Abcess ngoài màng cứng và tràn mủ dưới màng cứng

TheoJohn E. Greenlee, MD, University of Utah Health
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 03 2022

Áp xe nội sọ ngoài màng cứng là sự tích tụ mủ giữa màng cứng và hộp sọ. Tràn mủ dưới màng cứng là sự tích tụ mủ trong khoang giữa màng cứng và các màng nhện. Các triệu chứng của áp xe ngoài màng cứng bao gồm sốt, đau đầu, nôn, mệt mỏi, thiếu sót thần kinh khu trú, động kinh và/hoặc hôn mê. Các triệu chứng tràn mủ dưới màng cứng bao gồm sốt, nôn, suy giảm ý thức, và sự phát triển nhanh các dấu hiệu thần kinh gợi ý tổn thương lan rộng trên một bán cầu não. Chẩn đoán bằng chụp MRI có tiêm thuốc đối quang từ, hoặc nếu không có MRI thì chụp CT có tiêm thuốc cản quang. Điều trị bằng phẫu thuật dẫn lưu và kháng sinh.

(Xem thêm Giới thiệu về Nhiễm trùng não.)

Căn nguyên

Áp xe ngoài màng cứng và tràn mủ dưới màng cứng thường là biến chứng của viêm xoang (đặc biệt là xoang trán, xoang sàng, hoặc xoang bướm) hoặc viêm tai giữa nhưng cũng có thể thứ phát sau nhiễm trùng tai, chấn thương hoặc phẫu thuật sọ, hoặc, hiếm khi là nhiễm khuẩn huyết. Các mầm bệnh tương tự như các nguyên nhân gây ra áp xe não (ví dụ, Staphylococcus aureus, Bacteroides fragilis).

ở trẻ < 5 tuổi, nguyên nhân thông thường là viêm màng não do vi khuẩn; bởi vì viêm màng não ở trẻ em hiện nay ít, nên tràn mủ dưới màng cứng ở trẻ em cũng không phổ biến.

Các biến chứng

Áp xe ngoài màng cứng có thể lan vào khoang dưới nhện gây ra tràn mủ khoang dưới nhện. Cả áp xe ngoài màng cứng và tràn mủ dưới màng cứng có thể tiến triển đến viêm màng não, huyết khối tĩnh mạch vỏ não, hoặc áp xe não. Tràn mủ dưới màng cứng có thể nhanh chóng lan ra toàn bộ bán cầu não.

Triệu chứng và Dấu hiệu

Sốt, đau đầu, mệt mỏi, dấu hiệu thần kinh khu trú (thường gợi ý tràn mủ dưới màng cứng khi các thiếu sót tiến triển nhanh cho thấy sự ảnh hưởng lan rộng cả một bán cầu não), và động kinh thường phát triển trong vài ngày.

Bệnh nhân bị áp xe ngoài màng cũng có thể phát triển áp xe dưới màng xương và viêm tủy xương vùng xương trán (khối u phồng Pott), và bệnh nhân viêm mủ dưới màng cứng thường có các dấu hiệu màng não. Trong áp xe ngoài màng cứng và tràn mủ dưới màng cứng, nôn rất phổ biến. Nhiều bệnh nhân có thể tiến triển phù gai.

Nếu không được điều trị, hôn mê và tử vong xảy ra nhanh chóng, đặc biệt là ở bệnh nhân phù thũng dưới màng cứng.

Chẩn đoán

  • MRI có tiêm thuốc cản quang

Chẩn đoán áp xe ngoài màng cứng hoặc tràn mủ dưới màng cứng bằng phim MRI có tiêm thuốc đối quang, hoặc nếu không có MRI, chụp CT có tiêm thuốc cản quang. Máu và mẫu bệnh phẩm phẫu thuật được nuôi cấy trong môi trường yếm khí và hiếu khí.

Chọc dịch não tủy cung cấp ít thông tin hữu ích và có thể gây thoát vị não qua lều. Nếu nghi ngờ có áp xe ngoài màng cứng hoặc tràn mủ dưới màng cứng (ví dụ, dựa trên thời gian tồn tại của triệu chứng vài ngày, thiếu sót thần kinh khu trú, hoặc các yếu tố nguy cơ) ở bệnh nhân có dấu hiệu màng não, chống chỉ định chọc dịch não tủy cho đến khi chẩn đoán hình ảnh thần kinh loại trừ tổn thương choán chỗ.

Ở trẻ sơ sinh, chọc dọ dưới màng cứng có thể giúp chẩn đoán và làm giảm áp lực.

Điều trị

  • Phẫu thuật dẫn lưu

  • Thuốc kháng sinh

Cần phải thực hiện phẫu thuật dẫn lưu khẩn cấp áp xe ngoài màng cứng hoặc tràn mủ dưới màng cứng và bất cứ chất dịch nào trong các xoang.

Trong khi chờ kết quả nuôi cấy, điều trị kháng sinh bao phủ cũng giống như các loại kháng sinh được sử dụng để điều trị áp xe não (ví dụ, cefotaxime, ceftriaxone, metronidazole, vancomycin) ngoại trừ ở trẻ nhỏ, những người có thể cần các kháng sinh khác để điều trị bất kỳ bệnh viêm màng não kèm theo (xem bảng Thuốc kháng sinh ban đầu cho bệnh viêm màng não do vi khuẩn cấp tínhLiều lượng thuốc kháng sinh IV thông thường cho bệnh viêm màng não do vi khuẩn cấp tính).

Thuốc chống co giật có thể cần phải được sử dụng để kiểm soát cơn co giật nhưng thường không được sử dụng dự phòng. Có thể cần dùng thuốc như mannitol hoặc dexamethasone nếu có bằng chứng về tăng áp lực nội sọ. Có thể phải mở nửa sọ nếu không thể kiểm soát được áp lực nội sọ.

Những điểm chính

  • Áp xe ngoài màng cứng và tràn mủ dưới màng cứng có thể tiến triển đến viêm màng não, huyết khối tĩnh mạch vỏ não, hoặc áp xe não; tràn mủ dưới màng cứng có thể nhanh chóng lan ra toàn bộ bán cầu não.

  • Sốt, đau đầu, mệt mỏi, dấu hiệu thần kinh khu trú, động kinh thường tiến triển trong vài ngày; thường gặp nôn và phù gai thị.

  • Không điều trị, hôn mê và tử vong xảy ra nhanh chóng.

  • Sử dụng MRI có tiêm thuốc đối quang từ, hoặc nếu không có MRI, chụp CT có tiêm thuốc cản quang để chẩn đoán áp xe ngoài màng cứng hoặc tràn mủ dưới màng cứng.

  • Chọc dịch não tủy cung cấp ít thông tin hữu ích và có thể gây thoát vị xuyên lều.

  • Dẫn lưu ổ áp xe ngoài màng cứng hoặc tràn mủ dưới màng cứng và bất kỳ loại dịch nào trong các xoang càng sớm càng tốt và điều trị bằng kháng sinh (ví dụ cefotaxime, ceftriaxone, metronidazole, vancomycin).