Block nhánh và Block phân nhánh

TheoL. Brent Mitchell, MD, Libin Cardiovascular Institute of Alberta, University of Calgary
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 01 2023

    Block bó nhánh là gián đoạn một phần hoặc hoàn toàn dẫn truyền xung động trong một bó nhánh; block phân nhánh là gián đoạn tương tự ở nửa phân nhánh của bó trái. Các rối loạn này thường cùng tồn tại. Thông thường những bất thường này không có triệu chứng, nhưng sự hiện diện của một trong hai có thể gợi ý bệnh lý tim mạch. Chẩn đoán bằng ECG. Không có điều trị đặc hiệu.

    (Xem thêm Tổng quan về loạn nhịp tim.)

    Block dẫn truyền (xem hình Đường dẫn điện qua tim) có thể do nhiều rối loạn tim gây ra, bao gồm thoái hóa nội tại mà không có rối loạn tim khác liên quan.

    Đường dẫn truyền điện học trong tim

    Nút xoang nhĩ (xoang) (1) khởi tạo một xung điện chạy qua tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái (2), khiến các tâm nhĩ co lại. Khi xung điện đến nút nhĩ thất (3), nó sẽ bị chậm lại một chút. Xung động sau đó đi xuống bó His (4), chia thành bó nhánh phải cho tâm thất phải (5) và bó nhánh trái cho tâm thất trái (5). Xung động sau đó lan truyền qua hai tâm thất, khiến các tâm thất co lại.

    Block nhánh phải (RBBB-xem hình Block nhánh phải) có thể xảy ra ở những người không có bằng chứng về bệnh tim. Block nhánh phải cũng có thể gặp trong trường hợp nhồi máu cơ tim thành trước, cho thấy tổn thương cơ tim nặng nề. Trường hợp block nhánh phải mới xuất hiện cần phải tìm nguyên nhân do bệnh lý tim mạch, tuy nhiên đa số các trường hợp đều không tìm thấy nguyên nhân. RBBB thoáng qua có thể gặp trong bệnh lý tắc động mạch phổi. Mặc dù RBBB làm thay đổi hình dạng phức bộ QRS nhưng không làm ảnh hưởng tới chẩn đoán nhồi máu cơ tim trên điện tâm đồ.

    Block nhánh phải

    Block nhánh trái (LBBB - xem hình Block nhánh trái) thường đi kèm với các bệnh tim cấu trúc hơn so với block nhánh phải. Trong trường hợp block nhánh trái, thường gây khó khăn trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim trên điện tâm đồ.

    Block nhánh trái

    Block phân nhánh bao gồm các phân nhánh trái trước và trái sau của nhánh trái. Gián đoạn dẫn truyền tại phân nhánh trái trước dẫn đến block phân nhánh trái trước khiến phức bộ QRS giãn nhẹ (< 120 mili giây) và trục QRS thường âm hơn 30° (trục lệch trái). Block phân nhánh trái sau thường làm trục QRS dương hơn +120°. Block phân nhánh cũng có thể gặp trong các bệnh tim cấu trúc tương tự như đối với block nhánh trái.

    Block phân nhánh có thể cùng tồn tại với các rối loạn dẫn truyền khác: RBBB và block phân nhánh trái trước hoặc sau (bệnh lý block 2 phân nhánh); block phân nhánh trái trước hoặc sau, RBBB, và block nhĩ thất (AV) độ 1 (có thể là bệnh lý 3 phân nhánh, block nhĩ thất độ 1 thường do tổn thương tại nút nhĩ thất).

    Bệnh lý block 3 phân nhánh thực sự khi RBBB kết hợp với block phân nhánh trái trước và trái sau luân phiên; hoặc block nhánh trái và nhánh phải luân phiên. Biểu hiện block 2 phân nhánh hoặc 3 phân nhánh như trên xuất hiện sau nhồi máu cơ tim thường cho thấy diện tổn thương cơ nặng nề.

    Block hai phân nhánh không cần điều trị trực tiếp trừ khi có block nhĩ thất cấp 2 hoặc block nhĩ thất cấp 3 không liên tục. Block 3 phân nhánh thực sự cần được điều trị ngay bằng cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.

    Các bất thường dẫn truyền trong thất không đặc hiệu được chẩn đoán khi phức bộ QRS kéo dài (> 120 mili giây), nhưng hình dạng phức bộ QRS không phải là điển hình của LBBB hay RBBB. Dẫn truyền trễ có thể xảy ra ngoài hệ thống Purkinje do sự dẫn truyền chậm trễ giữa các tế bào cơ tim. Không có điều trị đặc hiệu.