Selen (Se) là một phần của enzyme glutathione peroxidase, chất này có tác dụng chuyển hóa hydroperoxide được hình thành từ các axit béo không bão hòa đa. Selen cũng là một phần của các enzyme khử iod của các hormone tuyến giáp. Nói chung, selen có tác dụng như một chất chống oxy hóa hoạt động cùng với vitamin E.
(Xem thêm Tổng quan về thiếu hụt khoáng chất và độc tính.)
Một số nghiên cứu dịch tễ học liên quan đến nồng độ selen thấp với bệnh ung thư. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy bổ sung selen không ngăn ngừa được u tuyến đại trực tràng trong tương lai ở những bệnh nhân đã cắt bỏ u tuyến đại trực tràng (1) và nhìn chung, không có bằng chứng nào cho thấy bổ sung selen ngăn ngừa ung thư (2).
Nồng độ selen trong huyết tương thay đổi từ 8 đến 25 mcg/dL (0,1 đến 0,3 micromol/L), tùy thuộc vào lượng selen nạp vào cơ thể.
Tình trạng thiếu selen rất hiếm xảy ra, ngay cả ở New Zealand và Phần Lan, ở đây lượng selen tiêu thụ là 30 đến 50 mcg/ngày, so với 100 đến 250 mcg/ngày ở Mỹ và Canada.
Ở một số khu vực của Trung Quốc, nơi có mức tiêu thụ trung bình từ 10 đến 15 mcg/ngày, tình trạng thiếu hụt selen khiến bệnh nhân mắc bệnh Keshan, một bệnh cơ tim do vi rút đặc hữu ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em và phụ nữ trẻ. Bệnh cơ tim này có thể được ngăn ngừa nhưng không được chữa khỏi khi bổ sung natri selenit 50 mcg/ngày bằng đường uống.
Những bệnh nhân được cung cấp dinh dưỡng toàn phần qua đường tĩnh mạch trong thời gian dài đã phát sinh tình trạng thiếu hụt selen kèm theo đau cơ và ấn đau đáp ứng với việc bổ sung selenomethionine.
Ở Nga và Trung Quốc thuộc vùng Siberia, trẻ em đang lớn bị thiếu hụt selen có thể mắc bệnh xương khớp mạn tính (bệnh Kashin-Beck).
Thiếu hụt selen có thể góp phần hiệp đồng với tình trạng thiếu iốt dẫn đến phát sinh của bệnh bướu cổ và suy giáp (3).
Chẩn đoán thiếu hụt selen được thực hiện trên lâm sàng hoặc đôi khi bằng cách đo hoạt tính của peroxidase glutathione hoặc đo nồng độ selen trong huyết tương, nhưng cả hai xét nghiệm này đều không có sẵn.
Điều trị thiếu selen bao gồm selenit natri 100 mcg/ngày đường uống.
Tài liệu tham khảo chung
1. Thompson PA, Ashbeck EL, Roe DJ, et al: Selenium supplementation for prevention of colorectal adenomas and risk of associated type 2 diabetes. J Natl Cancer Inst 108 (12), 2016. doi: 10.1093/jnci/djw152
2. Vinceti M, Filippini T, Del Giovane C, et al: Selenium for preventing cancer. Cochrane Database Syst Rev 1 (1):CD005195, 2018 doi:10.1002/14651858.CD005195.pub4
3. Winther KH, Rayman MP, Bonnema SJ, Hegedus L: Selenium in thyroid disorders—essential knowledge for clinicians. Nat Rev Endocrinol 16:165–176, 2020. doi: 10.1038/s41574-019-0311-6