Đứt gân duỗi đốt xa ngón tay (mallet finger)

TheoDanielle Campagne, MD, University of California, San Francisco
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 07 2023

Đứt gân duỗi đốt xa ngón tay là một biến dạng dạng gấp của đầu ngón tay gây ra bởi sự đứt gân duỗi, có hoặc không có gãy xương kèm theo, từ đầu gần của đốt ngón xa.

(Xem thêm Tổng quan tổn thương dây chằng và các chấn thương mô mềm khác.)

Cơ chế thường gặp là đốt xa ngón tay bị gập mạnh, thường là khi đánh bóng. Gân duỗi bị đứt có thể kéo theo một phần đầu gần của xương đốt xa ngón tay (xem hình Dây chằng mắt cá chân). Phần bị kéo theo liên quan đến bề mặt diện khớp.

Đứt gân duỗi đốt xa ngón tay

Gân duỗi thường bị đứt từ đầu gần đốt xa ngón tay; đôi khi gân đứt kéo theo một mẩu xương đốt ngón xa.

Các triệu chứng và dấu hiệu của ngón tay vồ

Ngón tay thường đau và có thể bị sưng và bầm tím ngay sau khi bị thương. Đôi khi, máu tụ bên dưới móng (gọi là tụ máu dưới móng).

Khớp gian đốt xa bị tổn thương nằm ở tư thế quá gấp so với các khớp còn lại và không thể duỗi thẳng một cách chủ động nhưng có thể dễ dàng được uốn thẳng thụ động, kèm đau ít.

Chẩn đoán ngón tay vồ

  • Đánh giá lâm sàng

  • X-quang

Đứt gân duỗi đốt xa ngón tay thường có thể chẩn đoán bằng thăm khám lâm sàng.

Chụp X-quang thẳng, nghiêng và thường là chụp xiên. Nếu có gãy xương thường quan sát được từ mặt bên. X-quang có thể bình thường ngay cả khi đứt gân.

Điều trị ngón tay vồ

  • Nẹp cố định

  • Có trường hợp phải tiến hành phẫu thuật để đặt lại gân

Điều trị đứt gân duỗi đốt xa ngón tay cần sử dụng nẹp bàn tay để giữ khớp gian đốt xa trong tư thế duỗi từ 6 đến 8 tuần; trong khoảng thời gian này, không được gập đầu ngón tay (kể cả khi tháo nẹp để rửa tay).

Gãy xương phạm vào > 25% bề mặt khớp hoặc gây trật khớp cần phẫu thuật để cố định khớp.