Tắc nhánh động mạch chủ bụng

TheoMark A. Farber, MD, FACS, University of North Carolina;Federico E. Parodi, MD, University of North Carolina School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 08 2023

Các nhánh khác nhau của động mạch chủ có thể bị tắc nghẽn do chứng xơ vữa động mạch, loạn sản xơ cơ, hoặc các tình trạng khác, gây ra các triệu chứng và các dấu hiệu thiếu máu hoặc nhồi máu. Chẩn đoán dựa vào chẩn đoán hình ảnh. Điều trị bằng phẫu thuật lấy huyết khối, tạo hình mạch hoặc đôi khi là phẫu thuật bắc cầu.

Sự tắc các nhánh của động mạch chủ bụng có thể là

  • Cấp tính: Do huyết khối (embolism), do xơ vữa động mạch hoặc lóc tách.

  • Mạn tính: Mạn tính: do xơ vữa động mạch, loạn sản xơ cơ, hoặc do chèn ép ở ngoại vi do khối choán chỗ

Các vị trí thường gặp của tắc mạch bao gồm

  • Động mạch mạc treo tràng trên

  • Động mạch thân tạng

  • Các động mạch thận

  • Chỗ chia nhánh động mạch chủ

Sự tắc nghẽn mạn tính của động mạch thân tạng thường gặp hơn ở phụ nữ chưa rõ nguyên nhân.

Các triệu chứng và dấu hiệu của tắc nhánh động mạch chủ bụng

Các biểu hiện lâm sàng (ví dụ như đau, suy chức năng cơ quan, hoại tử) do thiếu máu hoặc nhồi máu và thay đổi tùy thuộc vào động mạch liên quan và mức độ nặng.

Tắc mạch mạc treo cấp tính gây thiếu máu cục bộ và nhồi máu đường ruột, dẫn đến đau bụng trầm trọng, lan tỏa không tương ứng với những triệu chứng thực thể. Tắc cấp tính động mạch thân tạng có thể gây nhồi máu ở gan hoặc lách.

Thiếu máu mạch mạc treo mạn tính ít gây ra các triệu chứng trừ khi cả hai động mạch mạc treo tràng và động mạch thân tạng bị hẹp hoặc tắc nghẽn đáng kể bởi vì sự lưu thông giữa các nhánh của động mạch nội tạng là rất phong phú. Các triệu chứng của suy mạch máu mạc treo ruột mạn tính thường xảy ra sau bữa ăn (như đau thắt ngực thể ruột) vì quá trình tiêu hóa đòi hỏi phải tăng lưu lượng máu mạc treo ruột; cơn đau bắt đầu khoảng 30 phút đến 1 giờ sau khi ăn và đau đều đặn, dữ dội và thường ở quanh rốn; nó có thể thuyên giảm bằng cách ngậm nitroglycerin dưới lưỡi. Bệnh nhân trở nên sợ ăn; sút cân, là thường gặp. Hiếm khi có giảm hấp thu và góp phần gây giảm cân. Bệnh nhân có thể bị đau bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy hoặc táo bón, và đi ngoài phân đen.

Thuyên tắc động mạch thận cấp gây đau mạng sườn đột ngột, sau đó là tiểu máu; nó có thể bị chẩn đoán nhầm là sỏi thận. Tắc mạn tính có thể không có triệu chứng hoặc dẫn đến tăng huyết áp mới hoặc khó kiểm soát và các di chứng khác của suy thận.

Sự tắc nghẽn cấp tính chỗ phân đôi động mạch chủ hoặc các nhánh xa có thể gây ra đau đột ngột khi nghỉ ngơi, nhợt, liệt, mất mạch ngoại vi, và lạnh ở chân (xem bảng Phân loại Suy tim của Hiệp hội Tim mạch New York). Sự tắc nghẽn mạn tính có thể gây các chi dưới bị yếu, đi khập khiễng từng lúc có thể lan tới các cơ của đùi và mông, rối loạn cương dương (hội chứng Leriche). Không có mạch đùi và chỉ số cổ chân-cánh tay bất thường. Một chi có thể bị nguy hiểm.

Chẩn đoán tắc nhánh động mạch chủ bụng

  • Phương pháp chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán chủ yếu dựa vào tiền sử và khám thực thể và được xác nhận bằng siêu âm duplex, chụp CT mạch, chụp cộng hưởng từ mạch hoặc chụp mạch thông thường.

Điều trị tắc nhánh động mạch chủ bụng

  • Phẫu thuật lấy huyết khối hoặc can thiệp mạch qua da đối với tắc nghẽn cấp tính

  • Phẫu thuật hoặc can thiệp đối với tắc nghẽn mạn tính, nghiêm trọng.

Tắc mạch cấp tính là một cấp cứu phẫu thuật đòi hỏi lấy huyết khối hoặc can thiệp qua (PTA) có hoặc không có đặt stent. Có thể cần phẫu thuật mở bụng với mảnh ghép bắc cầu và có thể cần cắt bỏ ruột nếu phẫu thuật lấy huyết khối hoặc PTA thất bại.

Sự tắc nghẽn mạn tính, nếu có triệu chứng, có thể cần phẫu thuật hoặc tạo hình mạch. Thay đổi yếu tố nguy cơ và thuốc kháng tiểu cầu có thể hữu ích.

Tắc nghẽn mạch mạc treo cấp tính (ví dụ động mạch mạc treo tràng trên) có tỷ lệ tử vong đáng kể đòi hỏi phải nhanh chóng tái tưới máu. Tiên lượng kém nếu ruột không được tái tưới máu trong vòng 4 đến 6 giờ.

Đối với tắc nghẽn mạn tính của động mạch mạc treo tràng trên và động mạch thân tạng, điều chỉnh chế độ ăn uống có thể tạm thời làm giảm các triệu chứng. Nếu các triệu chứng trầm trọng, phẫu thuật bắc cầu từ động mạch chủ đến các động mạch nội tạng ở xa chỗ tắc nghẽn thường đưa đến kết quả tái tưới máu. Duy trì mở của cầu nối lâu dài cao hơn 90%. Ở những bệnh nhân được lựa chọn một thích hợp (đặc biệt ở những bệnh nhân lớn tuổi tiên lượng nặng khi phẫu thuật), việc tái tưới máu bằng can thiệp qua da có hoặc không đặt stent có thể thành công. Các triệu chứng có thể giải quyết nhanh chóng, và cân nặng có thể được tăng lên.

tắc động mạch thận cấp tính đòi hỏi phải phẫu thuật lấy huyết khối; đôi khi can thiệp qua da có thể được thực hiện. Điều trị ban đầu với tắc nghẽn mạn tính đòi hỏi phải dùng thuốc hạ huyết áp. Nếu huyết áp không được kiểm soát đầy đủ hoặc nếu chức năng thận bị xấu đi thì PTA có đặt stent hoặc khi không thể tiên hành PTA, phẫu thuật bắc cầu hoặc cắt bỏ nội mạc động mạch có thể cải thiện được máu tưới.

Tắc nghẽn tại chỗ chia đôi động mạch chủ đòi hỏi phải can thiệp lấy huyết khối khẩn cấp, thường được thực hiện qua đường động mạch đùi. Nếu sự tắc nghẽn mạn tính ở chỗ chia đôi của động mạch chủ gây ra triệu chứng cách hồi, phẫu thuật bắc cầu chủ chậu hoặc chủ đùi có thể được sử dụng. PTA là một phương pháp thay thế cho các bệnh nhân chọn lọc.

Những điểm chính

  • Tắc nhánh động mạch chủ bụng có thể là cấp tính hoặc mạn tính.

  • Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn và động mạch liên quan.

  • Chẩn đoán tắc mạch động mạch chủ bụng dựa vào tiền sử và khám lâm sàng và chẩn đoán xác định bằng chẩn đoán hình ảnh.

  • Điều trị tắc cấp tính như một cấp cứu ngoại khoa bằng phẫu thuật cắt bỏ, tạo hình động mạch màng trong qua da hoặc phẫu thuật bắc cầu. Điều trị tắc mạn tính bằng thuốc và thay đổi lối sống, nếu nặng thì phẫu thuật hoặc nong mạch.