Ngược chiều: Mất trí nhớ đối với các sự kiện trước biến cố gây bệnh xảy ra

  • Thuận chiều: Không có khả năng lưu trữ những kí ức mới sau khi sự kiện gây bệnh xảy ra

  • Đặc hiệu theo từng giác quan: Mất trí nhớ đối với các sự kiện được xử lý bởi một giác quan - ví dụ: trí nhớ về thị giác

Mất trí nhớ có thể

  • Thoáng qua (xảy ra sau chấn thương não)

  • Vĩnh viễn, xảy ra sau một biến cố nghiêm trọng như viêm não, thiếu máu cục bộ toàn bộ hoặc ngừng tim

  • Tiến triển (xảy ra với sa sút trí tuệ do bệnh thoái hóa, như bệnh Alzheimer)

Rối loạn trí nhớ thường ảnh hưởng nhiều hơn đến sự kiện (trí nhớ quy nạp) và, ảnh hưởng ít hơn tới các kỹ năng (trí nhớ thường trực).

Căn nguyên của mất trí nhớ

Mất trí nhớ có thể là hậu quả của suy giảm trí não lan tỏa, tổn thương hai bên, hoặc tổn thương nhiều ổ làm giảm khu vực lưu trữ trí nhớ ở bán cầu não.

Các đường dẫn truyền chủ yếu đối với trí nhớ quy nạp nằm dọc theo mặt trong của vùng cạnh hải mã và hồi hải mã cũng như phần dưới trong các thùy thái dương, vùng ổ mắt của thùy trán (vùng nền não trước) và gian não (có chứa đồi thị và vùng dưới đồi). Trong số những cấu trúc này, những cấu trúc sau đây đóng vai trò quan trọng:

  • Hồi hải mã

  • Vùng dưới đồi

  • Hạnh nhân của vùng nền não trước

  • Nhân thalamic trung gian

Các nhân của hạnh nhân góp phần làm tăng cảm xúc lên trí nhớ. Nhân các lá của đồi thị và cấu trúc lưới của thân não kích thích sự ghi lại những ký ức. Tổn thương hai bên đối với nhân mặt lưng trong của đồi thị làm suy giảm nghiêm trọng trí nhớ gần và khả năng hình thành nên những ký ức mới.

Mất trí nhớ có thể do

  • Thiếu vitamin B1 (gây ra Bệnh não Wernicke hoặc là loạn thần Korsakoff) ở bệnh nhân nghiện rượu nặng mạn tính hoặc suy dinh dưỡng nặng

  • Chấn thương sọ não

  • Động kinh

  • Chứng thiếu máu não toàn bộ hoặc thiếu oxy não

  • Viêm não

  • Thuyên tắc ở đỉnh của động mạch thân nền, gây thiếu máu ở phân trước bên các thùy thái dương.

  • Sa sút trí tuệ do thoái hóa như bệnh Alzheimer

  • Ngộ độc nhiều thuốc khác nhau (ví dụ hít phải dung môi mãn tính, độc tính của amphotericin B hoặc lithium)

  • Các khối u ở vùng dưới đồi

  • Chấn thương tâm lý hoặc căng thẳng

Hội chứng Wernicke-Korsakoff là một dạng mất trí nhớ kết hợp bệnh não Wernickebệnh tâm thần Korsakoff.

Chứng mất trí nhớ sau chấn thương trong các giai đoạn ngay trước và sau khi bị chấn động não hoặc chấn thương sọ não ở mức độ vừa phải hoặc nặng có vẻ do tổn thương mặt trong thùy thái dương. Chấn thương ở mức vừa phải hoặc nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến các khu vực lưu trữ trí nhớ và hồi tưởng lớn hơn, cũng như nhiều bệnh lý não lan tỏa có thể gây ra chứng sa sút trí tuệ.

Rối loạn trí nhớ do căn nguyên tâm lý (xảy ra trong mất trí nhớ phân ly) là kết quả của chấn thương tâm lý hoặc căng thẳng quá mức.

Sự suy giảm trí nhớ liên quan đến độ tuổi (quên lành tính tuổi già) đề cập đến mất trí nhớ xảy ra cùng quá trình lão hóa bình thường. Những người bị quên lành tính tuổi già dần dần tiến triển các vấn đề đáng chú ý với trí nhớ, thông thường trước hết là tên gọi, sau đó là các sự kiện, và thỉnh thoảng là các mối liên hệ về không gian. Các bài kiểm tra nhận thức khách quan thường cho kết quả bình thường hoặc cho thấy mức độ thiếu hụt tối thiểu. Quên lành tính tuổi già không có mối liên quan với chứng sa sút trí tuệ, mặc dù có một số điểm tương đồng khó có thể bỏ qua.

Suy giảm nhận thức nhẹ thể trí nhớ (amnestic MCI) có thể xuất hiện ở những người có rối loạn trí nhớ mang tính chủ quan, những người thực hiện các bài kiểm tra trí nhớ khách quan kém hơn, nhưng những người này có nhận thức nguyên vẹn và chức năng hàng ngày bình thường. Những người bị MCI amnestic có nhiều khả năng tiến triển thành bệnh Alzheimer hơn những người cùng độ tuổi không có vấn đề về trí nhớ.

Chẩn đoán mất trí nhớ

  • Thăm khám thần kinh tại giường

  • Các bài kiểm tra thần kinh - tâm lý

Các kiểm tra đầu giường đơn giản (ví dụ: nhớ lại 3 món đồ, vị trí của các đồ vật trước đây được giấu trong phòng) và các kiểm tra tâm lý thần kinh chính thức (ví dụ: các kiểm tra việc học danh sách từ như kiểm tra học bằng lời nói của California và Kiểm tra nhắc nhở có chọn lọc Buschke) có thể giúp xác định mất trí nhớ lời nói. Đánh giá trí nhớ không lời khó hơn nhưng có thể bao gồm việc nhớ lại các hình khối trực quan hoặc một loạt các âm.

Các phát hiện trên lâm sàng thường gợi ý nguyên nhân gây bệnh và các xét nghiệm cần thiết.

Điều trị mất trí nhớ

  • Điều trị theo nguyên nhân

Bất kỳ bệnh lý tiềm ẩn hoặc nguyên nhân tâm lý của chứng mất trí nhớ cũng đều phải được điều trị. Tuy nhiên, một số bệnh nhân bị mất trí nhớ cấp tính cải thiện một cách tự phát. Một số bệnh lý gây mất trí nhớ (ví dụ: bệnh Alzheimer, bệnh tâm thần Korsakoff, viêm não herpes) có thể điều trị được; tuy nhiên, điều trị bệnh lý tiềm ẩn có thể làm giảm chứng quên nhưng cũng có thể không.

Thuốc cholinergic (ví dụ: donepezil) có thể cải thiện nhẹ và tạm thời trí nhớ ở bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer; những loại thuốc này cũng thường được điều trị thử khi hội chứng sa sút trí tuệ khác là nguyên nhân. Nếu không, không có biện pháp cụ thể nào có thể thúc đẩy phục hồi hoặc cải thiện kết quả.

Những điểm chính

  • Mất trí nhớ có nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm chấn thương sọ não, chứng sa sút trí tuệ do thoái hóa, bệnh lý chuyển hóa, động kinh, chấn thương tâm lý hoặc căng thẳng.

  • Chẩn đoán mất trí nhớ trên lâm sàng bằng các trắc nghiệm tại giường (ví dụ, nhắc lại 3 từ) hoặc các bài trắc nghiệm chuyên sâu (ví dụ, trắc nghiệm nhớ danh sách từ).

  • Điều trị nguyên nhân mất trí nhớ.