Nhiễm Herpes Simplex (HSV) ở trẻ sơ sinh

TheoBrenda L. Tesini, MD, University of Rochester School of Medicine and Dentistry
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 07 2022

Nhiễm virus herpes simplex sơ sinh thường lây truyền trong cuộc đẻ. Dấu hiệu điển hình với tổn thương mụn phỏng vỡ mủ có thể khu trú hoặc tan tỏa các cơ quan. Chẩn đoán dựa vào nuôi cấy vi rút, xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase, miễn dịch huỳnh quang, hoặc kính hiển vi điện tử. Điều trị với acyclovir liều cao và chăm sóc hỗ trợ.

( Xem thêm Nhiễm virus Herpes simplex (HSV) ở người lớn và Tổng quan về nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh.)

Nhiễm virut herpes simplex ở trẻ sơ sinh có tỷ lệ tử vong cao và để lại di chứng nặng. Ước tính tỷ lệ mắc bệnh từ 1/3.000 đến 1/20.000 trẻ sinh. HSV loại 2 gây ra nhiều trường hợp bệnh hơn HSV type 1.

HSV thường lây truyền từ mẹ sang con trong cuộc đẻ do tiếp xúc với mầm bệnh khi trẻ đi qua đường sinh dục của mẹ. Một số trường họp nhiễm bệnh do tình trạng bội nhiễm bệnh viện thông qua trẻ sơ sinh khác nhiễm bệnh hoặc nhân viên y tế hoặc người nhà bệnh nhân. Những bà mẹ mang thai nhiễm HSV đường sinh dục - tình trặng mới có nguy cơ cao truyền cho trẻ mặc dù không có triệu chứng lâm sàng gì lúc sinh.

Các triệu chứng và dấu hiệu của nhiễm HSV sơ sinh

Các biểu hiện thường xảy ra giữa tuần thứ nhất và thứ 3 sau sinh, tuy nhiên, một số ít trường hợp trẻ mắc bệnh không có triệu chứng cho đến cuối tuần thứ 4. Trẻ có thể biểu hiện bệnh tại chỗ hoặc toàn thân. Mụn phỏng nhỏ ngoài da thường gặp ở cả hai loại, chiếm khoảng 70% các trường hợp bệnh. Trẻ sơ sinh không có triệu chứng ngoài da có thể xuất hiện triệu chứng cục bộ ở hệ thần kinh trung ương (CNS). Ở trẻ sơ sinh có triệu chứng khu trú ngoài da hoặc niêm mạc, các tổn thương có thể tiến triển nặng nề hơn trong vòng 7 đến 10 ngày nếu không được điều trị.

Biểu hiện của nhiễm vi rút Herpes Simplex ở trẻ sơ sinh (HSV)
Vi rút Herpes Simplex (HSV) khu trú ở trẻ sơ sinh
Vi rút Herpes Simplex (HSV) khu trú ở trẻ sơ sinh
Cận cảnh miệng của một trẻ sơ sinh này cho thấy một vết loét lớn màu đỏ dưới môi trên do HSV-1 gây ra.

BÁC SĨ P. MARAZZI/SCIENCE PHOTO LIBRARY

Vi rút Herpes Simplex (HSV) lan tỏa ở trẻ sơ sinh
Vi rút Herpes Simplex (HSV) lan tỏa ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh mắc bệnh AIDS này cũng bị nhiễm HSV-2 lan tỏa với các tổn thương bao phủ toàn bộ cơ thể.

BÁC SĨ M.A. ANSARY/SCIENCE PHOTO LIBRARY

Nhiễm vi rút herpes simplex ở trẻ sơ sinh
Nhiễm vi rút herpes simplex ở trẻ sơ sinh
Các đám mụn nước trên nền ban đỏ là đặc trưng và có thể có ở hầu hết mọi bộ phận của cơ thể.

Được sự cho phép của nhà xuất bản. Từ Demmler G: Nhiễm trùng bẩm sinh và chu sinh. Trong Atlas of Infectious Diseases: Pediatric Infectious Diseases. Biên tập bởi CM Wilfert. Philadelphia, Current Medicine, 1998.

Bệnh cục bộ

Trẻ sơ sinh bị bệnh khu trú có thể được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 có viêm não với biểu hiện của triệu chứng thần kinh, tăng bạch cầu và tăng protein dịch não tủy, có hoặc không có triệu chứng ở da, mắt và miệng. Nhóm 2 chỉ có da, mắt và miệng và không có triệu chứng của hệ thần kinh hoặc các cơ quan khác.

Bệnh lan tỏa

Bệnh có thể lan tỏa nhiều cơ quan bao gồm viêm gan, viêm phổi, đông máu nội quản mao mạch, có hoặc không có triệu chứng viêm não hoặc tổn thương ngoài da.

Các dấu hiệu khác, có thể xảy ra đơn lẻ hoặc đi kèm các triệu chứng khác bao gồm thay đổi về thân nhiệt, li bì, giảm trương lực cơ, suy hô hấp, ngưng thở, và co giật.

Chẩn đoán nhiễm HSV sơ sinh

  • Nuôi cấy HSV hoặc phản ứng chuỗi polymerase (PCR)

  • Đôi khi xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang các tổn thương hoặc soi kính hiển vi điện tử

Chẩn đoán nhanh bằng cách nuôi cấy virus hoặc HSV PCR là rất cần thiết. Vị trí tổn thương thường dùng nhất là các nốt phỏng ở trên da. Các dịch mũi họng, mắt, trực tràng, máu, và dịch não tủy cũng cần được kiểm tra. Ở một số trẻ sơ sinh bị viêm não, virus chỉ có ở hệ thần kinh trung ương. Chẩn đoán HSV sơ sinh cũng có thể được thực hiện bằng cách miễn dịch huỳnh quang của vết tổn thương dạng phỏng, đặc biệt với việc sử dụng các kháng thể đơn dòng và kính hiển vi điện tử.

Nếu không có phương tiện vi rút chẩn đoán nào, kiểm tra Tzanck của các tổn thương có thể cho thấy các tế bào khổng lồ đa nhân và nhiều hạt nhân đặc hiệu, nhưng xét nghiệm này độ nhay thấp và tỷ lệ dương tính giả có thể xảy ra.

Tiên lượng về nhiễm HSV sơ sinh

Tỷ lệ tử vong của bệnh herpes simplex lan tỏa không được điều trị là 85%; trong số trẻ sơ sinh bị viêm não không được điều trị, tỷ lệ này là khoảng 50%. Nếu không điều trị, ít nhất 65% số trẻ có tổn thương lan tỏa hoặc có viêm não sẽ có di chứng thần kinh nặng. Điều trị phù hợp, bao gồm acyclovir đường tiêm, tỷ lệ tử vong ở trẻ có nhiễm HSV hệ thống và viêm não giảm xuống 50% và làm tỷ lệ trẻ em phát triển bình thường tăng lên từ 35% đến 50-80%.

Trẻ nhiễm HSV khu trú da, mắt hoặc miệng rất ít khi gây biến chứng nặng hoặc tử vong. Tuy nhiên, không điều trị, nhiều trẻ có nguy cơ tiến triển bệnh lan tỏa toàn thân hoặc viêm não mà các triệu chứng có thể biểu hiện muộn.

Điều trị nhiễm HSV sơ sinh

  • Tiêm tĩnh mạch acyclovir

  • Liệu pháp hỗ trợ

Acyclovir nên được bắt đầu ngay lập tức ngày khi có triệu chứng hay tiền sử bệnh nghi ngờ trong lúc chờ kết quả xét nghiệm khẳng định. Trẻ sơ sinh có nhiễm HSV hệ thống hay viêm não do HSV tiêm 20 mg/kg tĩnh mạch, 8 giờ một lần trong 21 ngày. Sau phác đồ này, trẻ sơ sinh bị bệnh thần kinh trung ương được cho uống acyclovir 300 mg/m2 3 lần một ngày trong 6 tháng; phác đồ lâu dài này cải thiện kết quả phát triển thần kinh ở trẻ 1 tuổi nhưng có thể gây giảm bạch cầu trung tính.

Điều trị hỗ trợ tích cực bao gồm truyền dịch thích hợp, dinh dưỡng, hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh các rối loạn đông máu, và kiểm soát cơn co giật.

Đối với bệnh khu trú (da, miệng hoặc kết mạc), điều trị là acyclovir 20 mg/kg tĩnh mạch, 8 giờ một lần trong 14 ngày. Viêm giác mạc kết mạc do herpes cần điều trị tại chỗ đồng thời bằng một loại thuốc như là trifluridine, iododeoxyuridine hoặc vidarabine (xem điều trị viêm kết giác mạc do herpes).

Phòng ngừa nhiễm HSV ở trẻ sơ sinh

Những nỗ lực phòng ngừa lây truyền ở trẻ sơ sinh không hiệu quả lắm. Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng ở mẹ có nguy cơ lây truyền sang con đều không có triệu chứng. Tuy nhiên, phụ nữ bị tổn thương bộ phận sinh dục ở giai đoạn sắp sinh nên được xét nghiệm huyết thanh học để chẩn đoán HSV và xác định nguy cơ lây truyền cho con cũng như theo dõi trẻ sơ sinh bị phơi nhiễm nhưng không có triệu chứng. Mổ đẻ ở những phụ nữ có nguy cơ cao lây truyền sang con (ví dụ, tổn thương bộ phận sinh dục thể hoạt động ở thời điểm sinh) làm giảm nguy cơ lây truyền sang con. Những trường hợp này, khuyến cáo mổ đẻ cho cả những trường hợp đã có vỡ ối trước đó. Không theo dõi điện cực da đầu cho trẻ được khuyến cáo những trường hợp bà mẹ có nhiễm HSV thể hoạt động trong thời kỳ chuyển dạ. Trẻ sơ sinh con của những bà mẹ có tổn thương bộ phận sinh dục do HSV thể hoạt động tại thời điểm sinh nên được đánh giá và kiểm tra nguy cơ nhiễm HSV. Thông tin thêm có tại Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (1).

Điều trị acyclovir hay valacyclovir trong những tuần cuối của thai kỳ cho phụ nữ có tiền sử HSV sinh dục có thể ngăn ngừa tái phát tại thời điểm sinh và giảm bớt nguy cơ sinh mổ.

Tài liệu tham khảo về phòng ngừa

  1. 1. Kimberlin DW, Baley J, Committee on infectious diseases, Committee on fetus and newbornKimberlin DW, Baley J, Commitee on infectious diseases, Committee on fetus and newborn: Guidance on management of asymptomatic neonates born to women with active genital herpes lesions Pediatrics 131(2):e635-646, 2013. doi: 10.1542/peds.2012-3216

Những điểm chính

  • Trẻ sơ sinh nhiễm HSV có thể khu trú ở da, mắt, hoặc miệng hoặc có thể lây nhiễm hệ thần kinh trung ương hoặc toàn bộ cơ thể.

  • Viêm não do HSV và nhiễm HSV hệ thống có tỷ lệ tử vong cao, với trẻ sông sót để lại di chứng thần kinh nặng nề.

  • Trong các trường hợp nghi ngờ, điều trị ngay lập tức và chẩn đoán nhanh chóng bằng PCR HSV của dịch não tủy, máu, hoặc các thương tổn là cần thiết và cải thiện kết quả điều trị.

  • Tiêm acyclovir cho tất cả các trường hợp trẻ nhiễm HSV cục bộ hay lan tỏa.

  • Chỉ định mổ đẻ cho các bà mẹ có nhiễm HSV thể hoạt động tại thời điểm chuyển dạ.