Thử nghiệm gắng sức

TheoKaren L. Wood, MD, Grant Medical Center, Ohio Health
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 04 2022

    Hai hình thức thử nghiệm gắng sức phổ biến nhất dùng để đánh giá rối loạn hô hấp là:

    • Nghiệm pháp đi bộ 6 phút

    • Nghiệm pháp gắng sức hô hấp tim mạch

    Nghiệm pháp đi bộ sáu phút

    Thử nghiệm đơn giản này đo khoảng cách tối đa mà bệnh nhân có thể đi bộ theo tốc độ riêng của họ trong 6 phút. Bài kiểm tra đánh giá năng lực chức năng toàn bộ nhưng không cung cấp thông tin cụ thể về các hệ cơ quan riêng biệt liên quan đến khả năng tập thể dục (ví dụ: tuần hoàn, hô hấp, huyết học, cơ xương khớp). Nghiệm pháp này cũng không đánh giá được nỗ lực của bệnh nhân. Nó được sử dụng để đánh giá tình trạng trước và sau phẫu thuật ở các bệnh nhân ghép phổi và phẫu thuật giảm thể tích phổi, để theo dõi đáp ứng với các can thiệp điều trị và phục hồi chức năng hô hấp, dự đoán tỷ lệ tử vong và mắc bệnh ở bệnh nhân có các rối loạn về tuần hoàn và hô hấp.

    Nghiệm pháp gắng sức hô hấp tim mạch (CPET)

    Thử nghiệm trên máy tính này cung cấp những phân tích từng hơi thở về trao đổi khí hô hấp, chức năng tim khi nghỉ ngơi và trong thời gian tập thể dục, cường độ được tăng dần cho đến khi các triệu chứng làm giới hạn bài kiểm tra. Thông tin về luồng khí thở, mức tiêu thụ oxy, sản xuất carbon dioxide và nhịp tim được thu thập và sử dụng để tính toán các biến số khác. Khí máu động mạch cũng có thể được lấy mẫu. Bài tập được thực hiện trên máy chạy bộ hoặc máy đạp xe đạp; các máy đạp xe đạp có thể được ưa thích hơn bởi vì tỷ lệ hoạt động có thể được đo trực tiếp và bài kiểm tra ít bị ảnh hưởng bởi béo phì.

    CPET chủ yếu xác định liệu bệnh nhân có giảm hay không khả năng tập thể dục tối đa (VO2max) và cho thấy các nguyên nhân có thể. CPET được sử dụng để xác định những hệ cơ quan nào góp phần vào các triệu chứng khó thở khi tập luyện, cản trở thể lực và ở mức độ nào. Thử nghiệm cũng nhạy hơn để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hoặc cận lâm sàng so với các xét nghiệm ít toàn diện hơn được thực hiện khi nghỉ ngơi. Một số ứng dụng của thử nghiệm này như:

    • Đánh giá khả năng tập thể dục để đánh giá mức độ tàn tật

    • Đánh giá trước phẫu thuật

    • Xác định xem các triệu chứng khó thở là do các vấn đề về tim hay phổi ở những bệnh nhân có rối loạn ở cả hai hệ thống cơ quan này.

    • Lựa chọn người cho cấy ghép tim

    • Đánh giá tiên lượng trong một số rối loạn (ví dụ: bệnh tim, rối loạn mạch máu phổi và xơ nang)

    CPET cũng có thể giúp đánh giá các đáp ứng đối với các can thiệp điều trị và giúp hướng dẫn các bài tập thể dục trong các chương trình phục hồi chức năng. Dựa trên các đáp ứng với điều trị hoặc tiến triển bệnh, CPET ở giai đoạn ổn định bao gồm ít nhất 6 phút làm việc liên tục ở mức 50 đến 70% mức độ làm việc tối đa đạt được trong một CPET gắng sức tối đa có thể hữu ích hơn một thử nghiệm CPET gắng sức tối đa, tăng dần. Đánh giá lặp lại chỉ số này theo thời gian giúp cung cấp dữ liệu so sánh và nhạy với sự cải thiện hoặc suy giảm chức năng tim phổi.

    Nhiều biến số được đánh giá trong suốt quá trình thực hiện CPET và không có một chỉ số đơn độc nào chẩn đoán nguyên nhân gây ra sự hạn chế gắng sức. Thay vào đó, người ta sử dụng cách tiếp cận kết hợp cả dữ liệu lâm sàng, các xu hướng trong quá trình tập thể dục và nhận biết các đáp ứng sinh lý cơ sở.