Đặt ống thông bàng quang

TheoPaul H. Chung, MD, Sidney Kimmel Medical College, Thomas Jefferson University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 03 2022

    Thủ thuật đặt ống thông bàng quang thường được thực hiện trong những trường hợp sau:

    • Lấy nước tiểu để làm xét nghiệm

    • Đo lượng nước tiểu tồn dư

    • Giải quyết tình trạng bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ

    • Bơm thuốc cản quang hoặc thuốc trực tiếp vào trong bàng quang

    • Rửa bàng quang

    Ống thông bàng quang có thể đặt qua đường niệu đạo hoặc đặt trên xương mu.

    Ống thông

    Ống thông bàng quang có nhiều loại thay đổi theo kích cỡ, hình dạng đầu chóp, số cổng, kích cỡ của bóng, loại vật liệu và chiều dài.

    Kích cỡ được chuẩn hóa bằng đơn vị French (F) - còn được gọi là đơn vị Charrière (Ch). Mỗi đơn vị là 0,33 mm, do đó một ống thông 14-F có đường kính 4,6 mm. Kích cỡ từ 12 đến 24 F cho người lớn và 8 đến 12 F cho trẻ em. Ống thông nhỏ thường là đủ để dẫn lưu nước tiểu mà không gây biến chứng và rất hữu ích để dùng cho hẹp niệu đạotắc nghẽn cổ bàng quang; các ống thông lớn hơn được chỉ định cho việc rửa bàng quang và một số trường hợp chảy máu bàng quang (ví dụ, sau phẫu thuật hoặc viêm bàng quang chảy máu) và đái mủ do các cục máu đông có thể gây tắc nghẽn các ống thông cỡ nhỏ hơn.

    Đầu ống thông có dạng thẳng ở hầu hết các loại ống thông (ví dụ ống thông Robinson, đầu dạng cái còi) và được sử dụng để đặt ngắt quãng (tức là, ống thông được lấy ra ngay sau khi nước tiểu được dẫn lưu ra khỏi bàng quang). Ống thông Foley (bằng latex có hai lòng) có đầu thẳng và một bóng hơi có thể bơm phồng lên để tự giữ tại chỗ. Các ống thông tự giữ khác có thể có đầu to hơn trông như dạng hình nấm (ống thông Pezzer) hoặc hình nấm có lỗ thủng ở 4 cánh (ống thông Malecot); chúng được sử dụng để dẫn lưu bàng quang trên xương mu hoặc dẫn lưu bể thận. Ống thông có mấu (coudé), là loại ống thông có bóng để tự giữ, có đầu cong lên để ống thông dễ dàng đi qua vị trí hẹp hoặc tắc nghẽn (ví dụ tắc nghẽn do tiền liệt tuyến).

    Cổng ống thông có ở tất cả các ống thông dùng để dẫn lưu nước tiểu liên tục. Nhiều ống thông có cổng để bơm bóng, cổng để bơm rửa, hoặc cả hai (ví dụ, ống thông Foley 3 trạc).

    Bóng trên ống thông tự giữ có thể tích khác nhau, từ 2,5 đến 5 mL trong bóng được dùng cho trẻ em và từ 10 đến 30 mL với ống thông dùng cho người lớn. Ống thông và bóng lớn thường được sử dụng để kiểm soát chảy máu; khi kéo ống thông ra sẽ kéo bóng chèn vào cơ của bàng quang và ép lên các mạch máu, làm giảm chảy máu nhưng có thể gây thiếu máu cục bộ. Khuyến cáo các bóng này chỉ được bơm bằng nước.

    Que dẫn là dụng cụ dẫn đường bằng kim loại có thể uốn theo ý muốn được đưa vào trong ống thông để tạo độ cứng và thuận lợi cho ống thông qua các chỗ bị tắc nghẽn hoặc chỗ hẹp và chỉ nên được sử dụng bởi các bác sĩ có kinh nghiệm với kỹ thuật này.

    Vật liệu tạo ống thông được lựa chọn phụ thuộc vào mục đích sử dụng. Ống thông bằng nhựa, cao su, hoặc polyvinyl clorua được sử dụng cho ống thông dùng đặt ngắt quãng. Ống thông bằng cao su kết hợp với silicone, hydrogel, hoặc polymer phủ bạc hoặc trộn lẫn với bạc (để làm giảm phát triển vi khuẩn) được sử dụng cho ống thông dùng dẫn lưu liên tục. Ống thông làm bằng silicone được sử dụng cho những bệnh nhân dị ứng với cao su.

    Ống thông niệu đạo

    Một ống thông niệu đạo có thể được đặt bởi nhân viên y tế đã được đào tạo và đôi khi bởi chính bệnh nhân. Không bắt buộc phải chuẩn bị bệnh nhân trước. Bàng quang được đặt ống thông niệu đạo trừ khi có chống chỉ định đặt theo đường niệu đạo.

    Chống chỉ định tương đối những trường hợp sau:

    Đặt ống thông niệu đạo bắt đầu bằng việc làm sạch cẩn thận lỗ niệu đạo bằng dung dịch kháng khuẩn. Sau đó, sử dụng kỹ thuật vô trùng nghiêm ngặt, ống thông được bôi trơn bằng gel vô trùng và nhẹ nhàng đưa qua niệu đạo vào bàng quang. Lidocaine dạng gel có thể được bơm vào niệu đạo của nam giới trước khi đặt ống thông để giúp giảm bớt sự khó chịu. (Xem thêm Cách đặt ống thông niệu đạo ở nữ giớiCách đặt ống thông niệu đạo ở nam giới.)

    Biến chứng của đặt ống thông bàng quang gồm có:

    • Chấn thương niệu đạo hoặc chấn thương bàng quang biểu hiện bằng chảy máu hoặc đái máu vi thể (phổ biến)

    • Nhiễm trùng đường niệu (phổ biến)

    • Ống thông lạc đường

    • Sẹo và hẹp

    • Thủng bàng quang (hiếm)

    • Nhiễm trùng ở nam giới không cắt bao quy đầu nếu bao quy đầu không được đặt lại

    Các nhiễm trùng đường niệu có liên quan đến ống thông có xu hướng làm tăng nguy cơ tàn tật, tử vong, gia tăng chi phí chăm sóc sức khoẻ và thời gian nằm viện. Các khuyến cáo nhằm giảm thiểu tỷ lệ nhiễm trùng đường niệu bao gồm:

    • Hạn chế việc sử dụng ống thông niệu đạo với chỉ định rõ ràng về mặt y khoa (ví dụ,hạn chế tối thiểu số lần thăm khám bằng cách lấy nước tiểu kiểm tra qua ống thông bởi nhân viên y tế)

    • Rút ống thông càng sớm càng tốt

    • Kỹ thuật đặt ống thông đảm bảo vô khuẩn nghiêm ngặt

    • Duy trì tính vô khuẩn và đảm bảo hệ thống dẫn lưu nước tiểu kín

    Ống thông trên xương mu

    Đặt ống thông dẫn lưu trên xương mu qua da đươc thực hiện bởi bác sĩ niệu khoa hoặc bác sĩ có kinh nghiệm khác. Không cần phải chuẩn bị bệnh nhân trước. Các chỉ định thường bao gồm dẫn lưu bàng quang lâu dài, không thể đặt ống thông qua niệu đạo hoặc chống chỉ định dùng ống thông trong khi việc thông dẫn lưu bàng quang là cần thiết.

    Chống chỉ định bao gồm:

    • Không thể định vị được vị trí bàng quang bằng lâm sàng hoặc bằng siêu âm

    • Bàng quang trống nước tiểu

    • Nghi ngờ dính các tạng ở vùng chậu hoặc vùng bụng dưới (ví dụ sau phẫu thuật vùng chậu hoặc vùng ổ bụng dưới hoặc sau xạ trị)

    Sau khi gây tê tại vị trí bụng trên xương mu, một kim chọc tuỷ sống được chọc vào trong bàng quang; có thể dưới hướng dẫn siêu âm (nếu có). Sau đó một ống thông được đặt qua một trocar đặc biệt hoặc qua một dây dẫn đã được luồn qua kim chọc tuỷ. Chống chỉ định chọc mù khi bệnh nhân đã phẫu thuật hay đã xạ trị vùng hạ vị. Các biến chứng bao gồm nhiễm trùng đường niệu, tổn thương ruột, và chảy máu.