Viêm mắt do Herpes Zoster

(Viêm mắt do Herpes zoster; nhiễm Herpes zoster tại mắt, viêm mắt do varicella-zoster)

TheoMelvin I. Roat, MD, FACS, Sidney Kimmel Medical College at Thomas Jefferson University
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 08 2022

Viêm mắt do herpes zoster là sự tái hoạt nhiễm varicella-zoster tiềm tàng (zona) có tổn thương ở mắt. Các triệu chứng và dấu hiệu có thể nặng bao gồm phát ban trên da một bên và viêm đau ở tất cả các mô của cấu trúc tiền phòng và hiếm khi ở hậu phòng. Chẩn đoán dựa trên sự xuất hiện đặc trưng của các cấu trúc phía trước của mắt cộng với viêm da cơ hai bên của nhánh đầu tiên của dây thần kinh sinh ba (V1). Điều trị bằng các thuốc kháng vi rút uống, giãn đồng tử và corticosteroid tra.

Sau khi nhiễm trùng nguyên phát, thời gian tiềm tàng được thiết lập trong hạch cảm giác. Miễn dịch qua trung gian tế bào T đặc hiệu với VZV duy trì VZV ở trạng thái tiềm ẩn. Sự tái hoạt của virus là kết quả khi khả năng miễn dịch suy giảm do tuổi tác, bệnh tật hoặc ức chế miễn dịch. Tổn thương da vùng trán do herpes zoster ảnh hưởng đến nhãn cầu ở 3/4 số trường hợp khi thần kinh mũi mi bị ảnh hưởng (xác định bởi tổn thương trên chóp mũi) và trong 1/3 số trường hợp không có tổn thương ở chóp mũi. Nhìn chung, nhãn cầu bị ảnh hưởng ở 1/2 số bệnh nhân. Vi rút Varicella zoster rất dễ lây lan và sự lây truyền có thể xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với vết thương loét trên da hoặc qua sol khí trong không khí. 

Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh Herpes Zoster Ophthalmicus

Có thể xảy ra tiền triệu là đau hoặc đau nhói ở trán. Trong giai đoạn cấp tính, bên cạnh ban đỏ gây đau ở vùng trán, các triệu chứng cơ năng và thực thể có thể gồm đau nhãn cầu nặng; phù mi nhiều; cương tụ kết mạc, thượng củng mạc và quanh rìa giác mạc; phù giác mạc; sợ ánh sáng.

Các biến chứng

Viêm giác mạc và/hoặc viêm màng bồ đào có thể nặng và tiếp theo là sẹo hóa. Các biến chứng muộn phổ biến và có thể đe dọa thị lực gồm glôcôm, đục thủy tinh thể, viêm màng bồ đào mạn tính và tái phát, sẹo giác mạc, tân mạch giác mạc và giảm cảm giác giác mạc. Đau dây thần kinh hậu herpes có thể phát triển muộn hơn. Thuốc trị đau thần kinh (ví dụ: gabapentin hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng) có thể có tác dụng. Bệnh nhân có thể tiến triển viêm thượng củng mạc (không gia tăng nguy cơ bị mất thị lực) và/hoặc viêm võng mạc (có nguy cơ mất thị lực nghiêm trọng).

Chẩn đoán Herpes Zoster Ophthalmicus

  • Ban zoster ở trán hoặc mi mắt kèm theo các tổn thương mắt

Chẩn đoán dựa trên phát ban herpes zoster cấp tính điển hình trên trán, mí mắt và đầu mũi, hoặc dựa trên cơn đau đặc trưng cộng với các dấu hiệu của phát ban zoster trước đó (ví dụ, sẹo teo giảm sắc tố). Cả hai dấu hiệu ở da đều ở một bên (tức là không vượt qua đường giữa). Các tổn thương dạng mụn nước hoặc bọng nước ở vùng phân bố này mà chưa rõ ràng liên quan đến mắt vẫn cần được tư vấn nhãn khoa để xác định xem có tổn thương đến mắt hay không. Nghiên cứu về nuôi cấy và xét nghiệm miễn dịch hoặc PCR ở da khi đánh giá ban đầu hoặc chuỗi các xét nghiệm huyết thanh học chỉ được thực hiện khi các tổn thương không điển hình và chẩn đoán không chắc chắn.

Điều trị Herpes Zoster Ophthalmicus

  • Thuốc kháng virus uống (ví dụ, acyclovir, famciclovir, valacyclovir)

  • Đôi khi dùng corticosteroid tại chỗ

Điều trị sớm bằng acyclovir 800 mg uống 5 lần/ngày hoặc famciclovir 500 mg hoặc valacyclovir 1 g uống 3 lần/ngày trong 7 ngày làm giảm các biến chứng mắt. Bệnh nhân bị viêm màng bồ đào hoặc viêm giác mạc đòi hỏi phải dùng corticosteroid tại chỗ (ví dụ, prednisolone acetate 1%, 1 giọt tra một giờ một lần với viêm màng bồ đào hoặc 4 lần/ngày cho viêm giác mạc, kéo dài khoảng cách khi các dấu hiệu và triệu chứng giảm đi). Nên dùng thuốc liệt điều tiết atropine 1% hoặc scopolamine 0,25% nhỏ 1 giọt, 3 lần/ngày. Nhãn áp phải được theo dõi và điều trị nếu tăng lên đáng kể trên ngưỡng bình thường.

Sử dụng một đợt ngắn corticosteroid uống liều cao để phòng đau thần kinh sau nhiễm herpes ở bệnh nhân > 60 tuổi có sức khỏe tốt vẫn còn nhiều tranh cãi.

Phòng ngừa Herpes Zoster Ophthalmicus

Vắc xin herpes zoster tái tổ hợp được khuyến nghị cho người lớn 50 tuổi có đủ khả năng miễn dịch, bất kể họ đã bị herpes zoster hay đã được chủng loại vắc xin sống giảm độc lực cũ hơn. Vắc xin tái tổ hợp này làm giảm 97% khả năng mắc bệnh herpes zoster đối với người lớn từ 50 đến 69 tuổi và 91% đối với người lớn 70 tuổi.

Những điểm chính

  • Mắt bị ảnh hưởng ở khoảng một nửa trường hợp tái hoạt varicella-zoster ở V1.

  • Viêm giác mạc và/hoặc viêm màng bồ đào có thể nặng và gây mất thị lực.

  • Chẩn đoán thường dựa vào ban herpes zoster điển hình.

  • Điều trị bằng thuốc kháng vi rút đường uống và thường là corticosteroid tra và thuốc liệt điều tiết.

  • Tiêm vắc xin herpes zoster tái tổ hợp cho tất cả người lớn 50 tuổi có khả năng miễn dịch bình thường.