Bại liệt dây thần kinh sọ thứ sáu (Abducens)

TheoMichael Rubin, MDCM, New York Presbyterian Hospital-Cornell Medical Center
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 11 2023

Liệt dây thần kinh số 6 ảnh hưởng đến cơ thẳng ngoài, làm giảm khả năng liếc ngoài. Đôi khi mắt cũng có biểu lác trong nhẹ khi bệnh nhân nhìn thẳng về phía trước. Liệt vận nhãn có thể thứ phát sau nhồi máu thần kinh, bệnh não Wernicke, chấn thương, nhiễm trùng, hoặc tăng áp lực nội sọ, hoặc có thể là tự phát. Để xác định nguyên nhân, cần chụp MRI, chọc dịch não tủy và đánh giá viêm mạch.

(Xem thêm Tổng quan về bệnh lý thần kinh giác mạc và dây thần kinh sọ.)

Căn nguyên của liệt dây thần kinh sọ thứ sáu

Liệt dây thần kinh số sáu (vận nhãn) là kết quả của những trường hợp sau:

Tổn thương xoang hang có thể do huyết khối, nhiễm trùng, khối u vòm họng hoặc phình mạch.

Trẻ bị một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể xuất hiện liệt tái phát.

Tuy nhiên, thường không xác định được nguyên nhân gây ra liệt dây 6.

Các triệu chứng và dấu hiệu của liệt dây thần kinh sọ thứ sáu

Các triệu chứng của liệt dây 6 bao gồm nhìn đôi hai mắt khi nhìn ngang sang bên liệt. Vì hoạt động bổ trợ của cơ vận nhãn khác không bị cản trở, nên mắt lác trong nhẹ khi bệnh nhân nhìn thẳng về phía trước. Mắt liếc ngoài chậm, và ngay cả khi liếc ngoài tối đa, các củng mạc bên vẫn được bộc lộ. Khi liệt vận nhãn hoàn toàn, mắt không thể liếc ngoài quá đường giữa.

Liệt là kết quả của tổn thương xoang hang có thể gây ra đau đầu nghiêm trọng, phù nề kết mạc, gây tê trong phân chia dây thần kinh số 1 và số 2 của dây thần kinh sọ thứ 5, và liệt dây thần kinh số 3, 4 và 6. Cả hai bên có thể bị ảnh hưởng, mặc dù không đều.

Chẩn đoán liệt dây thần kinh sọ thứ sáu

  • MRI (hoặc CT)

  • Nếu nghi ngờ viêm mạch, tốc độ máu lắng (ESR), kháng thể kháng nhân và yếu tố dạng thấp

Liệt dây thần kinh số 6 thường gây triệu chứng lâm sàng rõ, nhưng nguyên nhân thì không rõ ràng. Nếu quan sát thấy xung động tĩnh mạch võng mạc trong quá trình soi đáy mắt, tăng áp lực nội sọ ít khả năng xảy ra.

Chụp CT bởi đây là xét nghiệm có thể tiến hành ngay. Tuy nhiên, cũng có thể lựa chọn MRI bởi nó cung cấp các hình ảnh có độ phân giải cao hơn của các cấu trúc ổ mắt, xoang hang, hố sau và dây thần kinh sọ. Nếu kết quả chụp bình thường, nhưng lâm sàng nghi ngờ viêm màng não hoặc tăng áp lực nội sọ, nên thực hiện chọc dịch não tủy.

Nếu trên lâm sàng nghi ngờ viêm mạch, có thể làm xét nghiệm máu lắng, kháng thể kháng nhân, và yếu tố dạng thấp.

Các kiểm tra khác có thể được thực hiện tùy thuộc vào nguyên nhân nghi ngờ của liệt dây thần kinh sọ thứ 6.

Ở trẻ em, tăng áp lực nội sọ đã được loại trừ, nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể là nguyên nhân gây liệt dây thần kinh sọ thứ 6.

Điều trị liệt dây thần kinh sọ thứ sáu

  • Điều trị nguyên nhân

Ở nhiều bệnh nhân, tình trạng liệt dây 6 sẽ phục hồi khi điều trị bệnh lý căn nguyên. Điều trị nhiễm trùng, viêm hoặc khối u, nếu có, có thể mang lại kết quả cải thiện.

Liệt dây 6 tự phát và liệt do thiếu máu thường thuyên giảm trong vòng 2 tháng.

Liệt dây thần kinh sọ thứ sáu thường tự khỏi khi nguyên nhân không phải do chấn thương và có thể xảy ra sau chấn thương.

Những điểm chính

  • Liệt dây thần kinh số 6 (dây vận nhãn ngoài) điển hình do bệnh lý vi mạch, đặc biệt là ở bệnh nhân đái tháo đường, nhưng nguyên nhân thường không rõ ràng.

  • Tình trạng liệt này gây ra rối loạn chức năng vận nhãn và song thị ngang.

  • Để xác định nguyên nhân, làm chẩn đoán hình ảnh thần kinh (tốt nhất là MRI), tiếp theo là chọc dò tủy sống nếu nghi ngờ kết quả chẩn đoán hình ảnh bình thường và tăng áp lực nội sọ. Nếu nghi ngờ viêm mạch, bắt đầu với tốc độ máu lắng (ESR), kháng thể kháng nhân và yếu tố dạng thấp.

  • Nếu đã chẩn đoán loại trừ tăng áp lực nội sọ ở trẻ em, nên cân nhắc chẩn đoán nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.

  • Liệt dây thần kinh sọ VI thường khỏi khi nguyên nhân không phải do chấn thương và có thể khỏi sau chấn thương; điều trị nhiễm trùng, viêm hoặc khối u, nếu có, có thể mang lại kết quả cải thiện.