Lệch vách ngăn và lỗ thủng

TheoMarvin P. Fried, MD, Montefiore Medical Center, The University Hospital of Albert Einstein College of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 07 2023

    Lệch vách ngăn do dị tật phát triển hoặc chấn thương là phổ biến nhưng thường không có triệu chứng và không cần điều trị. Lệch vách ngăn biểu hiện triệu chứng gây ra ngạt mũi và gây nguy cơ viêm xoang (đặc biệt là nếu lệch cản trở các lỗ thông của xoang) và chảy máu do dòng không khí khô. Mức độ nặng của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cũng có thể tăng lên. Các triệu chứng khác có thể bao gồm đau mặt, nhức đầu, và thở đêm ồn ào.

    Lệch vách ngăn thường thấy trong khám mũi, mặc dù khám đèn pin và sự kiểm tra qua cửa trước có thể không đủ.

    Điều trị bao gồm chỉnh hình vách ngăn, mặc dù thiếu bằng chứng chứng minh cho tính hiệu quả của nó (1). Chỉnh hình vách ngăn ở những bệnh nhân bị ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có thể khiến cho việc điều trị bằng thở áp lực dương liên tục (CPAP) thành công hơn.

    Loét và thủng vách ngăn có thể do phẫu thuật mũi; chấn thương lặp đi lặp lại, chẳng hạn như ngoáy mũi lâu dài; xỏ khuyên thẩm mỹ; phơi nhiễm độc hại (ví dụ: axit, crom, phốt pho hoặc hơi đồng); sử dụng cocaine lâu dài; sử dụng thuốc xịt mũi lâu dài (bao gồm corticosteroid và thuốc xịt phenylephrine hoặc oxymetazoline không kê đơn); sử dụng oxy qua mũi; hoặc các bệnh như lao, giang mai, phong, lupus ban đỏ hệ thống (SLE), u hạt kèm viêm đa mạch (GPA, trước đây gọi là bệnh u hạt Wegener).

    Vảy mũi và chảy máu mũi tái diễn, có thể là trường hợp nặng, có thể xảy ra. Lỗ thủng nhỏ gây nên tiếng thổi sáo khi thở. Có thể sử dụng nội soi mũi ống cứng hoặc nội soi ống mềm để xem lỗ thủng.

    Thuốc mỡ mupirocin bôi tại chỗ làm giảm tạo vảy, cũng như thuốc xịt mũi nước muối sinh lý. Lỗ thủng có triệu chứng thường được chỉnh hình vá các niêm mạc miệng hoặc niêm mạc vạt vách ngăn; đóng lỗ thủng bằng miếng silicon là một lựa chọn đáng tin cậy.

    Tài liệu tham khảo

    1. 1. van Egmond MMHT, Rovers MM, Tillema AHJ, et al: Septoplasty for nasal obstruction due to a deviated nasal septum in adults: a systematic review. Rhinology 56(3):195-208, 2018 doi: 10.4193/Rhin18.016. PMID: 29656301.