Áp xe quanh amidan và viêm mô tế bào là các bệnh nhiễm trùng họng cấp tính thường gặp nhất ở thanh thiếu niên và thanh niên. Các triệu chứng là đau họng dữ dội, cứng hàm, giọng nói lúng búng đầy miệng và lệch lưỡi gà. Chẩn đoán cần phải có chọc hút bằng kim. Điều trị bao gồm bằng kháng sinh phổ rộng, dẫn lưu mủ, bù nước, dùng thuốc giảm đau và đôi khi là cắt amidan gấp.
Nguyên nhân của áp xe quanh amiđan và viêm mô tế bào
Áp xe (viêm mủ amidan) và viêm mô tế bào có thể đại diện cho một phổ của cùng một quá trình, trong đó nhiễm trùng do vi khuẩn ở amidan và ở họng lây lan đến các mô mềm. Nhiễm trùng hầu như luôn ở một bên và nằm giữa amidan và cơ thắt hầu họng trên. Bệnh thường liên quan đến nhiều vi khuẩn. Các loài Streptococcus và Staphylococcus là những mầm bệnh hiếu khí thường gặp nhất; Loài Bacteroides là mầm bệnh kỵ khí chiếm ưu thế.
Các triệu chứng và dấu hiệu của áp xe quanh amiđan và viêm mô tế bào
BÁC SĨ P. MARAZZI/SCIENCE PHOTO LIBRARY
Các triệu chứng bao gồm bắt đầu dần dần đau họng một bên dữ dội, khó nuốt, sốt, đau tai và sưng hạch cổ không đối xứng. Cứng hàm, giọng nói lúng búng đầy miệng (nói như thể có vật nóng trong miệng), biểu hiện nhiễm độc (ví dụ: giao tiếp bằng mắt kém hoặc không giao tiếp bằng mắt, dễ kích thích, không thể an ủi được hoặc mất tập trung, sốt, lo lắng), chảy nước dãi, hôi miệng nghiêm trọng, ban đỏ amidan, và xuất tiết là phổ biến. Áp xe và viêm mô tế bào đều gây sưng tấy phía trên amiđan bị thương tổn, nhưng áp xe gây ra một khối phình rời rạc hơn, có lệch vòm miệng mềm và lưỡi gà và khít hàm rõ rệt.
Chẩn đoán áp xe quanh amiđan và viêm mô tế bào
Chọc hút bằng kim
Đôi khi cần chụp CT
Viêm mô tế bào quanh amiđan được ghi nhận ở những bệnh nhân bị đau họng dữ dội và có những dấu hiệu sau:
Khít hàm
Giọng nói lúng búng đầy miệng ("Hot potato" voice)
Lệch lưỡi gà
Tất cả những bệnh nhân như vậy đều cần phải có chọc hút khối ở amidan bằng kim và nuôi cấy. Chọc hút mủ phân biệt áp xe với viêm mô tế bào. Siêu âm tại giường có thể được sử dụng để chẩn đoán và xác định vị trí tối ưu để chọc hút hoặc chích rạch và dẫn lưu; độ nhạy cao nhưng độ đặc hiệu chỉ ở mức trung bình (1).
CT cổ có thể giúp xác định chẩn đoán khi khám lâm sàng khó khăn hoặc nghi ngờ chẩn đoán, đặc biệt là khi tình trạng này phải được phân biệt với nhiễm trùng cạnh họng hoặc nhiễm trùng sâu khác ở cổ.
Tài liệu tham khảo chẩn đoán
1. Kim DJ, Burton JE, Hammad A, et al: Test characteristics of ultrasound for the diagnosis of peritonsillar abscess: A systematic review and meta-analysis. Acad Emerg Med 30 (8):859–869, 2023 doi: 10.1111/acem.14660
Điều trị áp xe quanh amiđan và viêm mô tế bào
Thuốc kháng sinh
Dẫn lưu áp xe
Viêm mô tế bào thuyên giảm, thường trong vòng 48 tiếng, khi có bù nước và penicillin liều cao (ví dụ: 2 triệu đơn vị đường tĩnh mạch, 4 giờ một lần hoặc 1 g đường uống, 4 lần mỗi ngày); kháng sinh thay thế bao gồm cephalosporin thế hệ thứ nhất hoặc clindamycin. Thuốc kháng sinh theo dẫn hướng của nuôi cấy sau đó được kê đơn trong 10 ngày.
Áp xe thường được chích rạch và dẫn lưu tại khoa cấp cứu bằng cách gây tê cục bộ kỹ lưỡng và đôi khi dùng thuốc an thần theo quy trình; nhiều bác sĩ lâm sàng tin rằng chỉ cần chọc hút bằng kim cũng có thể dẫn lưu hoàn toàn. Dẫn hướng bằng siêu âm đôi khi được sử dụng khi chẩn đoán áp xe không rõ ràng hoặc khi áp xe nhỏ (< 1 cm). Mặc dù hầu hết bệnh nhân có thể được điều trị ngoại trú, nhưng một số bệnh nhân cần nhập viện trong thời gian ngắn để dùng kháng sinh đường tiêm, truyền dịch qua đường tĩnh mạch và theo dõi đường thở.
Hiếm khi, thực hiện việc cắt amidan ngay lập tức, đặc biệt ở bệnh nhân trẻ tuổi hoặc không hợp tác có chỉ định khác trong việc cắt amidan theo lịch mổ phiên (ví dụ: tiền sử viêm amidan thường xuyên tái phát hoặc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn). Ngược lại, nếu bệnh nhân cũng đã từng bị viêm amidan tái phát, việc cắt amidan theo lịch mổ phiên được thực hiện sau đó 4 đến 6 tuần để ngăn ngừa áp xe tái phát.