Viêm giác mạc chấm nông

TheoMelvin I. Roat, MD, FACS, Sidney Kimmel Medical College at Thomas Jefferson University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 08 2022

Viêm giác mạc chấm nông là phản ứng viêm ở giác mạc do nhiều nguyên nhân đặc trưng bởi tổn thương biểu mô dạng chấm mảnh rải rác. Triệu chứng là đỏ mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, và thị lực giảm nhẹ. Chẩn đoán dựa vào khám sinh hiển vi. Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra.

Viêm giác mạc chấm nông là một biểu hiện không đặc hiệu. Các nguyên nhân có thể bao gồm:

Triệu chứng bao gồm chứng sợ ánh sáng, cảm giác dị vật, chảy nước mắt, đỏ mắt và thị lực giảm nhẹ.

Viêm kết mạc virus thường có hạch trước tai và có thể có phù nề kết mạc.

Khám bằng kính hiển vi hay đèn soi đáy mắt đều cho thấy tổn thương dạng chấm đặc trưng bắt màu với fluorescein.

Viêm giác mạc kèm theo viêm màng kết adenovirus thường phục hồi trong khoảng 3 tuần. Viêm bờ mi, viêm kết giác mạc khô, và bệnh mắt hột cần có phác đồ điều trị cụ thể. Khi nguyên nhân là lạm dụng kính áp tròng, điều trị sẽ bao gồm dừng đeo kính áp tròng và tra mỡ kháng sinh (ví dụ, ciprofloxacin 0,3% ngày 4 lần) nhưng không che mắt để tránh làm nặng tình trạng nhiễm trùng. Những người đeo kính áp tròng với viêm giác mạc chấm nông nên được kiểm tra vào ngày hôm sau. Dừng các thuốc tra bị nghi ngờ là nguyên nhân gây viêm giác mạc.

Viêm giác mạc tử ngoại

Ánh sáng tử ngoại (bước sóng < 300 nm) có thể làm tổn thương giác mạc, gây viêm giác mạc hoặc viêm kết giác mạc. Hàn hồ quang là một nguyên nhân phổ biến; thậm chí chỉ liếc qua không có kính bảo vệ cũng có thể bị bỏng. Các nguyên nhân khác bao gồm các tia lửa điện cao áp, đèn mặt trời nhân tạo và ánh sáng mặt trời phản chiếu trên tuyết ở độ cao lớn. Tia UV tăng từ 4 đến 6% đối với mỗi độ cao trên 1000 feet (305 m) so với mực nước biển, và tuyết phản chiếu 85% UVB.

Triệu chứng thường không rõ ràng trong 8 đến 12 giờ sau khi tiếp xúc và kéo dài 24 đến 48 giờ. Bệnh nhân bị chảy nước mắt, đau, đỏ mắt, sưng, sợ ánh sáng, đau đầu, cảm giác cộm, và thị lực giảm. Rất hiếm khi mất thị lực vĩnh viễn.

Chẩn đoán dựa vào bệnh sử, tổn thương chấm nông giác mạc và không có dị vật hoặc nhiễm trùng.

Điều trị gồm thuốc mỡ kháng sinh (ví dụ, bacitracin hoặc gentamicin 0,3% thuốc mỡ 8 giờ một lần) và đôi khi là thuốc tra liệt điều tiết tác dụng ngắn (ví dụ cyclopentolate 1% 4 giờ một lần). Đau nặng có thể cần đến thuốc giảm đau toàn thân (ví dụ, acetaminophen 500 mg, 4 giờ một lần trong 24 giờ). Bề mặt giác mạc tự phục hồi trong 24 đến 48 giờ. Mắt cần được kiểm tra lại trong 24 giờ. Kính đen hoặc mũ bảo hộ của thợ hàn có màn chắn tia UV là có thể giúp phòng ngừa.