Viêm đại tràng thể loét

TheoAaron E. Walfish, MD, Mount Sinai Medical Center;Rafael Antonio Ching Companioni, MD, HCA Florida Gulf Coast Hospital
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 11 2023

Viêm đại tràng thể loét là một bệnh viêm mạn tính và loét xuất hiện ở niêm mạc đại tràng, thường đặc trưng nhất bởi tiêu chảy phân máu. Có thể có các triệu chứng ngoài ruột, đặc biệt là viêm khớp. Nguy cơ dài hạn là ung thư đại tràng tăng lên so với những người không bị ảnh hưởng. Chẩn đoán bằng nội soi đại tràng. Điều trị bằng axit 5-aminosalicylic, corticosteroid, thuốc điều biến miễn dịch, thuốc sinh học, kháng sinh và đôi khi là phẫu thuật.

(Xem thêm Tổng quan về bệnh viêm đại tràng.)

Sinh lý bệnh của viêm đại tràng thể loét

Viêm đại tràng thể loét thường khởi đầu ở trực tràng. Bệnh có thể chỉ cục bộ ở trực tràng (viêm trực tràng thể loét) hoặc lan rộng đến đầu gần, đôi khi ảnh hưởng đến toàn bộ đại tràng. Hiếm khi tổn thương hầu hết đại tràng cùng một lúc.

Viêm do viêm đại tràng thể loét ảnh hưởng đến lớp niêm mạc và dưới niêm mạc và có một ranh giới rõ ràng giữa mô bình thường và mô bị ảnh hưởng. Chỉ trong thể bệnh nặng lớp cơ mới bị ảnh hưởng. Trong giai đoạn sớm của bệnh, màng nhầy hồng đỏ, có dạng hạt nhỏ và dễ vỡ, mất dạng mạch bình thường và thường có các vùng xuất huyết rải rác. Loét niêm mạc rộng kèm theo xuất tiết mủ nhiều là đặc trưng của bệnh nặng. Các đảo niêm mạc viêm tương đối bình thường hoặc tăng sản (giả polyp) nằm phía trên các vùng niêm mạc bị loét. Rò và áp xe không xảy ra.

Viêm đại tràng thể loét
Dấu các chi tiết
Các dấu hiệu trên nội soi đại tràng trong bệnh viêm đại tràng thể loét được thể hiện ở đây bao gồm phù nề, mất mạch, niêm mạc xơ xác và các vết loét.
Ảnh do các bác sĩ Aaron E. Walfish và Rafael A. Ching Companioni cung cấp.
Giả polyp
Dấu các chi tiết
Giả polyp là những vùng niêm mạc bị viêm, tăng sản nhô lên trên bề mặt niêm mạc.
Ảnh do các bác sĩ Aaron E. Walfish và Rafael A. Ching Companioni cung cấp.

Viêm đại tràng nhiễm độc

Viêm đại tràng nhiễm độc hoặc viêm đại tràng tối cấp xảy ra khi loét lan rộng xuyên thành dẫn đến viêm phúc mạc và tắc ruột cơ năng cục bộ. Trong vài giờ đến vài ngày, đại tràng mất trương lực cơ và bắt đầu giãn ra.

Các thuật ngữ phình đại tràng nhiễm độc và giãn do nhiễm độc không khuyến khích dùng vì trạng thái viêm nhiễm độc và các biến chứng của nó có thể xảy ra mà không có phình đại tràng miễn cưỡng (được định nghĩa là đường kính đại tràng ngang > 6 cm trong đợt cấp).

Viêm đại tràng nhiễm độc là tình trạng cấp cứu nội khoa, thường xảy ra tự phát trong quá trình diễn biến của viêm đại tràng rất nặng, nhưng đôi khi bị xảy ra do thuốc cầm tiêu chảy opioid hoặc kháng cholinergic. Có thể thủng đại tràng, làm tăng đáng kể tỷ lệ tử vong.

Các triệu chứng và dấu hiệu của viêm đại tràng thể loét

Bệnh nhân thường có

  • Các đợt tiêu chảy có máu với cường độ và thời gian khác nhau xen kẽ với các khoảng thời gian không có triệu chứng

Thông thường một đợt bệnh bắt đầu âm thầm, tăng dần cảm giác mót đại tiện, đau quặn bụng dưới mức độ nhẹ và có nhầy máu trong phân. Một số trường hợp xuất hiện sau khi nhiễm trùng (ví dụ, lỵ amip, lỵ trực khuẩn).

Khi vết loét khu trú ở trực tràng đại tràng sigma, phân có thể bình thường hoặc cứng và khô, nhưng trực tràng thải ra chất nhầy kèm theo hồng cầu và bạch cầu hoặc xảy ra giữa các lần đại tiện. Các triệu chứng toàn thân không có hoặc nhẹ.

Nếu loét lan đến đầu gần, phân trở nên lỏng và bệnh nhân có thể đi ngoài > 10 lần/ngày, thường đau quặn bụng dữ dội và cảm giác buốt mót ở trực tràng, không giảm về đêm. Phân có thể toàn nước hoặc chứa chất nhầy và thường gồm gần như toàn bộ máu và mủ.

Viêm đại tràng nhiễm độc hoặc tối cấp biểu hiện ban đầu với tiêu chảy đột ngột dữ dội, sốt đến 40° C (104° F), đau bụng, các dấu hiệu viêm phúc mạc (ví dụ cảm ứng phúc mạc) và nhiễm độc máu rõ.

Triệu chứng và dấu hiệu toàn thân, phổ biến hơn ở viêm đại tràng thể loét lan tỏa, bao gồm mệt mỏi, sốt, thiếu máu, chán ăn và sút cân. Các biểu hiện ngoài đường tiêu hóa của bệnh viêm ruột (IBD), đặc biệt là các biến chứng ở khớp và ở da, thường gặp nhất khi có các triệu chứng toàn thân.

Chẩn đoán viêm đại tràng thể loét

  • Nuôi cấy và soi phân (để loại trừ các nguyên nhân lây nhiễm)

  • Nội soi đại tràng sigma có sinh thiết

Biểu hiện ban đầu

Gợi ý chẩn đoán viêm đại tràng thể loét bằng các triệu chứng và dấu hiệu điển hình, đặc biệt là khi đi kèm với biểu hiện ngoài da hoặc tiền sử có các cơn đau tương tự trước đây. Viêm loét đại tràng cần phải được phân biệt với bệnh Crohn (xem bảng Phân biệt bệnh Crohn và viêm đại tràng thể loét) nhưng quan trọng hơn là với các nguyên nhân khác gây viêm đại tràng cấp tính (ví dụ: nhiễm trùng; ở bệnh nhân cao tuổi, thiếu máu cục bộ).

Ở tất cả các bệnh nhân, cấy phân tìm mầm bệnh đường ruột nên được thực hiện, và Entamoeba histolytica nên được loại trừ bằng cách xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm phân tươi. Khi nghi ngờ nhiễm amip do tiền sử dịch tễ hoặc tiền sử du lịch nên làm chuẩn độ huyết thanh và sinh thiết. Tiền sử sử dụng kháng sinh trước đây hoặc nhập viện gần đây nên nhanh chóng xét nghiệm phân để tìm độc tố Clostridioides difficile (trước kia Clostridium difficile). Bệnh nhân có nguy cơ nên được kiểm tra HIV, lậu, herpesvirus, chlamydia và nhiễm amip. Nhiễm trùng cơ hội (ví dụ, cytomegalovirus, Mycobacterium avium-intracellulare) hoặc ung thư Kaposi cũng phải được xem xét ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Ở phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai đường uống, có thể có viêm đại tràng do thuốc tránh thai; tình trạng này thường tự hết sau khi ngừng liệu pháp hormon. Xét nghiệm phân tìm lactoferrin và calprotectin trong phân có thể có lợi trong việc phân biệt IBD với tiêu chảy chức năng.

Cần thực hiện nội soi đại tràng sigma; cho phép xác định trực quan viêm đại tràng và cho phép trực tiếp lấy mẫu phân hoặc chất nhầy để nuôi cấy và đánh giá vi thể, cũng như sinh thiết các vùng bị tổn thương. Mặc dù việc đánh giá bằng mắt thường và sinh thiết có thể không có ý nghĩa chẩn đoán, bởi vì có nhiều chồng chéo giữa các loại viêm đại tràng, viêm cấp đại cấp tính, tự khỏi, nhiễm trùng có thể được phân biệt về mô học với bệnh viêm đại tràng thể loét tự phát mạn tính hoặc viêm đại tràng Crohn. Bệnh quanh trực tràng nặng, không biểu hiện ở trực tràng, không có chảy máu và tổn thương bất đối xứng hoặc từng đoạn của đại tràng cho biết bệnh Crohn thay vì viêm đại tràng thể loét. Nội soi đại tràng thường không cần thiết lúc đầu nhưng nên được thực hiện chọn lọc nếu viêm đã lan gần tới tầm với của ống soi đại tràng sigma.

Xét nghiệm cần phải được thực hiện để sàng lọc thiếu máu, giảm albumin máu và các bất thường về điện giải. Các xét nghiệm gan nên được thực hiện; nồng độ phosphatase kiềm và gamma-glutamyl transpeptidase tăng cao cho thấy có thể có viêm đường mật xơ cứng nguyên phát. Các Kháng thể kháng bào tương của bạch cầu đa nhân trung tính quanh nhân tương đối đặc hiệu (60 đến 70%) đối với viêm loét đại tràng. Kháng thể kháng Saccharomyces cerevisiae tương đối đặc hiệu đối với bệnh Crohn. Tuy nhiên, các xét nghiệm này không phân biệt được hai bệnh một cách đáng tin cậy và không được khuyến cáo để chẩn đoán thường quy. Các bất thường khác có thể xảy ra trong phòng thí nghiệm bao gồm tăng bạch cầu, tăng tiểu cầu và tăng chất phản ứng giai đoạn cấp tính (ví dụ, tốc độ máu lắng, protein phản ứng C).

X-quang không nhằm chẩn đoán nhưng đôi khi phát hiện thấy các bất thường. Chụp X-quang bụng không chuẩn bị có thể cho thấy phù nề niêm mạc, mất cảm giác căng tức và không hình thành phân trong ruột bị bệnh; tuy nhiên, hiệu suất thấp và việc này không được khuyến khích sử dụng thường xuyên. Thụt barium cho thấy những biến đổi tương tự, mặc dù rõ ràng hơn, và cũng có thể cho thấy các chỗ loét, nhưng không nên thụt trong giai đoạn cấp. Đại tràng cứng và ngắn cùng với teo hoặc niêm mạc dạng giả polyp thường xuất hiện sau vài năm bị bệnh. X-quang thấy dấu hiệu dấu ấn ngón cái và phân bố theo đoạn gợi ý nhiều đến thiếu máu ruột cục bộ hoặc có thể là viêm đại tràng Crohn hơn là viêm đại tràng thể loét.

Triệu chứng tái phát

Bệnh nhân đã bị bệnh và tái phát các triệu chứng điển hình cần được khám, nhưng không phải lúc nào cũng cần tiến hành tất cả các xét nghiệm. Tùy thuộc vào thời gian và mức độ nặng của các triệu chứng, có thể thực hiện nội soi đại tràng sigma hoặc nội soi đại tràng và làm công thức máu. Nuôi cấy, xét nghiệm trứng và ký sinh trùng và độc tố của C. difficile cần được thực hiện khi có các triệu chứng tái phát không điển hình hoặc khi có một đợt cấp sau thời gian hồi phục dài, trong một đợt bùng phát dịch lây nhiễm, sau khi dùng kháng sinh, hoặc bất cứ khi nào bác sĩ lâm sàng nghi ngờ.

Đợt cấp nặng

Bệnh nhân cần phải nhập viện nhanh chóng trong thời gian phát bệnh nặng. Chụp X-quang tư thế nằm và đứng thẳng có thể cho thấy phình đại tràng hoặc khí tích lũy trong ruột thời gian dài liên tục và liệt đoạn đại tràng do mất trương lực cơ. Nên tránh thụt bari vì nguy cơ bị thủng ruột, nhưng thường nên soi đại tràng sigma cẩn thận để đánh giá mức độ nặng và loại trừ nhiễm trùng. Cần có công thức máu, số lượng tiểu cầu, tốc độ máu lắngu, protein phản ứng C, chất điện giải và albumin; thời gian prothrombin, thời gian thromboplastin riêng phần, và nhóm máu và phản ứng chéo cũng được chỉ định trong trường hợp chảy máu nặng.

Bệnh nhân phải được theo dõi sát để xem có viêm phúc mạc tiến triển hoặc thủng không. Gõ gan rất quan trọng bởi vì mất độ đục gan có thể là dấu hiệu lâm sàng đầu tiên của thủng tự do, đặc biệt là ở bệnh nhân mà dấu hiệu phúc mạc bị giảm bởi corticosteroid liều cao. X-quang bụng được thực hiện 1 hoặc 2 ngày một lần để theo dõi diễn biến của giãn đại tràng và để phát hiện khí tự do hoặc khí trong thành ruột; CT nhạy hơn trong việc phát hiện khí ngoài lòng ruột hoặc áp xe quanh đại tràng.

Ngọc trai & cạm bẫy

  • Tránh thụt bari trong trường hợp viêm đại tràng thể loét nặng vì có nguy cơ bị thủng.

Điều trị viêm đại tràng thể loét

  • Quản lý chế độ ăn và loperamide (ngoại trừ đợt nặng cấp tính) để giảm triệu chứng

  • Axit 5-aminosalicylic (5-ASA)

  • Corticosteroid và các thuốc khác tùy thuộc vào triệu chứng và mức độ nặng

  • Thuốc chống chuyển hóa, thuốc sinh học, thuốc ức chế Janus kinase hoặc thuốc điều biến thụ thể sphingosine 1-phosphate (S1P)

  • Đôi khi phẫu thuật

Chi tiết về các loại thuốc và liều lượng cụ thể được thảo luận trong Thuốc điều trị bệnh viêm ruột. (Xem thêm hướng dẫn quản lý viêm loét đại tràng ở người lớn năm 2019 của Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ.)

Quản lý chung

Tránh trái cây và hoa quả tươi nhằm hạn chế chấn thương niêm mạc đại tràng bị viêm và từ đó có thể làm giảm các triệu chứng. Chế độ ăn uống không sữa có thể có tác dụng nhưng không cần phải tiếp tục nếu không có lợi ích nào được ghi nhận. Loperamide 2 mg đường uống từ 2 đến 4 lần/ngày được chỉ định cho tiêu chảy tương đối nhẹ; liều cao hơn (4 mg vào buổi sáng và 2 mg sau mỗi lần đại tiện) có thể được dùng cho tiêu chảy nặng hơn. Các thuốc chống tiêu chảy phải được sử dụng hết sức thận trọng trong các trường hợp nặng vì thuốc có thể gây ra giãn đại tràng nhiễm độc. Tất cả bệnh nhân bị bệnh viêm ruột nên được khuyên dùng một lượng canxi và vitamin D thích hợp.

Các biện pháp duy trì sức khoẻ thường xuyên (ví dụ như chủng ngừa, sàng lọc ung thư) cần được nhấn mạnh.

Bệnh đại tràng trái nhẹ

Bệnh nhân bị viêm trực tràng thể loét từ nhẹ đến trung bình hoặc viêm trực tràng-đại tràng sigma rộng ra ngoài đại tràng sigma được điều trị bằng 5-ASA (mesalamine) bằng cách thụt vào một lần một ngày hoặc hai lần một ngày tùy thuộc vào mức độ nặng. Thuốc đặt trực tràng có hiệu quả đối với bệnh ở đoạn xa hơn và thường được bệnh nhân ưa dùng. Corticosteroid và budesonide thụt ít hiệu quả hơn nhưng nên được sử dụng nếu 5-ASA không thành công hoặc không dung nạp được. Một khi đạt được sự thuyên giảm, liều lượng giảm dần dần đến mức duy trì. Các thuốc 5-ASA đường uống về mặt lý thuyết có một số lợi ích gia tăng làm giảm khả năng lan rộng ở đầu gần của bệnh.

Bệnh vừa hoặc nặng

Bệnh nhân bị viêm đầu gần của đại tràng sigma hoặc bệnh bên trái không đáp ứng với các thuốc bôi tại chỗ nên dùng thuốc sinh học (infliximab, adalimumab, golimumab, ustekinumab, vedolizumab) có hoặc không có thuốc điều biến miễn dịch (azathioprine hoặc 6-mercaptopurin). Đôi khi, corticosteroid liều cao được thêm vào để làm giảm triệu chứng ở bệnh nhân viêm đại tràng thể loét từ trung bình đến nặng. Phối hợp giữa thuốc điều biến miễn dịch và liệu pháp chống TNF đôi khi hiệu quả. Cuối cùng, ở một số bệnh nhân, có thể xem xét thử nghiệm thuốc ức chế Janus kinase (tofacitinib hoặc upadacitinib) hoặc thử nghiệm thuốc điều biến thụ thể sphingosine 1-phosphate ozanimod.

Bệnh ở mức độ nặng

Bệnh nhân đại tiện ra máu > 10 lần mỗi ngày, nhịp tim nhanh, sốt cao hoặc đau bụng dữ dội cần phải nhập viện để dùng thuốc sinh học và/hoặc corticosteroid liều cao đường tĩnh mạch. Bù dịch đường tĩnh mạch và truyền máu cần cho mất nước và thiếu máu. Bệnh nhân phải được theo dõi sát để xem có tiến triển của viêm đại tràng nhiễm độc không. Bồi dưỡng ngoài ruột đôi khi được sử dụng để hỗ trợ dinh dưỡng nhưng không có giá trị như một liệu pháp chính; những bệnh nhân có thể dung nạp được thức ăn nên ăn.

Những bệnh nhân không đáp ứng với các thuốc sinh học và/hoặc corticosteroid trong vòng 3 ngày đến 7 ngày cần phải được xem xét dùng cyclosporine đường tĩnh mạch hoặc phẫu thuật. Những bệnh nhân đáp ứng với phác đồ điều trị bằng corticosteroid sẽ được chuyển sang dùng prednisone 40 mg đường uống một lần mỗi ngày trong vòng một tuần, có thể giảm dần liều ở nhà tùy theo đáp ứng lâm sàng. Những bệnh nhân bắt đầu dùng cyclosporine đường tĩnh mạch và đáp ứng với điều trị được chuyển sang dùng cyclosporine uống và đồng thời với azathioprine hoặc 6-mercaptopurine. Cyclosporine uống tiếp tục khoảng 3 đến 4 tháng, trong thời gian đó corticosteroid giảm dần và nồng độ cyclosporine được theo dõi chặt chẽ. Một số bác sĩ lâm sàng khuyên dự phòng viêm phổi do Pneumocystis jirovecii trong khoảng thời gian điều trị chồng chéo giữa corticosteroid, cyclosporine và thuốc chống chuyển hóa. Tacrolimus, một thuốc ức chế miễn dịch cũng được sử dụng ở bệnh nhân cấy ghép, dường như có hiệu quả như cyclosporine và có thể được xem xét để sử dụng ở những bệnh nhân viêm đại tràng thể loét nặng hoặc kháng trị mà không cần phải nằm viện. Nồng độ đáy trong máu nên được giữ trong khoảng từ 10 đến 15 ng/mL (12 đến 25 nmol/L).

Viêm đại tràng tối cấp

Nếu nghi ngờ có viêm đại tràng nhiễm độc hoặc tối cấp, bệnh nhân nên

  1. Ngừng tất cả các loại thuốc chống tiêu chảy

  2. Không ăn uống gì và đặt một ống dài vào ruột để hút dịch ngắt quãng

  3. Điều trị tích cực bằng truyền dịch và điện giải natri clorua 0,9%, kali clorua và máu để điều trị khi cần thiết

  4. Cho dùng corticosteroid hoặc cyclosporine liều cao đường tĩnh mạch

  5. Cho dùng kháng sinh (ví dụ, metronidazole 500 mg đường tĩnh mạch 8 giờ một lần và ciprofloxacin 500 mg đường tĩnh mạch 12 giờ một lần)

  6. Có thể dùng Infliximab

Lăn trở bệnh nhân từ sấp sang ngửa trên giường từ 2 đến 3 giờ một lần có thể giúp phân bố lại khí trong đại tràng và ngăn ngừa chướng bụng tiến triển. Đặt ống thông trực tràng mềm cũng có thể hữu ích nhưng phải được thực hiện cẩn thận để tránh thủng ruột. Ngay cả khi loại bỏ chèn ép ở đại tràng bị giãn, bệnh nhân cũng không thoát khỏi nguy hiểm trừ khi quá trình viêm được kiểm soát; nếu không thì sẽ cần phải phẫu thuật cắt đại tràng.

Nếu các biện pháp điều trị tích cực bằng thuốc không đem lại cải thiện rõ rệt trong vòng 24 đến 48 giờ, cần phải phẫu thuật ngay lập tức hoặc bệnh nhân có thể chết vì nhiễm khuẩn huyết do chuyển vị vi khuẩn hoặc thậm chí là do thủng.

Điều trị duy trì

Sau điều trị hiệu quả một cơn bùng phát, giảm dần liều corticosteroid dựa trên đáp ứng lâm sàng và sau đó dừng bởi vì thuốc này không có hiệu quả duy trì. Bệnh nhân nên duy trì các thuốc 5-ASA đường uống hoặc đường trực tràng, tùy thuộc vào vị trí của bệnh - không xác định vì ngừng điều trị duy trì thường có tái phát bệnh. Khoảng liều dùng cho các chế phẩm trực tràng có thể giãn dài dần đến 2 hoặc 3 ngày một lần. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy kết hợp liệu pháp đường uống và đường trực tràng có hiệu quả đáng kể so với dùng đơn độc một trong hai liệu pháp.

Những bệnh nhân không thể ngừng dùng corticosteroid nên được dùng thiopurine (azathioprine hoặc 6-mercaptopurin), methotrexate, thuốc sinh học, thuốc ức chế Janus kinase, thuốc điều biến thụ thể sphingosine 1-phosphate ozanimod hoặc phối hợp các loại thuốc này.

Bệnh nhân bắt đầu dùng infliximab để điều trị tấn công cũng nên tiếp tục dùng thuốc này để duy trì.

Phẫu thuật

Gần một phần ba số bệnh nhân có viêm đại tràng thể loét lan tỏa sau cùng cũng cần phải phẫu thuật. Phẫu thuật cắt đại trực tràng toàn bộ là biện pháp điều trị khỏi: Tuổi thọ được phục hồi trở lại bình thường, và nguy cơ ung thư đại tràng giảm đáng kể. Tuy nhiên, một số nghiên cứu báo cáo có tới 25% số bệnh nhân sau đó bị viêm niêm mạc ruột non phù hợp với bệnh Crohn (1, 2); điều này có thể xảy ra nhiều năm sau khi phẫu thuật. Sau khi cắt đại trực tràng toàn bộ kèm theo nối túi hậu môn giả hồi tràng-hậu môn (IPAA), vẫn có một nguy cơ nhỏ về loạn sản hoặc ung thư trong vùng chuyển tiếp hậu môn vòng bít trực tràng và ngay cả trong túi hậu môn giả ở hồi tràng. Sau phẫu thuật cắt trực tràng- đại tràng kèm theo mở thông hồi tràng hoặc IPAA, chất lượng cuộc sống được cải thiện; tuy nhiên, những thách thức mới về chất lượng cuộc sống được tạo ra.

Phẫu thuật cắt đại tràng cấp cứu được chỉ định trong xuất huyết dữ dội, viêm đại tràng nhiễm độc tối cấp, hoặc thủng. Phẫu thuật cắt bỏ một phần đại tràng kèm theo mở thông hồi tràng và đóng trực tràng-đại tràng sigma (thủ thuật Hartmann) hoặc lỗ rò niêm mạc thường là các thủ thuật được lựa chọn vì hầu hết các bệnh nhân bị bệnh nguy kịch không thể chịu đựng được phẫu thuật lớn hơn. Gốc trực tràng-đại tràng sigma có thể được cắt bỏ khi mổ phiên sau đó hoặc có thể được sử dụng để nối hồi tràng hậu môn bằng túi hậu môn giả. Không nên để lại phần gốc trực tràng còn nguyên vẹn vì nguy cơ kích hoạt bệnh và chuyển thành ác tính.

Phẫu thuật chọn lọc được chỉ định cho bệnh ung thư, hẹp có triệu chứng, chậm phát triển ở trẻ em, hoặc, thường là bệnh mạn tính khó chữa đem lại kết quả không giá trị hoặc phụ thuộc vào corticosteroid. Các biểu hiện ngoài ruột liên quan đến viêm đại tràng (ví dụ, bệnh mủ da hoại thư), bây giờ được điều trị tốt hơn bằng cách điều trị bằng thuốc tích cực và hiếm khi có các chỉ định phẫu thuật.

Phẫu thuật chọn lọc ở những bệnh nhân có chức năng cơ vòng bình thường là cắt đại trực tràng phục hồi bằng nối hồi tràng hậu môn. Thủ thuật này tạo ra một hồ chứa ở vùng chậu hoặc túi hậu môn giả từ đầu xa của hồi tràng, đoạn này được nối với hậu môn. Cơ thắt còn nguyên vẹn cho phép đại tiện tự chủ, thường từ 4-9 lần/ngày (bao gồm 1 hoặc 2 lần vào ban đêm).

Viêm túi hậu môn giả là một phản ứng viêm xảy ra sau phẫu thuật cắt bỏ trực tràng-đại tràng phục hồi bằng IPAA+ ở khoảng 50% số bệnh nhân. Nguy cơ viêm túi hậu môn giả có vẻ cao hơn ở những bệnh nhân mắc viêm xơ ống mật nguyên phát, những bệnh nhân có biểu hiện ngoài ruột trước mổ và có thể ở những bệnh nhân có hiệu giá huyết thanh của kháng thể kháng bạch cầu đa nhân trung tính quanh nhân trước mổ cao và các chất chỉ điểm sinh học khác về viêm đại tràng cũng cao. Viêm túi hậu môn giả được cho là liên quan đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn và được điều trị bằng kháng sinh (ví dụ, quinolones). Lợi khuẩnc có thể có tác dụng bảo vệ. Hầu hết các trường hợp viêm túi hậu môn giả được kiểm soát dễ dàng, nhưng 5 đến 10% chứng tỏ không thể chịu đựng được tất cả các biện pháp điều trị bằng thuốc và cần phải chuyển sang mở thông hồi tràng thông thường (Brooke). Đối với một số bệnh nhân cao tuổi, những người có gia đình và lối sống tốt, những người trương lực cơ thắt kém và không chịu được việc đi ngoài thường xuyên hoặc những người đơn giản là không thể hoặc không muốn đối mặt với hậu quả của viêm túi hậu môn giả thường xuyên hoặc mạn tính, mở thông hồi tràng Brooke vẫn là thủ thuật được lựa chọn.

Viêm hồi tràng sau IPAA hoặc sau khi kết thúc mở thông tràng là được xử trí giống như các dạng IBD khác. Hiếm khi cần thủ thuật ngoại khoa.

Trong mọi trường hợp, gánh nặng về thể chất và tinh thần do bất kỳ hình thức cắt bỏ đại tràng nào đều phải được ghi nhận, và cần chú ý đến việc bệnh nhân có tất cả các hướng dẫn và tất cả các hỗ trợ y tế và tâm lý cần thiết trước và sau khi phẫu thuật.

Tài liệu tham khảo về điều trị

  1. 1. Hercun J, Côté-Daigneault J, Lahaie RG, et al: Crohn's disease after proctocolectomy and IPAA for ulcerative colitis. Dis Colon Rectum 64(2):217–224, 2021. doi: 10.1097/DCR.0000000000001721

  2. 2. Shamah S, Schneider J, Korelitz BI: High incidence of recurrent Crohn's disease following colectomy for ulcerative colitis revealed with long follow-up. Dig Dis Sci 63(2):446–451, 2018. doi: 10.1007/s10620-017-4873-7

Tiên lượng vì bệnh viêm đại tràng thể loét

Thông thường, viêm đại tràng thẻ là bệnh mạn tính với những đợt cấp và thuyên giảm lặp đi lặp lại. Ở một số bệnh nhân, đợt cấp ban đầu trở nên dữ dội kèm theo xuất huyết ồ ạt, thủng hoặc nhiễm trùng huyết và nhiễm độc máu. Phục hồi hoàn toàn sau một đợt cấp duy nhất xảy ra ở một số bệnh nhân.

Bệnh nhân viêm đại tràng thể loét cục bộ có tiên lượng tốt nhất. Các biểu hiện toàn thân nặng, các biến chứng nhiễm độc và thoái hóa ác tính khó có thể xảy ra và bệnh tiến triển muộn chỉ xảy ra ở một nhóm nhỏ bệnh nhân. Phẫu thuật hiếm khi cần và tuổi thọ ở mức bình thường. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể chứng tỏ sự dai dẳng và kháng trị của bệnh. Hơn nữa, vì viêm đại tràng thể loét lan rộng có thể bắt đầu ở trực tràng và lan đến đầu gần, viêm trực tràng không được coi là cục bộ cho đến khi được theo dõi 6 tháng. Bệnh cục bộ mà sau đó lan rộng thường nặng hơn và kháng trị hơn.

Ung thư ruột

Nguy cơ ung thư đại tràng tỷ lệ thuận với thời gian mắc bệnh và số lượng đại tràng bị ảnh hưởng nhưng không nhất thiết phải dựa vào mức độ nặng về mặt lâm sàng của các đợt bị bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy viêm vi thể mạn tính là một yếu tố nguy cơ và việc sử dụng 5-aminosalicylic acid 5-ASA để kiểm soát viêm có ý nghĩa bảo vệ.

Nguy cơ cao mắc bệnh ung thư đại tràng do IBD đã được ghi nhận trong nhiều nghiên cứu. Nhiều dữ liệu gần đây cho thấy tỷ lệ hiện mắc của bệnh ung thư đại tràng đang giảm và đã được đánh giá quá cao bởi các nghiên cứu tại các trung tâm chăm sóc cấp ba (1).

Bệnh nhân bị bệnh viêm ruột và viêm đường mật xơ cứng nguyên phát có nguy cơ bị ung thư cao hơn kể từ thời điểm có chẩn đoán viêm đại tràng.

Giám sát bằng nội soi thường xuyên, tốt nhất là trong thời gian thuyên giảm, được khuyên dùng cho những bệnh nhân có thời gian mắc bệnh > 8 đến 10 năm (ngoại trừ những người bị viêm trực tràng đơn độc) hoặc khi có đồng thời viêm đường mật xơ cứng nguyên phát, trong trường hợp đó, nội soi đại tràng giám sát nên bắt đầu tại thời điểm chẩn đoán. Các hướng dẫn (2) đề nghị thực hiện sinh thiết ngẫu nhiên (lấy 10 cm một mẫu trên toàn bộ đại tràng) khi sử dụng nội soi đại tràng ánh sáng trắng độ phân giải cao nhưng chỉ thực hiện sinh thiết nhắm đích các tổn thương có thể nhìn thấy khi sử dụng nội soi sắc ký để phát hiện loạn sản. Phát hiện loạn sản ở bất kỳ mức độ nào trong vùng bị ảnh hưởng bởi viêm đại tràng có khả năng tiến triển thành giai đoạn tạo u tiến triển và thậm chí là ung thư. Sau khi loại bỏ hoàn toàn các tổn thương loạn sản có polyp hoặc không polyp bằng nội soi, giám sát bằng nội soi đại tràng được đề xuất thay vì phẫu thuật cắt đại tràng. Bệnh nhân có loạn sản không thể nhìn thấy bằng nội soi có thể được giới thiệu đến một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa có chuyên môn về giám sát IBD bằng phương pháp nội soi bơm chất màu và/hoặc phương pháp nội soi đại tràng có độ nét cao để quyết định nên cắt đại tràng hay tiếp tục giám sát bằng nội soi đại tràng.

Tần suất tối ưu của giám sát bằng nội soi đại tràng chưa được xác định, nhưng một số tác giả khuyến cáo cứ 2 năm một lần trong thấp kỷ thứ 2 của bệnh và sau đó hàng năm.

Thời gian sống thêm lâu dài sau khi chẩn đoán ung thư liên quan đến viêm đại tràng là khoảng 50%, một con số tương đương với tỷ lệ ung thư đại trực tràng trong quần thể chung.

Tài liệu tham khảo về tiên lượng

  1. 1. Stidham RW, Higgins PDR: Colorectal cancer in inflammatory bowel disease. Clin Colon Rectal Surg 31(3):168-178, 2018 doi: 10.1055/s-0037-1602237

  2. 2. Laine L, Kaltenbach T, Barkun A, et al: SCENIC international consensus statement on surveillance and management of dysplasia in inflammatory bowel disease. Gastroenterology 148(3):639-651.e28, 2015 doi: 10.1053/j.gastro.2015.01.031

Những điểm chính

  • Viêm đại tràng thể loét khởi đầu trong trực tràng và có thể lan đến đầu gần theo kiểu lây nhiễm mà không ảnh hưởng các mảng ruột bình thường.

  • Triệu chứng là những cơn đau quặn bụng ngắt quãng và tiêu chảy phân có máu.

  • Các biến chứng bao gồm viêm đại tràng tối cấp, có thể dẫn đến thủng; lâu dài, nguy cơ ung thư đại tràng sẽ tăng lên.

  • Điều trị bệnh nhẹ bằng 5-ASA qua trực tràng và đối với bệnh ở đoạn gần thì bằng đường uống.

  • Điều trị bệnh lan rộng bằng corticosteroid liều cao, liệu pháp thuốc điều biến miễn dịch (ví dụ: azathioprine, 6-mercaptopurin), thuốc sinh học (ví dụ: adalimumab, Infliximab, vedolizumab), tofacitinib, upadacitinib hoặc ozanimod.

  • Điều trị bệnh tối cấp bằng corticosteroid hoặc cyclosporine và kháng sinh (ví dụ, metronidazole, ciprofloxacin) hoặc infliximab liều cao đường tĩnh mạch; cắt đại tràng có thể cần thiết.

  • Khoảng một phần ba số bệnh nhân bị viêm đại tràng thể loét lan rộng cuối cùng cũng cần phẫu thuật.

Thông tin thêm

Tài nguyên bằng tiếng Anh sau đây có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của tài liệu này.

  1. American College of Gastroenterology: Guidelines for the management of ulcerative colitis in adults (2019)