Sai sót thuốc

TheoShalini S. Lynch, PharmD, University of California San Francisco School of Pharmacy
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 05 2022

    Sai sót thuốc góp phần gây bệnh và tử vong. Ước tính chi phí cho hệ thống chăm sóc sức khoẻ của Hoa Kỳ lên tới 177 tỷ đô la Mỹ (tùy theo định nghĩa) hàng năm. Sai sót thuốc có thể liên quan

    • Lựa chọn thuốc không đúng hoặc kê đơn không đúng liều lượng, số lần sử dụng, hoặc thời gian sử dụng

    • Lỗi trong việc đọc đơn thuốc của dược sĩ dẫn đến cấp phát sai thuốc hoặc liều lượng

    • Lỗi trong việc đọc nhãn trên hộp thuốc bởi người chăm sóc bệnh nhân dẫn đến sử dụng sai thuốc hoặc liều dùng của thuốc

    • Hướng dẫn không chính xác cho bệnh nhân

    • Bác sĩ lâm sàng, người chăm sóc hoặc bệnh nhân sử dụng thuốc không đúng cách dùng

    • Dược sĩ hoặc bệnh nhân bảo quản thuốc không đúng làm thay đổi tác dụng của thuốc

    • Sử dụng thuốc đã hết hạn sử dụng, làm thay đổi tác dụng của thuốc

    • Sự nhầm lẫn của bệnh nhân dẫn đến sử dụng thuốc không đúng

    • Việc truyền tải không chính xác thông tin kê toa giữa các nhà cung cấp khác nhau

    Phân nhóm đối tượng đặc biệt

    Sai sót trong kê đơn là phổ biến, đặc biệt đối với một số đối tượng đặc biệt. Người cao tuổi, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em là đặc biệt có nguy cơ. Tương tác thuốc đặc biệt ảnh hưởng đến những người sử dụng nhiều loại thuốc. Để giảm thiểu nguy cơ, bác sĩ lâm sàng nên biết tất cả các loại thuốc bệnh nhân đang dùng – bao gồm thuốc do người khác kê đơn và thuốc không kê toa – và lập danh sách đầy đủ các thuốc bệnh nhân đang sử dụng. Bệnh nhân nên được khuyến khích viết và cập nhật danh sách các loại thuốc đang dùng và liều lượng thuốc và mang theo mỗi lần khám sức khoẻ định kỳ hoặc cấp cứu. Nếu có bất kỳ nghi ngờ về loại thuốc nào đang sử dụng, bệnh nhân cần được hướng dẫn mang theo tất cả các loại thuốc của họ khi đi khám.

    Đơn thuốc không rõ ràng

    Các đơn thuốc phải được viết càng rõ càng tốt. Tên của một số loại thuốc tương tự nhau, và nếu không ghi rõ sẽ dễ gây nhầm lẫn. Thay đổi một số ký hiệu truyền thống nhưng dễ nhầm lẫn cũng có thể giúp giảm sai sót. Ví dụ, "qd" (một lần một ngày) có thể bị lẫn lộn với "qid" (4 lần một ngày). Viết "một lần/ngày" hoặc "một lần mỗi ngày" được khuyến khích. Các đơn thuốc điện tử hoặc bằng máy tính có thể tránh được các vấn đề về chữ viết tay khó đọc hoặc chữ viết tắt không phù hợp. Tuy nhiên, các hệ thống kê đơn điện tử sử dụng các ô để tích hoặc danh sách kéo xuống để lựa chọn có thể làm tăng nguy cơ vô tình chọn sai thuốc hoặc liều dùng của thuốc.

    Sử dụng thuốc không phù hợp

    Thuốc có thể được sử dụng không chính xác, đặc biệt là ở các cơ sở điều trị. Có thể phát thuốc nhầm cho bệnh nhân khác, phát không đúng thời điểm sử dụng thuốc hoặc sử dụng nhầm đường dùng. Một số thuốc cần phải tiêm tĩnh mạch chậm và một số thuốc không thể sử dụng đồng thời với nhau. Khi phát hiện sai sót, cần báo cáo ngay với bác sĩ lâm sàng và nên tư vấn với dược sĩ. Mã vạch và các hệ thống phần mềm tại khoa dược có thể giúp giảm tỷ lệ mắc các sai sót thuốc.

    Bảo quản thuốc không đúng

    Dược sĩ nên bảo quản thuốc đúng điều kiện bảo quản để đảm bảo tác dụng của thuốc. Các đơn đặt hàng qua thư điện thử nên tuân theo quy trình để đảm bảo vận chuyển thuốc phù hợp. Bệnh nhân thường bảo quản thuốc không hoàn toàn đúng điều kiện bảo quản. Phòng tắm không phải là nơi lưu trữ lý tưởng cho tủ thuốc vì nhiệt độ và độ ẩm. Nếu bảo quản không đúng, hiệu quả của thuốc có thể sẽ giảm trước ngày hết hạn một thời gian dài.

    Nhãn thuốc phải ghi rõ thuốc cần được bảo quản trong tủ lạnh hoặc giữ mát, tránh để nhiệt độ quá nóng hoặc nắng hoặc các điều kiện bảo quản đặc biệt khác. Mặt khác, các cảnh báo không cần thiết làm giảm sự tuân thủ và làm lãng phí thời gian của bệnh nhân. Ví dụ, lọ insulin chưa mở nên được bảo quản lạnh, nhưng lọ đang sử dụng có thể được bảo quản ngoài tủ lạnh trong một thời gian tương đối dài nếu không tiếp xúc với nhiệt độ quá nóng và mặt trời.

    Quá hạn sử dụng của thuốc

    Sử dụng thuốc hết hạn là phổ biến. Các loại thuốc đã hết hạn có thể không có hiệu quả và một số (ví dụ như aspirin, tetracyclin) có thể có hại nếu được sử dụng khi đã hết hạn.

    Sai sót của bệnh nhân

    Sai sót thuốc thường là xảy ra do sự nhầm lẫn của bệnh nhân về cách dùng thuốc. Bệnh nhân có thể sử dụng sai loại thuốc hoặc liều dùng của thuốc. Hướng dẫn về liều dùng cho từng loại thuốc, kể cả tại sao thuốc được kê đơn, cần được hướng dẫn đầy đủ cho bệnh nhân và phải có văn bản nếu có thể. Bệnh nhân nên yêu cầu dược sĩ của họ tư vấn thêm về việc sử dụng thuốc. Cách đóng gói nên thuận tiện nhưng phải an toàn. Nếu trẻ em không được tiếp xúc với thuốc và bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc mở hộp, các loại thuốc không cần phải được đóng gói trong hộp an toàn phòng tránh trẻ em.

    Truyền tải thông tin sai lệch giữa các nhân viên y tế

    Một lỗi thông thường khác là truyền tải thông tin kê đơn không chính xác khi chăm sóc của bệnh nhân được chuyển từ cơ sở này sang cơ sở khác (ví dụ từ bệnh viện đến cơ sở phục hồi chức năng, từ nhà dưỡng lão đến bệnh viện, hoặc giữa cơ sở chuyên môn và cơ sở chăm sóc ban đầu). Truyền tải thông tin giữa các cơ sở điều trị bận rộn thường đòi hỏi phải nỗ lực tích cực và những thay đổi về thuốc là thường xảy ra khi chuyển bệnh nhân. Tăng cường tập trung vào việc truyền tải thông tin có thể giúp làm giảm nguy cơ xảy ra sai sót. Rủi ro đã được giảm bởi các chương trình điều soát thuốc khác nhau, chẳng hạn như chuẩn bị danh sách đầy đủ các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng khi bệnh nhân chuyển từ cơ sở này sang cơ sở khác.