Đau đầu chùm

TheoStephen D. Silberstein, MD, Sidney Kimmel Medical College at Thomas Jefferson University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 04 2023

Đau đầu chùm gây ra đau nhiều vùng quanh ổ mắt hoặc thái dương một bên, các triệu chứng thực vật cùng bên (sụp mi, chảy nước mắt, chảy nước mũi, nghẹt mũi). Chẩn đoán là lâm sàng. Điều trị đợt cấp bằng triptans đường uống, dihydroergotamine, hoặc thở oxy. Phòng ngừa là bằng verapamil, lithium, topiramate, divalproex, galcanezumab (kháng thể đơn dòng) hoặc kết hợp.

(Xem thêm Cách tiếp cận với Bệnh nhân đau đầu.)

Đau đầu chùm ảnh hưởng chủ yếu đến nam giới, bắt đầu từ 20 đến 40 tuổi; tỷ lệ hiện mắc ở Mỹ là 0,4%. Thông thường, đau đầu chùm diễn biến thành từng đợt; trong từ 1 đến 3 tháng, bệnh nhân bị 1 cơn/ngày, tiếp theo là đợt thuyên giảm trong nhiều tháng đến nhiều năm. Một số bệnh nhân có đau đầu chùm mà không có các đợt thuyên giảm.

Sinh lý bệnh chưa được biết, nhưng tính chu kỳ gợi ý rối loạn chức năng vùng dưới đồi.

Uống rượu gây khởi phát đau đầu chùm trong giai đoạn có cơn nhưng không gây xuất hiện cơn trong thời gian thuyên giảm.

Các triệu chứng và dấu hiệu của đau đầu cụm

Các triệu chứng của đau đầu chùm rất riêng biệt. Các cơn đau đầu thường xảy ra vào cùng một thời điểm mỗi ngày, thường làm bệnh nhân thức dậy khi đang ngủ.

Khi cơn đau đầu xảy ra, đau luôn ở một bên và xảy ra ở cùng một phía của đầu trong vùng mắt-thái dương. Đau dữ dội, đạt đỉnh trong vài phút; nó thường tự giảm đi trong vòng 30 phút đến 1 giờ. Bệnh nhân bị kích động, bồn chồn đi đi lại lại trên sàn nhà, không giống như những bệnh nhân bị đau nửa đầu thích nằm yên trong phòng tối. Sự bồn chồn có thể nghiêm trọng đến nỗi nó dẫn đến hành vi kỳ quặc (ví dụ: đập đầu vào tường).

Các triệu chứng thần kinh thực vật, bao gồm ngạt mũi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, đỏ mặt, và hội chứng Horner, nổi trội và xảy ra cùng phía với đau đầu.

Chẩn đoán đau đầu cụm

  • Đánh giá lâm sàng

Chẩn đoán đau đầu chùm dựa vào kiểu biểu hiện triệu chứng riêng biệt và loại trừ các bất thường nội sọ.

Các hội chứng đau đầu nguyên phát một bên khác với các triệu chứng thần kinh thực vật, đôi khi được nhóm cùng với đau đầu chùm như chứng đau dây thần kinh sinh ba kèm triệu chứng thực vật, cần được loại trừ:

  • SUNCT (cơn đau đầu ngắn dạng thần kinh, một bên, có xung huyết kết mạc và chảy nước mắt) và cơn đau đầu ngắn dạng thần kinh, một bên (SUNA): Các cơn đau rất ngắn (5 đến 250 giây) và xảy ra ở tần số cao (lên đến 200 lần/ngày).

  • Đau nửa đầu kịch phát mạn tính: Các cơn thường xuyên hơn (> 5 lần/ngày) và ngắn hơn nhiều (khoảng 30 phút) so với đau đầu chùm.

  • Đau nửa sọ liên tục: Đau đầu mức độ trung bình liên tục ở một bên xảy ra với các cơn đau nặng hơn chồng lấp lên.

Đau nửa đầu kịch phát mạn tính và đau nửa sọ liên tục, không giống như SUNCT và đau đầu chùm (và đau nửa đầu), đáp ứng tốt với indomethacin, nhưng không đáp ứng với các NSAID khác.

Điều trị đau đầu cụm

  • Để cắt các cơn đau, dùng triptans đường uống, dihydroergotamine, hoặc oxy 100%

  • Đối với điều trị dự phòng dài hạn, từng đợt, verapamil, lithium, topiramate, divalproex, hoặc một dạng phối hợp hoặc galcanezumab

Có thể cắt các cơn đau đầu chùm cấp tính bằng triptan hoặc dihydroergotamine ngoài đường tiêu hóa, dùng zolmitriptan theo dạng thuốc xịt mũi và/hoặc thở oxy 100% bằng mặt nạ không có túi thở lại. Ngoài ra, bằng chứng cho thấy các cơn đau đầu cấp tính có thể được điều trị bằng một thiết bị cầm tay không xâm lấn kích thích dây thần kinh phế vị (1, 2).

Tất cả bệnh nhân đau đầu chùm đều cần dùng thuốc phòng ngừa vì đau đầu chùm xảy ra thường xuyên, nặng và làm mất hết khả năng hoạt động. Prednisone (ví dụ 60 mg đường uống một lần/ngày) hoặc thủ thuật phong bế thần kinh chẩm lớn (bằng thuốc gây tê cục bộ và corticosteroid) có thể dự phòng tạm thời nhanh chóng trong khi đợi các thuốc phòng ngừa khởi phát tác dụng chậm hơn có hiệu quả (ví dụ verapamil, lithium, topiramate, divalproex). Galcanezumab (một kháng thể đơn dòng gắn kết với phối tử peptide [CGRP] liên quan đến gen calcitonin) thường chỉ được sử dụng khi các phương pháp khác điều trị đau đầu chùm từng cơn không hiệu quả.

Kích thích thần kinh trên da không xâm lấn qua da bằng cách sử dụng một thiết bị áp vào trán có thể làm giảm tần số đau đầu chùm, cũng như kích thích dây thần kinh phế vị không xâm lấn (3).

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Silberstein SD, Mechtler LL, Kudrow DB, et al: Non-invasive vagus nerve stimulation for the acute treatment of cluster headache: Findings from the randomized, double-blind, sham-controlled ACT1 study. Headache 56 (8):1317–1332, 2016. doi: 10.1111/head.12896.

  2. 2. Miller S, Sinclair AJ, Davies B, Matharu M: Neurostimulation in the treatment of primary headaches. Pract Neurol 16 (5):362–375, 2016. doi: 10.1136/practneurol-2015-001298. Epub 2016 May 5.

  3. 3. Gaul C, Diener H, Solbach K, et al: EHMTI-0364. Non-invasive vagus nerve stimulation using Gammacore® for prevention and acute treatment of chronic cluster headache: Report from the randomized phase of the PREVA study. J Headache and Pain 15 (suppl 1):I7, 2014.

Những điểm chính

  • Thông thường, đau đầu chùm gây ra đau nhiều một bên, khu vực thái dương và quanh hốc mắt, kèm theo sụp mi, chảy nước mắt, chảy nước mũi và/hoặc nghẹt mũi, ở nam giới từ 20 đến 40 tuổi.

  • Thông thường, bệnh nhân bị ≥ 1 cơn/ngày trong 1 đến 3 tháng, tiếp theo là giai đoạn thuyên giảm trong nhiều tháng tới nhiều năm.

  • Chẩn đoán đau đầu chùm dựa trên lâm sàng.

  • Để cắt các cơn đau đầu, cho dùng triptan hoặc dihydroergotamine và/hoặc cho thở oxy 100% bằng mặt nạ không có túi thở lại.

  • Để dự phòng các cơn, hãy dùng prednisone hoặc phong bế thần kinh chẩm lớn để giảm triệu chứng trong thời gian ngắn và sử dụng verapamil, lithium, topiramate, và/hoặc galcanezumab để giảm đau lâu dài.