Thiếu hụt glucose-6-phosphate Dehydrogenase (G6PD)

TheoEvan M. Braunstein, MD, PhD, Johns Hopkins University School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 06 2022

Thiếu hụt glucose-6-phosphate dehydrogenase (G6PD) là một khiếm khuyết enzym liên kết X thường gặp ở những người có nguồn gốc châu Phi, có thể dẫn đến tan máu sau các bệnh cấp tính hoặc dùng thuốc oxy hóa (bao gồm cả salicylat và sulfonamid). Chẩn đoán dựa trên xét nghiệm G6PD, mặc dù kết quả thường âm tính giả trong quá trình tan máu cấp do có hồng cầu lưới, vốn chứa nhiều G6PD hơn các tế bào cũ. Điều trị là hỗ trợ.

(Xem thêm Tổng quan về Thiếu máu tan máu.)

Thiếu G6PD, một khiếm khuyết trong con đường hexose monophosphate, thường gặp nhất trong các dạng rối loạn chuyển hóa của hồng cầu. Gen G6PD nằm trên nhiễm sắc thể X và có tính đa hình do đó hoạt động của G6PD trải rộng từ bình thường đến giảm trầm trọng. Các biến thể được phân loại từ I đến V theo số lượng hoạt động của enzym G6PD. Bởi vì gen liên kết X, nam giới có nhiều khả năng mắc chứng tan máu đáng kể về mặt lâm sàng. Những phụ nữ đồng hợp tử, hoặc dị hợp tử có bất hoạt nhiễm sắc thể X lệch lạc dẫn đến tỷ lệ nhiễm sắc thể X bị tổn thương cao cũng có thể bị tổn thương.

Ở Mỹ, khiếm khuyết này phổ biến nhất ở những người có tổ tiên gốc Phi, xảy ra ở khoảng 10% nam giới người Mỹ gốc Phi và ở < 10% số nữ giới người Mỹ gốc Phi. Nó xảy ra với tần suất thấp hơn ở những người từ lưu vực Địa Trung Hải (ví dụ: người Ý, Hy Lạp, Ả Rập hoặc Do Thái Sephardic) và những người có tổ tiên châu Á.

Sinh lý bệnh Thiếu hụt G6PD

Thiếu G6PD làm cho hồng cầu dễ bị oxy hóa, làm giảm tuổi thọ của hồng cầu. Tan máu xảy ra sau kích thích oxy hóa, thường là sau khi bị sốt, nhiễm virus hoặc vi khuẩn cấp tính, và nhiễm toan do tiểu đường. Tan máu từng đợt, tự hạn chế, mặc dù có một số hiếm bệnh nhân có tan máu mạn tính kéo dài ngay cả khi không có kích thích oxy hóa.

Ít phổ biến hơn, tan máu xảy ra sau khi tiếp xúc với thuốc hoặc với các chất khác tạo ra peroxide và gây oxy hóa hemoglobin và màng hồng càu. Các loại thuốc và chất này bao gồm primaquine, salicylat, sulfonamid, nitrofurans, phenacetin, naphtalen, một số dẫn xuất vitamin K, dapsone, phenazopyridine, axit nalidixic, xanh methylene, và trong một số trường hợp là đậu fava. Mức độ tan máu phụ thuộc vào mức độ thiếu hụt G6PD và khả năng oxy hóa của thuốc.

Triệu chứng và Dấu hiệu Thiếu hụt G6PD

Trong hầu hết các trường hợp, tan máu ảnh hưởng < 25% khối hồng cầu và gây ra vàng da thoáng qua và nước tiểu sẫm màu. Một số bệnh nhân có đau lưng và/hoặc đau bụng. Tuy nhiên, nếu thiếu hụt nhiều, tan máu nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến hemoglobin niệu và tổn thương thận cấp tính.

Chẩn đoán bệnh Thiếu hụt G6PD

  • Tiêu bản máu ngoại vi

  • Xét nghiệm G6PD

Cần nghĩ đến nguyên nhân này khi bệnh nhân có dấu hiệu tan máu cấp, đặc biệt là nam giới có thiếu máu tan máu, test kháng globulin trực tiếp âm tính (xem Chẩn đoán Thiếu máu tan máu). Thiếu máu, vàng da và tăng hồng cầu lưới phát triển trong quá trình tán huyết.

Phết tế bào ngoại vi có thể tiết lộ các hồng cầu dường như có một vết phồng rộp (tế bào phồng rộp) hoặc có một hoặc nhiều "vết cắn" (rộng 1 micron) được lấy từ ngoại vi tế bào (tế bào có vết cắn) và các hồng cầu có tạp chất được gọi là thể Heinz, là các hạt của hemoglobin biến tính, chỉ có thể nhận biết được bằng các thuốc nhuộm đặc biệt. Những tế bào này có thể được nhìn thấy trong suốt giai đoạn tan máu nhưng không tồn tại ở bệnh nhân vì sẽ bị lách tiêu hủy.

Xét nghiệm hoạt động của G6PD Xét nghiệm hoạt động của G6PD Tuy nhiên, trong và ngay sau khi xảy ra hiện tượng tan máu, các xét nghiệm có thể mang lại kết quả âm tính giả vì sự phá hủy các hồng cầu già thiếu nhiều G6PD, và sự sản xuất của các hồng cầu lưới giàu G6PD. Do đó, cần xét nghiệm lại vài tuần sau đợt cấp Các kết quả dương tính cũng cần khẳng định lại bằng các xét nghiệm định lượng

Điều trị bệnh Thiếu hụt G6PD

  • Tránh các yếu tố kích hoạt, loại bỏ các loại thuốc hoặc tác nhân, và chăm sóc hỗ trợ

Trong quá trình tan máu cấp, có thể điều trị hỗ trợ; hiếm khi nào cần truyền máu. Bệnh nhân nên tránh sử dụng thuốc hoặc chất kích thích tan máu.

Những điểm chính

  • Thiếu G6PD là rối loạn di truyền phổ biến nhất của trao đổi chất hồng cầu (RBC) và có thể gây tan máu khi gặp kích thích.

  • Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở một số nhóm dân tộc nhất định (ví dụ, những người có tổ tiên gốc Phi, Địa Trung Hải hoặc Châu Á).

  • Các tác nhân kích thích bao gồm các bệnh cấp tính (ví dụ như nhiễm trùng), thuốc (ví dụ salicylat) và các chất khác (ví dụ đậu fava) gây ra stress oxy hóa.

  • Chẩn đoán bằng xét nghiệm phết tế bào ngoại vi và xét nghiệm G6PD; xét nghiệm G6PD âm tính giả có thể xảy ra trong quá trình tan máu cấp tính, do đó cần phải xét nghiệm lại sau vài tuần nếu xét nghiệm G6PD ban đầu là âm tính.

  • Tránh các yếu tố khởi phát để hạn chế tình trạng tan máu.