Ngộ độc tai trong do thuốc

TheoLawrence R. Lustig, MD, Columbia University Medical Center and New York Presbyterian Hospital
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 05 2023

Nhiều loại thuốc có thể gây độc với tai trong. Các yếu tố liên quan đến thuốc ảnh hưởng đến độc tính trên tai bao gồm

  • Liều

  • Thời gian điều trị

  • Suy thận đồng thời

  • Tốc độ truyền

  • Liều tổng thể

  • Dùng đồng thời với các loại thuốc khác có khả năng gây độc cho tai

  • Gene di truyền nhạy cảm ngộ độc tai trong

Thuốc gây độc cho tai không nên được sử dụng để bôi ngoài tai khi màng nhĩ bị thủng vì thuốc có thể khuếch tán vào tai trong.

Aminoglycosides, bao gồm những điều sau đây, có thể ảnh hưởng đến thính giác:

  • Streptomycin có xu hướng gây ra nhiều tổn hại hơn cho phần tiền đình so với phần thính giác của tai trong. Mặc dù chóng mặt và khó duy trì sự cân bằng có xu hướng là tạm thời, nhưng sự mất chức năng tiền đình nghiêm trọng có thể vẫn tồn tại, đôi khi là vĩnh viễn. Mất độ nhạy tiền đình gây khó khăn khi đi lại, đặc biệt là trong bóng tối và nhìn dao động (cảm giác môi trường xung quanh rung lên theo từng bước). Khoảng 4 đến 15% bệnh nhân được dùng 1 g/ngày cho > 1 tuần lễ phát triển giảm thính lực đo lường, thường xảy ra sau một khoảng thời gian ngắn (7 đến 10 ngày) và dần dần xấu đi nếu tiếp tục điều trị. Điếc hoàn toàn, vĩnh viễn có thể xảy ra.

  • Neomycin gây độc với ốc tai nhất của tất cả các kháng sinh. Khi dùng liều lớn hoặc bằng cách uống hoặc bằng thụt đại tràng để khử trùng ruột, có thể bị hấp thu đủ để ảnh hưởng đến thính giác, đặc biệt nếu có tổn thương niêm mạc ruột ở đại tràng. Không nên sử dụng neomycin để rửa vết thương hoặc tưới trong màng phổi hoặc trong màng bụng vì một lượng lớn thuốc này có thể bị giữ lại và hấp thụ, gây điếc.

  • Kanamycin và amikacin gần với neomycin trong tiềm năng gây độc với ốc tai và cả hai đều có khả năng gây nên tình trạng mất thính lực sâu, vĩnh viễn cùng với sự thiếu cân bằng.

  • Gentamicin và tobramycin có độc tính với tiền đình và ốc tai, gây suy giảm thăng bằng và nghe.

  • Vancomycin có thể gây nghe kém, đặc biệt là trên bệnh nhân suy thận.

Một số đột biến DNA ty thể dẫn đến ngộ độc aminoglycoside.

Azithromycin, một loại macrolide, gây nghe kém có thể hồi phục hoặc không thể hồi phục trong một số trường hợp hiếm gặp.

Viomycin một peptide cơ bản có đặc tính kháng lao, có độc tính đối với ốc tai và tiền đình.

Thuốc hóa trị liệu (thuốc chống ung thư), đặc biệt là thuốc có chứa bạch kim (cisplatin và carboplatin), có thể gây ù tai và nghe kém. Nghe kém có thể nghiêm trọng và vĩnh viễn, xảy ra ngay sau khi dùng liều đầu tiên hoặc có thể muộn cho đến vài tháng sau khi kết thúc điều trị. Nghe kém tiếp nhận xảy ra hai bên, tiến triển giảm dần, và là vĩnh viễn.

Ethacrynic acid và furosemide cho dùng tiêm tĩnh mạch đã gây ra tình trạng nghe kém vĩnh viễn, lâu dài ở những bệnh nhân suy thận đã dùng kháng sinh aminoglycosid.

Salicylat ở các mức liều cao (> 12 viên aspirin 325 mg mỗi ngày) gây nghe kém tạm thời và ù tai.

Quinine và các chất thay thế tổng hợp của thuốc này có thể gây nghe kém tạm thời.

(Xem thêm Nghe kém.)

Phòng ngừa Tổn hại đến tai do thuốc gây ra

Cần phải tránh sử dụng kháng sinh gây độc cho tai trong thời kỳ mang thai vì các loại kháng sinh này có thể làm hỏng mê đạo của thai nhi. Người cao tuổi và những người bị nghe kém từ trước không nên điều trị bằng thuốc gây độc cho tai nếu có sẵn các loại thuốc hiệu quả khác. Nên sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả của thuốc gây độc cho tai và phải theo dõi chặt chẽ nồng độ, đặc biệt là đối với aminoglycoside (cả nồng độ đỉnh và nồng độ đáy).

Nếu có thể trước khi điều trị bằng thuốc gây độc cho tai, cần phải đo thính lực và sau đó theo dõi trong quá trình điều trị; triệu chứng không phải là dấu hiệu cảnh báo đáng tin cậy.

Nguy cơ nhiễm độc cho tai tăng lên khi sử dụng nhiều loại thuốc có khả năng gây độc cho tai và việc sử dụng các thuốc gây độc cho tai bài tiết qua thận ở những bệnh nhân bị tổn thương thận; trong những trường hợp này, cần phải theo dõi nồng độ thuốc chặt chẽ hơn. Ở những bệnh nhân đột biến DNA ty thể có khuynh hướng gây ngộ độc aminoglycosid, nên tránh dùng aminoglycosid.

Những điểm chính

  • Thuốc có thể gây ra mất thính giác, rối loạn cân bằng, và/hoặc ù tai.

  • Các loại thuốc gây độc cho tai phổ biến bao gồm aminoglycoside, thuốc hóa trị liệu có chứa bạch kim và salicylat liều cao.

  • Các triệu chứng có thể là thoáng qua hoặc vĩnh viễn.

  • Sử dụng liều thấp nhất có thể của thuốc gây độc cho tai và theo dõi chặt chẽ nồng độ của thuốc (đặc biệt là aminoglycoside); đo nồng độ thuốc trong quá trình điều trị để giúp ngăn ngừa tình trạng nghe kém do thuốc gây độc cho tai gây ra.

  • Các loại thuốc gây ra hoặc có nguy cơ nhiễm độc cho tai sẽ bị dừng lại nếu có thể, nhưng không có cách điều trị cụ thể.