Tiêm phòng ở trẻ em

TheoMichael J. Smith, MD, MSCE, Duke University School of Medicine
Đã xem xét/Đã chỉnh sửa Thg 07 2023

Tiêm chủng cực kì hiệu quả trong việc ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm và cải thiện sức khỏe trên toàn thế giới. Do vắc-xin, các căn bệnh nhiễm trùng từng rất phổ biến và/hoặc gây tử vong (như bệnh thủy đậu, bại liệt, bạch hầu) hiện nay rất hiếm hoặc đã được thanh toán. Tuy nhiên, ngoại trừ bệnh đậu mùa, những bệnh nhiễm trùng này vẫn xảy ra ở những nơi chưa được phục vụ về mặt y tế trên thế giới.

Để biết các tác dụng bất lợi và chi tiết về cách sử dụng các loại vắc xin cụ thể, hãy xem phần Tiêm chủng.

Lịch tiêm chủng cho trẻ em

Tại Hoa Kỳ, việc tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên tuân theo lịch trình do Ủy ban Tư vấn về Thực hành Tiêm chủng (ACIP) của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị:

Lịch trình cũng có sẵn dưới dạng ứng dụng di động miễn phí dành cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, các bác sĩ lâm sàng cần phải tham khảo các khuyến nghị của Ủy ban Tư vấn Thực hành Tiêm chủng (ACIP) dành riêng cho vắc xin có liên quan.

Hiệu quả và an toàn của vắc xin

Tiêm chủng đã có hiệu quả rất lớn trong việc phòng ngừa các bệnh lý nghiêm trọng. Với chi phí khiêm tốn (đặc biệt là so với các loại thuốc phải dùng lâu dài), vắc xin là một trong những biện pháp can thiệp y tế tiết kiệm chi phí nhất. Vắc xin có hiệu quả đến mức nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe hiện đang thực hành đã chứng kiến rất ít hoặc không có trường hợp mắc bệnh nào từng cực kỳ phổ biến và thường gây tử vong.

Do các bệnh mà vắc xin ngăn ngừa thường trở nên hiếm gặp ở Hoa Kỳ và do vắc xin được tiêm cho trẻ em khỏe mạnh nên vắc xin phải có độ an toàn cao để được bệnh nhân và người chăm sóc chấp nhận.

Trước khi được cấp phép, vắc-xin (như các sản phẩm y tế khác) được thử nghiệm trong các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (RCTs) so sánh vắc-xin mới với giả dược (hoặc vaccin đã có trước đó nếu có). Các thử nghiệm RCT trước cấp phép được thiết kế chủ yếu để đánh giá hiệu quả của vắc xin và để xác định các tác dụng phụ thường gặp (ví dụ như sốt, phản ứng tại chỗ như đỏ da, sưng và đau). Tuy nhiên, một số tác dụng phụ thường quá hiếm khi xảy ra để có thể được ghi nhận trong các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng cho đến khi vắc xin được đưa vào sử dụng thường quy. Do đó, hai hệ thống giám sát, Hệ thống báo cáo tác dụng phụ của Vacxin (VAERS) và Dữ liệu An toàn Vắc-xin (VSD), đã được thiết lập để theo dõi độ an toàn của vắc xin sau cấp phép.

VAERS là một chương trình an toàn được đồng tài trợ bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC); VAERS thu thập báo cáo từ từng bệnh nhân tin rằng họ đã gặp phải tác dụng bất lợi sau lần tiêm chủng gần đây. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng được yêu cầu báo cáo một số biến cố nhất định sau khi tiêm chủng và có thể báo cáo các biến cố ngay cả khi họ không chắc chắn các biến cố đó có liên quan đến vắc xin hay không. Các báo cáo của VAERS bắt nguồn từ khắp nơi trên đất nước và đưa ra đánh giá nhanh chóng về các vấn đề an toàn tiềm ẩn. Tuy nhiên, các báo cáo của VAERS chỉ có thể hiển thị mối quan hệ tạm thời giữa tiêm chủng và các tác dụng phụ được cho là có liên quan mà không chứng minh được nguyên nhân. Do đó, báo cáo của VAERS phải được đánh giá thêm bằng các phương pháp khác. Một phương pháp như vậy sử dụng VSD, sử dụng dữ liệu từ 13 cơ sở cung cấp kiến thức chuyên môn về lâm sàng, phương pháp và dữ liệu; 11 trang web cung cấp dữ liệu (1). Dữ liệu bao gồm thông tin tiêm chủng (ghi nhận trong hồ sơ bệnh án như một phần lịch trình chăm sóc), tiền sử bệnh lý diễn tiến, bao gồm cả các tác dụng phụ. Không giống như VAERS, VSD bao gồm dữ liệu từ cả những bệnh nhân chưa tiêm chủng cũng như đã được chủng ngừa. Do đó, VSD có thể giúp phân biệt các tác dụng phụ thực với các triệu chứng và rối loạn xảy ra ngẫu nhiên sau khi tiêm vắc xin và do đó xác định được tỷ lệ thực của các phản ứng phụ.

Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn quan tâm đến sự an toàn vắc-xin ở trẻ em và các tác dụng phụ có thể xảy ra (đặc biệt là tự kỷ). Những lo ngại này đã khiến một số bậc cha mẹ không cho con mình tiêm một số hoặc tất cả các loại vắc xin được khuyến nghị (xem Do dự tiêm vắc xin). Do đó, sự bùng phát các bệnh không thường gặp khi được tiêm chủng (như sởi, ho gà) ngày càng trở nên phổ biến ở trẻ không được tiêm chủng ở Bắc Hoa Kỳ và Châu Âu.

Tài liệu tham khảo

  1. 1. CDC: Vaccine Safety Datalink (VSD). Truy cập ngày 28 tháng 6 năm 2023.

Thông tin thêm

Sau đây là các tài nguyên tiếng Anh có thể hữu ích. Vui lòng lưu ý rằng CẨM NANG không chịu trách nhiệm về nội dung của các tài nguyên này.

  1. CDC: Vaccines: Healthcare Providers/Professionals

  2. CDC: Child and Adolescent Immunization Schedule by Medical Indication

  3. Children's Hospital of Philadelphia: Vaccine Education Center

  4. European Centre for Disease Prevention and Control (ECDC): Vaccine schedules in all countries in the EU/EEA