Quên phân ly

TheoDavid Spiegel, MD, Stanford University School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 05 2023

Quên phân ly là một dạng của rối loạn phân ly liên quan tới sự mất khả năng tái hiện lại được các thông tin cá nhân quan trọng mà thường không bị mất đi trong việc quên bình thường. Nó thường gây ra bởi sang chấn hoặc căng thẳng. Chẩn đoán dựa trên tiền sử sau khi loại bỏ hết các nguyên nhân gây mất trí. Điều trị bằng liệu pháp tâm lý, đôi khi kết hợp với phương pháp thôi miên hoặc các cuộc phỏng vấn được tạo điều kiện thuận lợi bằng thuốc.

(Xem thêm Tổng quan về các rối loạn phân ly.)

Trong quên phân ly, thông tin bị mất thường là một phần của nhận thức có ý thức và sẽ được mô tả như bộ nhớ tự truyện.

Mặc dù thông tin bị lãng quên có thể không thể tiếp cận với ý thức, nhưng đôi khi nó vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến hành vi (ví dụ như một phụ nữ bị cưỡng hiếp trong thang máy từ chối đi thang máy mặc dù cô không nhớ được vụ cưỡng hiếp).

Có khả năng phát hiện chứng hay quên phân ly. Tỷ lệ hiện hành không được thiết lập rõ ràng, nhưng ước tính nằm trong khoảng từ 0,2% đến 7,3% (1).

Việc quên dường như được gây ra bởi việc trực tiếp trải qua hay chứng kiến các trải nghiệm mang tính chất sang chấn hoặc căng thẳng (ví dụ, lạm dụng thể chất và tình dục, hiếp dâm, đánh nhau, diệt chủng, thảm họa tự nhiên, chết người mình yêu thương, các vấn đề tài chính nghiêm trọng) hoặc bởi các xung đột nội tâm to lớn (ví dụ, sự hỗn loạn trên các xung đột hoặc hành động mang mặc cảm tội lỗi, các khó khăn tương tác cá nhân hầu như không thể giải quyết, hành vi phạm tội).

Tài liệu tham khảo chung

  1. 1. Staniloiu A, Markowitsch HJ: Dissociative amnesia. Lancet Psychiatry 1(3):226-241, 2014. doi: 10.1016/S2215-0366(14)70279-2

Các triệu chứng và dấu hiệu của chứng hay quên phân ly

Triệu chứng chính của chứng hay quên phân ly là mất trí nhớ mà không phù hợp với sự lãng quên bình thường. Chứng hay quên có thể xảy ra trong một khoảng thời gian riêng biệt, đối với một số loại trải nghiệm hoặc trong phần lớn thời thơ ấu.

  • Cục bộ hóa

  • Chọn lọc

  • Lan tỏa

Hiếm khi, quên phân ly được đi kèm với đi du lịch có mục đích hoặc đi lang thang không phương hướng, được gọi là trốn nhà (bắt nguồn từ tiếng Latinh fugere là "trốn chạy").

Quên cục bộ liên quan đến việc không thể nhớ lại một sự kiện hoặc những sự kiện cụ thể hoặc một khoảng thời gian cụ thể; những khoảng trống trong trí nhớ này thường liên quan đến sang chấn hoặc căng thẳng. Ví dụ, bệnh nhân có thể quên đi những tháng hoặc những năm bị lạm dụng khi còn là một đứa trẻ hoặc những ngày trong lúc chiến đấu căng thẳng. Việc quên này có thể không biểu lộ hàng giờ, hàng ngày hoặc lâu hơn sau khoảng thời gian sang chấn. Thông thường, khoảng thời gian bị quên, có thể từ vài phút đến hàng thập kỷ, có phân cách rõ ràng. Thông thường, bệnh nhân trải qua một hoặc nhiều giai đoạn mất trí nhớ.

Quên chọn lọc liên quan đến việc quên chỉ một số sự kiện trong một thời gian nhất định hoặc chỉ là một phần của một sự kiện sang chấn. Bệnh nhân có thể có cả chứng quên cục bộ và chọn lọc.

Trong chứng hay quên lan tỏa, bệnh nhân quên bản dạng và tiểu sử của mình – ví dụ, họ là ai, họ đã đi đâu, họ đã nói chuyện với ai, và những gì họ làm, nói, suy nghĩ, trải nghiệm và cảm thấy. Một số bệnh nhân không còn khả năng thực hiện các kỹ năng đã được học kĩ càng và mất đi các thông tin đã hình thành về thế giới. Chứng hay quên phân ly lan tỏa rất hiếm; nó phổ biến hơn ở các cựu chiến binh đánh trận, những người đã bị tấn công tình dục, và những người trải qua các căng thẳng tột độ hoặc xung đột. Khởi phát thường là đột ngột.

Trong quên có hệ thống, bệnh nhân quên thông tin về một phạm trù cụ thể, chẳng hạn như tất cả thông tin về một người cụ thể hoặc về gia đình họ.

Trong quên liên tục, bệnh nhân quên mỗi sự kiện mới khi nó xảy ra.

Hầu hết các bệnh nhân đều một phần hay hoàn toàn không biết rằng họ có những khoảng trống trong ký ức của họ. Họ chỉ biết được khi nhân dạng cá nhân bị mất hoặc khi hoàn cảnh làm họ biết-ví dụ như khi những người khác nói hoặc hỏi họ về các sự kiện mà họ không thể nhớ.

Bệnh nhân dường như trở nên rối bời ngay sau khi họ bị quên. Một số người thì rất đau khổ; có những người lại không để ý. Nếu những người không nhận ra được việc quên của mình để tìm đến sự giúp đỡ chuyên khoa tâm thần, thì họ cũng làm vậy vì các lí do khác.

Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc hình thành và duy trì mối quan hệ.

Một số bệnh nhân nói rằng họ có những hồi tưởng, như xảy ra trong rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD); những hồi tưởng có thể luân phiên với quên bằng các nội dung của chúng. Một số bệnh nhân phát triển PTSD sau đó, đặc biệt là khi họ nhận ra những sự kiện sang chấn hoặc căng thẳng đã gây ra chứng quên của họ.

Các triệu chứng trầm cảm và thần kinh chức năng khá phổ biến, cũng như hành vi tự sát và các hành vi tự huỷ hoại khác. Nguy cơ có các hành vi tự sát có thể tăng lên khi việc quên đột ngột được giải quyết và bệnh nhân bị choáng ngợp bởi những ký ức về sang chấn.

Trốn nhà phân ly

Trốn nhà phân ly là một hiện tượng không thường thấy mà đôi khi xảy ra trong quên phân ly. Nó được phân loại là một loại chứng hay quên phân ly trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, Phiên bản thứ Năm, sửa đổi nội dung (DSM-5-TR), vì chứng hay quên là một triệu chứng nổi bật và chứng điên bỏ nhà đi tương đối hiếm gặp.

Trốn nhà phân ly thường biểu hiện như

  • Đột ngột, bất ngờ, cố ý đi xa nhà có mục đích

  • Đi lang thang không có phương hướng

Bệnh nhân, bị mất nhân dạng tập quán của họ, rời bỏ gia đình và công việc. Một cơn trốn nhà có thể kéo dài từ vài giờ đến vài tháng, đôi khi lâu hơn. Nếu cơn trốn nhà ngắn, họ có thể xuất hiện chỉ đơn giản là đã bỏ lỡ một số công việc hoặc về nhà muộn. Nếu cơn trốn nhà kéo dài vài ngày hoặc lâu hơn, họ có thể đi xa nhà, tự giả định một cái tên và nhân dạng mới, và bắt đầu một công việc mới, không nhận biết được bất cứ sự thay đổi nào trong cuộc đời của họ.

Nhiều bệnh nhân bị chứng điên bỏ nhà đi dường như đại diện cho việc thỏa mãn ước nguyện trá hình hoặc cách duy nhất được phép để thoát khỏi tình trạng đau khổ hoặc bối rối nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những người có gia đình hoặc xung đột giữa các cá nhân mà họ không thể giải quyết. Ví dụ: một giám đốc điều hành đang căng thẳng đối mặt với những đảo ngược trong kinh doanh đã rời bỏ cuộc sống bận rộn ở thành phố và sống như một nông dân ở nông thôn.

Trong thời gian trốn nhà, bệnh nhân có thể xuất hiện và hoạt động bình thường hoặc chỉ rối bời chút ít. Tuy nhiên, khi cơn trốn nhà kết thúc, bệnh nhân nói đột ngột nhận thấy mình trong tình huống mới và không có ký ức về cách họ đến để có mặt ở đó hoặc những gì họ đang làm. Họ thường cảm thấy xấu hổ, khó chịu, đau buồn, và/hoặc trầm cảm. Một số sợ hãi, đặc biệt là nếu họ không thể nhớ những gì đã xảy ra trong thời gian trốn nhà. Những biểu hiện này có thể đưa họ đến việc suy nghĩ về các cơ quan y tế hoặc pháp luật. Hầu hết mọi người có thể nhớ lại được nhân dạng và cuộc sống của họ, mặc dù việc nhớ lại có thể là một quá trình kéo dài; một số ít thì không hoặc hầu như không về quá khứ mập mờ của mình.

Thông thường, một cơn trốn nhà không được chẩn đoán cho đến khi bệnh nhân đột ngột quay trở lại nhân dạng của họ trước khi trốn nhà và đang đau khổ khi nhận thấy mình trong những hoàn cảnh không quen thuộc. Chẩn đoán thường được thực hiện hồi cứu, dựa trên các tài liệu về hoàn cảnh trước khi đi, bản thân việc đi, và việc thiết lập một cuộc sống khác.

Chẩn đoán chứng hay quên phân ly

  • Cẩm nang chẩn đoán và thống kê về rối loạn tâm thần‭‬, ấn bản lần thứ Năm, sửa đổi nội dung (DSM-5-TR)

  • Khám nội khoa và tâm thần để loại trừ các nguyên nhân khác

Chẩn đoán chứng hay quên phân ly dựa trên lâm sàng, dựa trên sự hiện diện của các tiêu chuẩn sau trong DSM-5-TR:

  • Bệnh nhân không thể nhớ lại những thông tin cá nhân quan trọng (thường liên quan đến sang chấn hoặc căng thẳng) mà thường không bị mất khi quên bình thường.

  • Các triệu chứng gây ra tình trạng đau khổ đáng kể hoặc làm suy giảm đáng kể chức năng xã hội hoặc nghề nghiệp.

Ngoài ra, các triệu chứng không thể được giải thích tốt hơn do tác dụng của thuốc hoặc rối loạn khác (ví dụ: sa sút trí tuệ, co giật phức hợp cục bộ, rối loạn sử dụng chất kích thích, chấn thương sọ não, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, một rối loạn phân ly khác).

Chẩn đoán đòi hỏi việc thăm khám thể chất và tâm thần để loại trừ các nguyên nhân có thể khác. Đánh giá ban đầu nên bao gồm

  • MRI để loại trừ các nguyên nhân về cấu trúc

  • Điện não đồ (EEG) để loại trừ rối loạn co giật

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu để loại trừ các nguyên nhân độc, chẳng hạn như sử dụng ma túy bất hợp pháp

Thử nghiệm tâm lý có thể giúp mô tả tốt hơn bản chất của những trải nghiệm phân ly.

Điều trị chứng hay quên phân ly

  • Để phục hồi trí nhớ, một môi trường hỗ trợ và đôi khi thôi miên hoặc trạng thái bán thôi miên do thuốc

  • Liệu pháp tâm lý để giải quyết các vấn đề liên quan đến những ký ức về sang chấn hoặc sự kiện căng thẳng được hồi phục

Nếu ký ức chỉ của một khoảng thời gian rất ngắn bị mất, việc điều trị hỗ trợ chứng quên phân ly thường là tương xứng thỏa đáng, đặc biệt nếu bệnh nhân không cần phải hồi phục lại ký ức về một số sự kiện đau lòng.

Điều trị mất trí nhớ nghiêm trọng hơn bắt đầu bằng việc tạo ra một môi trường an toàn và hỗ trợ. Chỉ riêng biện pháp này thường dẫn đến việc phục hồi dần dần những ký ức bị mất.

Khi một môi trường hỗ trợ không mang lại kết quả cải thiện hoặc khi nhu cầu khôi phục ký ức là cấp bách, việc đặt câu hỏi cho bệnh nhân khi họ đang bị thôi miên hoặc hiếm khi ở trạng thái bán thôi miên do thuốc (barbiturate hoặc benzodiazepine) có thể thành công. Những chiến lược này phải được thực hiện nhẹ nhàng bởi vì các bối cảnh sang chấn gây nên mất trí hầu như chắc chắn có thể nhớ lại và rất đau buồn. Người hỏi phải cẩn thận diễn đạt các câu hỏi để không gợi ý sự tồn tại của một sự kiện và tránh nguy cơ tạo ra một trí nhớ sai. Bệnh nhân bị lạm dụng, đặc biệt là trong thời thơ ấu, có thể mong đợi các nhà trị liệu để khai thác hoặc lạm dụng chúng và để áp đặt những kỷ niệm khó chịu hơn là giúp họ nhớ lại những ký ức thực sự (chấn thương).

Tính chính xác của ký ức đã được hồi phục bằng những chiến lược như thế chỉ có thể xác định bằng cách xác nhận từ bên ngoài. Tuy nhiên, bất kể mức độ chính xác của tiền sử, lấp vào các khoảng trống đó càng nhiều càng tốt thường có ích trong điều trị phục hồi tính liên tục về nhân dạng của bệnh nhân và cảm nhận của bản thân và trong việc tạo ra một câu chuyện đời sống gắn kết.

Một khi chứng quên được dỡ bỏ, điều trị giúp ích với những điều sau đây:

  • Đưa ra ý nghĩa cho sang chấn bên dưới hoặc xung đột cơ bản

  • Giải quyết các vấn đề liên quan đến giai đoạn quên

  • Cho phép bệnh nhân tiếp tục cuộc sống của họ

Nếu bệnh nhân đã bị chứng điên bỏ nhà ra đi phân ly, tâm lý trị liệu, đôi khi kết hợp với thôi miên hoặc phỏng vấn được tạo điều kiện thuận lợi bằng thuốc, có thể được sử dụng để cố gắng khôi phục trí nhớ; những nỗ lực này không phải lúc nào cũng thành công. Bất chấp điều đó, tâm lý trị liệu có thể hữu ích cho bệnh nhân trong việc khám phá cách họ xử lý các loại tình huống, xung đột và cảm xúc đã dẫn đến chứng điên bỏ nhà ra đi đó và do đó phát triển đáp ứng tốt hơn với những sự kiện đó và giúp ngăn ngừa tái diễn chứng điên bỏ nhà ra đi.

Tiên lượng về chứng hay quên phân ly

Đôi khi những ký ức trở lại nhanh chóng, điều có thể xảy ra khi bệnh nhân được đưa ra khỏi tình trạng sang chấn hoặc căng thẳng (ví dụ, chiến đấu). Trong những trường hợp khác, sự quên, đặc biệt ở những bệnh nhân trốn nhà phân ly, tồn tại trong một thời gian dài. Khả năng phân ly có thể giảm theo tuổi tác.

Hầu hết bệnh nhân hồi phục những ký ức bị mất của họ, và chứng quên được giải quyết. Tuy nhiên, một số không bao giờ có thể tái cấu trúc lại quá khứ bị mất của họ.

Tiên lượng được xác định chủ yếu bằng những điều sau:

  • Hoàn cảnh sống của bệnh nhân, đặc biệt là các căng thẳng và xung đột liên quan đến chứng quên

  • Điều chỉnh tâm lý tổng thể của bệnh nhân