Đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm (PNH)

TheoEvan M. Braunstein, MD, PhD, Johns Hopkins University School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 06 2022

Đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm (PNH) là rối loạn hiếm gặp có đặc điểm là sự tan máu nội mạch và hemoglobin niệu. Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, huyết khối động mạch và tĩnh mạch, và cơn tan là các biểu hiện phổ biến. Chẩn đoán dựa trên kỹ thuật đếm tế bào dòng chảy. Điều trị cần có chất ức chế bổ thể như eculizumab.

(Xem thêm Tổng quan về Thiếu máu tan máu.)

PNH phổ biến nhất ở nam giới ở độ tuổi 20, nhưng xảy ra ở cả hai giới tính và ở mọi lứa tuổi. Tán huyết xảy ra suốt cả ngày chứ không chỉ vào ban đêm.

Nguyên nhân dẫn tới bệnh PNH

PNH là một rối loạn dòng mắc phải do đột biếni gen PIGA ở tế bào gốc tạo máu. PIGA, nằm trên nhiễm sắc thể X, mã hóa một protein cấu tạo nên glycosylphosphatidylinositol (GPI) để neo các protein trên màng. Các đột biến trong PIGA dẫn đến mất của tất cả các protein neo ở GPI, bao gồm CD59, một protein điều hoà bổ thể quan trọng, trên bề mặt các tế bào máu. Do đó, các tế bào có thể dễ bị nhạy cảm với sự hoạt hóa bổ thể, dẫn đến tan máu nội mạch.

Sinh lý bệnh PNH

Có thể xuất hiện huyết khối động mạch và tĩnh mạch, bao gồm huyết khối của các vị trí ít phổ biến hơn như tĩnh mạch cửa và xoang tĩnh mạch đốt sống. Huyết khối là kết quả của tăng hoạt hóa bổ thể và tan máu.

Mất hemoglobin trong nước tiểu kéo dài có thể dẫn đến thiếu sắt.

Đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm có liên quan đến rối loạn chức năng tủy xương, có thể là do sự tấn công miễn dịch vào tế bào gốc tạo máu giảm bạch cầugiảm tiểu cầu. Khoảng 20% bệnh nhân có thiếu máu bất sản, trầm trọng, là một dạng rối loạn dòng sinh máu.

Triệu chứng và Dấu hiệu bệnh PNH

Cơn tan máu có thể được thúc đẩy do nhiễm khuẩn, sử dung sắt, tiêm chủng hoặc hành kinh. Thường gặp đau bụng, ngực, thắt lưng và triệu chứng thiếu máu trầm trọng; hemoglobin niệu, lách to. Các biểu hiện của huyết khối mạch máu phụ thuộc vào thành mạch.

Chẩn đoán bệnh PNH

  • Đếm tế bào dòng chảy

Cần nghĩ tới đái huyết sắc tố kịch phát về đêm ở những bệnh nhân có các triệu chứng điển hình của thiếu máu (ví dụ, nhợt nhạt, mệt mỏi, chóng mặt, hạ huyết áp) hoặc thiếu máu hồng cầu bình thường không cắt nghĩa với tan máu trong lòng mạch, đặc biệt nếu có giảm bạch cầu hoặc giảm tiểu cầu và/hoặc có huyết khối.

Trước đây nếu nghi ngờ PNH, xét nghiệm đầu tiên được thực hiện là xét nghiệm nước đường hoặc xét nghiệm tan máu trong axit (Nghiệm pháp Ham). Các xét nghiệm này dựa vào sự hoạt hóa bổ thể thông qua axit hóa huyết thanh hoặc trong dung dịch đường nồng độ cao.

Hiện tại, chẩn đoán PNH bằng phương pháp đếm tế bào dòng chảy, được sử dụng để xác định sự vắng mặt của các protein đặc hiệu bề mặt hồng cầu hoặc protein đặc hiệu bề mặt bạch cầu (CD59 và CD55). Xét nghiệm này có đô nhạy và độ đặc hiệu cao.

Không cần xét nghiệm tủy xương, trừ trường hợp cần loại trừ các rối loạn khác, thường là tăng sinh hồng cầu.

Trong cơn tan máu, nước tiểu có lượng lớn hemoglobin, có thể có hemosiderin niệu.

Điều trị bệnh PNH

  • Thuốc ức chế bổ thể (ví dụ: eculizumab)

  • Các biện pháp hỗ trợ

Bệnh nhân có số lượng tế bào rối loạn thấp, (< 10% theo đếm tế bào dòng chảy) hầu như không có triệu chứng nói chung không cần điều trị. Chỉ định điều trị khi:

  • Tan máu có triệu chứng cần truyền máu

  • Huyết khối

  • Giảm các dòng tế bào khác

Các kháng thể đơn dòng gắn kết với C5 và có tác dụng như chất ức chế bổ thể cuối (ví dụ: eculizumab) đã thay đổi quá trình rối loạn. Các thuốc này được dùng cho tất cả các bệnh nhân cần điều trị. Ức chế bổ thể làm giảm nhu cầu truyền máu, nguy cơ huyết khối tắc mạch, các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, liệu pháp này cũng làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn Neisseria meningitidis, vì vậy bệnh nhân nên tiêm vắc xin ngừa não mô cầu hoặc bắt đầu điều trị kháng sinh dự phòng trước khi bắt đầu điều trị ít nhất 14 ngày.

Các biện pháp hỗ trợ gồm bổ sung sắt và axit folic qua đường uống và đôi khi truyền máu. Corticosteroid (ví dụ, prednisone 20 đến 40 mg po một lần/ngày) có thể kiểm soát các triệu chứng và ổn định lượng hồng cầu > 50% bệnh nhân và có thể được sử dụng khi không có ức chế bổ thể. Tuy nhiên, do tác dụng phụ của việc sử dụng lâu dài nên tránh sử dụng corticosteroid trong điều trị lâu dài.

Nói chung, chỉ truyền máu khi có cơn tan máu Không cần truyền hồng cầu rửa. Heparin sau đó là warfarin hoặc các thuốc chống đông máu khác được cho dùng trong trường hợp huyết khối cấp tính nhưng thường không cần dùng lâu dài sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc ức chế bổ thể.

Những điểm chính

  • Đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm (PNH) có thể gây tan máu bất cứ lúc nào trong ngày không chỉ vào ban đêm.

  • Các đặc điểm lâm sàng thường gặp bao gồm hemoglobin niệu, giảm bạch cầu hạt và huyết khối động mạch và tĩnh mạch.

  • Huyết khối tĩnh mạch xảy ra ở những vị trí bất thường (ví dụ: trong tĩnh mạch gan).

  • Điều trị các bệnh nhân có triệu chứng bằng thuốc ức chế bổ thể.