Chấn thương niệu đạo

TheoNoel A. Armenakas, MD, Weill Cornell Medical School
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 1 2025

Chấn thương niệu đạo do tác động bên ngoài thường xảy ra ở nam giới; chấn thương niệu đạo ở nữ giới rất hiếm gặp. Hầu hết các tổn thương niệu đạo chính là do chấn thương. Chấn thương niệu đạo xuyên thấu ít phổ biến hơn, chủ yếu xảy ra do vết thương do súng bắn hoặc do vật lạ đâm vào niệu đạo khi quan hệ tình dục, gãy dương vật hoặc do tình trạng sức khỏe tâm thần. Nguyên nhân gây tổn thương niệu đạo do thầy thuốc thường gặp hơn và có thể xảy ra sau bất kỳ thủ thuật qua niệu đạo nào (bao gồm đặt ống thông Foley hoặc phẫu thuật tuyến tiền liệt) hoặc xạ trị ung thư tuyến tiền liệt.

Tổn thương niệu đạo được phân loại là đụng giập, đứt một phần hoặc đứt hoàn toàn, và tổn thương có thể liên quan đến niệu đạo sau (đoạn màng và đoạn tuyến tiền liệt) hoặc niệu đạo trước (đoạn hành và đoạn dương vật). Tổn thương niệu đạo sau thường phối hợp với gãy xương chậu. Tổn thương niệu đạo trước thường là hậu quả của một cú đánh vàp tầng sinh môn, va chạm xe cơ giới, hoặc chấn thương tầng sinh môn do ngã.

Các biến chứng bao gồm nhiễm trùng, đi tiểu không tự chủ, rối loạn chức năng cương dươngchít hẹp hoặc hẹp. ("Hẹp" là hẹp niệu đạo sau trong khi "chít hẹp" chỉ dùng để chỉ niệu đạo trước.)

Các triệu chứng và dấu hiệu của chấn thương niệu đạo

Triệu chứng của chấn thương niệu đạo bao gồm đau và đái khó. Máu ở lỗ niệu đạo là triệu chứng quan trọng nhất trong tổn thương niệu quản. Các triệu chứng bổ sung bao gồm tổn thương xuất huyết, phù nề hoặc cả hai ở tầng sinh môn, bìu, dương vật và ở các môi âm đạo. Vị trí bất thường của tuyến tiền liệt trong thăm khám trực tràng là một dấu hiệu không chính xác của một tổn thương niệu đạo. Máu khi khám bằng ngón tay (trực tràng hoặc âm đạo) cần được đánh giá thêm để tìm tổn thương tiềm ẩn liên quan đến các cơ quan đó.

Chẩn đoán chấn thương niệu đạo

  • Chụp niệu đạo ngược dòng

Ở bất kỳ bệnh nhân nam nào có triệu chứng cơ năng hoặc thực thể gợi ý, chẩn đoán xác định bằng chụp niệu đạo ngược dòng. Thủ thuật này phải luôn tiến hành trước khi đặt sonde. Đặt ống sonde niệu đạo ở nam giới với một tổn thương niệu đạo chưa được chẩn đoán có thể gây đứt niệu đạo (ví dụ, từ đứt niệu đạo một phần sang đứt niệu đạo hoàn toàn). Bệnh nhân nữ cần soi bàng quang và thăm khám âm đạo kỹ lưỡng. CT đơn thuần là không đủ để chẩn đoán và đánh giá chấn thương niệu đạo.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Nếu nghi ngờ tổn thương niệu đạo ở nam giới, không được đặt ống thông niệu đạo cho đến đã khi chụp niệu đạo kiểm tra.

Điều trị chấn thương niệu đạo

  • Thông thường đặt ống thông niệu đạo (đối với đụng giập) hoặc mở bàng quang trên xương mu (đối với tắc nghẽn)

  • Đôi khi phải nội soi chỉnh lại hoặc phẫu thuật phục hồi (đối với những chấn thương đã chọn)

  • Mổ phiên

Có thể điều trị an toàn các chỗ đụng giập niệu đạo bằng ống thông niệu đạo lưu lại trong khoảng 5 ngày đến 7 ngày. Đứt một phần niệu đạo được điều trị tốt nhất bằng đặt sonde bàng quang mở thông bàng quang trên xương mu. Trong một số trường hợp được lựa chọn, có thể thử chỉnh lại niệu đạo ban đầu (qua nội soi hoặc mở); nếu thành công, phương pháp này có thể hạn chế tình trạng hẹp niệu đạo sau này.

Phương pháp điều trị ban đầu được ưa chuộng cho hầu hết các chấn thương niệu đạo liên quan đến gãy xương chậu là đặt ống thông tiểu trên xương mu qua da hoặc mở (1, 2). Phẫu thuật dứt điểm sẽ được hoãn lại khoảng 8 tuần đến 12 tuần cho đến khi mô sẹo niệu đạo ổn định và bệnh nhân đã hồi phục sau mọi chấn thương đi kèm.

Việc sửa chữa mở ngay các vết thương niệu đạo chỉ giới hạn ở những vết thương liên quan đến gãy dương vật, vết thương xuyên thấu và tất cả các vết thương ở nữ giới.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Morey AF, Broghammer JA, Hollowell CMP, McKibben MJ, Souter L. Urotrauma Guideline 2020: AUA Guideline. J Urol. 2021;205(1):30-35. doi:10.1097/JU.0000000000001408

  2. 2. Morey AF, Brandes S, Dugi DD 3rd, et al. Urotrauma: AUA guideline. J Urol. 2014;192(2):327-335. doi:10.1016/j.juro.2014.05.004

Những điểm chính

  • Chấn thương niệu đạo trước thường là do chấn thương do vật tày; chấn thương niệu đạo kèm gãy dương vật hoặc do chấn thương xuyên thấu ít xảy ra hơn.

  • Hầu hết các chấn thương niệu đạo sau đều liên quan đến gãy xương chậu.

  • Cần chẩn đoán loại trừ tổn thương niệu đạo, đặc biệt ở những bệnh nhân bị gãy xương chậu hoặc chấn thương khi đánh vào vùng khớp mu và những bệnh nhân đái khó hoặc có máu ở miệng sáo.

  • Ở nam giới, chụp niệu đạo ngược dòng nên được tiến hành trước khi đặt ống thông niệu đạo.

  • Ở nữ, làm soi bàng quang và kiểm tra âm đạo kỹ lưỡng.

  • Điều trị các chỗ đụng giập bằng cách đặt ống thông niệu đạo và hầu hết các trường hợp vỡ niệu đạo trước tiên bằng cách đặt ống thông trên xương mu; cân nhắc chỉnh lại ban đầu trong một số trường hợp được chọn.

  • Trì hoãn phẫu thuật tái tạo ngoại trừ một số chấn thương nhất định (ví dụ: gãy dương vật, chấn thương xuyên thấu và chấn thương niệu đạo ở nữ) cần phải phẫu thuật mở ngay lập tức.